Phong trào Thi đua và nhiệm vụ "giáo dục lại nhân dân" của Bác
60 năm trước, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi: "Thi đua là yêu nước, Yêu nước phải thi đua”. Đó là thời điểm mà cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 vừa trải qua một thử thách lớn.
Sau 60 ngày đêm quần đảo với giặc ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội kết thúc bằng một cuộc vượt vây thần kỳ, cuộc chiến tranh vệ quốc chống đạo quân viễn chinh thực dân bước vào hình thái của một cuộc kháng chiến trường kỳ. Cũng như các chiến sĩ Nambộ rút vào bưng biền, các lực lượng vũ trang của nhà nước Việt Nam độc lập rút lên chiến khu Việt Bắc.
Thu - Đông năm 1947, thực dân Pháp tập trung 12.000 quân sử dụng mọi quân chủng được coi là tinh nhuệ nhất kể cả việc nhảy dù tập kích vào Bắc Kạn mưu giải quyết cuộc chiến tranh xâm lược bằng phương thức đánh nhanh thắng nhanh và tiêu diệt đầu não của Chính phủ kháng chiến. Mưu đồ thực dân thảm bại khi lực lượng bị tiêu hao và mục đích tiêu diệt cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến không thành.
Lời kêu gọi thi đua được phát ra trong bối cảnh đó nhằm huy động tối đa sức mạnh của nhân dân để đưa cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ đến thắng lợi cuối cùng.
Với vị Chủ tịch nước thì đây chính là một mục tiêu chiến lược và lâu dài trên cả hai mặt trân kháng chiến và kiến quốc. Để có thể “thổi lên” một cao trào thi đua mang tính quần chúng rộng rãi, Bác Hồ đã để tâm chọn người và Hoàng Đạo Thuý được mời gánh vác vai trò làm tổng thư ký.
Hoàng Đạo Thuý là một nhà giáo có danh tiếng xuất thân trong một gia đình trí thức Hà Nội từng gắn kết với phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Nhà giáo ấy lại trở thành người sáng lập và làm thủ lĩnh Hội Hướng đạo sinh Việt Nam, một tổ chức tập hợp và giáo dục thế hệ trẻ những kỹ năng sống và ý thức công dân du nhập từ các nước phương Tây nhưng Việt Nam hoá với hạt nhân là bồi dưỡng tinh thần yêu nước.
Chính những thành viên của tổ chức này đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong phong trào vận động cứu nước thời kỳ Cách mạng tháng Tám 1945.
Cũng chính vì hiểu rõ bản chất và năng lực của tổ chức này mà cuối tháng 5/1946, trước khi lên đường sang thăm Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận lời làm Hội trưởng Danh dự của Hội Hướng đạo Việt Nam .
Hoàng Đạo Thuý kể lại rằng Bác Hồ mời lên nói rõ yêu cầu cuộc vận động thi đua là vô cùng quan trọng và phải làm cho nó trở thành một phong trào của toàn dân và duy trì bền vững. Vị huynh trưởng Hướng đạo thành thật trả lời rằng đó là việc làm rất khó. Vị Chủ tịch nước cười mà rằng : “khó thì mới giao cho chú” và bảo rằng cần gì Bác cũng đáp ứng kể cả bộ máy giúp việc Chủ tịch nước nếu cần cũng có thể huy động. Lúc chia tay, Bác tặng Hoàng Đạo Thuý chiếc quạt đang cầm trên tay với lời khích lệ ý nhị: hãy dùng cái quạt này mà phất phong trào lên...
Nhắc lại chi tiết này để nhấn mạnh đến ý nghĩa sâu xa của phong trào thi đua không chỉ để mang lại những kết quả vật chất thiết thực nhằm tăng cường cho lực lượng để kháng chiến mà cái đích cuối cùng là một cuộc vận động giáo dục để xây dựng con người của chế độ mới.
Cuộc vận động thi đua yêu nước trên thực tế đã tạo nên một sức mạnh thúc đẩy cuộc kháng chiến vượt qua những gian khó tưởng chừng không thể vượt qua nổi để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Phong trào thi đua luôn đi cùng với chính sách khen thưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhắc lại cái nguyên lý mà Nguyễn Trãi đã đưa ra từ nửa thiên niên kỷ trước: “Một nhà nước mà thưởng phạt nghiêm minh và kịp thời là một nhà nước mạnh”.
Trong phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều gương mặt và đội ngũ tiêu biểu đựợc tuyên dương nhiều danh hiệu và ban tặng nhiều hình thức khen thưởng. Các đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua đều đặn được tổ chức như những cái mốc của phong trào.
Những sản phẩm của phong trào thi đua là những tấm gương của những con người bằng xương bằng thịt được Bác nâng niu chăm sóc coi đó là sản phẩm của chế độ mới và cũng là nguồn lực xây dựng chế độ mới.
Tuy nhiên, trong quan niệm của người đứng đầu nhà nước , sản phẩm của phong trào thi đua không chỉ nhằm tạo ra những điển hình tiền tiến, những con người xuất chúng, làm được những công việc phi thường mà đáng quan tâm hơn chính là tạo nên một lối sống mới của toàn xã hội trong đó ý thức thi đua được coi là một động lực cho sự phát triển. Cái khẩu hiệu mang tính định hướng “Người người thi đua, nhà nhà thi đua, ngành ngành thi đua...” phần nào đã nói lên điều đó. Bác không chỉ quan tâm đến những tấm gương lớn mà đặc biệt tìm kiếm những hình thức huy động được toàn dân và bắt đầu từ những việc làm đơn giản nhất.
Theo quan niệm của Bác thi đua là phát huy được sáng kiến của quần chúng nẩy sinh trong đời sống. Mỗi sáng kiến ấy đựơc ví như một nguồn nước, quy tụ thành những dòng suối, những dòng sông rồi chảy ra biển cả. Thi đua là làm tốt phận sự của mình tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người...Bởi thế ai cũng có thể thi đua được và nếu mọi người đều thi đua thì “ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.
Phát động trong thời kỳ đang tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng, “địch” có thể được xác định cụ thể. Nhưng với mục tiêu lâu dài, “địch” phải được hiểu một cách sâu xa là tất cả những cái gì ngăn cản sự phát triển, sự tiến bộ của xã hội của Đất nước. Vì thế ta có thể tìm thấy ngọn nguồn xấu xa và giá trị lâu dài của phong trào thi đua mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động chính là thực hiện một “nhiệm vụ cấp bách” mà vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã xác định ngay từ phiên họp đầu tiên của Chính phủ, diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Tuyên bố Độc lập.
Sau những nhiệm vụ cấp bách ai cũng có thể thấy được là: chống Nạn Đói, chống Nạn Dốt, sớm Tổng tuyển cử và có Hiến pháp Dân chủ, vị Chủ tịch nêu tiếp nhiệm vụ cấp bách thứ tư là: “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục laị nhân dân chúng ta. Chúng ta phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”. Sở dĩ như vậy là bởi vì “Chế độ thực dân đã đầu độc dân ta với rượu và thuốc phiện. Nó đã dùng mọi thủ đoạn hòng hủ hoá dân tộc chúng ta bằng những thói xấu, lười biếng, gian giảo, tham ô và nhũng thói xấu khác”.
“Giáo dục lại nhân dân” là một nhiệm vụ cấp bách vì nhân dân là một ý niệm rất chung chung mà dễ mơ hồ để bị xoá nhoà bằng một thứ chủ nghĩa “dân tuý” mà quên đi một sự thực là một chỉ qua một biến cố lịch sử như cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, một nền chính trị mới được xác lập, nhưng nhân dân vốn là những thần dân của một xã hội phong kiến từng tồn tại cả ngàn năm, những thuộc dân của một chế độ thuộc địa đã kéo dài ngót một thế kỷ không thể ngay lập tức trở thành những công dân của một xã hội mới. “Giáo dục lại nhân dân” chính là quá trình cải biến thành.
Điều đó cho thấy mục tiêu lâu dài và sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi phát động phong trào thi đua là nhằm vào mục tiêu “giáo dục lại nhân dân” để xây dựng con người mới thích hợp với thời đại mới. Phong trào thi đua phát động vào năm 1948 chính là sự tiếp nối một nỗ lực kiên trì từ phong trào “Đời sống mới”(1946). “Sửa đổi lề lối làm việc”(1947) và sau này là những cuộc vận động “quét sách chủ nghĩa cá nhân” hay “Người tốt việc tốt”...mà trực tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng.
Nhìn lại thực tế hơn 60 năm qua kể từ khi nước nhà độc lập, điểm lại những nhiệm vụ cấp bách mà vị Chủ tịch của chúng ta nêu ra thì mục tiêu “Giáo dục lại nhân dân” là khó khăn nhất và còn giang dở nhất. Nhìn vào thực tế ngày hôm nay, những thói xấu của chế độ cũ như Bác Hồ đã phân tích từ hơn 60 năm trước vẫn còn trong đời sống xã hội với những biến tướng đang ngăn cản sự phát triển của xã hội.
Phát huy phong trào thi đua yêu nước ngày hôm nay cũng chính là nối tiếp nhiệm vụ “giáo dục lại nhân dân” được khởi xướng từ năm xưa.