Phong giáo sư: Đặc cách là cần thiết!
Chưa đáp ứng các tiêu chuẩn Việt Nam, nhưng...
TSKH Ngô Bảo Châu là người từng đoạt giải Vàng Toán quốc tế và được Trường ĐH Paris Sud công nhận là GS.
Ngô Bảo Châu sinh năm 1972, hiện là giảng viên ở ĐH Paris Sud. Theo một thành viên của Hội đồng công nhận chức danh GS, cứ chiếu theo tiêu chí công nhận GS của Việt Nam thì Ngô Bảo Châu chưa đạt. Hơn nữa, anh chưa có đóng góp gì đáng kể cho sự nghiệp GD&ĐT và nghiên cứu khoa học của Việt Nam.
Nhưng trình độ xuất sắc và những thành tựu mà anh hiện có đã được một trường ĐH có uy tín công nhận. Bởi vậy, hội đồng thống nhất thông qua và đề nghị Chính phủ xem xét.
Rõ ràng trường hợp Ngô Bảo Châu đáng để chúng ta phải suy nghĩ về vấn đề công nhận người tài và tạo điều kiện cho họ được cống hiến ở độ tuổi còn sung sức. Vấn đề "xét đặc cách" đã được đặt ra từ lâu, nhưng đều bị gạt, vì đụng phải những "nguyên tắc bất di bất dịch". Thành ra có tài đến mấy cũng cứ phải tuần tự mà phấn đấu. Không ít người đã nửa đùa nửa thật tuyên bố: "Phấn đấu cả đời để trước khi nghỉ được... công nhận GS, xem như an ủi tuổi già".
Không "đặc cách" thì tuổi các GS ngày càng già!
Lần này, nếu trường hợp Ngô Bảo Châu được chấp nhận, có thể sẽ mở ra một hướng mới: Xét đặc cách chức danh GS, PGS cho những trường hợp xuất sắc.
Việc xét đặc cách là giải pháp tốt để "cải thiện" tuổi trung bình của GS, PGS Việt Nam, tạo điều kiện cho người tài đượccống hiến và có thời gian dài để tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho khoa học và giáo dục, sau khi được công nhận.
GS Nguyễn Hữu Đức, vị GS trẻ tuổi nhất Việt Nam được công nhận năm trước, cho biết: "Tôi chỉ "trẻ nhất" so với các GS Việt Nam thôi. Còn ở nước ngoài những người được phong GS ở lứa tuổi trên 30 là bình thường, không có gì là trẻ".
Chỉ nhìn vào số GS, PGS được công nhận năm nay cũng thấy rõ một điều: GS, PGS Việt Nam quá già so với các nước khác. Tuổi trung bình của các "tân" GS năm nay là 58 (gần một nửa là trên "tuổi hưu" (60 tuổi). Còn tuổi trung bình của các "tân" PGS cũng lên tới 47.
Một GS Trường Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Năm trước trường Khoa học tự nhiên có 13 vị được công nhận GS, nhiều nhất nước, nhưng thế hệ kế cận không bù được số GS cao tuổi đã hoặc sắp nghỉ hưu. Khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội có năm hàng loạt GS nghỉ hưu, nhiều người ví khoa Văn trường này giống như ngôi nhà bỗng dưng bị dỡ hết những cột trụ.
"Hạ" tuổi GS, không chỉ chờ "đặc cách"
Lý giải về việc tuổi đời GS, PGS của Việt Nam quá già, nhiều người cho rằng Việt Nam quá "cứng" khi đặt ra những nguyên tắc, tiêu chí trong việc công nhận chức danh GS, PGS. Trên thực tế, có nhiều trường hợp có đóng góp xuất sắc cho khoa học và giảng dạy, nhưng chiếu vào tiêu chí công nhận chức danh GS, PGS lại không đạt.
Ngay từ việc đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, với phương thức đào tạo hiện nay cũng khiến người học không thể linh hoạt để đến được đích cuối cùng bằng con đường ngắn nhất ( Theo quy định, để được phong PGS, GS phải có bằng tiến sĩ từ 3 năm trở lên).
Với phương thức tín chỉ, ở các trường ĐH nước ngoài, nhiều sinh viên có thể hoàn thành chương trình ĐH chỉ trong hai năm. Chỉ trong khoảng 5 - 6 năm nhiều người đã có thể có bằng tiến sĩ. Có những trường hợp xuất sắc được xét vượt cấp sau tốt nghiệp ĐH sang nghiên cứu sinh. Bởi thế, việc trở thành tiến sĩ ở tuổi ngoài 20 ở nước ngoài không có gì đáng ngạc nhiên.
Theo GS Nguyễn Hữu Đức, một số nước trong khu vực cũng có những tiêu chí công nhận chức danh GS gần như Việt Nam. Nhưng sở dĩ họ có những GS được công nhận ở tuổi còn trẻ vì họ cung cấp cho người học, người nghiên cứu khoa học những điều kiện rất tốt.
Những sinh viên khi còn học năm thứ nhất, thứ hai trong trường ĐH đã có thể thực hiện những công trình nghiên cứu khoa học quan trọng.
Ở Việt Nam thì không thế, mặc dù có những sinh viên rất xuất sắc nhưng phải đi một chặng đường dài mới có thể hoàn thành được những công trình nghiên cứu khoa học - một trong những tiêu chí để được công nhận chức danh GS.
Tại hội thảo về "y học trước các thảm họa" tổ chức tại Viện Bỏng quốc gia, nhìn thoáng qua, những GS Nhật Bản tham dự chỉ trẻ như sinh viên ĐH của ta. Cánh nhà báo bảo nhau "chắc vì người Nhật ăn nhiều cá nên trẻ lâu". Nhưng khi hỏi ra thì các vị GS này đều mới trên dưới 30 tuổi. Cái tuổi mà ở Việt Nam, nhiều người mới chỉ loay hoay với cái bằng thạc sĩ. |
Nguồn: nhandan.com.vn 15/11/2005