Phong cách Võ Chí Công
Ông Đinh Văn Niệm nguyên là Trợ lí của Chủ tịch Võ Chí Công, năm nay 83 tuổi. Vừa trải qua 2 lần mổ mật, sức khoẻ còn yếu chưa đứng dậy được, nhưng ông rất hồ hởi trong câu chuyện về người lãnh đạo mà ông có vinh dự được giúp việc tới 30 năm. Ông Niệm kể rằng, sinh trưởng trong gia đình nhà nho yêu nước, từ nhỏ Võ Chí Công chịu ảnh hưởng của nhiều chí sĩ đất Quảng và các phong trào đấu tranh chống thuế, đòi dân sinh, dân chủ. Tham gia cách mạng từ những năm 30 của thế kỉ trước, người thanh niên yêu nước Võ Chí Công luôn luôn gần dân, sâu sát thực tiễn, góp phần tích cực trong nhiều vị trí lãnh đạo phong trào ở miền Trung. Năm 1943, nhà cách mạng Võ Chí Công bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam và sau đó đưa đi đày ở Buôn Ma Thuột. Mặc dù bị tra tấn rất dã man, nhà cách mạng Võ Chí Công vẫn giữ vững khí tiết cộng sản, luôn luôn đấu tranh chống chế độ hà khắc, lao động khổ sai của nhà tù ; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng dao động của một số cán bộ, đảng viên trong tù.
Sau Cách mạng tháng 8-1945, đồng chí Võ Chí Công được phân công nhiều nhiệm vụ khác nhau ở Khu 5, nhưng trong cương vị nào cũng lập được thành tích xuất sắc nhờ phong cách gần dân, sát thực tiễn. Có thể kể ra từ việc thực hiện giảm tô, hiến ruộng đất; hay việc lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 ; cho đến việc lãnh đạo giữ vững thế trận ngay cả lúc thoái trào, rồi việc lãnh đạo chiến dịch Giải phóng Đà Nẵng năm 1975... Nhân dân Khu 5 biết nhiều về đồng chí Võ Chí Công, thường gọi với cái tên trìu mến và dễ nhớ là "ông Năm Công”.
Gần dân, sát thực tiễn là phong cách xuyên suốt gần 8 chục năm hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Ở Khu 5 thì như vậy, còn ở Nam Bộ, đồng bào, đồng chí biết đến Võ Chí Công khi ông đã trực tiếp vào các tỉnh như Tiền Giang, Bến Tre để chỉ đạo rút kinh nghiệm phong trào Đồng khởi. Và chính ông là người chỉ đạo kế hoạch giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ bị địch giam giữ tại tỉnh Phú Yên về làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Khi đất nước thống nhất, đồng chí Võ Chí Công ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Trên cương vị nào đồng chí vẫn giữ phong cách gần dân, lắng nghe mọi ý kiến để tìm ra lẽ phải, cách làm hay. Ông Đinh Văn Niệm kể tiếp, vào những năm 1980-1981 các hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc đang có nguy cơ tan rã vì cơ chế khoán đến đội sản xuất. Trước nguy cơ đó, một số hợp tác xã có sáng kiến khoán trực tiếp cho người lao động đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng phải làm "chui” vì chưa có quyết định của cấp trên. Đồng chí Võ Chí Công đã trực tiếp xuống cơ sở, đến từng nhà gặp bà con xã viên, quần xắn trên gối đi với nông dân ra ruộng, lội khắp bờ vùng, bờ thửa, gợi ý cho họ phát biểu, đúc rút kinh nghiệm, cách làm hay từ thực tiễn, nghiên cứu và tổng kết để thành chủ trương của Đảng và Nhà nước, thể hiện ở "Chỉ thị 100” của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Với tinh thần trách nhiệm cao, đồng chí đã phát biểu trước Bộ Chính trị : "Nếu cách khoán mới không đem lại hiệu quả thì tôi xin chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân”. Từ Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng sau này có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị để hoàn thiện cơ chế quản lí, mở ra bước ngoặt cho nông nghiệp nước ta.
Không chỉ trong lãnh đạo, chỉ đạo kinh tế, mà lĩnh vực nào cũng vậy, phong cách Võ Chí Công được ông Đinh Văn Niệm mô tả : "Phong cách bọn tôi học hỏi được ở anh ấy là rất sát thực tiễn. Trên cơ sở thực tiễn anh ấy quyết đoán, quyết định những vấn đề lớn và đưa lên thành chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Anh ấy rất tôn trọng ý kiến của các đồng chí khác cũng như những người giúp việc như chúng tôi, và không bao giờ ưa thích những ý kiến nói dựa theo ý kiến của anh ấy. Anh ấy muốn là ý kiến của anh ấy như thế, nhưng mọi người nên có chính kiến riêng, thể hiện bản lĩnh của mình cho rõ. Và ý kiến của bất cứ cán bộ nào anh cũng lắng nghe. Anh ấy hay nói, cái lớn nhất là chân lý, là lẽ phải".
Nhà báo Đặng Minh Phương năm nay đã 84 tuổi, là người từng hoạt động ở Khu 5 hồi đó kể lại :"Tôi làm báo ở Khu 5 nhiều năm. Trong kháng chiến chống Pháp tôi có biết anh Võ Chí Công, nhưng lúc đó thì chưa được gặp nhiều. Thời chống Mỹ tôi có thời gian phụ trách tờ báo Cờ Giải Phóng. Lúc này tôi thường được gặp anh Năm Công. Trong chiến khu thì anh ấy là một con người rất giản dị. Anh cũng trèo đèo lội suối như anh em, nói chung như tất cả mọi cán bộ thôi".
Còn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cho biết, tuy không được gần gũi và làm việc với Chủ tịch Võ Chí Công, nhưng phong cách và tư tưởng của Chủ tịch Võ Chí Công vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ tới những người làm công tác xây dựng Đảng như ông và nhiều lớp cán bộ về sau này. Ông Vũ Quốc Hùng nói : "Có một điều tôi ấn tượng khi làm cán bộ của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, đó là tại một Hội nghị Trung ương thì bác Võ Chí Công với tư cách Cố vấn Ban chấp hành Trung ương đã gửi thư đến góp ý nhiều cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng. Bác có nói một điều là đối với cán bộ làm công tác xây dựng Đảng thì việc làm trong sạch đội ngũ hết sức đáng quan tâm. Thế và bác đề nghị, đối với những cán bộ, đảng viên mà có vấn đề, trong lúc còn hoàn tất thẩm tra xác minh thì những người đó cần được chuyển sang một công việc khác, để xem xét. Bác gợi ý điều đó tôi thấy tâm đắc. Tôi cứ nhớ mãi bức thư của bác Võ Chí Công viết cho Trung ương và tôi nhớ tới bây giờ”.
Cuộc đời một thế kỉ của Chủ tịch Võ Chí Công gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, với nhiều dấu ấn không thể nào phai mờ về phong cách, tư tưởng, ý chí của một nhà cách mạng – nhà lãnh đạo hết mực trung thành, kiên định, tận tụy, không sợ hi sinh gian khổ, sẵn sàng chia sẻ mọi bất trắc, khó khăn với quần chúng và đảng viên cơ sở để đi tìm ấm no, hạnh phúc cho nhân dân./.