Phong cách học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Phong cách học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở động cơ học tập trong sáng, thái độ học tập đúng mực và phương pháp học tập khoa học, sáng tạo với phương châm lấy tự học làm trung tâm. Phương pháp đó là sự thống nhất biện chứng giữa động cơ, thái độ, nội dung và phương pháp học tập.
Theo Hồ Chí Minh việc xây dựng và thực hành thuần nhuyễn một phong cách đúng trong học tập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa tuân thủ theo những cái chung vừa thể hiện rõ nét cái đặc trưng riêng của mỗi cá nhân. Trong phong cách học tập của Người, yếu tố hàng đầu giữ vai trò định hướng đảm bảo một phong cách học tập đúng là động cơ thái độ đúng trong học tập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Muốn học tập có kết quả thì có thái độ đúng và phương pháp đúng” (1). Điều đó có nghĩa là, trước hết phải có động cơ học tập đúng. Động cơ đúng đắn trong học tập chính là việc xác định học để làm việc, để góp phần thực hiện mục tiêu, lý tưởng cao cả của cách mạng, vì Tổ quốc vì nhân dân, và vì sự tiến bộ của chính bản thân mình. Người chỉ rõ: “Học tập để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại” (2). Theo đó dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải nỗ lực, cố gắng và phải xây dựng cho mình một động cơ học tập đúng đắn; không cho phép tồn tại những tư tưởng cơ hội, vụ lợi, thực dụng, cá nhân, những biểu hiện lười học tập và ngại rèn luyện, hoặc làm đủ mọi thủ đoạn nhằm đạt kết cao trong học tập.
Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh: “Học để làm việc”, không phải để làm “ông nọ bà kia”, hay là để “làm quan cách mạng”… Đồng thời, Người cũng thẳng thắn chỉ rõ: “Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch” (3).
Động cơ chính là động lực bên trong mỗi con người được thể hiện qua hành vi, thái độ và việc làm của họ. Do đó chỉ khi nào xác định được động cơ học tập đúng đắn thì mỗi chúng ta mới có thái độ và phương pháp học tập đúng đắn và khoa học.
Thái độ đúng trong học tập, theo Hồ Chí Minh đó là: phải hết sức khiêm tốn và thật thà, không được kiêu ngạo không được dấu dốt. Người luôn nhắc nhở rằng, “không ai có thể tự cho mình là biết đủ rồi, biết hết rồi” (4). “Người nào tự cho là đã biết đủ rồi thì người đó dốt nhất” (5). Do vậy, có thể nắm bắt, tiếp thu được một cách đầy đủ nhất, nhanh chóng nhất kho tàng của nhân loại thì phải thật khiêm tốn, thật cầu thị trong học tập. Người nhấn mạnh “Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập” (6).
Ở Hồ Chí Minh, xác định đúng động cơ và thái độ học tập là yếu tố hết sức quan trọng và cần thiết. Nhưng hiện thực hoá động cơ, thái độ đó, một đòi hỏi tất yếu khách quan là phải xây dựng được phương pháp học tập đúng. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Người đã hình thành cho mình một phương pháp học tập khoa học, đó là con đường tự học, là phương châm “lấy tự học làm cốt, biết “tự động học tập””.
Theo Hồ Chủ tịch, tự học được xem như một quy luật của sự tồn tại, sự khẳng định và phát triển cá nhân; là điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển phẩm chất năng lực toàn diện của mỗi người. Trong tự học phải xác định đúng nội dung tự học: “học cái gì”, Người cho rằng nội dung tự học rất rộng lớn: học tập lí luận, chuyên môn, nghiệp vụ, văn hoá, đạo đức… Trong đó người luôn coi trọng việc học tập lí luận và việc đặc biệt quan trọng. Hồ Chí Minh viết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải học tập lí luận, phải đem lí luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lí luận, khinh lí luận và lí luận suông” (7). Bên cạnh đó Người còn nhấn mạnh việc thường xuyên tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất nhân cách và đạo đức cách mạng của mỗi cá nhân.
Đặc biệt, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: muốn học thành công phải có kế hoạch cụ thể, khoa học, phải tự nguyện, tự giác, tích cực, chủ động và kiên trì bền bỉ, quyết tâm thực hiện kế hoạch đến cùng; phải triệt để tận dụng mọi điều kiện, mọi phương tiện, mọi hình thức để học. Người cho rằng phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân. Không học ở nhân dân là một thiếu sót rất lớn” (8). Học đến đâu phải ra sức luyện tập thực hành đến đó, “học đi đôi với hành. Học mà không đi đôi với hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy” (9).
Như vậy động cơ, thái độ, nội dung, phương pháp là những thành tố cơ bản cấu thành nên phương pháp học tập. Song, phong cách học tập của Hồ Chí Minh không phải là cách lắp ghép, sự cộng lại một cách đơn giản các thành tố đó. Trái lại, phong cách của Người là sự thống nhất hữu cơ, biện chứng kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa động cơ, thái độ, nội dung, phương pháp học tập. Các thành tố cơ bản này hoà quyện, đan xen thâm nhập vào nhau, hỗ trợ và chi phối lẫn nhau trong một chỉnh thể thống nhất – Phong cách học tập Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, ở Hồ Chí Minh sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, giữa lí luận và thực tiễn, tư duy và hành động, giữa việc lựa chọn và sử dụng phương pháp học tập là một vấn đề có tính nguyên tắc. Bản thân Người đã là một tấm gương mẫu mực về xác định động cơ học tập đúng đắn, về sự cầu thị khiêm tốn trong học tập, về việc lựa chọn và sử dụng phương pháp học tập khoa học, hiệu quả theo phương châm “lấy tự học làm cốt”, tranh thủ mọi thời gian để học nhằm nắm vững và nâng cao trình độ lý luận và văn hoá, mở cánh cửa nhìn ra thế giới, thấu suốt lịch sử - văn hoá, văn minh, kho tàng tri thức của nhân loại.
Hồ Chí Minh học tập với một động cơ trong sáng và mục tiêu cao cả là tìm con đường cứu nước, cứu dân, làm cho đất nước độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Động cơ và mục đích này luôn thôi thúc Người vượt lên mọi hoàn cảnh để học tập, tiếp thu tri thức của dân tộc và nhân loại.
Điều đáng trân trọng ở Người là một thái độ khiêm tốn, đúng mực và cầu thị trong học tập. Những mẩu chuyện về thời trẻ của Hồ Chí Minh cho thấy, trong quá trình học tập, có những gì chưa hiểu, chưa rõ Người đều hỏi thầy giáo một cách rất cặn kẽ. Nếu thầy trả lời chưa rõ, Người tiếp tục hỏi nữa, hỏi đến lúc nào thấu đáo mới thôi. Người nói: hỏi thầy giáo về cái mình chưa hiểu, không hiểu như thế là cần thiết, thế mới gọi là “học hỏi”. Điều đó cho thấy, Người luôn chủ động sáng tạo trong học tập, không tiếp thu tri thức một cách máy móc xuôi chiều.
Được sự giáo dục của gia đình bằng con đường tự học, Người đã thông kinh sử nước nhà, hiểu biết cặn kẽ lịch sử thế giới, nắm chắc đông tây kim cổ, am hiểu sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin… Trên cơ sở đó, Người xác định và lựa chọn con đường cứu nước duy nhất, đúng đắn và phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử cụ thể của dân tộc Việt Nam – con đường cách mạng vô sản. Thông qua con đường tự học và hoạt động thực tiễn, tổng kết kinh nghiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến đỉnh cao của trí tuệ và văn hoá, để từ một người ra đi “tìm đường” cứu nước trở thành người dẫn đường cho cả dân tộc; từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản chân chính, một nhà văn hoá kiệt xuất của nhân loại. Tự học tập của Hồ Chí Minh đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, với kế hoạch cụ thể chặt chẽ; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai; tinh thần sáng tạo tranh thủ mọi lúc mọi nơi, mọi phương tiện và hình thức để học tập; học đến đâu ra sức luyện tập thực hành đến đó.
Phong cách học tập của Người là một cống hiến quan trọng, đóng góp to lớn vào kho tàng lí luận dạy học của nước ta; trở thành một triết lí học tập, một giá trị nhân sinh cao đẹp tiêu biểu cho trí tuệ tâm hồn và phong cách Việt Nam - rất gần gũi, dung dị mà sâu sắc; uyên bác mà dễ hiểu, dễ tiếp thu và chuyển hoá. Phong cách học tập của Hồ Chí Minh thấm nhuần triết lý hành động của phương Đông, đồng thời soi sáng bởi thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin nên rất đa dạng, phong phú, sinh động nhưng sâu sắc. Phong cách đó đã tạo cơ sở khoa học để mọi người giáo dục và tự giáo dục suốt đời để vươn lên không ngừng.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, H. 1995, tr 94.
2. 7. Hồ Chí Minh, sđd, t5, tr 684, 235.
3. Hồ Chí Minh, sđd, t8, tr 497.
4. 5. 6. Hồ Chí Minh. Về vấn đề học tập, Nxb Sự thật, H. 1997.
8. 9. Hồ Chí Minh sđd, t6, Nxb. CTQG. H. 1995, tr 52, 50.