Phát triển kinh tế sinh vật cảnh phù hợp với lợi thế của địa phương
Đó là nhấn mạnh của Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Phạm Quang Thao tại Hội thảo Phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao được tổ chức tại Tp. Sơn La, tỉnh Sơn La vào ngày 8/11.
Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu đại diện Hội Ngành nghề Nông nghiệp - Nông thôn tỉnh Sơn La, các Hội Ngành nghề Nông nghiệp cấp huyện, Chi hội Sinh vật cảnh của tỉnh Sơn La.
Toàn cảnh Hội thảo
Theo thống kê, cả nước có trên 50 nghìn ha sản xuất hoa cảnh, cây cảnh với doanh thu ước tính đạt trên 15 nghìn tỉ đồng/năm, trong đó xuất khẩu đạt 80 triệu USD/năm. Hình thành nhiều làng nghề hoa cây cảnh, vật cảnh trọng điểm nổi tiếng. Đối với tỉnh Sơn La có nhiều tiềm năng phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn và kinh tế sinh vật cảnh, trong đó thế mạnh rất lớn về phát triển hoa cảnh, cây cảnh, cây bóng mát. Hiện toàn tỉnh có 8/12 huyện, thành phố hình thành vùng sản xuất hoa tập trung, một số huyện đã thực hiện quy trình sản xuất hoa công nghệ cao và đạt hiệu quả kinh tế trên 1 tỉ đồng/ha; trên 1.000 giò lan rừng các loại ước tính hằng trăm tỷ đồng. Doanh thu hằng năm về cây sinh vật cảnh và cây bóng mát từ 42 đến 45 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam Phạm Quang Thao nhận định, Sơn La là tỉnh đi đầu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, vừa đảm bảo chống được sự xói mòn, sạt lở của địa hình, vừa đảm bảo được bài toán kinh tế, giúp người dân nhanh chóng xóa đói giảm nghèo. Từ kinh nghiệm của tỉnh Sơn La cho thấy phát triển sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cần phù hợp với điều kiện thực tế, lợi thế của từng địa phương. Các địa phương cần có những khảo sát, đánh giá cụ thể, từ đó có những chiến lược, đề án, cơ chế chính sách phù hợp phát triển kinh tế sinh vật cảnh – một lĩnh vực kinh tế đã được quy định trong Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Quang Thaophát biểu chỉ đạo Hội thảo
Theo Phó Chủ tịch Phạm Quang Thao, sinh vật cảnh cũng thể hiện nét đẹp văn hóa của từng địa phương, từng cá nhân người yêu sinh vật cảnh, người dân tâm huyết với sinh vật ảnh cũng chính là tâm huyết với việc xây dựng kinh tế địa phương, nâng tầm văn hóa của quê hương, đất nước. Trong thời gian tới, Liên hiệp Hội Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ giới thiệu chuyên gia, kết nối chuyển giao công nghệ tới các Hội Ngành nghề Nông nghiệp - Nông thôn, Chi hội Sinh vật cảnh trên địa bàn tỉnh Sơn La trong lĩnh vực phát triển cây sinh vật cảnh, cây bóng mát có giá trị kinh tế. Từ đó tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh.
Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Sơn La phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được phổ biến kiến thức về vai trò của Hội Sinh vật cảnh Việt Nam với phát triển ngành kinh tế sinh thái sinh vật cảnh; thực trạng nghiên cứu, sản xuất phát triển hoa, cây cảnh; tiềm năng phát triển và đưa ra một số giải pháp để phát triển kinh tế sinh vật cảnh góp phần nâng cao hiệu quả cơ cấu cây trồng, phát triển ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; một số điểm mới trong lĩnh vực phát triển cây cảnh, cây bóng mát trên địa bàn tỉnh Sơn La; một số chủng loại hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao; giải pháp phát triển hệ thống cây xanh trên địa bàn tỉnh Sơn La…
Đại diện Hội Sinh vật cảnh Việt Nam phát biểu
Đại diệnHội Ngành nghề Nông nghiệp-Nông thôn tỉnh Sơn La phát biểu
Tuyên truyền phổ biến kiến thức là nhiệm vụ trọng tâm của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bên cạnh nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Hiện nay, sinh vật cảnh là lĩnh vực có xu hướng phát triển tốt, chính vì vậy Liên hiệp Hội Việt Nam lần đầu tiên phối hợp với Liên hiệp Hội một số tỉnh, thành phố và Hội Sinh vật cảnh Việt Nam tổ chuỗi Hội thảo Phổ biến kiến thức phát triển cây sinh vật cảnh và cây bóng mát có giá trị kinh tế cao nhằm từng bước chuyển đổi nhận thức của người dân về lĩnh vực sinh vật cảnh nói chung và hoa, cây cảnh, cây bóng mát, góp phần phát triển sinh vật cảnh thành kinh tế sinh thái có giá trị cao. Chuỗi hoạt động này sẽ được thực hiện từ năm 2023 và sẽ có các chuyên đề phù hợp gắn với từng địa phương.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm