Phát huy tối đa sự đóng góp của các chuyên gia cho hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam
Ngày 2-12 tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức hội thảo: “Đề xuất giải pháp tập hợp, đoàn kết đội ngũ chuyên gia ngoài hệ thống tham gia hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Quang cảnh buổi hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Thư ký LHHVN Nguyễn Quyết Chiến cho biết: Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, có chức năng, tập hợp, đoàn kết, phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở trong và ngoài nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, Liên hiệp Hội Việt Nam có 3,7 triệu hội viên, trong đó có 2,2 triệu trí thức (chiếm 32,5% số trí thức của cả nước). Thời gian qua, để triển khai tốt các chức năng nhiệm vụ của mình, các tổ chức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã phải huy động, tập hợp rất nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài hệ thống. Cuộc hội thảo nhằm nhìn nhận các kết quả đạt được, những vấn đề khó khăn, bất cập trong quá trình hợp tác; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, cơ chế để tiếp tục phát huy tối đa sự đóng góp của các chuyên gia bên ngoài hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian tới...
Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến phát biểu khai mạc hội thảo
Theo ông Phạm Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam, hoạt động và sự đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, đặc biệt là đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu là yếu tố mang tính quyết định về chất lượng và sự thành công trong công tác tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những vấn đề về chủ trương, đường lối chính sách, các đề án lớn của đất nước; trong việc phát triển hệ thống tổ chức, bộ máy và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn của Liên hiệp Hội Việt Nam. Vì vậy, Liên hiệp Hội Việt Nam rất quan tâm tới đội ngũ này, nhất là lực lượng được coi là chuyên gia đang hoạt động trong hệ thống và ngoài hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam nhằm phát huy hiệu quả cao nhất sự đóng góp của đội ngũ trí thức khi tham gia vào các hoạt động của Liên hiệp Hội Việt Nam. Ông Tân đã đưa ra kiến nghị ưu tiên sử dụng chuyên gia cho 3 nội dung quan trọng, đó là: Chuyên gia tham gia vào công tác tham mưu, đề xuất và vận động chính sách của Liên hiệp Hội Việt Nam; chuyên gia tham gia tư vấn, hỗ trợ liên quan đến công tác tổ chức, nhân sự của Liên hiệp Hội Việt Nam; chuyên gia tham gia vào hoạt động hợp tác quốc tế và vận động trí thức người Việt Nam ở nước ngoài.
Nguyên Phó Chủ tịch LHHVN Phan Tùng Mậu phát biểu
Theo Nguyên PCT Liên hiệp Hội Việt Nam Phan Tùng Mậu, đối với Liên hiệp Hội Việt Nam việc thu hút và sử dụng chuyên gia ngoài hệ thống là vấn đề rất khó. Bỡi lẽ, Liên hiệp Hội Việt Nam là tổ chức có chức năng tập hợp lực lượng trí thức chuyên gia của cả nước, có đầy đủ chuyên môn sâu ở trong tất cả các lĩnh vực, ngành nghề trong cả nước, trong đó có rất nhiều chuyên gia đầu ngành ở nước ta. Tuy nhiên, có những ngành, những vấn đề cần có sự tham gia của các chuyên gia ngoài hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.
Vì vậy, theo ông Phan Tùng Mậu Liên hiệp Hội Việt Nam cần phải có kế hoạch “4 Xây” đó là: Xây dựng kế hoạch nhiệm vụ cần thu hút và sử dụng chuyên gia; Xây dựng ngân hàng dữ liệu về chuyên gia; Xây dựng các hình thức thu hút và sử dụng chuyên gia; Xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút và sử dụng chuyên gia.
Đề xuất giải pháp tập hợp đoàn kết và sử dụng đội ngũ chuyên gia trong nước tham gia vào các lĩnh vực hoạt động trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm Lý - Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Phú cho rằng, Liên hiệp Hội Việt Nam cần quan tâm phối hợp tốt với các Hội thành viên trong các hoạt động nghề nghiệp; chủ động có nhiều sáng kiến, sáng tạo về hình thức, phương thức phối hợp, hình thành các Câu lạc bộ trí thức – nơi giao lưu, tư vấn, phản biện đề xuất các giải pháp tháo gỡ các vấn đề nổi cộm trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội - công nghệ - giáo dục và đào tạo… của đất nước; thực hiện tốt chiến lược “chiêu hiền đãi sĩ” và phát huy tối đa cơ chế dân chủ, công khai, minh bạch, công bằng trong việc phát hiện các trí thức, chuyên gia cho xây dựng đất nước trên tất cả các lĩnh vực.
Đại biểu phát biểu tại hội thảo
Cũng tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần chú trọng đến cơ chế, chính sách đãi ngộ trí thức; tổ chức nhiều hoạt động, đặc biệt là hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội và hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức KHCN với mục đích kết nối trí thức tham gia, đóng góp ý kiến nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…
Kết thúc hội thảo, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Việt Nam Nguyễn Quyết Chiến cảm ơn các ý kiến đóng góp để cơ quan có các giải pháp nhằm tiếp tục phát huy tối đa sự đóng góp của các chuyên gia bên ngoài hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trong thời gian tới.