Đồng chí Phan Diễn phát biểu chỉ đạo Đại hội Thưa các đồng chí và các bạn, Hôm nay, chúng ta vui mừng dự Đại hội đại biểu lần thứ V của Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam. Thay mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tôi xin gửi tới các vị đại biểu lời chào thân ái; nhiệt liệt chào mừng Đại hội của Liên hiệp hội - một tổ chức chính trị-xã hội quan trọng, đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà. Xin chúc Đại hội thành công tốt đẹp. Thưa các đồng chí, Từ sau Cách mạng tháng Tám tới nay, đội ngũ trí thức nước ta đã không ngừng phát triển. Từ chỗ chỉ có vài chục người có trình độ cao đẳng, đại học trước năm 1945, đến nay, chúng ta đã có 1,8 triệu người, trong đó có 16 nghìn thạc sĩ, 14 nghìn tiến sĩ và tiến sĩ khoa học, hoạt động trong hơn 1000 tổ chức khoa học và công nghệ thuộc các trường đại học, cao đẳng, bộ, ngành, địa phương, Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam và các tổ chức độc lập khác. Với lòng yêu nước nồng nàn và tâm huyết phục sinh đất nước, xây dựng đất nước giàu mạnh, đội ngũ trí thức nước ta đã có nhiều hi sinh, đóng góp to lớn trong cách mạng và kháng chiến, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta đánh thắng các kẻ thù xâm lược, giành lại độc thống nhất hoàn toàn cho đất nước, đưa cả nước đi lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn mới, trí thức nước ta lại đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành và thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với những nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn quân, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và đáng khích lệ trên con đường phát triển đất nước nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dần chủ, văn minh. Tuy nhiên, con đường đi lên, bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, vẫn còn rất nhiều thách thức, chông gai ở phía trước. Nhiều vấn đề về lí luận cần tiếp tục được nghiên cứu, làm sáng tỏ như: bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với thực tiễn Việt Nam; vấn đề rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hướng tới kinh tế tri thức; hội nhập quốc tế nhưng giữ vững độc lập tự chủ, chế độ chính trị và phát triển được văn hóa dân tộc; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới; chống tham nhũng và làm lành mạnh hóa xã hội… Trên tầm vĩ mô của cả nước cũng như ở mọi ngành, mọi lĩnh vực, từng khu vực, từng cộng đồng dân cư, cho đến từng đơn vị kinh tế, xã hội đều có những vấn đề thực tiễn phong phú, sinh động và bức xúc đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu và giải quyết. ở thời đại thông tin phát triển nhanh nhạy và đồ sộ như ngày nay, ở thời đại mà khoa học, công nghệ đang tiến như vũ bão và đang ngày càng trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp như hiện nay, thì việc nghiên cứu và giải quyết có hiệu quả những vấn đề nói trên đòi hỏi phải huy động sức mạnh trí tuệ của toàn dân tộc, đặc biệt là trí tuệ của đội ngũ trí thức, phải chăm lo tạo điều kiện để phát triển đội ngũ trí thức cả về số lượng và chất lượng; phổ biến và vận dụng rộng rãi những tri thức, những thành tựu khoa học-công nghệ tiến bộ của thời đại. Không làm được điều đó thì chắc chắn là chúng ta không thể rút ngắn được quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không thể hội nhập thắng lợi, không thể khắc phục được nguy cơ tụt hậu xa hơn so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta xem phát triển khoa học công nghệ cùng với giáo dục đào tạo là quốc sách, coi trọng vai trò to lớn và ngày càng quan trọng của đội ngũ trí thức, trân trọng những đóng góp xứng đáng của đội ngũ trí thức nước nhà đối với đất nước, đang cố gắng huy động ngày càng lớn hơn nguồn lực của Nhà nước và toàn xã hội cho phát triển các lĩnh vực này, đồng thời quan tâm xây dựng những cơ chế, chính sách thích hợp để phát huy dân chủ, khuyến khích tài năng, tạo thuận lợi để đội ngũ trí thức nước ta sáng tạo, cống hiến, phát huy đầy đủ hơn nữa những tiềm năng của mình (mà hiện nay chúng ta còn bỏ phí rất nhiều) đóng góp cho xã hội. Thưa các đồng chí, Đại hội IX của Đảng đã nhấn mạnh “động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, liên minh này là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân. Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam là tổ chức chính trị-xã hội đại diện cho đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, là một trong những mắt xích quan trọng của liên minh này. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò và vị trí của Liên hiệp hội ngày càng quan trọng. Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về Liên hiệp hội. Ban Bí thư (khóa IX) đã nghe kiểm điểm việc thực hiện Chỉ thị này và thấy rằng cần phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị trên, nên đã ban hành Thông báo số 145/TB-TW, trong đó đã nhấn mạnh một số điểm để Liên hiệp hội, các cấp ủy, Ban Cán sự Đảng, Chính phủ và các cơ quan chức năng lưu ý thực hiện. ở đây, tôi chỉ nhấn mạnh một số điểm sau : 1- Liên hiệp hội, dù ở Trung ương hay địa phương, đều là một tổ chức chính trị-xã hội chịu sự lãnh đạo của Đảng. Cho nên các cấp ủy đảng phải có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động của Liên hiệp hội. Chúng ta phải xây dựng Liên hiệp hội thành tổ chức vững mạnh về chính trị- tư tưởng và hoạt động có hiệu quả. Tránh dựng nên một cách hình thức, phó mặc để Hội hoạt động. Các cấp ủy cần định kì làm việc với Liên hiệp hội để chỉ đạo về tổ chức, góp ý kiến về định hướng công tác của Hội, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để Hội hoạt động có hiệu quả, thuận lợi, thực hiện tốt chức năng của Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam, nhất là làm tốt việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với những đường lối, chủ trương lơn, những dự án phát triển của đất nước; phổ biến kiến thức khoa học kĩ thuật, thúc đẩy công tác nghiên cứu và các hoạt động ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ. Những nơi chưa có tổ chức Liên hiệp hội mà điều kiện lập Liên hiệp hội đã chín muồi thì các cấp ủy cần sớm xúc tiến thành lập. ở Trung ương, đã thành lập Đảng đoàn Liên hiệp hội. Đảng đoàn có trách nhiệm chỉ đạo hoạt động của các hội thành viên ở Trung ương để các chủ trương, nghị quyết của Đảng được thực hiện, nhất là những chủ trương, nghị quyết về các vấn đề liên quan tới giáo dục-đào tạo, khoa học công nghệ, chăm sóc sức khỏe, sử dụng, đãi ngộ trí thức v.v… Những vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện, Đảng đoàn cần báo cáo và đề xuất, kiến nghị kịp thời với Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban Cán sự đảng, Chính phủ để tháo gỡ. Liên hiệp hội nên bàn với các cơ quan nhà nước và các tổ chức, đoàn thể có liên quan, xây dựng quy chế phối hợp để các hoạt động của Hội có cơ chế thực hiện thuận lợi. 2- Thời gian gần đây, Liên hiệp hội đã phát triển mạnh về tổ chức. Hiện nay đã có 92 hội thành viên, trong đó có 56 hội ngành Trung ương và 36 Liên hiệp hội địa phương (cấp tỉnh), thu hút hơn 40 vạn trí thức. Như vậy gần 1/2 tỉnh, thành chưa có Liên hiệp hội, nhiều trí thức chưa tham gia hoạt động hội, nhất là trí thức trẻ, trí thức trong các doanh nghiệp. Liên hiệp hội cần tiếp tục thu hút các lực lượng này tham gia vào hoạt động của Liên hiệp hội. Ngoài ra, Liên hiệp hội cần thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia hoạt động của hội, đóng góp cho đất nước. Chúng ta còn thiếu cơ chế mở, có hiệu quả để lôi cuốn trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước. Có những người tâm huyết muốn đóng góp với đất nước nhưng bị hàng rào hành chính cản trở, vấn đề này Đảng đoàn Liên hiệp hội cần nghiên cứu tình hình thực tế để đề xuất những kiến nghị thiết thực với Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm tháo gỡ những vấn đề cụ thể nói trên theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Tổ chức mở ra nhanh thì phải chú ý tới củng cố tổ chức, nhưng không vì thế mà dừng phát triển. Tham gia hội có những trí thức đã nghỉ hưu, có những trí thức trẻ, có người làm việc trong cơ quan Nhà nước, có người hoạt động tự do. Hội phải thực sự tập hợp rộng rãi đội ngũ trí thức trên cơ sở Điều lệ hội. Những người lãnh đạo Hội phải bằng cái tâm trong sáng mà lôi cuốn mọi người khác, trước hết là mọi nhà khoa học hoạt động cho Hội. Cho nên phương thức hoạt động của Hội phải đa dạng và phong phú. 3- Trong thời gian tới các đồng chí cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương thức hoạt động hội. Liên hiệp hội cần bám lấy thực tiễn cuộc sống, dựa vào các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình đã được qui định trong Điều lệ, để tìm ra được những cách làm phù hợp, có hiệu quả. Tôi tin rằng trí tuệ của tập thể đội ngũ trí thức sẽ giúp cho lãnh đạo Liên hiệp hội chọn lựa những vấn đề cần làm và tìm cách giải quyết chúng một cách có hiệu quả. Đảng ta đang chuẩn bị Đại hội X, từ nay đến Đại hội chỉ còn hơn một năm nữa. Việc chuẩn bị Đại hội X và phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm 2001-2005 đang đặt ra nhiều vấn đề cần nghiên cứu giải đáp. Liên hiệp hội cần chủ động chọn lựa vấn đề, tập hợp trí thuệ của đội ngũ trí thức đóng góp với Trung ương. Trung ương rất trân trọng ý kiến đóng góp của các đồng chí. Việc thì nhiều, miễn là chúng ta biết lựa chọn và tổ chức thực hiện. 4- Liên hiệp hội ở Trung ương đã thành lập được trên 20 năm, nhưng Liên hiệp hội địa phương có nơi mới thành lập. Đây là tổ chức chính trị-xã hội chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng và làm một tổ chức quan trọng của đội ngũ trí thức. Do đó, cần có sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền để cho tổ chức này lớn mạnh. Các cấp ủy đảng cần chỉ đạo chính quyền thực hiện thật tốt Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII và Thông báo số 145-TB/TW của Ban Bí thư khóa IX về Liên hiệp hội. Thưa các đồng chí, Chúng ta đang ở những năm thập niên đầu của thế kỉ XXI. Đó là thế kỉ mà loài người đang bị lôi cuốn vào một cuộc cách mạng công nghệ cao, làm biến đổi cuộc sống và thay đổi tư duy của chúng ta trên nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, cơ sở vật chất của nước ta đang còn yếu kém. Nếu cứ tuần tự phát triển, chúng ta không thể đuổi kịp các nước. Chúng ta phải có cách đi thích hợp, biết chọn những khâu đột phá để tạo nên những bước phát triển nhảy vọt như Đại hội IX đã định hướng. Điều đó phụ thuộc vào trí tuệ của con người Việt Nam. Chúng ta phải đẩy mạnh việc nâng cao mặt bằn dân trí của nhân dân, đẩy mạnh trí thức hóa công nông, nhanh chóng xây dựng một đội ngũ trí thức hùng mạnh, chủ động và tích cực hội nhập để tiếp cận và tiếp thu những thành tựu khoa học-công nghệ bao gồm cả khoa học xã hội của thế giới và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, nhưng yếu tố quyết định nhất là phải phát huy năng lực nội sinh của dân tộc, của đội ngũ trí thức nước nhà. Trước những nhiệm vụ lớn lao như vậy, hoạt động của Liên hiệp hội cần nâng lên tầm cao mới để xứng đáng là tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức khoa học-công nghệ Việt Nam, đáp ứng với sự mong đợi của nhân dân cả nước, của kiều bào ở nước ngoài. Xin chúc Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Việt Nam trong nhiệm kì mới phát triển vững mạnh, hoạt động sôi nổi hơn, có hiệu quả hơn, đóng góp xứng đáng hơn nữa vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta, đưa đất nước ta ra khỏi tình thạng nước nghèo, kém phát triển vào năm 2010 và cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, vững bước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Nghị quyết Đại hội IX của Đảng đã đề ra. Chúc các đồng chí và các bạn năm mới sức khỏe, hạnh phúc, nhiều tiến bộ và thành công mới. Xin cảm ơn! |