Pháp luật đất đai đối với công trình ngầm
1. Khái quát về quy định của pháp luật đất đai đối với công trình ngầm
Quy định của pháp luật đất đai đối với việc sử dụng đất dưới mặt đất(chưa gọi là công trình ngầm) như sau:
- Luật Đất đai năm 2003, tại khoản 2 Điều 97 về đất xây dựng các công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn và khoản 1 Điều 107 về nghĩa vụ của người sử dụng đất, có quy định:
+ Việc sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải bảo đảm kết hợp khai thác cả phần trên không và trong lòng đất, bố trí kết hợp các loại công trình trên cùng một khu đất nhằm tiết kiệm đất và phải tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan về bảo vệ an toàn công trình.
+ Người sử dụng đất có các nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đấtvà chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật.
- Nghị định số 41/2007/NĐ-CP ngày 22 tháng 03 năm 2007 của Chính phủ về xây dựng ngầm đô thị, tại Điều 2, có quy định:
+ Công trình ngầm đô thị là những công trình được xây dựng ngầm dưới đất tại đô thị bao gồm công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm; công trình giao thông ngầm; công trình công cộng ngầm và phần ngầm của các công trình xây dựng. Trong đó:
Công trình hạ tầng kỹ thuật ngầmbao gồm các công trình đường ống cấp nước, cấp năng lượng, thoát nước; công trình đường dây cấp điện, thông tin liên lạc, hào, tuynel kỹ thuật và các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật được xây dựng ngầm.
Công trình giao thông ngầmlà công trình phục vụ giao thông được xây dựng dưới mặt đất.
Công trình công cộng ngầmlà công trình phục vụ hoạt động công cộng được xây dựng dưới mặt đất.
Phần ngầm của các công trình xây dựngbao gồm tầng hầm (nếu có) và các bộ phận của công trình xây dựng nằm dưới mặt đất.
- Không gian ngầm đô thịlà không gian được tạo ra dưới mặt đất để sử dụng cho mục đích xây dựng công trình ngầm đô thị;
- Quy hoạch xây dựng ngầm đô thịlà việc tổ chức không gian xây dựng dưới mặt đất nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả không gian ngầm đáp ứng các nhu cầu phát triển đô thị.
Điểm lưu ý trong nội dung trên đây là phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 41/2007/NĐ-CP chỉ quy định đối với việc xây dựng công trình ngầm mà không quy định về sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm. Từ đó thấy rằng, ngoài các quy định trên đây, pháp luật về đất đai từ trước đến nay không có quy định nào khác về sử dụng đất dưới lòng đất (hay sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm). Nguyên nhân chủ yếu là nước ta chưa có trường hợp nào sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm nên chưa có yêu cầu của pháp luật điều chỉnh.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đất đai với công trình ngầm sẽ là các công trình ngầm mà không phải là phần ngầm của các công trình trên mặt đất
2. Về thực trạng, giải pháp quản lý và sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm
![]() |
Hiện nay tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã phát sinh nhu cầu sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm như đường tàu điện ngầm, đường hầm, bãi để xe ngầm độc lập không gắn với công trình trên mặt đất… nhưng địa phương hầu như chưa biết giải quyết thế nào trước các nhà đầu tư đối với các trường hợp này.
Khi soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Đất đai năm 2003, Tổ soạn thảo đã đề xuất bổ sung quy định về sử dụng đất đối với công trình ngầm (bổ sung Điều 93a) như sau:
“Điều 93a, quản lý, sử dụng hoặc sở hữu công trình ngầm dưới mặt đất
1. Công trình ngầm là công trình được xây dựng dưới mặt đất mà không ảnh hưởng đến việc sử dụng trên mặt đất, được Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư xây dựng,
2. Nhà nước thực hiện việc cho thuê mặt bằng để đầu tư xây dựng công trình ngầm. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc cho thuê mặt bằng để đầu tư xây dựng công trình ngầm.
3. Các quy định về quản lý nhà nước đối với các công trình ngầm: quyền và nghĩa vụ của người được Nhà nước giao quản lý, sử dụng hoặc sở hữu công trình ngầm được thực hiện tương ứng đối với các công trình trên mặt đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều này.
4. Người được Nhà nước giao quản lý, sử dụng hoặc sở hữu công trình ngầm có trách nhiệm thực hiện các quy định về quản lý nhà nước tương ứng như đối với người được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất hoặc sở hữu công trình trên mặt đất và phải tuân thủ các quy định về quản lý, sử dụng, sở hữu về công trình ngầm.
5. Người được Nhà nước giao sử dụng hoặc sở hữu công trình ngầm được cấp giấy chứng nhận theo quy định của Luật này. Trong đó, giấy chứng nhận phải ghi rõ công trình ngầm.
Chính phủ hướng dẫn về việc xác định nghĩa vụ tài chính đối với công trình ngầm.
Tuy nhiên, trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003 chưa xây dựng xong, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước mắt chủ trì cùng các Bộ, ngành tiến hành rà soát toàn bộ các văn bản thi hành Luật Đất đai và đề xuất với Chính phủ sửa đổi tháo gỡ các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Ngày 09 tháng 3 năm 2009, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và ngày 03 tháng 6 năm 2009, Chính phủ đã thông qua Nghị định này (đến nay chưa ban hành). Trong đó, đối với công trình ngầm có quy định như sau:
Điều 37. Sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm
Việc sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm (không phải là phần ngầm của công trình xây dựng trên mặt đất) theo quy định sau:
1. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm. Người được sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm ký hợp đồng thuê với Sở Tài nguyên và Môi trường.
2. Đơn giá thuê đất để xây dựng công trình ngầm không quá 30% đơn giá thuê đất trên bề mặt có cùng mục đích sử dụng.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế tài chính và quản lý, sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Ý kiến đề xuất về quản lý nhà nước đối với công trình ngầm
Với quy định trên đây, trước mắt mới xử lý được một phần vướng mắc mang tính cục bộ, giải quyết tình thế mà hàng loạt vấn đề phát sinh mới đòi hỏi phải có pháp luật điều chỉnh đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm, như: Quy hoạch sử dụng đất/ quy hoạch không gian đối với các công trình ngầm như thế nào? Giá đất để giao, cho thuê như thế nào? Tính tiền giao (thuê) theo mặt bằng (mặt cắt ngang vuông góc với trục Trái đất) hay theo khối không gian sử dụng; sử dụng đất ở độ sâu so với mặt đất là bao nhiêu và sâu vào trong lòng đất tối đa là bao nhiêu? Quản lý của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (sở hữu công trình) đối với công trình ngầm như thế nào…
Sau khi Tổ soạn thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003 làm việc với chuyên gia của Australia về công trình ngầm cho thấy rằng, để giải quyết các vấn đề quản lý và sử dụng đất đối với công trình ngầm, trước hết, Việt Nam cần phải xây dựng Luật về công trình ngầm, đồng thời đáp ứng tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.