Ông Ích Khiêm một danh tướng nặng lòng vì nước
Năm 15 tuổi ông thi đỗ cử nhân khoa Đinh Mùi niên hiệu Thiệu Trị thứ 7 (1847), xếp thứ 14 trong tổng số 46 người thi đỗ cùng khoa.
Không rõ ông khởi đầu quan trường từ khi nào, chỉ biết công việc đầu tiên của ông là ở Nội các, sau chuyển ra làm tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Vì cương trực lại nóng nảy, trong lúc đương nhiệm có lần ông đánh một viên chánh tổng và một cố đạo ỷ có thế lực càn quấy dân lành, bị chúng cấu kết với nhau vu khống với triều đình khiến ông bị cách chức.
Gần đây có những tác giả cho rằng ông tham gia trong trận chiến đầu tại Đà Nẵng 1858-1860 với trận đánh bằng trái mù u nổi tiếng. Nhưng các cuốn sách chính sử chính thống của triều Nguyễn không thấy nói đến điều này.
Trong lúc triều đình Huế còn đang phải đối phó với thực dân Pháp ở trong Nam , thì tại các tỉnh phía Bắc tàn quân của Thái Bình Thiên Quốc bị nhà Thanh đàn áp mạnh phải chạy sang xin nương nhờ. Nhưng rồi số này dần dần biến chất, trở thành thổ phỉ và tự phân hoá thành quân Cờ trắng, quân Cờ vàng và quân Cờ đen, không chỉ tiêu diệt lẫn nhau mà còn ra sức cướp phá, tàn sát nhân dân ta, gây nên sự bất ổn ở các tỉnh biên giới.
Ông Ích Khiêm liền xin triều đình cho mộ hơn 600 binh đi đánh dẹp. Đánh thắng giặc ông được phục lại chức tri huyện, sung Vệ hiệp quản chiến sĩ, rồi lại được thăng lên tri phủ, sung đốc binh. Tiếp đến, ông lại cầm quân đánh thắng bọn hải tặc ở đồn Quỳnh Lâu và Yên Trì, lấy lại thành phủ Hải Ninh, được thăng lên chức thị độc, sung tán tương rồi cất lên chức Hồng lô tự khanh, biện lý bộ Lễ.
Năm 1867 ông được Tự Đức bạt bổ thị lang bộ Binh. Gặp lúc tướng phỉ Trung Quốc là Vi Tái Thọ quấy nhiễu vùng Bắc Ninh, Lạng Sơn, tổng đốc Ninh Thái là Phạm Chi Hương cùng quan tỉnh Lạng Sơn phải tâu về triều đình xin điều thêm quân lên trấn áp. Vua Tự Đức cho Ông Ích Khiêm sung chức khâm phái Bắc Ninh tiễu phủ sứ, sai đi đánh dẹp. Bắt được đầu mục của giặc, Ông Ích Khiêm lại được vua Tự Đức giao tiếp làm khâm phái Ninh Thái (cả Bắc Ninh và Thái Nguyên) cùng đề đốc Nguyễn Hữu Thân và lãnh binh Lê Quang Nhung đem quân tinh nhuệ rút từ quân thứ Bắc Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình đi đánh dẹp các toán quân thổ phỉ khác. Vì nóng lòng muốn đánh thắng ngay trong một trận nên trong kế hoạch dàn binh bố trận có bị sơ suất. Ông Ích Khiêm bị thương nặng, tuy bị triều đình quở trách, giáng xuống quan lộc tự khanh, nhưng lại được Tự Đức an ủi “ Nên điều trị gấp, mau chóng đi đánh giặc để thu công hiệu giúp đỡ, chớ vì thua một trận mà tự nản” (3).
Bị quân triều đình nhà Thanh đánh gấp, quân của tướng Ngô Côn tràn hết sang Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, xuống cả Thái Nguyên. Tình hình biên giới trở nên hết sức nguy cấp. Triều đình Huế phải đưa một loạt quan tướng lên chống đỡ, lại để cho quân nhà Thanh vượt biên giới sang tiễu trừ tàn quân của Ngô Côn và chấp nhận lấy lương thực, tiền bạc của dân nuôi cánh quân nhà Thanh này. Trước hiện tình đất nước như vậy, Ông Ích Khiêm có làm một bài thơ vừa chê trách các quan tướng không đủ sức gánh vác trách nhiệm, vừa có ý nhắc nhở triều đình về chủ trương trên có thể dẫn đến nguy cơ mở cửa biên giới cho quân Thanh thực hiện ý đồ chiếm cứ, đồng hoá dân ta.
Nguyên bài thơ như sau:
Áo chúa cơm vua đã bấy lâu,
Đến khi có giặc lại thuê Tàu,
Từng phen võng giá mau chưn nhảy,
Đến bước chông gai thấy mặt đâu!
Tiền bạc quyên hoài dân xác mướp
Trâu dê ngày hiến đứa răng bầu!
Ai ơi! hãy chống trờiNamlại
Kẻo nữa dân ta phải cạo đầu!
Ông Ích Khiêm được sung chức tán lý Lạng Bình quân thứ (Lạng Sơn, Cao Bằng), nhận nhiệm vũ hợp cùng bố chánh, án sát, quyền chưởng tổng đốc Ninh Thái đem quân đi dẹp giặc. Quân của ông thắng lớn ở Thất Khê, trong một buổi đã đốt được đồn giặc hơn 30 sở, rồi tiến lên giải vây cho đồn Lạc Dương, lấy lại tỉnh Cao Bằng. Vì quân lính dưới quyền lẻn đi càn quấy trong dân, Ông Ích Khiêm bị triều đình hạch tội “bộ biền thiêu lược” (quân lính ra đánh giặc lại đối nhà cướp của nhân dân), xử ông tội đồ, nhưng cho được mộ quân nghĩa dũng để tòng chinh.
Năm 1869 giặc Ngô Côn lại tràn xuống vây tỉnh thành Bắc Ninh. Được tin báo, Ông Ích Khiêm đem quân từ huyện Kim Anh (Cao Bằng) đang đêm tiến gấp xuống giải vây. Tướng giặc Ngô Côn bị bắn chết tại trận. Nghe tin thắng trận, Tự Đức liền cho ông phục lại chức bố chánh, sung tán lý và thưởng thêm một đồng kim tiền “Vạn thế vĩnh lại” (muôn đời nhớ mãi). Liền ngay sau đó, Ông Ích Khiêm thúc quân đánh gấp tàn quân giặc còn ở Bắc Ninh rồi thừa thắng tiến thẳng lên Sơn Tây. Từ Sơn Tây ông lại đem quân về tiễu phỉ ở Phú Bình, giải vây cho quân triều đình tại Thái Nguyên.
Năm 1871, Ông Ích Khiêm đánh thẳng thổ phỉ ở mạn Đông Triều, được thăng thụ thị lang bộ Binh, gia thêm hàm hữu tham tri, đổi làm tham tán quân thứ Sơn Tây. Năm 1872 triều đình cho hợp cả ba đạo quân Sơn, Hưng, Tuyên (Lạng Sơn, Hưng Hoá, Tuyên Quang) làm một, giao cho Đào Trí làm tổng thống quân thứ trực tiếp giữ những nơi xung yếu ở Tuyên Quang. Ông cùng Tán tương Nguyễn Dy phá tan sào huyệt giặc ở Quán Tư, lấy lại huyện Trấn Yên. Sau vì bị khâm mạng Nguyễn Tri Phương và thống đốc Hoàng Tá Viêm đàn hặc về tội trong hiệp đồng tiễu phỉ “ tiến hay ngừng tự ý, không tuân tướng lệnh”, ông lại bị cách chức, giao cho quân thứ Tuyên Quang. Gặp lúc bị bệnh, ông xin về quê nghỉ dưỡng. Nhưng chỉ một năm sau ông được người đồng liêu là Phạm Phú Thứ đang chức tổng đốc Hải Dương xin vua Tự Đức cho phục lại chức tán tương quân thứ Bắc Ninh. Liền sau khi được phục chức, ông cầm quân liên tiếp đánh bại các toán quân thổ phỉ ở Vĩnh Tường, Cổ Loa, Ba Bể.
Năm 1882, Ông Ích Khiêm được vua Tự Đức cho phục lại chức hồng lô tự khanh, biện lý bộ Hộ. Ở cương vị mới này, ông đã dâng sớ lên Tự Đức trình bày về kế sách khai mỏ, đúc tiền, lập trường diễn võ làm cho nước mạnh dân giàu, được Tự Đức thăng thị lang, sung tham lược kinh kỳ hải phòng coi đắp các đồn. Lại vì nóng lòng muốn làm cho chóng xong công việc nên ông bị quở trách về tội ép dân lao động quá mức, bị giáng xuống chức chủ sự. Sau đó ít lâu ông lại được phục hàm thị giảng tham biện phòng vụ. Đến khi đồn Cửa Thuận An không giữ được, Ông Ích Khiêm thu hơn 700 quân rút về bến Nam Phổ, vì trên đường lui quân liên tiếp gióng trống hiệu nên lại bị triều đình quở trách, đổi sang chức biện lý bộ Lễ.
Về phía triều đình Huế, ngay sau khi mất cửa Thuận An, Hiệp Hoà đã vội ký hiệp ước Quý Mùi ( 25-8-1883) đầu hàng quân Pháp. Việc làm này gây nên sự phản ứng mạnh mẽ trong nhân dân và quan lại, sĩ phu khắc cả nước. Tình thế buộc Ông Ích Khiêm phải cùng Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế Hiệp Hoà, đưa Ưng Đăng lên ngôi (tức Kiến Phúc). Vì có công nghinh lập, ông được Kiến Phúc thăng thụ chức thị lang và tấn phong tước Kiên Trung Nam . Tháng 5 năm 1884 ông đưa 50 lính đi kiểm tra sơn phòng Dường Yên (giáp giữa 2 xã Trà Dương và Tiên Anh của hai huyện Trà My, Tiên Phước của tỉnh Quảng Nam hiện nay), trên đường ông có ghé về quê nhà nên bị ngự sử Đào Hữu Ích đàn hặc về tội tự tiện đưa binh mã giao thông với phủ đệ. Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nhân cơ hội này liền cách chức, bắt ông đày vào ngục Bình Thuận.
Trên đường đi đầy, Ông Ích Khiêm có làm bài thơ nôm xem khinh những kẻ rắp tâm ám hại mình và tỏ ý hăm doạ:
Mình ốc mang rêu rửa sạch ai
Rung cây nhát khỉ thoái quen hoà
Mèo quào phên đất chi khờn sức
Sứa nhảy qua đăng mới gọi tài.
Khó nỗi đem tơ ràng vó ngựa
Dễ đâu lấy thúng úp mình voi
Truông qua chưa khỏi đừng khinh khái (cọp)
Chim sổ lồng ra để đó coi!
Không chịu nhục, sau khi đã viết xong bản di chúc để lại cho gia đình, ông tự vẫn bằng độc dược vào ngày 19 tháng 7 năm Giáp Thân 1894, hưởng dương 52 tuổi.
Ông Ích Khiêm quả là một chiến tướng tài danh, đã lập nhiều chiến công lẫy lừng nhưng lại đến 8 lần bị cách chức, có tới hai lần bị bắt giam, chỉ 6 lần được phục chức (lần cuối cùng được truy phục hàm thị độc vào đầu niên hiệu Hàm Nghi, một năm sau ngày ông mất).
Ông còn là người có đầu óc canh tân, từng đề xuất việc làm cho nước mạnh dân giàu. Đối với quê nhà ông cũng để lại nhiều công đức. Trong thời gian về nghỉ dưỡng ở quê, ông vận động nhân dân đắp đập lấy nước tưới cánh đồng La Hong, mở rộng thêm cánh đồng Phú Hoà, khai hoang vùng Bàn Thạch (Duy Xuyên), đắp đường liên xã từ bến đò Phong Bắc qua đình Phong Nam, từ Tân An và Nam Trạch, từ Đông Hoà đi Bàn Câu (4).
Con cháu Ông Ích Khiêm đều là những người khẳng khái, yêu nước thương dân. Hai người con trai là Ông Ích Kiềng, Ông Ích Thiện đều tham gia chiến đấu dưới cờ Nghĩa hội của Trần Văn Dư và Nguyễn Duy Hiệu. Cháu nội ông là Ông Ích Mắng và Ông Ích Đường cũng hy sinh trong vài trò người lãnh đạo phong trào chống sưu thuế tại Hoà Vang. Ngày nay nhân dân địa phương vẫn còn lưu truyền câu nói bất hủ của Ông Ích Đường với quân thù: “Giết Đường này sẽ có trăm nghìn Đường khác. Bao giờ hết mía mới hết đường!”.
________________
(1) Gia phả ghi ông sinh năm 1828, nhưng căn cứ theo ĐạiNamchính biên liệt truyệnghi ông thi đỗ cử nhân lúc 15 tuổi. Theo Quốc triều hương khoa lụccủa Cao Xuân Dục thì đây là khoa thi năm Đinh Mùi (1847). Như vậy tính ra năm sinh của Ông Ích Khiêm phải là 1832.
(2) Trong sách Chuyện hay nhớ mãido Thái Vũ chỉ biên, ghi ông thi đỗ trường Bình Định và vị chánh Chủ khảo phê bài của ông là Vũ Duy Thanh, nhưng đúng ra theo Quốc triều hương khoa lụccủa Cao Xuân Dục thì ông thi đỗ tại trường Thừa Thiên và vị quan chánh Chủ khảo trường này là tham tri bộ Lễ Đỗ Quang, quan phó chủ khảo là thị lang bộ Hộ Trương Hảo Hiệp.
(3) ĐạiNamthực lục, Viện Sử học, T.31, NXB KHXH, H, 1974, tr. 179.
(4) Lâm Quang Thự, Danh nhân đất Quảng, NXB Đà Nẵng, 1987, tr 30-31.
Nguồn: Xưa và Nay, số 116, 5/2005