Ông già sinh thái
Chuyện từ làng cát
Người dân Triệu Vân (Triệu Phong, Quảng Trị) vốn đã bao đời chung sống với cát. Mở mắt ra đã thấy cát. Cát lẫn trong cơm ăn, nước uống... “Giặc" cát xâm lấn bằng cả đường không và đường thủy. Những cồn cát lấp loá, mênh mông, chả có loại cây nào sống được trừ phi lao và xương rồng. Cái nghèo, cái khó cứ bám riết lấy mảnh đất này.
Ấy vậy mà năm 1993, có 6 ông già tuổi "thất thập" ở Viện Kinh tế sinh thái lại liều mình đi đánh thức vùng đất chết ấy. Nhìn hoang mạc cát, có ông già đã phải ngán ngẩm thốt lên: " Nếu dễ thì người ta đã làm từ bảy đời rồi, hoang hoá hai, ba trăm năm, bây giờ không có tiền nhiều ta lại đâm đầu vào làm". Ăn dầm ở dề không biết bao nhiêu ngày, cuối cùng điều kỳ diệu cũng đã đến, vùng đất "cát bay, cát nhảy" ấy đã sống. Màu xanh đã trở lại.
Phương pháp của các cụ rất đơn giản: Dùng bao tải ngăn các suối nước nhỏ hiếm hoi lại. Chênh lệch độ cao, nước mạnh lên, lắp máy làm thủy điện nhỏ (30W). Thế là có điện về làng. Nước thừa đào hồ, đánh luống trồng phí lao, keo, dẫn nước vào nuôi thủy sản. Ngay cả gió cũng được tận dụng làm thành năng lượng điện. Lợi dụng hiện tượng mao dẫn (ở dưới lớp cát) để trồng cây (từ cách này mà tên gọi "vườn âm phủ” ra đời). Một năm sau cây cho bóng. Lấy ngắn nuôi dài, bà con trồng xen khoai, sắn để có cái cầm cự, chiến đấu với “gió Lào, cát trắng”. Sau ba năm, một lớp mùn hình thành, môi trường được cải thiện, ngô, đậu, cà chua, vừng lạc… đã có thể sống “ngon lành”.
Tranh thủ nghỉ trưa trong chuyến công tác cùng các nhà báo về vùng Hải Thủy (Quảng Bình) năm 1998. GS.TS Nguyễn Văn Trương ngồi giữa. Ảnh: Tư liệu của Viện |
Thừa thắng xông lên, các ông già “hưu hót” không chịu ngơi nghỉ, lại tiếp tục xách ba lô, bắt xe khách tiến về vùng đồi, núi trọc Ba Vì (Hà Tây), rồi vùng “chiêm khê mùa thối” Nam Sách (Hải Dương)...
Thấm thoắt 16 năm, Viện đã kịp thời có "lưng vốn" là 18 làng sinh thái. Trò chuyện với chúng tôi, các cụ cứ nhắc đi nhắc lại kế hoạch làm sao để từ trung du miền núi phía Bắc đến Tây Nguyên, từ vùng cát trắng miền Trung đến vùng ngập mặn ven biển phía Nam, “ ở đâu có đất hoang hoá thì sẽ có làng sinh thái, nhỏ thôi cũng được. Tiền ít thì mình phải “đo bò làm chuồng”.
Cầu giời cho các cụ sức khoẻ để dự định tốt đẹp ấy sớm thành sự thực.
Viện Kinh tế sinh thái ...dân lập đầu tiên ở VN
Cheo leo trong một căn gác nhỏ trên phố Lạc Trung, tấm biển Viện Kinh tế sinh thái Việt Nam cũ và mờ đến nỗi ngay cả những người dân sống lâu ở đây cũng ít ai biết tới. Ra vào hàng ngày qua khung cửa hẹp và bậc cầu thang dốc đứng là những ông cụ mái đầu bạc phơ, tay chống gậy rất thong dong.
Mọi sinh hoạt "đầu não" của Viện đều tập trung hết vào hai căn phòng trên tầng 3 thông thống gió và ít khi đông đủ bởi cán bộ Viện quanh năm đi thực địa ở các vùng đất cằn, đất chết. Hoạ hoằn mỗi năm một hai lần, các cụ mới có dịp gặp nhau đông đủ. Công việc làm 365 ngày không xuể, bởi đây là Viện Kinh tế sinh thái duy nhất ở VN trong số không nhiều Viện trên thế giới. Và cũng là một trong số ít Viện dân lập được ra đời bởi những cụ già đã ở tuổi "xưa nay hiếm".
Ông Trương vẫn còn nhớ, 16 năm về trước, giữa lúc con cháu trong nhà đang mừng rỡ vì cuối cùng ông già nhiều việc cũng chịu ngơi nghỉ (về hưu) thì một hôm, ông đùng đùng lên gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề đạt ý tưởng xin thành lập Viện Kinh tế sinh thái dân lập.
Trước đó, ông đã cùng với 5 ông già chung chí hướng rong ruổi khắp mọi miền địa hình khác nhau của Tổ quốc để khảo sát. Với 9 triệu ha đất nông nghiệp nhưng chỉ có độ 4 triệu ha đất trồng lúa. Trong diện tích đất còn lại phải kể đến 2 triệu ha đất hoang hóa vẫn ngủ yên trong kế hoạch phát triển kinh tế của Nhà nước. Thậm chí, diện tích đất ấy còn gây hại cho môi trường. Phải làm gì để đánh thức nó dậy?
Cái lý ông Trương đưa ra thuyết phục Thủ tướng là: Cha ông ta từng nói: "Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền" - ba phần núi, bốn phần biển và một phần ruộng. Vậy hệ sinh thái như thế thì hạnh phúc của con người sẽ như thế nào? Hơn nữa, nước ta có nhiều người giỏi tuy đã về hưu nhưng vẫn còn khao khát cống hiến. Nên tập hợp họ lại trong một Viện tư nhân để họ tự do đến làm.
Thủ tướng nghe có lý, ủng hộ liền.
Ông Trương nhớ lại, lúc đó, ông Kiệt hứa luôn, viết ra văn bản thì khó nói, chi bằng đợi lúc nào đi họp, ông Kiệt sẽ nói "miệng" thuyết phục luôn. Chỉ sau 6 ngày, ông Trương đã cầm được quyết định trong tay và lập tức triển khai ngay công việc. Hội đồng sáng lập ban đầu có 19 giáo sư, TS, tất cả đều đã nghỉ hưu và đi làm việc... không lương. Sở dĩ cần tới 19 người vì hệ sinh thái vốn đa dạng, mỗi hệ lại có đặc thù riêng nên cần có một chuyên gia làm cố vấn.
TS Nguyễn Văn Trương đang trao đổi công việc với một cán bộ vừa trở về từ làng sinh thái ở Nghệ An chiều 14/2/2006. Ảnh: Song Nguyên |
“Từ chỗ đi ăn nhờ ở đậu, nay ở đây đã là khang trang lắm”. 4 cụ trong một căn phòng độ 18m 2bao vây bởi sách vở, tư liệu. Mục tiêu “phủ sóng” trên toàn quốc (hình thành các phân viện)đang được ráo riết tiến hành.
Năm nay sẽ là những dự án ở Gia Lai, vùng đồi Huế, vùng đất ngập nước ven biển đồng bằng sông Cửu Long và vùng đất cát Bình Thuận.
" Phải có công gì với núi sông? "
Một ngày của ông già Trương lúc nào cũng kín mít công việc. Câu chuyện của chúng tôi tại văn phòng Viện (51 Lạc Trung) luôn bị cắt ngang do điện thoại, do khách từ các vùng dự án về. Đã 84 tuổi nhưng giọng nói của ông vẫn sang sảng mà cách nói chuyện cũng thật hóm hỉnh bởi ông hay dùng thơ, nhất là lẩy Kiều (ông từng khảo cứu truyện Kiều ở góc độ thiên nhiên và con người).
16 năm từ khi Viện ra đời, chưa dự án nào mà ông không có mặt. Cái lý để ông cứ nhẩn nha làm việc mà dự án nào dứt điểm dự án ấy, là: "Làm cho vui chứ có ăn uống gì đâu, còn ngày nào sống thì làm, không thì thôi".
Những ngày chật vật ban đầu, khi chưa tìm được tài trợ, ông từng nói với nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: " Anh yên trí, tôi sẽ làm tốt thôi. Trí thức mà làm cái gì cũng ngửa tay đi xin Nhà nước, tôi chả xin".
GS.TSKH Nguyễn Văn Trương quê ởNamĐàn - Nghệ An. Năm 2005, ở tuổi 84, ông đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới. Đây cũng là 1 trong 10 sự kiện, nhân vật khoa học-công nghệ tiêu biểu trong nước đã được các phóng viên khoa học ở các báo bình chọn trong năm 2005. Ông là người nghiên cứu, chế ra dụng cụ đếm nhanh cây rừng rồi phổ biến trong toàn ngành lâm nghiệp, chế ra công cụ điều tra quy hoạch rừng được phần thưởng sáng chế của Cục Lâm nghiệp. Năm 1976, khi đã 55 tuổi, sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Hà Nội, ông vẫn xin được đặc cách sang Đức bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học tại Đại học Đresden (1976-1978) Tính đến nay ông đã xuất bản 21 đầu sách, chủ yếu là sách về lâm nghiệp và thiên nhiên môi trường trong sự phát triển. |
"Đất nước nào cũng vậy, có hai loại tài nguyên: con người và thiên nhiên. Thế nhưng trong Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng X sắp tới lại không đề cập đến- ông già không phải Đảng viên trăn trở - Thiên nhiên tốt, xấu... có phù hợp với hiện nay hay không, có phù hợp với CNH - HĐH hay không, rồi con người VN phát triển như thế nào - yếu tố rất quan trọng nhưng đã bị bỏ qua". Ông cho rằng đất nước ta xuất phát điểm thấp và chậm hơn các nước nhưMalaysia,Indonesia,Singapore... nên ta phải nỗ lực nhiều hơn, hãy khoan nghĩ đến hưởng thụ mà hãy gồng sức lên để đuổi kịp họ.
Cả đời ông gắn với cây cỏ, thiên nhiên. Với ông, hệ sinh thái là hạnh phúc của loài người. Những gì ông làm đã được đồng nghiệp, nhà nước và những người nông dân chân đất ghi nhận. Thậm chí có đồng nghiệp nước ngoài từng thốt lên: "Từ trước đến nay người ta thường nói các nước phát triển đi dạy các nước đang phát triển, nay giáo sư Trương ở nước đang phát triển lại đi dạy cho ta ở nước phát triển".
Lẽ sống của ông già Trương được thể hiện qua hai câu thơ của Nguyễn Công Trứ mà ông rất tâm đắc, nhưng xin phép được sửa chữ "danh" thành chữ "công": "Đã sinh ra ở trong trời đất/ Phải có công gì với núi sông". Đọc đến đây ông cười ha hả.
Ông già Trương ơi, đúng như ông nói, công danh rồi cũng chẳng để làm gì nhưng đất và người ở vùng Ba Trại, Nam Sách, Triệu Vân, Bát Xát… sẽ mãi chẳng quên ông.
Tiễn chúng tôi ra cửa, ông nhắc đi nhắc lại: "Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên", nhưng chắc chắn với cái đầu dám nghĩ dám làm, ông cùng các đồng sự sẽ "thắng thiên".
Nguồn: vnn.vn22/2/2006