Ô nhiễm không khí ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp
Ảnh hưởng đến sức khỏe con người
Ô nhiễm không khí mỗi ngày sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người như làm cay mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè, giảm chức năng phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư… Một điều chúng ta dễ dàng nhận thấy là bụi ở khắp nơi, chỗ nào cũng có. Dường như chiếc khẩu trang đã trở thành vật bất ly thân không chỉ với giới nữ mà còn với tất cả mọi người mỗi khi ra đường. Anh Hoàng Hải (Gò Vấp) cho biết: “Cái này thì thường quá rồi, đâu đâu cũng thấy người ta đeo khẩu trang bất kỳ sáng, chiều hay tối, tôi còn nhớ có thời nhiều người lên án việc đeo khẩu trang bịt mặt như ninja nhưng cũng dễ hiểu thôi vì bụi quá mà, mình phải bảo vệ sức khỏe mình trước chứ”. Thông tin trên là một phần trong báo cáo tham luận của GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, tại hội nghị về môi trường diễn ra mới đây khi nói về hiện trạng môi trường mà con người đang phải đối mặt.
Nồng độ bụi gia tăng
Tại Việt Nam, theo Trung tâm Quan trắc môi trường, kết quả quan trắc hiện trạng môi trường không khí giai đoạn 2008-2012 cho thấy chất lượng môi trường không khí đang bị suy giảm. Ô nhiễm không khí chủ yếu là bụi, đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tuyến đường giao thông, giao lộ, khu vực đang trong quá trình xây dựng, nhà máy lớn, khu công nghiệp tập trung. Một số khu vực có biểu hiện ô nhiễm CO, NO2 và tiếng ồn cục bộ cao. Khí NO có xu hướng tăng lên cao vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi chiều. Đối với các khí độc hại khác như toluen, xylen, nồng độ cũng có xu hướng tăng ở ven các trục giao thông tuy vẫn còn dưới mức quy chuẩn Việt Nam (QCVN). Riêng nồng độ benzen tại TP.HCM đã vượt QCVN nhiều lần.
Ở các khu dân cư nằm trong đô thị lớn chịu ảnh hưởng của giao thông, mức độ ô nhiễm vượt ngưỡng nhiều lần. Trên phạm vi cả nước, năm 2011 ghi nhận mức độ không khí bị ô nhiễm bụi nhiều nhất. Nồng độ bụi tại hầu hết điểm quan trắc xung quanh các khu, cụm công nghiệp đều vượt ngưỡng quy định, một số điểm vượt tới 3-4 lần. Mặt khác, môi trường ô nhiễm không khí tại các làng nghề, ô nhiễm mùi đang là vấn đề đáng quan tâm. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ các loại dung môi hữu cơ được sử dụng trong quá trình sơn, đánh bóng sản phẩm sau sản xuất, mùi từ các làng nghề chế biến nông sản, mùi hôi do chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Ô nhiễm khu dân cư
Tại TP.HCM, nhìn chung môi trường không khí ở khu dân cư chưa bị ô nhiễm đáng kể. Kết quả quan trắc tự động trong năm 2013 cho thấy nồng độ các chất ô nhiễm không khí đều đạt QCVN 05:2009 và QCVN 06:2009. Tuy nhiên, nồng độ benzen tại một số vị trí quan trắc đã vượt quy chuẩn. Chẳng hạn như khu dân cư cạnh KCX Linh Trung 2 và một phần khu dân cư Lê Minh Xuân. Theo kết quả quan trắc ô nhiễm không khí do giao thông năm 2013 của Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT TP.HCM cho thấy nhiều chỉ tiêu đo được đều vượt quy chuẩn. Nồng độ bụi lơ lửng cao nhất tại An Sương, tiếp đó là Phú Lâm, ngã sáu Gò Vấp, Đinh Tiên Hoàng – Điện Biên Phủ, Nguyễn Văn Linh – Huỳnh Tấn Phát và thấp nhất tại Hàng Xanh. So với năm trước đó, nồng độ bụi lơ lửng giảm 2%-9%; ngoại trừ tại Phú Lâm và ngã sáu Gò Vấp tăng khoảng 8%.
Trong năm 2013, do có số ngày mưa nhiều, rải rác mưa trái mùa đã góp phần làm giảm nồng độ bụi lơ lửng tại một số trạm. Nồng độ CO tại thời điểm đo hầu hết đạt quy chuẩn, chỉ vài thời điểm cao hơn mức cho phép. Tuy nhiên, nồng độ NO2, nồng độ chì, mức ồn… vẫn khá cao. Trước tình hình này, chúng ta cần ngay những giải pháp để từng bước giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Có như vậy mới góp phần xây dựng TP.HCM xanh, sạch, đẹp, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng dân cư.
Giảm ô nhiễm từ hoạt động giao thông
Ô nhiễm không khí có sự góp mặt của hoạt động giao thông vận tải. Do vậy, từ nhiều năm trước, Việt Nam đã áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 2 đối với các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Cùng với đó là thắt chặt mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe nhập đã qua sử dụng và xe đang lưu hành; tăng cường kiểm soát khí thải lưu động trên đường; bố trí các trạm đăng kiểm xe ô tô trên cả nước; xây dựng Trung tâm Thử nghiệm khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; mở rộng cơ sở thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải…
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án Kiểm soát khí thải mô tô, xe máy tham gia giao thông tại các tỉnh, TP lớn. Mục tiêu đề án cho giai đoạn 2013-2015 là thực hiện kiểm định đạt tiêu chuẩn khí thải từ 80% đến 90% số lượng xe mô tô, xe máy tham gia giao thông tại TP.HCM và Hà Nội. Ngoài ra, chú trọng việc quy hoạch đô thị tổng thể phải kết hợp với giao thông, các khu dân cư, công viên cây xanh; tăng cường phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, xe điện trên không, xe điện ngầm… và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm. Đồng thời đưa vào thử nghiệm các nguồn nguyên liệu sạch, thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu khí thải độc hại.
Song song đó là chú trọng đầu tư công nghệ xử lý khí thải công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm từ hoạt động sản xuất. Ngoài ra, nhiều địa phương đã chủ động đưa ra các giải pháp nhằm kiểm soát, giảm thiểu nguồn gây ô nhiễm. Chẳng hạn như dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đã chuyển đổi hiệu quả công nghệ của 500 DN trên toàn quốc. Mục đích tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khoảng 962.000 tấn CO2. Trong đó, trên 40 tỉnh, thành trên cả nước đã chuyển đổi thành công hàng ngàn lò gạch thủ công sang lò gạch liên tục kiểu đứng, chuyển đổi lò nung gốm đốt than sang lò nung gas.
Sử dụng nhiên liệu xanh
Tại TP.HCM, hiện Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM, Sở TN&MT TP.HCM đang tăng cường công tác quan trắc không khí ở nhiều địa điểm nhằm kịp thời ghi nhận sự biến đổi về chất lượng không khí từng ngày. Đến nay toàn TP đã có tám trạm quan trắc hàm lượng chất hữu cơ bay hơi BTX (Benzene – Toluene – Xylene) trong không khí; sáu trạm quan trắc chất lượng không khí bán tự động; chín trạm quan trắc chất lượng không khí tự động. Về ô nhiễm không khí do giao thông, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với ngành giao thông vận tải thực hiện đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe tải đang lưu thông. Việc kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn Euro 2 về khí thải cũng được duy trì thường xuyên.
Qua thời gian triển khai thí điểm thực hiện tuyến xe buýt sử dụng khí tự nhiên nén (CNG) tại TP.HCM đã cho thấy hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách rõ rệt so với xe buýt sử dụng nhiên liệu diesel. Đồng thời tiết kiệm được khoảng 30% chi phí nhiên liệu. Một số hoạt động khác chúng ta đã triển khai như di dời các nhà máy gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp tập trung, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, nâng cao hoạt động truyền thông; phát triển công nghiệp xanh; vận động các khu công nghiệp và cơ sở công nghiệp xung quanh TP ứng dụng công nghệ sản xuất sạch… Đặc biệt, hằng năm Trung tâm Sản xuất sạch hơn thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường TP.HCM thường xuyên tổ chức khóa tập huấn giúp DN đưa ra những giải pháp giảm thiểu, xử lý ô nhiễm môi trường sản xuất.
Mặc dù hoạt động quan trắc môi trường và môi trường không khí hiện đang tiếp tục duy trì nhưng hầu như chỉ tập trung tại các khu vực đô thị, khu vực gần công nghiệp… Trong khi đó, chúng ta lại thiếu các chương trình quan trắc tổng thể, định kỳ cho các khu vực nông thôn và làng nghề. Hoạt động kiểm kê và kiểm soát nguồn khí thải cũng chưa thực sự hiệu quả. |