Nuôi cấy thành công tế bào thông đỏ: Cơ hội chữa trị bệnh ung thư
Thông đỏ là nguồn dược liệu rất quý trong y học. Từ lâu, trong dân gian đã dùng lá của loài cây này để trị hen suyễn, viêm phế quản, nấc, tiêu hoá...; cành và vỏ dùng trị bệnh thực tích, giun đũa; nước sắc của thân non dùng trị bệnh đau đầu...
Đặc biệt là vào năm 1994, một số nhà khoa học trên thế giới công bố thông tin làm "chấn động" dư luận: Từ cây thông đỏ có thể tìm thấy các hoạt chất để chữa trị bệnh ung thư. Cụ thể, taxol được chiết xuất từ taxus brevifolia (có trong cây thông đỏ) được dùng để "chữa trị ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư đầu, cổ và có triển vọng xử lý hắc tố (melanomas)..." (theo tài liệu của Lê Xuân Tùng và Trần Văn Tiến, Trung tâm Nghiên cứu lâm sinh Lâm Đồng).
Thông đỏ (taxus wallichiana zucc) thuộc họ thanh tùng (taxaceae), là loài cây rừng rất quý, có giá trị kinh tế rất cao. Tại Việt Nam , thông đỏ chỉ được tìm thấy ở Lâm Đồng và Khánh Hòa, trên vùng núi có độ cao 1.500m. Do nạn phá rừng bừa bãi nên quần thể thông đỏ hiện chỉ còn đếm được ở con số hàng trăm cá thể. Mặt khác, vì đặc tính tái sinh hẹp và thế hệ trung gian hầu như không có nên nguy cơ diệt vong của loài cây rừng thông đỏ rất cao.
Theo tính toán của nhóm nghiên cứu là cán bộ khoa học thuộc Phân viện Sinh học Đà Lạt, do TS Dương Tấn Nhựt - Phó Phân viện trưởng - chủ trì, để có một liều thuốc trị bệnh ung thư, người ta cần khoảng 1kg taxol và để có 1kg taxol, cần không dưới 7.000kg vỏ thông đỏ. Nghĩa là để có một liều thuốc trị bệnh ung thư được bào chế, chúng ta phải "hy sinh" khoảng sáu cây thông đỏ trưởng thành. Như vậy, toàn bộ rừng thông đỏ của Việt Nam nếu được dùng làm nguyên liệu cũng chỉ đủ để điều chế trên 10 liều thuốc chữa trị ung thư.
Do đó, ngay đầu những năm 1990, các nhà khoa học đã... âm thầm nghiên cứu phương pháp nuôi cấy tế bào của loài cây này. Trong ba năm gần đây, công việc càng được đẩy mạnh. Các nhà khoa học đã lấy tế bào của lá thông đỏ để nuôi cấy và nhân nhanh nó bằng công nghệ sinh học. TS Dương Tấn Nhựt nhấn mạnh: "Đến lúc này (tháng 3-2005), chúng tôi đã có đủ cơ sở để mạnh dạn công bố về sự thành công bước đầu. Kết quả mang lại thật khả quan, chúng tôi đã thu nhận được những tế bào thông đỏ từ công nghệ nuôi cấy mô, đã chứng minh được sự nhân nhanh loại tế bào này bằng hệ thống nuôi cấy lắc trong môi trường lỏng. Những tế bào nuôi cấy được hoàn toàn có khả năng tái sinh thành mô sẹo, làm nguồn nguyên liệu để chiết tách taxol dùng trong y học".
Một khả năng mới về tạo nguồn nguyên liệu tách chiết taxol dùng trong y học đã được mở ra. TS Dương Tấn Nhựt cho biết: "Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành thử nghiệm hình thức nuôi cấy tế bào thông đỏ dạng bioreactor ("lắc lớn") trong môi trường lỏng để có thể tạo nguồn nguyên liệu tách chiết taxol một cách nhanh chóng: Cứ 32.000 lít vừa tế bào vừa dung dịch được nuôi cấy dạng bioreactor sẽ thu được 1kg taxol".
Nguồn: www.nhandan.com.vn ngày 26-03-2005