Ninh Thuận: Tập huấn chuyển giao công nghệ bảo quản táo, nho
Trong thời gian từ ngày 8 đến 10/8/2016 tại huyện Ninh Phước và từ ngày 11 đến 13/8/2016 tại huyện Ninh Hải và TP. Phan Rang-Tháp Chàm, các giảng viên chuyên ngành bảo quản sau thu hoạch từ TP.Hồ Chí Minh đã rất nhiệt tình cung cấp cho các doanh nghiệp, nông dân trồng táo, nho kiến thức về xử lý bảo quản hai loại quả này.
Bên cạnh lý thuyết, học viên đã đóng góp sản phẩm táo và nho, còn giảng viên cung cấp hóa chất bảo quản và các dụng cụ để thực hành bảo quản. Học viên cùng giảng viên kiểm tra độ cứng của quả, độ Brix 0, nhiệt độ trong quả. Sử dụng Ozôn (O 3), Calci clorua (CaCl 2), dung dịch Bio Fresh, tuí đựng 1-MCP. Sau khi xử lý xong, tiến hành bao gói bằng màng bao Wrapping trên đĩa Polystyren, tiếp theo là bảo quản nho, táo dài ngày bằng kho lạnh… Đối với nho cần bảo quản nhiệt độ 3-5 0C, táo với nhiệt độ 10-12 0C; chú ý là bảo quản dưới nhiệt độ 3 0C thì quả sẽ bị tổn thương lạnh (quả có màu như bị cháy nắng).
Cây táo được trồng và phát triển mạnh ở Ninh Thuận từ năm 2005. Tính đến năm 2015 diện tích trồng táo trong tỉnh khoảng 1.107 ha (Sở Nông nghiệp và PTNN Ninh Thuận, 2015). Táo của Ninh Thuận hầu như có quanh năm, với năng suất đạt trung bình từ 35 - 45 tấn/ha. Mức sản lượng cung cấp cho thị trường trong nước hàng năm trên 20 ngàn tấn. Sản phẩm táo của Ninh Thuận có mặt ở cả hai thị trường miền Bắc và miền Nam của Việt Nam, đây là một lợi thế so với các tỉnh có trồng táo khác trong cả nước.
Tuy vậy, việc sản xuất và thâm canh cây táo ở Ninh Thuận cũng gặp không ít khó khăn như: Kỹ thuật trồng Táo chưa được các cơ quan chức năng nghiên cứu và chỉ đạo đúng mức, năng suất thường bấp bênh theo từng mùa vụ, thị trường và giá cả không ổn định. Nhất là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ cây táo chưa hợp lý, dẫn đến việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh hại không đúng kỹ thuật đã làm cho thuốc BVTV tồn lưu trong quả táo tăng cao. Công nghệ sau thu hoạch trái táo chưa được quan tâm đúng mức theo chuỗi giá trị. Từ khâu sản xuất đến thu hoạch, cho đến khâu phân loại, xử lý, đóng gói bao bì, bảo quản chưa có một chuẩn mực nào để hướng dẫn cho nông dân, nhà thu mua và doanh nghiệp bảo quản táo nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Cây nho đã được du nhập vào nước ta từ những năm 1960, được trồng chủ yếu ở Ninh Thuận và nhanh chóng trở thành sản phẩm nổi tiếng của địa phương, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người nông dân Ninh Thuận. Năm 2012, sản phẩm nho của tỉnh Ninh Thuận đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Giấy bảo hộ chỉ dẫn địa lý.
Tuy nhiên, gần đây, ngành trồng nho Ninh Thuận có sự sụt giảm liên tục và nghiêm trọng về năng suất, sản lượng cũng như giá thành sản phẩm, gây tâm lý bất ổn cho người trồng nho. Nguyên nhân chính là do trong thời gian dài nghề trồng và chế biến nho mang tính tự phát, diện tích trồng không tập trung, quy mô canh tác còn nhỏ, sản xuất manh mún kéo theo công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu mua sản phẩm gặp nhiều trở ngại nhất là khâu bảo quản sau thu hoạch, nhận thức của người nông dân về bảo quản nho còn thấp. Đồng thời, các sản phẩm sản xuất ra nhiều khi không được bảo đảm về mặt chất lượng, dẫn đến uy tín thương hiệu nho có phần bị xâm hại.
Lớp tập huấn do Liên hiệp Hội Ninh Thuận tổ chức đã hướng dẫn nông dân và doanh nghiệp cách xử lý bảo quản nho, táo giảm tổn thất sau thu hoạch và kéo dài thời gian bảo quản lâu hơn, qua đó nâng cao thu nhập và cải thiện đời sông của người dân, hướng đến sản xuất nho, táo được bền vững.
Học viên thực hành bảo quản nho, táo tại lớp tập huấn 2016.