Những văn kiện chủ yếu của Đảng về Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Trên cơ sở kết quả hoạt động của Uỷ ban liên lạc lâm thời các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, ngày 26 – 3 – 1983, tại thủ đô Hà Nội đã cử hành trọng thể Đại hội thành lập Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam(Liên hiệp hội Việt Nam). Đại hội thành lập Liên hiệp hội Việt Nam thành công đã đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các hội khoa học – công nghệ, của các nhà khoa học Việt Nam, mong muốn có một tổ chức chung để tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học – công nghệ cả trong nước và ở nước ngoài, điều hoà, phối hợp các hoạt động phong phú, đa dạng của các hội thành viên, để có được tiếng nói thống nhất, đề đạt những ý kiến chung với Đảng và Nhà nước. Ngay từ khi mới ra đời, Liên hiệp hội đã nhận được sự lãnh đạo sát sao, sự quan tâm ân cần, sự giúp đỡ hiệu quả của Đảng và Nhà nước.
Sau Đại hội lần thứ VI của Đảng, ngày 11 – 4 – 1988, Ban Bí thư Trung ương ra Chỉ thị số 35-CT/TW, trong đó khẳng định: “Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng… được tổ chức và hoạt động theo cơ cấu và quy chế của một đoàn thể quần chúng cấp trung ương… có hệ thống tổ chức từ trung ương đến tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương”. Bản Chỉ thị đề ra cho Liên hiệp hội nhiệm vụ: “Đoàn kết tất cả các hội khoa học và kỹ thuật của người Việt Nam ở trong và ngoài nước nhằm phổ biến chủ trương, chính sách khoa học và kỹ thuật của Đảng và Nhà nước, kiến thức khoa học và kỹ thuật cho quần chúng, bồi dưỡng và nâng cao liên tục trình độ của đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, triển khai ứng dụng và đưa nhanh tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống”. Với tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, lần đầu tiên, bản Chỉ thị cũng nêu lên nhiệm vụ “tư vấn về chính sách khoa học - kỹ thuật và kinh tế - xã hội cho Đảng và Nhà nước”, đồng thời yêu cầu các cơ quan hữu quan tạo điều kiện để Liên hiệp hội thực hiện được chức năng phản biện và giám định xã hội của một hội quần chúng”. Kể từ đây, “tư vấn, phản biện và giám định xã hội” trở thành một cụm từ quen thuộc, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Liên hiệp hội, được khẳng định lại nhiều lần trong các văn kiện của Đảng. Sau Đại hội lần thứ VII của Đảng, ngày 20 – 11 – 1992, tại Thông báo số 37-TB/TW, Ban Bí thư Trung ương chỉ rõ: “Trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có vị trí và vai trò rất quan trọng”. Ban Bí thư giao cho “Ban cán sự đảng, Chính phủ lãnh đạo việc thể chế hoá Chỉ thị 35-CT/TW của Ban Bí thư,… Trước mặt cần thể chế hoá chức năng tư vấn, phản biện và giám định xã hội về khoa học và kỹ thuật của các hội”. Tại Thông báo này, Ban bí thư Trung ương cũng yêu cầu “các tỉnh uỷ, thành uỷ cần quan tâm lãnh đạo về mặt tổ chức vầ hoạt động của các hội khoa học và kỹ thuật địa phương. Nơi chưa có tổ chức thì xúc tiến việc thành lập hội; nơi đã có tổ chức cần chỉ đạo việc củng cố và hoạt động để phát huy vai trò của hội, trong đó có vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội về khoa học và công nghệ ở địa phương”. Tiếp theo đó, tại Thông báo số 52-TB/TW ngày 31 – 8 – 1993, Ban Bí thư Trung ương khẳng định: “Đội ngũ trí thức có vị trí quan trọng trong cách mạng dân tộc dân chủ. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, đội ngũ trí thức lại càng có vị trí quan trọng. Liên minh các giai cấp công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức là nền tảng chính trị của xã hội ta, nhà nước ta”. Ban Bí thư cũng chỉ rõ: “Với chức năng là tổ chức tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức của đất nước hướng vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội của trí thức Việt Nam”. Sau Đại hội lần thứ VIII của Đảng, lần đầu tiên, Liên hiệp hội được đề cập trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000 (số 02-NQ/HNTW ngày 24 – 12 – 1996): “Củng cố và tăng cường hoạt động của các hội khoa học và kỹ thuật nhằm tập hợp rộng rãi các lực lượng trí thức. Phát huy vai trò chính trị - xã hội của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật ở trung ương và địa phương trong việc phổ biến và ứng dụng kiến thức khoa học vào sản xuất và đời sống, trong nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ và bảo vệ môi trường cũng như trong công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Đảng và Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các hội khoa học và kỹ thuật”.
Chỉ thị của Bộ Chính trị cũng chỉ rõ: “Đặc biệt Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cần làm tốt chức năng tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong nước và trí thức người Việt ở nước ngoài; đẩy mạnh hoạt động phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 về giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ; tư vấn, phản biện và giám định xã hội trong hoạt động khoa học, công nghệ nhằm góp phần thiết thực của Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cần tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần cộng đồng, tính trung thực trong khoa học và đạo đức nghề nghiệp trong giới trí thức”. Tại Đại hội lần thứ IX của Đảng, lần đầu tiên, Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương (khoá VIII) nêu lên yêu cầu “Nâng cao hiệu quả hoạt động của các viện nghiên cứu quốc gia, các hội, liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật”. Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII), ngày 09 – 07 – 2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành thông báo số 145-TB/TW kết luận về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TW đối với Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2010. Kết luận nêu rõ: Trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vai trò và vị trí của Liên hiệp hội ngày càng quan trọng. Vì vậy cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị 45 –CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) xây dựng Liên hiệp hội thành một tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; từ nay đến năm 2010 tập trung vào những nhiệm vụ lớn sau đây: 1. Tập hợp, đoàn kết rộng rãi đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong nước thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi ngành, mọi lĩnh vực và trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao lòng yêu nước và tự hào dân tộc, tinh thần cộng tác và cộng đồng, tính trung thực trong khoa học và đạo đức nghề nghiệp của trí thức; chủ động đề xuất tham mưu cho Đảng và Nhà nước những vấn đề quan trọng về đường lối, chính sách, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước hết là những vấn đề trực tiếp liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách đối với trí thức. 2. Tổng kết hoạt động, rút ra những bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó xác định đúng những phương hướng nhiệm vụ trọng tâm; đẩy mạnh các hoạt động phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ cho nhân dân, nhất là đối với nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa; thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), các nghị quyết và kết luận của Trung ương khoá IX có liên quan đến giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ; tổ chức phối hợp tốt hơn nữa lực lượng trí thức khoa học và công nghệ để tư vấn, phản biện, giám định xã hội đối với những dự án lớn, có tính liên ngành, liên vùng. 3. Củng cố tổ chức đã có, phát triển vững chắc các hội thành viện mới; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Liên hiệp hội và các hội thành viên trên cơ sở phát huy tính năng động, sáng tạo, năng lực nội sinh của đội ngũ trí thức tham gia hội; cùng với các cơ quan có liên quan nghiên cứu sớm xây dựng các hình thức thích hợp thu hút trí thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài, trí thức nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ của nước ta. Sau khi ra đời, các văn kiện kể trên được cụ thể hoá và thể chế hoá thành các văn bản của cấp uỷ và chính quyền các cấp. Chẳng hạn trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Ban Khoa giáo Trung ương, gần 30 tỉnh, thành uỷ đã cụ thể hoá Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) vào hoàn cảnh của địa phương mình, trong đó có Thông tri số 25-TT/TU của Thành uỷ Hà Nội. Chỉ thị số 14/2000/CT-TTg và Quyết định số 22/2002/QĐ-TTg là sự thể chế hoá Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị. Đặc biệt là Chỉ thị số 45-CT/TW của Bộ Chính trị đã được Liên hiệp hội quán triệt và thể hiện trong Điều lệ do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV thông qua ngày 09 – 01 – 1999.
|