Những thể loại mang tính thông tin thuần túy
Xin giới thiệu cách phân loại của giảng viên Fabienne Gérault (Đại học Báo chí Lille , Pháp).
Tin ngắn
Đây là thể loại ngắn nhất và chắc chắn được đọc nhiều nhất. Vì dễ đọc nên tin ngắn giúp người ta nắm được một sự việc một cách nhanh nhất. Khoảng 40 từ, gần 300 kí tự: đó chính là tiêu chí. Tin ngắn chỉ dài một đoạn và có thể đọc một hơi. Một hay hai câu là đủ. Không có tít. Những từ đầu tiên là những từ khóa (mang thông tin), đôi khi được in đậm. Chúng giữ vai trò là tít. Dòng đầu tiên thường bắt đầu bằng một kí tự gọi là "con bọ".
Viết một tin ngắn như thế nào? Cần phải lựa chọn thông tin sao cho chỉ giữ lại thông tin chính, cô đọng chúng một cách tối đa bằng cách dùng từ ngữ đơn giản và chính xác. Câu đầu tiên thường súc tích dưới dạng chủ ngữ-động từ-bổ ngữ (ai và cái gì).
Tin sâu
Tin sâu giống như tin ngắn nhưng dài hơn. Nó cho phép phát triển một chút thông tin và giải thích thêm (như thế nào, tại sao). Có thể nhắc lại những sự việc diễn ra trước đó, đưa ra những thông tin về tiểu sử, trích dẫn một số lời phát biểu. Tuy vậy, bao giờ nó cũng chỉ đưa ra một thông tin duy nhất. Ít khi nó vượt quá 2000 kí tự. Có thể gồm nhiều đoạn: đoạn đầu là tin ngắn. Tin sâu có một tít mang tính thông tin nhưng không có sapô. Nếu dài, nó có thể có tít xen. Có kết cấu kim tự tháp ngược.
Bài tổng hợp hay đề tài khai thác lại
Đây là thể loại viết từ những thông tin thu thập được từ nhiều nguồn: tin nhanh, tư liệu, tuyên bố, họp báo… Thông tin phong phú hơn so với tin sâu. Người ta đưa ra nhiều giải thích. Bài tổng hợp không nhất thiết viết về một sự kiện thời sự, mà cho phép "điểm lại" chủ đề. Vì vậy, nó không phát triển như thể loại điều tra và không sinh động bằng phóng sự. Nó rất phổ biến trong các tờ báo.
Viết bài tổng hợp như thế nào? Cần phải tập hợp thông tin và lựa chọn chúng (sự việc, giải thích, trích dẫn). Sau đó, phải chọn ra góc độ và xác định thông điệp cốt lõi. Chọn những thông tin cần thiết cho góc độ đã chọn, sắp xếp chúng. Nên dùng kết cấu kim tự tháp ngược, kết cấu dạng chứng minh hay phân tích. Cuối cùng là viết.
Các thể loại khác
- Bài phân tích: vượt qua sự kiện thời sự, gắn vào nó một ý nghĩa, đặt nó trong một hoàn cảnh.
- Bài có tính thực tế: tin vắn, tin sâu hay bài tổng hợp. Đem đến cho độc giả một chỉ dẫn. Có thể là một thông báo, một miêu tả, một lời khuyên, một danh sách địa chỉ, một danh mục, một bảng tổng sắp, một dạng hỏi-đáp…
- Tin vặt: thông tin ngắn có tính giai thoại, gây cười, tiết lộ bí mật…
- Điểm báo: tập hợp đoạn trích các bài báo.
- Thông tin đồ họa: xử lý thông tin dưới dạng số liệu.
Nguồn: vietnamjournalism.com 2/7/2006