Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 03/08/2009 16:05 (GMT+7)

Những nhà sáng chế không bằng cấp: Máy làm bánh cuốn xuất ngoại

Sản xuất không kịp

Tôi tìm đến xưởng chế tạo máy làm bánh cuốn tự động của nông dân Bùi Đỗ Hậu, đặt ngay trong sân của ngôi nhà nằm gần cầu Thạch Bích mà cả gia đình anh đang ở. Chỉ vào chiếc máy sắp hoàn thành, khi 5 người thợ đang cùng nhau lắp ráp những chi tiết cuối cùng, anh Hậu cho biết: “Mấy chú cháu đang phải chạy đua với thời gian, để kịp sáng mai đi Thanh Hóa giao cho khách hàng theo đúng đơn đặt hàng trước đó”. Theo anh Hậu, xưởng chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng làm cũng không hết việc và hiện anh đang còn “mắc nợ” 4 khách hàng ở Cần Thơ, Bắc Kạn, Hà Tĩnh và Quảng Nam.

“Giá bán máy không phải là “mềm”, 35 triệu đồng/máy làm bánh cuốn, 45 triệu đồng/máy làm bánh đa nem tự động nhưng hiện sản phẩm của chúng tôi đã bán ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Không những thế, 4 chiếc máy làm bánh cuốn do chúng tôi tạo ra hiện đã có mặt tại Mỹ” - anh Hậu khoe.

Vốn là, sau khi đem máy đi trưng bày ở các hội chợ được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM... ngoài những người làm bánh cuốn trong nước biết đến, chiếc máy làm bánh cuốn còn “lọt” đến tai của những Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Có người mua vé máy bay về nước, tìm đến xưởng nhỏ của Hậu học cách tháo lắp, vận hành rồi mua máy đem sang Mỹ lắp đặt, làm bánh để kinh doanh. Anh Hậu cho biết: “Nghe nói, họ bán bánh cuốn bên đó cũng chạy lắm, lời lãi thu về cũng nhiều. Bánh cuốn - đặc sản mang đậm chất đồng quê của người Việt, người con nào khi xa quê mà chẳng nhớ, chẳng yêu”.

7 năm mới hoàn thành

Nếu làm thủ công, 4 người làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ làm ra được 2.000 chiếc bánh cuốn. Nhưng cũng với 4 người đó “đứng” máy do Hậu chế tạo ra, 1 giờ đã làm được tới 1 vạn chiếc bánh có chất lượng cao, hình dáng và kích thước giống hệt nhau.

Thế nhưng, để có được “lộc trời” như cách nói của anh về việc tạo ra những chiếc máy ấy, người nông dân này đã phải trải qua quá trình lao động, sáng tạo với rất nhiều khó khăn, vất vả, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Sinh ra tại làng Thanh Lương, nơi có nghề làm bánh cuốn truyền thống nổi tiếng của “đất trăm nghề” (Hà Tây cũ), tuổi thơ của Hậu gắn liền với những chiếc cối xay bột, nồi tráng bánh và những thúng bánh cuốn thơm phức mùi hành, lóng lánh ánh mỡ. Trở về làng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hậu lại cùng anh chị em trong nhà gắn bó với nghề làm bánh cuốn. Thấy bà con cứ làm quần quật suốt đêm về sáng ngâm gạo, xay bột, rồi ngồi bên bếp than tỉ mẩn tráng từng chiếc bánh cuốn mới đủ cho buổi chợ, Hậu nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy tráng bánh tự động, vừa làm được nhiều bánh, vừa giải phóng sức lao động cho mọi người. Đó là vào những năm 1990 của thế kỷ trước.

“Tôi học chưa hết một lọ mực nhưng trời cho có khiếu về máy móc, mọi người xung quanh vẫn nói thế mà. Vả lại, cũng chẳng phải mình tôi nghĩ ra đâu. Anh em trong nghề làm bánh mỗi người góp một ý đấy. Tôi liều nên quyết định biến nó thành hiện thực. Cần phải giữ nguyên công nghệ cổ là tráng bánh bằng hơi nước nóng, ban đầu tôi hướng tới việc xây dựng khu đun nước và dẫn hơi nước nóng chạy đến chiếc nồi hấp để làm chín bánh”, anh Hậu nhớ lại. Nghĩ là làm, Hậu vay mượn 10 triệu đồng, lấy tiền đó mua vật liệu xây bếp rồi trở lên tận Hà Đông thuê người ta hàn xì theo yêu cầu của mình. 5 năm sau, năm 1995, chiếc máy đầu tiên ra đời nhưng khi vận hành lại không như ý của người “đẻ” ra nó: bột không được “nặn” thành bánh. Thấy vợ xót của vì bột bị hỏng, Hậu đi tìm mua tới 20 con lợn về nuôi. “Mẻ bánh nào hư, mấy chú lợn lại được hôm ăn tiệc, tôi thì đỡ tiếc tiền mua gạo và công xay bột, mẹ nó vì thế cũng bớt cằn nhằn. Tôi vừa làm vừa điều chỉnh, khắc phục dần các lỗi của máy. Mỗi khi gặp sự cố, tôi ngồi cách xa chiếc máy, vừa hút thuốc, uống rượu, vừa ngắm máy ngẫm nghĩ tại sao nó lại thế? Ngắm mãi rồi cũng nghĩ ra cách khắc phục”, anh Hậu kể chuyện.

Cuối cùng trời cũng chẳng phụ người có công, năm 1997, chiếc máy làm bánh cuốn tự động hoàn thành, chạy “ngon ơ”. Anh Hậu giới thiệu về chiếc máy: “Máy gồm 2 bộ phận chính: bình cấp hơi nước và hệ thống làm bánh. Trong đó, bình cấp hơi nước được đặt trên một bếp xây bằng gạch, có thể dùng than hoặc củi để đun. Hơi nước nóng bốc lên được dẫn tới khu vực làm bánh thông qua các ống dẫn bằng kim loại. Tại đây, người thợ chỉ cần đóng cầu dao, máy bắt đầu chạy. Bột nước chảy từ bình đựng bột qua hệ thống hấp bánh. Sau đó, bánh được băng chuyền chuyển qua giàn đỡ bánh và được cắt với chiều dài, rộng hoặc dày mỏng theo ý muốn của người đứng máy. Phần việc còn lại chỉ là xếp bánh vào thúng đem đi bán”.

Khi đó, Hậu mừng như bắt được vàng vì bánh làm ra có hình thức rất đẹp, ăn vừa dai lại vừa giòn. Nhưng cái gì mới, không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay. Người ta bảo Hậu dùng phoóc-môn mới có thể làm ra những chiếc bánh ngon, trông bắt mắt như vậy. Không ai mua bánh của gia đình Hậu nữa. “Cái khó ló cái khôn”, anh Hậu bắn tiếng với dân làng: “Ai có bột, đem đến tôi làm bánh cho, không lấy tiền”. Một người, hai người. Rồi cả làng, ai cũng muốn đem bột đến nhờ anh Hậu làm bánh. Nỗi oan được giải. Hậu chuyển qua chế tạo máy bán cho bà con, việc làm không hết và tiền của nhờ vậy cũng ngày một dư dả...

Chưa dừng lại ở đó, 3 năm sau, anh Hậu lại chế tạo thành công máy làm bánh đa nem tự động bằng cách gắn thêm vào máy làm bánh cuốn hệ thống rải bánh lên phên nứa. Với chiếc máy này, người làm bánh chỉ còn mỗi việc là đem phên bánh đi phơi. Các công đoạn khác, máy tự làm được hết. Chiếc máy làm bánh đa nem tự động hiện còn một nhược điểm duy nhất: vẫn phải rải bánh lên phên rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời nên việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tốn thêm nhân lực và thời gian. “Tôi đang nghiền ngẫm để cải tiến chiếc máy sao cho bánh được sấy khô luôn trong máy, khi bánh ra lò, mọi người chỉ việc đóng gói và đem bán. Ý tưởng và phương án cải tiến đã hòm hòm, sang năm mọi thứ sẽ ngon lành, tôi tin là như vậy” - nông dân Bùi Đỗ Hậu quả quyết.

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.

Tin mới

Phú Thọ: Đề xuất xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
Sáng 26/11, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức hội thảo “Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện ĐH Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030” đối với đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà KH thuộc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh.
Bộ TT&TT làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết việc thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTG
Chiều ngày 27/11, tại trụ sở LHHVN, Đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với LHHVN khảo sát sơ kết Quyết định số 362/QĐ-TTG ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương và Phó Chủ tịch LHHVN Phạm Ngọc Linh chủ trì buổi làm việc.
Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.