Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 13/11/2006 15:16 (GMT+7)

Những ngày cuối cùng của triều đình Huế

Sáng 23-8-1945, ông Nguyễn Xuân Dương – Chánh văn phòng Bộ nội vụ của Chính phủ Trần Trọng Kim, được ông Tôn Quang Phiệt trong Uỷ ban Khởi nghĩa Thừa thiên – Huế giao nhiệm vụ đưa tối hậu thư cho Vua Bảo Đại, đòi Nhà Vua phải trả chính quyền cho nhân dân và hứa sẽ bảo đảm tính mạng, tài sản cho Hoàng gia với các điều kiện dưới đây.

1) Nhà Vua phải giao lại cho chính quyền Cách mạng đội lính khố vàng với tất cả trang bị, vũ khí, đạn dược.

2) Nhà Vua phải báo cho Nhật biết là Triều đình đã trao tất cả quyền bính cho Chính quyền Cách mạng.

3) Nhà vua phải điện ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho Cách mạng tức là cho Việt Minh.   Tối hậu thư hạn cho Nhà Vua phải trả lời trước 13 giờ 30 ngày 23-8-1945 và cử ông Phạm Khắc Hoè làm liên lạc giữa Nhà Vua và Chính quyền Cách mạng.

Đúng 12 giờ 25, Nội các họp dưới quyền chủ toạ của Nhà Vua và bao gồm các ông : Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Trịnh Đình Thảo, Vũ Văn Hiền và Nguyễn Hữu Trí. Nội các đã đã chấp nhận các điều kiện của Việt Minh nêu trong tối hậu thư và nhanh chóng thông qua Chiếu thoái vị do ông Phạm Khắc Hoè dự thảo và được Nhà Vua phê chuẩn.

Chiếu thoái vị được lập tức niêm yết tại Phú Văn Lâu, đồng thời được sao gửi toàn văn cho các ông Khâm sai Bắc Bộ, NamBộ và tất cả các tỉnh trương Trung Bộ.

Trong đêm 23-8-1945, Bảo Đại nhận được bức điện của Uỷ Ban Nhân dân Cách mạng Bắc Bộ từ Hà Nội đánh vào : “Một Chính phủ Nhân dân Cách mạng Lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu Đức Vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà”(theo Báo Cứu quốcngày 27-8-1945). Những vị ký tên trong bức điện gồm có : Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Nguỵ Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường.

Sáng ngày 29-8, nhân dân Huế tổ chức mít tinh trọng thể ở sân vận động để nghênh đón phái đoàn Chính phủ Cách mạng từ Hà Nội vào tiếp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại, gồm có : ông Trần Huy Liệu – Trưởng đoàn và hai ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận.

Đúng 4 giờ chiều ngày 30-8, xe phái đoàn Chính phủ Cách mạng tiến thẳng vào chính giữa của Ngọ Môn, trước những tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn 5 vạn nhân dân nội , ngoại thành Huế.

Trong buổi lễ có một không hai này, Vua Bảo Đại tuyên đọc tờ Chiếu thoái vị một cách xúc động, có khi tắt cả tiếng :

“Hạnh phúc của nhân dân Việt nam, độc lập của nước Việt nam, muốn đạt mục đích ấy, trẫm đã tuyên bố trẫm sẵn sàng hy sinh hết thảy mọi phương diện. Và cũng vì mục đích ấy nên trẫm muốn sự hy sinh của trẫm phải có bổ ích cho tổ quốc. Xét thấy điều bổ ích nhất cho tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, trẫm đã tuyên bố ngày 22-8 vừa rồi rằng trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống và chia rẽ là chết.

Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc Bộ lên quá cao, nếu trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không tránh khỏi nạn Nam – Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận lợi cho người ngoài lợi dụng. Cho nên mặc dù trẫm hết sức đau đớn nghĩ tới công lao liệt thánh vào sinh ra tử gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hoá tới hà Tiên; mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong hai mươi năm mới gần gũi quốc dân mấy tháng, chưa làmđược gì ích lợi cho quốc dân như lòng trẫm muốn, trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường qưuốc dân lại cho một chính phủ Dân chủ Cộng hoà.

Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, trẫm chỉ mong ước có ba điều sau đây :

-Đối với tôn miếu và lăng tẩm của liệt thánh, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.

- Đối với các đảng phái đã từng phấn đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, trẫm mong chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hoà xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng Chính phủ Dân chủ Cộng hoà nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.

- Đối với quốc dân, trẫm khuyên hết tất cả các giai cấp, các đảng phái cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để Chính phủ Dân chủ, giữ vững nền độc lập cho nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến trẫm và Hoàng gia mà sinh ra chia rẽ.

Còn về phần riêng trẫm sau hai mươi năm ngai vàng bệ ngọc đã biết bao ngậm đắng nuốt cay, từ nay trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập chứ trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa.

Việt Nam độc lập muôn năm!
Dân chủ Cộng hoà muôn năm!”


(Theo Tạp chí Tri Tânsố 203, ngày 6-9-1945)

Khi Bảo Đại vừa dứt lời thì trên kỳ đài, cờ vàng của Nhà Vua từ từ hạ xuống và lá cờ đỏ sao vàng năm cánh được kéo lên giữa những tiếng hoan hô như sấm, cắt ngang bởi 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của tổ quốc hồi sinh. Tiếp đến, Bảo Đại đưa hai tay lên trao cho Trưởng phái đoàn đại biểu Chính phủ chiếc Quốc ấn bằng vàng nặng 11,2368 kg và thanh Quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm ngọc.

Nhận ấn – kiếm xong, ông Trần Huy Liệu đọc lời phát biểu tiếp nhận sự thoái vị của Vua Bảo Đại 

“Anh chị em đồng bào!

Lịch sử nước nhà đã tới một giai đoạn mới : Chính phủ Đế chế phải nhường chỗ cho chính thể dân chủ cộng hoà. Đó là nguyện vọng chung của toàn thể quốc dân và là bước tất nhiên trên con đường lịch sử. Một điều mà chúng ta phải thừa nhận là: chính thể dân chủ cộng hoà không phải tự nhiên đem lại cho quốc dân ta, mà là do sự đấu tranh lâu dài của bao nhiêu chiến sĩ và dân chúng mấy chục năm nay. Cuộc đấu tranh giành cho được nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn đi kèm luôn luôn với cuộc đấu tranh giành quyền độc lập cho xứ sở. Đã bao nhiêu con người yêu quý của chủ nghĩa dân chủ bị hy sinh vì lý tưởng rộng lớn và cao thượng của mình, vì quyền lợi tối cao của quốc dân. Cho đến ngày nay, chính quyền đã về tay nhân dân cùng với cuộc độc lập của đất nước.

Nhưng trong chỗ thực hiện chính thể dân chủ cộng hoà ngày nay, một điểm đặc biệt đã đánh dấu vào đó là : thể chế – nguyện vọng chung của quốc dân và thuận theo bước tiến hoá của lịch sử, chính Vua Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị, giao trả quốc quyền cho Chính phủ Lâm thời, đại biểu cho quốc dân trong lúc này. Và, theo lời tuyên bố, chính Nhà Vua cũng yêu cầu dân chủ, sắp hàng vào mặt trận dân chủ với toàn thể quốc dân.

Hôm nay, thay mặt Chính phủ Lâm thời, chúng tôi nhận sự thoái vị của Nhà Vua và nhận quốc quyền của Nhà Vua giao trả cho nhân dân từ ngày hôm nay : 30 tháng 8 dương lịch, nước Việt nam đã trở nên nước cộng hoà dân chủ, một kỷ nguyên mới của lịch sử nước nhà.

Anh, chị em đồng bào!

Chính quyền nhân đân vừa thành lập, nạn ngoại xâm đương đe doạ, chúng ta cần phải tổng động viên toàn thể lực lượng quốc dân để bảo vệ cho nền độc lập của nước nhà và chủ quyền của nhân dân vừa giành được. Xung quanh Chính phủ lâm thời, bao quốc dân hãy kết thành khối vững chắc để ủng hộ cho nó, phá tan mọi trở lực đã chờ đợi chúng ta. Thật thế, quyền độc lập hoàn toàn và quyền làm chủ chỉ có thể giữ vững được một khi quốc dân đã đoàn kết chặt chẽ và phấn đấu tới cùng. Chúng ta đã phấn đấu rồi, cần phải phấn đấu hơn nữa. Đoàn kết và phấn đấu – một phương pháp tự cứu duy nhất của chúng ta trong lúc này.

Về phần Vua Bảo Đại, sau khi thoái vị, ngài sẽ trở nên một trong những người công dân trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hôm nay, ngài đã từ bỏ ngai vàng một cách thản nhiên, lấy tư cách là một công dân của nước, đem hết công sức để đóng góp vào công cuộc độc lập và dân quyền của nước nhà.

Anh, chị em đồng bào!

Từ chế độ quân chủ sang chế độ dân chủ cộng hoà, chúng ta chẳng phải chỉ thay đổi cái tên của chính thể, mà còn phải phấn đấu một cách cương quyết và nhẫn nại để thực hiện cho được một nền dân chủ chân chính, triệt để, toàn dân. Chính phủ lâm thời kêu gọi hết thẩy nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà hãy đoàn kết xung quanh Chính phủ để mau gấp đi tới các mục đích tốt đẹp ấy.

Anh, chị em hãy cùng tôi hô to :

-
         
Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!

-         Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muôn năm!” (Theo TL lưu trữ của BTCMVN).

Hàng vạn nhân dân tham dự lễ thoái vị của Vua Bảo Đại vỗ tay và hô vang trời hai khẩu hiệu trên.

Ông Cù Huy Cận, thay mặt Đoàn đại biểu Chính phủ, tặng Bảo Đại huy hiệu “Cờ đỏ – Sao vàng”, và nói với đồng bào: “Chính phủ Lâm thời gắn cho công dân Vĩnh Thuỵ huy hiệu “Cờ đỏ – Sao vàng”, xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thuỵ”.

Lễ thoái vị của ông vua cuối cùng thuộc triều Nguyễn kết thúc. Cựu hoàng Bảo Đại tươi cười giơ tay vẫy chào đồng bào và ra về.

Nguồn : T/C Dân tộc – Thời đại, số 93, 8/2006

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.