Nhớ Tết cuối cùng của Bác Hồ
Từ Xuân năm 1942, ta cảm ơn Bác Hồ đã cho ta những phút giây thiêng liêng nhưng đầy tình thân ái: nhân năm mới, nhân Tết cổ truyền của dân tộc, Bác Hồ gửi tới mỗi người, mỗi gia đình những vần thơ chúc Tết với những tư tưởng, tình cảm sâu sắc. Và, cũng bắt đầu từ đây, vào ngày cuối cùng của năm cũ, ai nấy đều mong phút giao thừa tới để được nghe thơ chúc Tết của Bác - những vần thơ rung động mọi con tim.
Thơ chúc Tết của Bác Hồ được viết rất giản dị nhưng hàm súc, thể hiện rõ ràng đường lối cách mạng, bộc lộ sâu sắc lòng yêu nước, yêu dân, tin dân, tin cách mạng, tin vào thắng lợi, mang tính thời sự nóng hổi, bức thiết, rất giàu tình cảm và đậm đà bản sắc dân tộc. Những vần thơ chúc Tết năm 1969 của Bác cho chúng ta được hưởng lại những tình cảm ấy của Người.
"Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn".
Ngày 28/2/1969, tiếp đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc, Người nói:
"Thưa các cụ, các cô, các chú, trong thơ chúc Tết năm nay, tôi có nói là:
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!
Trong lúc viết thì như thế, tôi cũng không chắc là câu thơ đó được thực hiện sớm trong năm nay. Hôm nay, bác sĩ Phùng Văn Cung cùng phái đoàn ra đây, đồng bào miền Bắc rất sung sướng. Để hoan nghênh phái đoàn miền Nam ruột thịt, thì nói mấy trăm câu, mấy nghìn câu, mấy vạn câu cũng không thể hết được. Tôi xin phép chỉ nói một câu thôi:
Bao giờ Nam Bắc một nhà,
Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng".
Mỗi độ Xuân về, Tết đến, Bác Hồ chẳng những gửi thơ chúc Tết đến toàn dân, mà Người còn đi thăm, chúc Tết đồng bào, chiến sĩ ta. Từ Tết Đinh Mùi (1967), do sức khỏe có phần giảm, Bác Hồ đề nghị Bác Tôn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng thay Bác đi thăm, chúc Tết nhân dân.
9h45 ngày 6/2/1969, trong phòng khách nhỏ ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đọc lời chúc mừng năm mới. Đài Tiếng nói Việt Nam đến thu thanh.
Đến Tết Kỷ Dậu (1969), có lẽ linh cảm đây là cái Tết cuối cùng của mình nên dù sức khỏe giảm sút nhiều, Bác Hồ vẫn đặt chương trình đi thăm, chúc Tết nhiều nơi và đi trồng cây.
Để không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của Bác, các đồng chí ở văn phòng phục vụ Bác đã khéo sắp xếp theo mong muốn của Bác là đi thăm, chúc Tết và trồng cây. Sáng ngày 16/2/1969 (tức ngày mồng 1 Tết Kỷ Dậu), Bác đi thăm bộ đội Quân chủng Phòng không - Không quân ở Bạch Mai và đến đồi trồng cây "Đón Bác Hồ" và trồng cây đa ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì.
Nói chuyện và chúc Tết nhân dân địa phương, Bác nói: "Các cụ thì biết chuyện cũ, chuyện mới nhưng các cháu ngày nay chỉ biết chế độ dân chủ cộng hòa. Đất nước bây giờ là của ta, cho nên cần phải thi đua sản xuất giỏi, trồng cây giỏi".
Những người trực tiếp phục vụ Bác Hồ có kể lại rằng, hôm ấy, trồng cây xong đã gần trưa, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đã xin mời bác ăn bữa cơm Tết cùng địa phương. Bác bảo, Bác cảm ơn, vì những người giúp việc đã chuẩn bị cơm cho Bác rồi. Và Bác mời đồng chí Bí thư, Chủ tịch, chị Phó Chủ tịch xã sang ăn cơm cùng Bác.
Việc Bác không ăn cơm với xã có nguyên do. Chả là lần Bác về thăm tỉnh Hưng Yên, lãnh đạo tỉnh mời Bác ăn cơm, Bác nhận lời. Nhưng rồi sau đó tỉnh có làm bản thanh toán tài chính ghi rõ: "Thịt một con bò".
Từ đó mỗi khi về địa phương làm việc, Bác thường ăn cơm từ nhà mang theo để tránh tiếng, như Bác đã nói: Hôm đó về thăm, Bác ăn có vài miếng thịt bò mà họ quyết toán chiêu đãi Bác cả con bò; Hay, Bác Hồ về thăm cũng làm một bữa cơm sang, cũng điều người này người khác từ giao tế sang, chuẩn bị cả buổi, như thế Bác Hồ bao che cho cái chuyện xôi thịt. Và sáng mồng 1 tết Kỷ Dậu năm 1969, Bác cũng không để có ngoại lệ.
Đây là lần cuối cùng và là cây cuối cùng Bác trồng để gieo mầm cho sự sống đời sau, và cũng là bữa cơm ngày tết cuối cùng của Bác khi về địa phương.
Cũng trong dịp Tết trồng cây năm Kỷ Dậu ấy, Bác Hồ đã thưởng huy hiệu của Người cho những cụ già có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây gây rừng. Đây là những người cuối cùng được nhận huy hiệu của Bác về phong trào Tết trồng cây: cụ Trần Văn Cựu, xã Đức Lập, Đức Thọ, Hà Tĩnh; cụ Kiều xã Tứ Mỹ, Quảng Bình; cụ Trương Đình Gióng, xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định; cụ Dương Thị Na, hợp tác xã Ức Sơn, xã Hương Sơn, Phú Bình, Thái Nguyên.
Xuân mới, ôn lại những vần thơ chúc Tết năm Kỷ Dậu 1969 của Bác, những việc làm, tình cảm ở những ngày xuân cuối cùng của Người dành cho mỗi chúng ta, để mỗi chúng ta "sắp đặt kế hoạch hoạt động sống còn cho cả năm" với khẩu hiệu "Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", đó là kế hoạch vừa là thực hiện cuộc vận động lớn của Đảng "Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", vừa là hành động thiết thực kỷ niệm 40 năm thực hiện di chúc của Bác Hồ (1969-2009).
Thế là "năm mới thì người ta có những cuộc vui vẻ sung sướng cho xứng đáng với Xuân và để mừng Xuân" đúng như điều "Chào Xuân" của Bác.