Nhìn lại cuộc chiến chống thù trong giặc ngoài ở Nga
Cuộc nội chiến và chống can thiệp (1917 - 1922) là cuộc tranh đoạt chính quyền bằng vũ trang giữa đại diện các giai cấp, các tập đoàn trong xã hội hậu quân chủ Nga, có sự tham gia của Liên minh bốn nước (Đức, Áo - Hung, Bungary, Ottoman - sau là Thổ Nhĩ Kỳ) và khối Entente (đồng minh Tây Âu). Các nguyên nhân cơ bản của cuộc nội chiến và chống can thiệp là: mâu thuẫn lập trường không thể điều hoà được của các đảng phái, các giai cấp về chính quyền và phương hướng phát triển về chính trị - kinh tế của đất nước; mưu toan lật đổ chính quyền xô viết của những thế lực chống bônsêvích, được hiệp trợ bởi can thiệp ngoại bang, hai thế lực này đều mong muốn bảo toàn lợi ích của mình ở Nga và ngăn chặn chiều hướng cách mạng phát triển ra thế giới bên ngoài; sự phát triển của khuynh hướng ly khai dân tộc chủ nghĩa trên lãnh thổ cũ của Sa Hoàng; quan điểm cấp tiến của những người bônsêvích, cho rằng bạo lực cách mạng là chìa khoá để đạt tới các mục tiêu chính trị…; giải tán quốc hội lập hiến do dân bầu (1); kỳ vọng thực hiện cách mạng toàn cầu của ban lãnh đạo Đảng bônsêvích.
Cách mạng tháng 10 năm 1917 đưa Đảng công nhân xã hội - dân chủ Nga (bônsêvích), và đồng minh của họ (cho tới tháng 7 năm 1918) là đảng Xã hội cách mạng, thuộc cánh hữu, lên cầm quyền. Hai đảng này về cơ bản phản ánh nguyện vọng của giai cấp vô sản và bần cố nông Nga. Phe chống đối pha tạp nhiều thành phần thuộc giai tầng phi vô sản trong xã hội Nga.
Quân bạch vệ thường chỉ tập hợp được khoảng 3 - 5 tập đoàn quân, trong đó có hai tập đoàn quân kỵ binh. Có không quân và xe bọc thép. Ngoài ra còn nhiều băng nhóm phiến loạn, vô chính phủ… hoạt động riêng lẻ.
Lực lượng vũ trang của phe cách mạng hình thành từ Vệ binh Đỏ thành lập tháng 3 - 1917 tại một số nhà máy, do Ban quân sự của Đảng bônsêvích huấn luyện và vũ trang, cuối năm 1917 có 20 vạn người, trong đó ở Petrograd có 4 vạn, Matxcơva - 4 vạn, hợp với Hồng quân tháng 3 - 1918, thành Hồng quân công nông. Sử dụng kiến thức quân sự và kinh nghiệm của 75 ngàn cựu tướng lĩnh, đô đốc và cựu binh sĩ quân đội Sa hoàng. Tháng hai 1918 Hồng quân có 400 ngàn lưỡi lê và 40 ngàn tay kiếm, (Bạch quân gồm khoảng 500 ngàn lưỡi lê và kiếm thủ). Tháng Chạp năm 1918, nhờ tổng động viên, có 725.400 Hồng quân. Tới cuối năm 1920 Hồng quân có 5,5 triệu người, phiên chế thành 22 tập đoàn quân, trong đó có 2 tập đoàn kỵ binh, 174 sư đoàn trong đó có 35 sư đoàn kỵ binh và nhiều đơn vị trực thuộc các quân, binh chủng. Vào các năm 1918 - 1919 đội hình chiến đấu cấp sư đoàn chỉ gồm một thê đội, lực lượng dự bị từ một lữ đoàn đến một trung đoàn, nhưng từ năm 1920 đã tổ chức đội hình tác chiến 2 - 3 thê đội, gồm có: các phân đội công kiến, đột phá, pháo binh phản pháo, cao xạ, pháo binh cơ động, pháo binh yểm trợ bộ binh…
Chỉ một ngày sau khi Cách mạng tháng Mười thắng lợi, ở Petrograd, từ 8 đến 11 tháng 11 năm 1917 diễn ra cuộc phản kích do cựu thủ tướng chính phủ lâm thời Kerensky và tư lệnh quân đoàn kỵ binh số 3 do tướng Krasnov cầm đầu hòng giành lại chính quyền. Từ tháng 11 - 1917 đến tháng Tư 1918, ở Orenburg, Ural diễn ra cuộc nổi loạn của tướng Sa hoàng Dutov, nhưng đều bị trấn áp.
Khối Entente không công nhận chính quyền lâm thời công - nông Nga, tìm cách ngăn cản nước đồng minh cũ này thoát ra khỏi cuộc thế chiến. Nguyên thủ Anh, Pháp, Ý họp ở Luân Đôn tháng 3 - 1918 ra quyết định can thiệp quân sự vào Nga. Tháng Ba, được sự đồng loã của Xô viết tại chỗ do các phần tử XHCM và mensêvích cầm đầu, quân Anh - Pháp - Mỹ khoảng 1 ngàn đổ bộ lên Murmansk. Tháng Tư quân Nhật xâm lấn Vladivostock, lúc cao điểm lên tới 80 ngàn. Tháng Năm quân Thổ Nhĩ Kỳ (Phe bốn nước) vào vùng Zakavkaz. Quân can thiệp lúc đông nhất có hơn 200 ngàn người, không kể quân Đức, Áo - Hung xâm nhập Nga thời kỳ trước hoà ước Brest - Litov (2). Quân Ba Lan, Tiệp Khắc đứng chân trên lãnh thổ Nga từ trước cách mạng, đã nổi loạn khi chính quyền Xô viết quyết định tước vũ khí của họ.
Các thế lực chống Xô viết trỗi dậy. Tới mùa hè năm 1918, trên khắp ¾ lãnh thổ Nga đã hình thành nhiều dạng chính quyền của bạch vệ và các phần tử dân tộc tư sản. Nền kinh tế lún sâu vào khủng hoảng. Cuối hè 1918, chính quyền Xô viết chỉ đứng được ở trung tâm nước Nga và một phần lãnh thổ Turkestan. Tới tháng 8 - 1918 chỉ có 38% trong số 9750 xí nghiệp hoạt động. Tổng sản phẩm công nghiệp đạt 1845 triệu rúp, chỉ bằng 1/3 mức của năm 1913. Đầu tháng 8 Hồng quân tìm cách đánh lui địch trên các hướng Volga đi Antiubink, Tiumen nhưng thất bại, do thiếu quân và sai sót trong chỉ huy. Đồng thời, địch cũng tiến hành một loạt vụ khủng bố. Lenin bị thương, chủ tịch Trêca Petrogrand là Urisky M. C bị giết. 31 - 8 , TƯ Đảng đứng đầu là Sverlov Ia. M. đã kêu gọi giai cấp công nhân phản công kẻ thù bằng khủng bố hàng loạt.
Chính quyền mới thi hành chế độ cộng sản thời chiến (3) bao gồm chính sách tận thu lương thực, tổng động viên (4) và xây dựng quân dự bị. Đã trấn áp các cuộc nổi dậy của các phần tử Xã hội Cách mạng (5) cánh hữu và phú nông (Kulak) (6). Thực hiện chủ trương hoàn toàn dựa vào bần cố, hoà hoãn với trung nông, xoay chuyển họ theo hướng cách mạng, tiếp tục đấu phú nông. Từ cuối năm 1918, đã tiến hành những biện pháp triệt để nhằm củng cố Hồng quân - công cụ của nền chính quyền. Đã thành lập các phương diện quân và Hạm đội, trong đó có các tập đoàn quân người vùng Baltic. Hồng quân bắt đầu có những chiến thắng đầu tiên ở mặt trận hướng Đông, giải phóng vùng lãnh thổ ven sông Volga và Ural. Nhiều đội quân du kích Đỏ hoạt động trong hậu địch. Sau cách mạng Đức tháng 11, chính phủ Xô viết huỷ bỏ cam kết theo Hoà ước Brest - Litov, giải phóng Ucraina, Belorus, khôi phục chính quyền Xô viết ở cận Baltic (cuối 1918 đầu 1919). Phe đồng minh tăng cường can thiệp vũ trang, ủng hộ phiến quân do cựu đô đốc Sa hoàng Koltchak cầm đầu ở Sibir, Denikin cầm đầu ở phía Nam, nhiều toán Bạch quân khác ở phía Bắc. Từ cuối 1918 Đảng chủ trương giảm thiểu chống đối chính quyền của trung nông, giải thể các Uỷ ban dân nghèo. Tuy nhiên, khủng hoảng nhiên liệu và lương thực vẫn gây bất bình tại các trung tâm công nghiệp lớn, nơi lương thực cấp theo tem phiếu. Đại hội lần thứ 8 Đảng bônsêvích chủ trương liên minh với công nông để có đủ lương thảo cho Hồng quân. Hè năm 1919 đã thiết lập liên minh chính trị - quân sự giữa các nước cộng hoà Xô viết. Từ tháng Ba đến tháng Năm 1919, Hồng quân bẻ gãy cuộc tiến công phối hợp ba gọng kìm: Koltchak từ phía Đông, Denikin từ phía Nam, Indenitch từ phía Tây. Cuộc phản công chiến lược từ tháng 5 đến tháng 7 đã dập tan phiến quân Koltchak, giải phóng Ural. Từ tháng Tư đến tháng Tám 1919 quân can thiệp phải rút khỏi Krym, (nam Ucraina), Baku, Trung Á. Hè - Thu 1919, Hồng quân đập tan cuộc hành binh mới của Bạch vệ được Đồng minh hậu thuẫn. Phương diện quân Nam đánh tan quân của Denikin ở Orel và Voronez, truy kích tàn quân địch chạy về phía Krym. Mùa thu 1919 tập đoàn quân Indenitch bị tiêu diệt ở gần Petrograd. Phong trào du kích phát triển ở Sibir. Đầu năm 1920, đã giải phóng miền Bắc và vùng ven biển Kaspir, chính quyền Xô viết được khôi phục ở Azerbaijan. Irkust được giải phóng tháng 3 năm 1920. Hàng vạn chiến sĩ tình nguyện quốc tế người Tiệp, Serbi, Ba Lan, Hung tham gia hàng ngũ Hồng quân. Dưới áp lực của nhân dân các nước đồng minh biểu tình đòi chấp dứt can thiệp vào Nga, cuối tháng 3, Hội nghị hoà bình Paris ra quyết định rút quân can thiệp về nước, chấm dứt phong toả Nga.
Từ tháng Tư đến tháng 11, Hồng quân đánh bại cuộc hành binh cuối cùng của Bạch quân do phe Đồng minh hậu thuẫn. Sau chiến tranh Nga - Ba Lan, Hồng quân đã tiến hành hàng loạt đòn tiến công đẩy phiến quân của Vrangel khỏi Krym. Theo vó ngựa Hồng quân, các nước cộng hoà Xô viết mới lần lượt ra đời… Kinh tế chưa được cải thiện, suy thoái và việc áp dụng kéo dài các biện pháp khẩn cấp trong lãnh đạo kinh tế đã đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng chính trị mới đầu năm 1921. Vì hoà bình đã vãn hồi, nông dân chống lại chính sách trưng thu lương thực thừa. Trong nhiều cuộc nổi dậy có cả công nhân và lính Hồng quân tham gia, với các khẩu hiệu: “Chính quyền về tay Xô viết, không về tay đảng phái”, “Xô viết không có chỗ cho cộng sản”. Số người nổi loạn ở Kronshtat là 27 vạn, Saratov là 3 vạn, Tây Sibir là 10 vạn… Dân đòi những người bônsêvích phải chuyển giao chính quyền cho một Xô viết là liên minh chính quyền của toàn dân. Để thoát khỏi khủng hoảng, Đại hội lần thứ X ĐCS Nga (b) họp từ 8 đến 16 - 3 - 21, đã ban hành Chính sách kinh tế mới, bao gồm vấn đề khuyến khích vật chất, cơ chế sản xuất hoàng hoá, thị trường. Bãi bỏ chế độ tận thu lương thực, ban hành chính sách thuế cùng nhiều biện pháp hoà dịu quần chúng. trong 1921 - 1922 đã thẳng tay trấn áp hàng loạt cuộc bạo hành của bạch vệ, kulak và dân tộc tư sản ở Kroshtat, Tambov, Voronez, nhiều vùng thuộc Ucraina, Bắc Zakavkaz, Turkestan, Belorus, Altai… cuối 1921, đã dập tắt các lò lửa bạo loạn, trừ Trung Á. Năm 1921 - 1922, địa vị của CHXHCN XV LB Nga được củng cố nhờ các hiệp định hoà bình được ký với Persic (Iran) và Afganistan tháng 2 - 1921, với Thổ nhĩ kỳ tháng 3 - 1921. 30 - 12 - 1922 Liên bang CHXHCN Xô viết (7) được thành lập từ các nước cộng hoà Xô viết như LB Nga, Ucraina, Belorusia, Zakapkaz (8).
Trong các chiến dịch, cả hai bên (Hồng quân và Bạch quân) áp dụng phương thức, thủ đoạn tác chiến gần như nhau. Đặc trưng tác chiến chủ yếu của cả hai bên đều là cơ động, linh hoạt, tích cực. Đòn đánh chủ yếu trong các chiến dịch tiến công chiến lược của Hồng quân thường nhằm vào cụm quân thiện chiến từ hai đến ba tập đoàn quân của địch. Dải tiến công chính của Hồng quân thường chiếm từ 20 đến 50 phần trăm tiền duyên. Trên hướng tiến công chiến lược vào năm 1918 - đầu 1919 thường đưa vào khoảng 20% binh lực, các năm tiếp sau: từ 45, rồi 70% binh lực, tổ chức thành một - hai phương diện quân gồm 3 - 5 tập đoàn quân bộ binh, 1 - 2 tập đoàn quân kỵ binh, một số phân đội ô tô bọc thép và phi đội không quân. Các tập đoàn quân kỵ binh là lực lượng cơ động, chiến lược, nhiệm vụ: khuếch trương hiệu quả chiến thuật; đột phá chính diện trong chiến dịch tiến công; bao vây cụm quân địch. Cách đánh hiệu quả là sử dụng ưu thế tuyệt đối về quân số đồng loạt đánh vào các yếu điểm trong phòng thủ của địch (ranh giới giữa tập đoàn quân và quân đoàn …) từ cả hướng chính diện và bên sườn, hình thành từ thế chia cắt quân dịch thành các nhóm nhỏ rồi bao vây tiêu diệt. Bề rộng dải tấn công thường từ 350 - 2000 km, chiều sâu từ 150 đến 3500 km, thời gian tiến hành chiến dịch từ 20 - 200 ngày đêm. Còn đặc điểm của các chiến dịch phòng ngự là phạm vi mặt trận rộng lớn, phân bố binh lực có trọng điểm, chuẩn bị điều kiện để chuyển sang phản công - tiến công bằng lực lượng từ 1 - 2 phương diện quân.
Hệ thống chỉ huy từ Trung ương xuống đơn vị cơ sở bao gồm: Hội đồng quân sựcách mạng nước cộng hoà (thành lập 3 - 3 - 1918 theo quyết định của Hội đồng dân uỷ Nga); Bộ tổng tư lệnh Hồng quân - tiền phương bộ tham mưu của HĐQSCM nước cộng hoà; Bộ chỉ huy phương diện quân… Ở các vùng, tỉnh thành, quận - huyện có Quân vụ- Voenkomat lo việc dự bị, động viên, tập đoàn quân sự.
Đã hoàn thiện công tác hậu cần và đảm bảo chiến đấu, nghệ thuật sử dụng lực lượng dự bị. Hoạt động quân sự trên toàn cục được tiến hành dưới bàn tay cứng rắn của Chủ tịch Hội đồng quân sự cách mạng nước cộng hoà Trosky L.D. Điều hành các chiến dịch là các chỉ huy kiệt xuất của Hồng quân và Hải quân công nông, kể cả chưa qua đào tạo về quân sự dưới thời Nga hoàng như Frunze M.V… Công tác chính trị do các nhà cách mạng và cán bộ đảng chuyên nghiệp như Voroshilov K.E, Kirov C.M., Kuibyshev B.B., Ordjonịidze G.K., Stalin I.V…. tiến hành. Đã phát triển công tác địch vận. Chẳng hạn, các chiến địch tuyên truyền do Ban binh vận của tỉnh uỷ bí mật Odessa chỉ đạo đã làm xuất hiện binh biến trong các đơn vị và hạm tàu của quân can thiệp; trong tiến trình phá Bạch vệ Denikin đã sử dụng đội quân binh vận tới 1 vạn người.
Trong Hồng quân công nông có Hệ thống chính trị uỷ viên (chính uỷ). Trong tiến trình chuẩn bị cách mạng tháng Mười 1917, 20 tháng 10 (dương lịch: 3 - 11) Hội đồng quân sự cách mạng Petrograd đã quyết nghị bổ nhiệm tại các căn cứ, các chiếm hạm, các nhà máy lớn và các kho súng. Chức trách chính uỷ để tuyên truyền vận động binh lính và thuỷ binh Sa hoàng chạy sang hàng ngũ bônsêvích; thành lập các đơn vị vũ trang để tham gia cướp chính quyền; trung lập hoá thế lực anti - bônsêvích. Thể chế chính uỷ được chính thức đưa vào Hồng quân Xuân 1918. Theo chỉ thị 27 - 3 - 1918 của Hội đồng quân sự tối cao và Quân uỷ(Narkomvoenmor - cơ quan chính trị của quân đội và hải quân), chính uỷ có nhiệm vụ: giám sát về chính trị đối với việc tổ chức hoạt động quân sự và đời sống bộ đội, đảm bảo độ tin cậy về chính trị của các chỉ huy (đa số là cựu sĩ quan Sa hoàng) và chuyên gia quân sự(sĩ quan lưu dung không làm chức trách chỉ huy). Chính uỷ có quyền hạn vô cùng to lớn, quân lệnh phải có chữ ký của chính uỷ mới được thực thi. Để chỉ đạo hệ thống chính uỷ trong toàn quân đã thành lập Hội đồng chính uỷ toàn Nga.Tới cuối tháng 1919, Hồng quân có 3200 chính uỷ ở các sư đoàn, trung - lữ đoàn, hạm đội, tiểu đoàn (9)…
Cuộc nội chiến đã diễn ra vô cùng khốc liệt, gây nên thiệt hại về người cho nước Nga là 13 triệu (riêng Hồng quân hy sinh và mất tích 940 ngàn binh sĩ, 6 triệu lính chết bệnh) thiệt hại về của là 50 tỷ rúp vàng. Sản xuất công nghiệp thời kỳ nội chiến và chống can thiệp chỉ đạt ở mức 4 - 20% so với năm 1913.
Chú thích
(1) Đêm 20 - 1 - 1918 căn cứ trên báo cáo của Lenin, BCH TƯ toàn Nga ĐCN XHDC (b) ra sắc lệnh giải tán Quốc hội. Việc đóng cửa cơ quan dân biểu đầu tiên trong lịch sử đất nước, được thành lập thông qua bầu cử dân chủ trên toàn quốc, đã lấy những xung đột nhỏ ở vài vùng thuộc Đế chế Nga cũ bùng lên thành nội chiến.
(2) Hoà ước Brest - Litov. Thoả hiệp giữa một bên là nước Nga xô viết với phe Liên minh bốn nước (Phổ, Áo - Hung, Bungary, Thổ Nhĩ Kỳ). Tại bàn đàm phán tháng giêng, đoàn Nga do Trosky L.D dẫn đầu kiên trì lập trường của TƯ ĐCNXHDC (b) là đình chiến nhưng không ký hoà ước tuân theo điều kiện do Đức áp đặt 16 - 2 - 1918, Đức tuyên bố chấm dứt đình chiến, tiếp tục chiến tranh. 19 - 2 Hội đồng dân uỷ CH XHCN XV LB Nga gửi điện cho Đức, đồng ý ký hoà ước. Nhưng quân Đức và quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Kapkaz, quân Áo - Hung, quân lê dương Ba Lan đóng ở Belorus, quân nước Cộng hoà nhân dân Ucraina thân Đức đã triển khai chiến dịch “Quả đấm sắt” (Faustschlag) chọc thủng phòng tuyến Nga, đầu tháng 3 - 1918 chiếm được Revelsk, Pskov, Narva, đánh nhau với cận vệ Đỏ, Hồng quân vừa được thành lập và các đơn vị quân Sa hoàng còn sức chiến đấu, quyết liệt nhất là trên các hướng Pskov, Valsk, Revelsk (nay là Talin). 3 - 3 - 1918, tại Brest - Litov, XH XHCN xô viết Liên bang Nga đã ký hoà ước với Liên minh bốn nước, Nga bồi thường chiến phí 6 tỉ mác Đức. Ba nước cận Baltic, Ba Lan, một phần Belorus bị sáp nhập vào lãnh thổ Đức. Ucraina rơi vào tay các thế lực thân Đức và Phần Lan bị Đức chiếm đóng.
(3) Chế độ cộng sản thời chiến: quốc hữu hoá đại công nghiệp, kiểm soát tiểu công nghiệp, hô hào công nhân và nông dân “thánh chiến chống tư sản ở nông thôn”, lập raUỷ ban người nghèo (kombedy) để phân phối lúa mỳ và tịch thu lương thực thừa của kulac… TheoBách khoa Từ điển quân sự Nga, những biện pháp này có mặt trái là đã đẩy cả thành phần bá hộ lẫn tầng lớp trung nông lớp dưới chiếm 60% nông dân Nga quay lưng lại với chính quyền xô viết, gây bất ổn cho xã hội, tăng tỉ lệ đảo ngũ trong Hồng quân.
(4) Chế độ tổng động viên: từ tháng Ba 1918 tiến hành huấn luyện quân sự bắt buộc cho nông dân, công nhân không thuộc thành phần bóc lột, áp dụngchế độ phục vụ tình nguyện 6 tháng, kêu gọi tướng sĩ Sa hoàng gia nhập Hồng quân. Nhưng đến cuối tháng 4 - 1918 chế độ tình nguyện chỉ mộ được 196 ngàn binh sĩ. Do vậy, Đảng quyết định áp dụngchế độ cưỡng bách tòng quân .
(5) Đồng minh của phái bônsêvich trong Cách mạng tháng 10. Cánh hữu XHCM cho rằng hoà ước Brest - Litov phản bội quyền lợi của cách mạng thế giới. Từ mùa hè 1918, cùng với Đảng Cadet - dân chủ lập hiến, các tổ chức XHCM chủ trương tiếp tục chiến tranh chống Đức. Họ đoạn tuyệt với phe bônsêvích, rời bỏ chính phủ liên hiệp, tổ chức giết đại sứ Đức ở Nga, nổi loạn ở Matxcơva và Iaroslav.
(6) 16 - 1 - 1919 Ban tổ chức (Orgbureau) TƯ ĐCS Nga (b) được thành lập. Do thiếu sâu sát tình hình, đã lệnh cho Đảng bộ các cấp những vùng dân Côdắc khủng bốt tất cả thành viên cộng đồng Côdắc từng tham gia chống chính quyền xô viết. Quyết định cực đoan này dẫn tới cuộc nổi loạn tháng 3 - 1919 của dân Côdắc vùng Thượng sông Đôn, cản bước tiến Hồng quân về phía Nam. Cuối 1919 TƯ ĐCS Nga (b) chủ trương chấm dứt đàn áp người Côdắc, chuyển sang sách lược phân hoá giai cấp (“không trả thù dân tộc Côdắc về những gì đã thuộc quá khứ, che chở, bảo vệ những ai thực sự cộng tác với Đảng; bắn bỏ không thương tiếc những ai trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ kẻ thù”)… Nhưng các cuội nổi loạn của dân Côdắc sẽ còn dai dẳng mãi về sau.
(7) 1925 thêm CHXHCN XV Uzbek và Turmeni. Năm 1940 Bessarabia được Rumania trả lại cho Liên bang Xô viết, thành lập nước CHXHCN XV Moldavia; chính quyền xô viết được khôi phục ở ba nước Baltic. Đầu đại chiến thứ hai Hồng quân chiếm lại Tây Ucraina, Tây Belorusia. Tới lúc này diện tích Liên bang Xô viết là 22.4 triệu km 2, bằng diện tích của Đế quốc Nga. So với Đế chế Nga. Liên Xô không bao gồm Ba Lan và Phần Lan.
(8) Thành lập tháng 3 - 1922. Năm 1936 tách ra thành 3 nước CH XHCN: Azerbaizan, Gruzia, Armenia.
(9) Trong cuộc cải tổ quân đội 1924 - 1925, hệ thống chính uỷ được giải thể, xác lập chế độ một người chỉ huy. Triển khai hệ thống trợ lý chính trị (pompalit). Năm 1931, hệ thống chính uỷ được tái lập để tăng cường sự bảo trợ về chính trị cho quân đội trong thời kỳ “thanh đảng”, bắt đầu từ năm 1928… Năm 1937 - 1938, trong làn sóng đàn áp của Stalin, tất cả các cục trưởng cục chính trị các Quân khu, các hạm đội, Lãnh đạo Tổng cục chính trị… bị thanh trừng. (Bách khoa từ điển quân sự Nga , tập 6, tr 439). Nhiều người bị hành hình. Tháng Tám năm 1940, Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao một lần nữa giải thể hệ thống chính uỷ, 11 tháng sau, do những thử thách khốc liệt và thương vong nặng nề của Hồng quân buổi đầu chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống chính uỷ lại được đưa vào để tăng cường uy tín của người chỉ huy, đảm bảo chấp hành kỷ luật quân đội và thực hiện mệnh lệnh cấp trên, tuyên truyền về các chiến thắng của Hồng quân và kinh nghiệm tác chiến, làm gương cho chiến sĩ trong chiến đấu chống phát xít. 9 - 10 - 1942, Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao ra nghị định giải thể hệ thống chính uỷ, quay về chế một chỉ huy.
Nguồn: Xưa & Nay, số 295, 11 - 2007, tr 40.