Nhân Ngày báo chí Việt Nam 21-6: Một nhân cách lớn của một nhà báo cách mạng nổi tiếng
Năm 1928, ông làm báo Lao Nông in ronéo phát hành bí mật. Trong một cuộc xô xát có đổ máu giữa một nhóm sinh viên tiến bộ với một nhóm sinh viiên cực hữu tại khu đại học La Tinh ở Paris, ông bị Chính phủ Pháp bắt giam một thời gian ngắn. Khoảng năm 1929, ông được cử đi học tại Trường đại học Phương Đông cùng khóa với Bùi Công Trừng, Nguyễn Văn Trân, Trần Ngọc Danh, Hà Huy Tập ... Sau đó, ông trở về lại nước Pháp.
Cuối năm 1931, ông trở về nước, giữa lúc tại Sài Gòn, nhà cầm quyền Pháp đang mạnh tay đàn áp, khủng bố những người cộng sản (2).
Ngày 24-4-1933, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo xuất bản tờ tuần báo La Lutte để chuẩn bị vận động cho kỳ bầu cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn. Tờ báo còn có tính chất chống thực dân Pháp ... Dương Bạch Mai là một trong những cây bút chủ lực của tờ bào này.
Năm 1935, hai đảng viên Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai đắc cử vào Hội đồng thành phố Sài Gòn. Tại các phiên họp của Hội đồng thành phố, Dương Bạch Mai đã đấu tranh quyết liệt cho quyền lợi của thợ thuyền. Mặt khác, ông còn tập hợp quần chúng bãi công đòi dân sinh, dân chủ. Trong một lần cùng với Nguyễn Văn Tạo, dẫn đầu một đoàn đại biểu đi gặp Thống đốc Nam kỳ Pagès, cả hai ông Dương Bạch Mai và Nguyễn Văn Tạo đều bị bắt giam. Bị dư luận ở Sài Gòn và cả Pháp phản kháng mạnh, nhà đương cục Pháp phải trả lại tự do cho hai ông.
Giữa năm 1936, Chính phủ Mặt trận Bình Dân Léon Blum lên cầm quyền ở Pháp. Ủy ban lâm thời Đông Dương đại hội gồm có: Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Nguyễn, Trịnh Đình Thảo được thành lập nhằm vận động cho dân sinh và dân chủ. Thực dân Pháp âm mưu dập tắt phong trào đấu tranh công khai này, bắt bớ, giải tán các Ủy ban hành động. Trước tình hình này, Dương Bạch Mai đáp may bay sang Paris để đấu tranh với Chính phủ Pháp. Trong lúc đó, nhiều thành viên trong Ủy ban lâm thời Đông Dương đại hội như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn ... bị bắt giam ở khám lớn Sài Gòn, và được trả tự do, sau hai tháng giam giữ.
Đầu năm 1937, Dương Bạch Mai từ Pháp trở về, thì phe trốt - kít đã độc chiếm tờ báo La Lutte, chống Đảng Cộng sản Đông Dương và Quốc tế Cộng sản, đưa ra những khẩu hiệu tả khuynh, phá hoại Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Chính điều này buộc Dương Bạch Mai phải gấp rút cho ra mắt tờ báo mới, lấy tên Le Peuple cho phù hợp với chủ trương của Mặt Trận Dân chủ. Báo Le Peuple là cơ quan của nhân dân lao động Đông Dương, nhưng thực tế là cơ quan Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đồng chí Hà Huy Tập, Tổng Bí thư đảng Cộng sản Đông Dương, chỉ định Dương Bạch Mai làm Chủ nhiệm báo và Nguyễn Văn Kỉnh làm quản lý. Tờ Le Peuple ra số đầu tiên vào ngày 24-9-1937, và số cuối cùng, tnáng 8-1939. Đây là tờ báo đầu tiên đăng nguyên văn một số văn kiện của Đảng như số 26 đăng bức thư công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương khởi cho các đảng phái. Tờ báo này cũng đã đăng Thư của Đảng Cộng sản Đông Dương gởi Đảng Cộng sản Pháp. Dương Bạch Mai thường dành nhiều thời gian biên tập lại những bài viết bằng tiếng Pháp của các phóng viên mới tham gia báo Le Peuple.
Giữa năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ, lúc bấy giờ là Tổng bí thư Đảng cộng sản Đông Dương, quyết định cho xuất bản tờ báo bằng tiếng Việt, lấy tên là Dân Chúng, để hướng dẫn, tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, Báo Dân Chúng ra đời, không phải xin phép, chỉ làm bản khai nộp cho Biện lý cuộc. Tòa soạn hai tờ Le Peuple và Dân Chúng ở chung tại số 43 Hamelin, Sài Gòn. Báo Dân chúng số 1 ra ngày 22-7-1938; số cuối cùng, số 80, 38-8-1939, Dương Bạch Mai là một trong những cây bút chủ lực của báo Dân Chúng.
Tờ báo Dân của Xứ ủy Trung kỳ, ra ngày 13-7-1938, đăng bài của Phan Đăng Lưu: “Mới rồi, Dương Bạch Mai ở trong Nam có mấy bài đăng ở báo Le Peuple bị tòa kết án một năm tù, 5 năm biệt xứ... “ và ngày 8-2-1939, Dương Bạch Mai cùng Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh được nhà đương cục trả lại tự do kèm theo điều kiện “Phải rời khỏi Sài Gòn”. Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn An Ninh dời xuống ở Đông Phương thư xã Mỹ Tho, còn Dương Bạch Mai tại nơi cư trú chỉ định thị xã Cần Thơ.
Nhân dịp kỷ niệm 150 năm Cách mạng Pháp, ngày 14-7-1939 Dương Bạch Mai tổ chức một cuộc mít- tinh tại rạp Léopold Cần Thơ, Cuộc mít- tinh kết thúc bằng bản nghị quyết do Dương Bạch Mai đọc, đòi tự do, dân chủ, ân xá chính trị phạm, ban hành luật lao động, nam nữ bình đẳng, mở thêm nhiều trường học v.v...
Giữa tháng 9-1939, thực dân Pháp đóng cửa tất cả 14 tờ báo ở sài Gòn, trong đó có tờ Le peuple, tờ Dân Chúng. Dương Bạch Mai, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Văn Thủ bị bắt và đày ra Côn Đảo, một lượt với Trần Văn Giàu, Trần Hữu Độ, Dương Quang Đông... Đến năm 1943, Dương Bạch Mai được trả tự do, nhưng vẫn bị quản thúc tại Tân Uyên (Biên Hòa).
Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông là một trong những người lãnh đạo cướp chính quyền tại Sài Gòn. Ông là đại biểu duy nhất của tỉnh Bà Rịa trong Quốc hội khóa I năm 1946. Ông là thành viên Phái đoàn nước ta tại Hội nghị trù bị Đà Lạt (19-4 đến 11-5-1946), và sau đó, Hội nghị Fontainebleau tại Pháp 6-7 đến 14-9-1946). Nhà sử học Pháp Philipe Devillers cho biết, tại Hội nghị Fontainebleau năm 1946, Dương Bạch Mai đã khẳng định: “Chừng nào mà Nam kỳ còn bị chia cắt ra kỏi Việt Nam thì việc thỏa thuận giữa nước Pháp và nước Việt Nam sẽ không bao giờ có được” (3).
Ngày 19-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Pháp trở về nước, Dương Bạch Mai là tùy viên báo chí trong Phái đoàn liên lạc chính thức của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trụ sở đặt tại đại lộ Saint Anne, Paris.
Trong một phiên họp của Quốc hội Pháp, nghị sĩ Paul Raynauld cầm đầu cánh hữu, vu cáo Dương Bạch Mai đã từng bắt giữ và thủ tiêu mấy chủ đồn diền Pháp tại Long Thành năm 1945 để chiếm đoạt tài sản. Chính phủ Pháp đã bắt giữ và giải Dương Bạch Mai về Sài Gòn xét xử, nhưng tòa án quân sự Pháp tuyên án chỉ quản thúc Dương Bạch Mai tại thị xã Kon Tum.
Ngày 14-7-1949, chi bộ Đảng tại Gia Lai – Kon Tum đã giải thoát và đưa Dương Bạch Mai ra vùng tự do an toàn.
Tháng 5-1957, Phó Thủ tướng Phạm Hùng chủ trì một cuộc họp bàn về việc xuất bản một tờ báo lên án Mỹ – Diệm phá hoại Hiệp định Genève về Đông Dương, âm mưu chia cắt đất nước lâu dài... Tờ báo lấy tên Thống Nhất, ra hàng tuần. Chủ nhiệm đầu tiên là Dương Bạch Mai và Thư ký tòa soạn là Phan Thao. Lúc đầu, trụ sở báo đóng tạm một phần tại Câu lạc bộ Thống Nhất ở ven hồ Hoàn Kiếm, nhưng sau được Chính phủ ưu tiên cấp cho ngôi nhà khang trang ở 80 Nguyễn Du, Hà Nội.
Báo Thống Nhất có những bài chuyên luận chính trị về những vấn đề lớn của thời cuộc của những cây bút đã thành danh như Trần Văn Giàu, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Minh Vỹ, Trần Đình Trị ...
Dưới sự chỉ đạo của Dương Bạch Mai, báo Thống Nhất, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã góp phần đáng kể trong việc cổ vũ, động viên quân và dân ta ở cả hai miền đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Chủ nhiệm báo Thống Nhất Dương Bạch Mai, với uy tín sẵn có của mình, đã tổ chức tập hợp anh chị em làm báo thành một ê-kíp đầy nhiệt tình, luôn luôn hướng về miền Nam thân thương và dành tất cả cho miền Nam ruột thịt.
Giữa lúc báo Thống Nhất vừa mới đi được một chặng đường thì Dương Bạch Mai đã ra đi vào lõi vĩnh hằng ở tuổi 60, để lại cho bạn bè, đồng nghiệp nỗi niềm thương tiếc về một nhân cách lớn của một nhà báo cách mạng nổi tiếng. Ông mất tại Hà Nội năm 1964.
-----
(1) (2) Có tài liệu nói, Dương Bạch Mai sinh năm 1905, và về nước năm 1932.
(3) Tạp chí Xưa và Nay, số 114, tháng 4-2003 –trang 18.