Nhân chuyến đi thăm một hợp tác xã trồng cây giỏi của Bác Hồ
Nội dung câu chuyện như sau:
Chiều thứ bảy Bác bảo tôi (đ/c Vũ Kỳ) gọi điện cho các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, Sơn Tây và Nghệ An đúng 6 giờ sáng hôm sau (chủ nhật) đến Phủ Chủ tịch đi công tác với Bác. Bác dặn không được tiết lộ mục đích chuyến đi (chỉ riêng đồng chí Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Nguyễn Tạo được biết trước) và bảo tôi chuẩn bị đồ ăn lót dạ và cơm trưa cho cả đoàn. Sau khi được biết tin, các đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đều lo lắng không hiểu vì sao Bác gọi.
Đúng 6 giờ sáng, đoàn xe lên đường, đến địa điểm Sơn Tây đoàn xe dừng bánh. Bác bước xuống xe, câu đầu tiên Người hỏi là: “Đi với Bác từ tờ mờ sáng đến giờ, các chú có gì lót dạ chưa?...”, “Thưa Bác – tôi trả lời - đã chia phần cho mọi người tranh thủ ăn luôn trên xe rồi ạ”. Bác nói tiếp: “Thế thì Bác có thể yên tâm thông báo với các chú nhân ngày nghỉ Bác mời các chú đi thăm một HTX trồng cây giỏi”. Nghe Bác nói, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc phấn khởi ra mặt. Còn đồng chí Bạch Thành Phong (Bí thư Tỉnh uỷ Sơn Tây) thì lo lắng bồn chồn: “Thôi chết rồi! Nguy to rồi!”.
Xe càng chạy, các quả đồi trơ trọc cứ loang loáng nối đuôi nhau hiện ra hai bên đường quốc lộ. Thỉnh thoảng mới thấy một vài ba cây thưa thớt. Anh Bạch Thành Phong than vãn: “Ôi! cây ơi là cây!” nghe đến sốt ruột; đồng chí Nguyễn Văn Minh (Phó Bí thư Tỉnh uỷ Nghệ An) mới lên tiếng: “Thôi, thôi, ông ơi, tôi với ông được Bác mời đi hôm nay là do phong trào trồng cây hai tỉnh ta xếp loại bét nhất nhì, giờ lo nghĩ cách hứa với Bác quyết tâm trồng cây giỏi để mời Bác về thăm”.
Lúc nghỉ trưa giữa đường, đồng chí Bạch Thành Phong mạnh dạn báo cáo với Bác và quyết tâm trồng cây tốt để đón Bác về thăm. Bác trả lời: “Chú nói chưa đúng, có quyết tâm là đúng, nhưng chú lo tổ chức trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng cây ven đường là để làm giàu cho dân, chắn gió bão, chống xói mòn, đây năng suất chất lượng lên cao, cho dân no, dân ấm, chứ sao lại để đón Bác”.
Tuy là một nguyên thủ quốc gia bận rất nhiều việc lớn, nhưng do quan điểm nhận thức về tầm quan trọng của công tác trồng cây đối với quốc kế dân sinh, nên suốt cuộc đời mình, Bác dành khá nhiều thời gian để tham gia chỉ đạo công tác trồng cây. Trong thời gian 10 năm (từ năm 1959 – 1969) Bác viết 10 bài về “Tết trồng cây”, mỗi năm viết một bài nêu lên bí quyết thành công của những đơn vị và cá nhân trồng cây giỏi. Chuyến đi thăm đơn vị trồng cây giỏi lần ấy là chuyến đi thứ tám trong tổng số mười ba lần đi thăm của Bác trong suốt quá trình chỉ đạo “Tết trồng cây”. Chính sự sâu sát quần chúng đó thể hiện phong cách gần dân, trọng dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những bài học và chuẩn mực về phong cách, lối sống đạo đức của Người thì gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân được xem là một nội dung quan trọng bậc nhất.
Hai ông cán bộ đứng đầu hai tỉnh Sơn Tây và Nghệ An coi việc chỉ cần: 1) Có lời “hứa quyết tâm” của hai ông; 2) Hơn nữa hai ông chỉ cần “lo nghĩ cách hứa với Bác quyết tâm trồng cây giỏi” là hoàn toàn đủ để che đậy việc “trồng cây xếp vào loại bét nhất nhì” của hai tỉnh mà hai ông có “vinh dự” làm lãnh đạo.
Còn ý tưởng lớn trong sự trả lời của Hồ Chí Minh nghiêng hẳn về quan điểm sau đây: 1) “Lo tổ chức trồng cây phủ xanh đất trống đồi trọc... là để làm giàu cho dân...”; 2) Chứ hoàn toàn không phải và không được là “để đón Bác”.
Mở rộng luồng tư tưởng ấy, có thể nói, tư tưởng Hồ Chí Minh ở đây là: Mọi việc làm của cán bộ đều phải vì mục tiêu phục vụ người dân chứ không phải vì thành tích để dâng lên cấp trên, bất cứ cấp nào, kể cả Hồ Chủ Tịch.
Rõ ràng, tư tưởng Hồ Chí Minh ở đây đã bao hàm tư tưởng chống bệnh thành tích mà chúng ta đang ra sức thực hiện./.
Nguồn: TC. Khoa học – Công nghệ Nghệ An, số 5/2007