Nhà trí thức cách mạng Phan Thanh với viện dân biểu trung kỳ trong những năm 1936 – 1939
Cuộc vận động dân chủ những năm 1936 – 1939 đã diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, khi tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã trực tiếp ảnh hưởng sâu sắc đến cách mạng Việt Nam . Mặt trận dân chủ Đông Dương và phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ cùng cuộc vận động dân chủ trên đà phát triển đã ảnh hưởng tích cực đến cách mạng Việt Nam , tạo nên một cao trào cách mạng dân tộc, dân chủ rộng lớn. Qua cao trào, trình độ chính trị và công tác của cán bộ và đảng viên được nâng cao, uy tín và ảnh hưởng của Đảng được mở rộng và thấm sâu trong nhân dân, chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như đường lối, chính sách của Đảng, của Quốc tế Cộng sản được phổ biến, tuyên truyền và giáo dục sâu rộng. Các sách báo của Đảng và của Mặt trận Dân chủ đã có tác dụng lớn trong việc động viên, giáo dục, tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh, đồng thời đập tan những luận điệu tuyên truyền xuyên tạc và những hành động phá hoại bè lũ phản động làm chúng càng bị cô lập. Trong hoàn cảnh đó, tổ chức của Đảng được củng cố và phát triển. Đội quân chính trị quần chúng gồm hàng triệu người ở thành thị và nông thôn được Đảng tập hợp, xây dựng và giáo dục, đồng thời cũng bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ cách mạng đông đảo, dày dạn trong đấu tranh, có nhiều kinh nghiệm.
Phan Thanh, nhà trí thức cách mạng đã sống và hoạt động cách mạng trong bối cảnh rất đặc biệt như vậy, và bản thân người chiến sĩ Phan Thanh cũng đã hội đủ những đức tính cần thiết phải có và đã có cho thời kỳ hoạt động mới.
Nói về nhà trí thức yêu nước cách mạng Phan Thanh, có thể khẳng định ông đã được chuẩn bị từ rất sớm và vững chãi về tư tưởng, tình cảm và trình độ cho cuộc đấu tranh trong một môi trường và bối cảnh lịch sử đặc biết như vậy. Điều cấn nhấn mạnh ở đây là ý thức phấn đấu tự rèn luyện không ngừng vươn lên để đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh trong môi trường và bối cảnh lịch sử đặc biệt đó. Phan Thanh đã xác định mục tiêu hành động của mình ngay từ đầu, trong buổi họp ngày 19 tháng 12 năm 1938 của Hội đồng thành phố Hà Nội”: “Nếu làm chính trị là đòi hỏi một sự công bằng lớn hơn… là bảo vệ lợi ích của những người lao động, những người thợ, người làm công, những viên chức, những tiểu thương, tiểu chủ, của những người cùng khổ mà người ta còn chưa nhận thức đầy đủ những giá trị và quyền lợi của họ, thế thì thưa các ngài, chúng tôi không sợ gì để nói chúng tôi sẽ kiên quyết làm chính trị”
Sự thật thì Phan Thanh đã làm đúng như ông nói. Cho nên có thể xem đây như một Tuyên ngôn Chính trịmà ông đã thực hiện đầy đủ từ những ngày đầu bước chân vào con đường hoạt động cách mạng cho tới ngày từ giã cõi đời vì bạo bệnh. Rõ ràng là thời thế tạo anh hùng, điều đó có nghĩa là tạo ra những điều kiện - ở đây là những hình thức và phương pháp hoạt động thích hợp với tài năng của con người trong môi trường hoạt động mới, và ngược lại chính con người đã tạo cho mình những năng khiếu và tài năng đế hoạt động kết quả trong hoàn cảnh mới. Trong cuộc đời cách mạng của mình, Phan Thanh chủ yếu hoạt động ở nghị trường, trực tiếp và trực diện trình bày và tranh luận với đối phương. Với các ưu điểm nổi trội của mình, ông vừa là một nhà báo, một cây bút lành nghề và lão luyện, một nhà giáo giỏi đầy uy tín, một chính khách sắc sảo, hùng biện và dũng cảm trong đấu tranh công khai tại nghị trường, ông đã bảo vệ không mệt mỏi quyền lợi của quần chúng lao động và các dân tộc Đông Dương. Nhờ vào tài năng, nhân cách và uy tín, ông đã trở thành một chiến sĩ xã hội trụ cột của phong trào dân chủ, thực hiện xuất sắc chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản, và vì vậy đã đóng vai trò xuất sắc là cầu nối của những người xã hội (ông là đảng viên đảng Xã hội Pháp) với những người cộng sản và dân chúng cần lao, nên đã được suy tôn danh hiệu cao quý là” “Người chiến sĩ của dân chúng”, một lời đánh giá công minh và tốt đẹp nhất đối với một trí thức cách mạng chân chính.
Phan Thanh trở thành nghị viên Viện nhân dân đại biểu Trung Kỳ (gọi tắt là Viện Dân biểu Trung kỳ) năm 1937 cũng là một việc rất đặc biệt. Trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, Đảng Cộng sản chủ trương: “vô luận là cuộc tuyển cử gì, Đảng ta có thể tham gia được là nên tham gia. Chúng ta cần lợi dụng các thời kỳ tranh cử mà tuyên truyền khẩu hiệu của ta, phải lợi dụng các cơ quan lập hiến mà bênh vực cho quyền lợi quần chúng lao động và các lớp dân chúng bị áp bức”. Đảng còn chỉ rõ: “Đối với những người ra tranh cư, không nên chỉ chọn rành là đồng chí mà còn cần đưa ra những người cảm tình ra ứng cử”… “Đối với người thay mặt chúng tôi, lần này chúng tôi không lãnh đạm như mấy lần trước, trái lại chúng tôi muốn lựa chọn người xứng đáng biết tôn trọng quyền lợi của chúng tôi. Người dân biểu phải đủ tài trí, can đảm mới đối phó được với chính phủ một cách xứng đáng mà bệnh vực quyền lợi cho dân”.
Ở Trung kỳ lúc đó, rõ ràng người có thể đáp ứng các yêu cầu đức và tài đó, thiết tưởng người xứng đáng nhất không ai khác là Phan Thanh. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, yêu nước và cách mạng tại làng Bảo An, phủ Điện Bàn, nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam . Với sự giới thiệu của tỉnh Đảng bộ Quảng Nam , Phan Thanh đã ra ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ. Nhưng có một khó khăn là năm 1927 trước đó khi Phan Thanh đang dạy học tại một trường tiểu học miền núi tỉnh Thanh Hóa (châu Ngọc Lạc) thì bị chính quyền thực dân Pháp đột ngột sa thải với lý do viết báo chống chính quyền. Do đó, trong thực tế thì ông có thể bị tước quyền ứng cử. Người phụ trách bộ phận công khai của tỉnh Đảng bộ Quảng Nam bấy giờ là Phan Đăng Lưu đã khôn khéo lợi dụng thời Ngô Đinh Khôi anh của Ngô Đình Diệm lúc đó là tổng đốc Quảng Nam để khôi phục quyền công dân cho Phan Thanh tạo điều kiện ra công khai ứng cử Viện Dân biểu Trung kỳ tại hạt I tỉnh Quảng Nam (Hòa Vang, Đại Lộc) và đã trúng cử ngay vòng 1 với số phiếu cao vào năm ông chẵn 29 tuổi (1937) – theo quy chế phải 28 tuổi mới được ứng cử. Sau đó ông được Viện Dân biểu Trung kỳ cử tham gia Đại hội đồng Kinh tế tài chính Đông Dương (12 – 1937); ông còn là đại diện Hội đồng thành phố Hà Nội ( 1938). Điều cần được nêu rõ là việc Phan Thanh tham gia các cơ quan dân cử để trực tiếp tiến hành đấu tranh nghị trường, đã nằm trong sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhưng đồng thời cũng phải thấy rằng đây là việc Phan Thanh độc lập, tự chủ quyết định vì nhận thấy là việc làm đúng đắn, phù hợp với ý nguyện của mình. Có thể nói ở đây đã có sự thống nhất giữa sự tín nhiệm, lựa chọn và giao phó tin cậy của Đảng với sự tự nguyện, tự quyết định của chính Phan Thanh.
Xứ ủy Trung kỳ đã giới thiệu “Chương trình hành động của chúng tôi”, chương trình tối thiểu được Xứ ủy công bố để vận động bầu cử. Và chỉ hơn 3 tháng sau thì Phan Thanh đã trúng cử với số phiếu rất cao. Viện Dân biểu Trung kỳ chuẩn bị họp, trên cơ quan phát ngôn của Xứ ủy Bắc kỳ đã đăng toàn văn “Chương trình hoạt động của dân biểu Phan Thanh”.Rõ ràng là “Chương trình hành động của chúng tôi”và “Chương trình hành động của dân biểu Phan Thanh”đều có sự lãnh đạo của Đảng. Chính Phan Thanh đã xác định điều đó từ khi từ Hà Nội về Quảng Nam ông đã nói với anh trai mình là Phạn Nhụy rằng Đảng đã giao cho ông một chương trình hành động tối thiểu để đấu tranh trong Viện.
Công việc khó khăn đầu tiên của ông khi trở thành nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ và vận động ông viện trưởng Viện Dân biểu Hà Đằng đọc bài diễn văn nhậm chức do chính ông viết dưới ảnh hưởng của các “Chương trình hành động của chúng tôi”– tức là chương trình của Đảng mà Phan Thanh đã nghiên cứu và tâm đắc (11 – 1937). Báo Tiếng Dânsố ra ngày 13 – 11- 1937 đã đưa tin về Viện Dân biểu: “Ngày 15 tháng 11 năm 1937, Ban Trị sự mới có tờ tuyên bố trước toàn Viện, yêu cầu các vị dân biểu gác thành kiến riêng mà làm cho dân cho nước, phác họa chương trình hành động của Viện”. Kèm theo, báo đăng gần như toàn văn Chương trình hành động của Phan Thanhvới phần chính trị ngay trên đầu với 5 mục và 12 điều. Trong thực tế thì Chương trình tối thiểu của Đảng Cộng sản Đông Dương,đã trở thành chương trình hành động của Viện Dân biểu Trung kỳ.
Ngày 16 tháng 11, trong phiên họp toàn Viện, Phan Thanh đã phát biểu về các vấn đề mấu chốt và nóng hổi được mọi người quan tâm là vấn đề thuế, việc cấm sách báo ở Trung kỳ, vấn đề giáo dục, vấn đề nông chính và vấn đề ngân sách Trung kỳ. Cuối cùng, trong lời phát biểu ông nhấn mạnh: “… Chúng tôi mong muốn chính phủ xét kỹ lưỡng những thỉnh cầu xin sửa đổi nền giáo dục, mở mang kinh tế, sửa đổi luật hình, sửa đổi chế độ Hội đồng tỉnh hạt. Những cải cách ấy toàn là cần thiết để nâng cao dân sinh và dân trí…”; “Chúng ta mong những sự hạn chế về báo chí và sách vở rồi đây sẽ không còn nữa”. “Một điều thỉnh cầu mà năm nào Viện cũng làm là xin mở rộng quyền hạn Viện Dân biểu… Nếu chính phủ không mở rộng quyền hạn Viện, cho chúng ta được xét ngân sách toàn bộ bà quyết định công việc thuộc về kinh tế, tài chính, xã hội thì Viện sẽ mang một hư danh mà chính phủ cũng không khỏi mang tiếng…”
Trong diễn văn bế mạc chiều ngày 10 tháng 11, viện trưởng Hà Đằng nhận xét: “Viện họp khóa này trong hoàn cảnh thuận lợi. Mặt trận bình dân cầm quyền một năm rưỡi nay đã thi hành một số cải cách nhân đạo cho dân và còn hứa sẽ thi hành nhiều cải cách rộng rãi nữa…”
Không khí chính trị ở Huế năm 1937 khác hẳn những năm trước. Ở Viện Dân biểu, các nghị viên làm việc sôi nổi, thẳng thắn mặc dù thuộc nhiều xu hướng chính trị khác nhau, nhưng hầu hết nghị viên đã phát biểu ý kiến và tất cả đều bênh vực quyền lợi của dân chúng, đặc biệt là nông dân, công nhân, những tầng lớp có thu nhập thấp các tỉnh miền Trung.
Các thành viên của Mặt trận Dân chủ hợp tác chặt chẽ, đoàn kết nhất trí vì những mục tiêu chính trị đã đề ra, bám sát nội dung, chương trình hành động, thực sự phản ánh đúng những nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đã lôi cuốn được các đồng nghiệp cùng tích cực tham gia đấu tranh. Những người của Mặt trận Dân chủ bắt đầu thể hiện được vai trò nòng cốt đoàn kết toàn Viện.
Chính sự hoạt động sôi nổi và có hiệu quả của Viện dân biểu Trung kỳ đã làm cho nhân dân ngày càng chăm chú theo dõi cong việc của Viện. Đảng bộ địa phương huy động quần chúng tập hợp thành từng đoàn trực tiếp tới hay gởi thư đến Viện nêu yêu sách, nhắc nhở trách nhiệm các dân biểu về các lĩnh vực và chúc mừng thắng lợi.
Xứ ủy Trung kỳ đã lãnh đạo trực tiếp việc tổ chức phối hợp đấu tranh chặt chẽ, nhịp nhàng trong và ngoài Viện, phát huy tác động qua lại của hai mặt đấu tranh này và các khóa trước đó:
“… Khóa này có khác: Phần đông nhân dân, đặc biệt nhân dân lao động để ý nhiều các ông đắc cử đều có chương trình này nọ. Khi họp thì điện tín yêu cầu gởi đến. Xem biết khóa này dân gởi gắm hi vọng là đường nào!”
Riêng đối với Phan Thanh, đây là lần đầu tiên ông tham gia nghị trường, ông đã cùng Xứ ủy Trùng kỳ cụ thể hóa Chương trình hành động tối thiểu của ĐCSVNthành “Chương trình hành động của dân biểu Phan Thanh”.Ông đã thực thi nhiệm vụ của mình bằng việc biến chương trình hành động ấy thành chương trình của Viện Dân biểu. Khi họp Hội đồng Viện, ông đã tỏ ra rất khôn khéo, luôn châm ngòi cho các cuộc tranh luận, hưởng ứng những phát biểu tích cực của các nghị viên được cho là của chính quyền hoặc phe phái phản động, tạo điều kiện cho bạn đồng nghiệp phát huy vai trò, cương vị của mình. Đến Đại Hội đồng thường niên năm 1938, tình hình thế giới và trong nước đều không thuận lợi. Trên thế giới chủ nghĩa phát xít phát triển mạnh, nguy cơ chiến tranh đế quốc ngày càng đến gần. Ở Pháp, tình hình chính trị từ tả chuyển dần sang hữu, chính quyền đã thỏa hiệp với phát xít, đàn áp các lực lượng tiến bộ, ngừng thi hành chương trình của Mặt trận Bình dân. Ở Việt Nam, bọn phản động thuộc địa và các thế lực thù địch chuẩn bị đón thời cơ, bắt đầu phản công đàn áp cách mạng, tước bỏ dần những quyền lợi dân chủ của chính phủ Mặt trận Bình dân Pháp đã mang lại cho dân chúng. Tuy vậy, phong trào đấu tranh đòi những quyền lợi dân sinh, dân chủ, chống phản động thuộc địa và chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình chống nguy cơ chiến tranh dưới sự lãnh đạo của ĐCSVN vẫn tiếp tục phát triển.
Phát huy khí thế của năm 1937, cuộc đấu tranh tại Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1938 diễn ra hết sức mạnh mẽ, xoay quanh các vấn đề ngân sách thuế má, đặc biệt là cải cách thuế thân và thuế điền. Toàn Viện đã bác bỏ dự án của chính phủ. Việc làm của các nghị viên được dự luận và báo chí bấy giờ đánh giá cao. Báo Tràng Anviết: “Chúng tôi xin nghiêng mình trước toàn thể Dân biểu Trung kỳ và tung hô; Tinh thần hiệp nhất vạn tuế”. Báo Dân của Xứ ủy Trung kỳ cũng viết: “Viện Dân biểu Trung kỳ khóa này thực là xứng đáng với cái danh dự của họ là dân biểu… Thắng lợi trong đấu tranh cải cách thuế thân và sửa đổi thuế điền, hai vấn đề trọng tâm của kỳ họp Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1938 thực sự là thắng lợi to lớn gần như toàn vẹn của Viện Dân biểu Trung kỳ”. Trong thắng lợi đó, Phan Thanh đã đóng góp phần to lớn, ngay từ cuối năm 1937 nghị sĩ Phan Thanh đã bắt đầu nổi tiếng. Sang năm 1938 Phan Thanh càng được dân chúng quý mến, đồng nghiệp khâm phục, đồng chí tin tưởng. Với năng lực và uy tín của mình, Phan Thanh được bầu làm Ủy viên Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương, và ngay trong khóa họp thường niên của hai năm 1937-1938 ông đã có những đóng góp quan trọng cho lợi ích của nhân dân.
Giữa lúc tài năng và nhiệt huyết đấu tranh của người chiến sĩ trẻ đang hồi phát triển sung sức thì Phan Thanh bị bệnh và từ trần, hưởng thọ 31 tuổi. Báo chí cùng thời đưa tin buồn gây niềm xúc động lớn trong lòng mọi người, nhất là trong giới lao động.
Điện văn và thư từ khắp ba miền Bắc – Trung – Nam liên tiếp gởi tới các báo của Đảng Xã hội (SFIO), của các đồng chí, đồng nghiệp, trí thức, tới các chi bộ Đảng Xã hội địa phương, các cựu tù chính trị… chia buồn và tỏ lòng tiếc thương vô hạn.
Sau đây là lời chia buồn của các cựu tù chính trị Duy Xuyên (Quảng Nam ):
“Vĩnh biệt người đại biểu đáng kính nổi tiếng Phan Thanh, vinh dự bất diệt của Tổ quốc chúng ta và nhân loại. Khóc thương, với niềm tự hào chính đáng vinh quang trong sáng của anh. Khâm phục từ đáy lòng vị dân biểu thiên tài, là ánh sáng chói lọi mãi mãi dẫn dắt chúng ta đến tự do, dân chủ và những vẻ đẹp bất diệt. Tiếng nói cao cả về Anh sẽ còn vang vọng mãi giữa loài người”.
ĐCSĐD ghi nhận công lao Phan Thanh, đảng viên Đảng Xã hội Pháp (SFIO) đã cống hiến hết sức mình cho dân tộc, cho đất nước trong cuộc đấu tranh đòi mở rộng các quyền tự do dân chủ, thực hiện các quyền lợi dân sinh cho dân chúng cần lao.
Phan Thanh với tư cách là một nhà trí thức cách mạng vô cùng xứng đáng với sự tôn vinh của mọi người.