Nhà sử học Dương Trung Quốc: Sợ ý kiến trái chiều chỉ chứng tỏ mình yếu kém
- PV:Thưa ông, phản biện xã hội không phải là vấn đề mới. Các hiệp hội, tổ chức xã hội lâu nay vẫn góp ý với chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vậy tại sao nay lại phải xây dựng lại quy chế?
- Nhà sử học Dương Trung Quốc:Cũng như các chủ trương lớn khác, để phản ánh mình là xã hội dân chủ, Đảng đã đưa ra những nguyên lý rất đúng đắn, có tính truyền thống như “thân dân”, “nhà nước của dân, do dân, vì dân”… Nhưng đưa những ý tưởng đó vào cuộc sống thì hiệu quả chưa cao. Tôi biết nhiều người có phản biện rất chặt chẽ, sắc sảo. Họ tâm huyết gửi ý kiến tới các cơ quan chức năng nhưng rồi rơi vào im lặng. Như vậy, vấn đề đặt ra với quy chế phản biện xã hội là làm thế nào để ý kiến phản biện được xem xét, lắng nghe, có phản hồi.
- PV:Thưa ông, Đảng cũng có chính sách, Nhà nước cũng có chính sách pháp luật. Vậy phản biện xã hội nhằm vào đâu?
- Nhà sử học Dương Trung Quốc:Khó mà tách bạch được, bởi đó là hệ thống. Nhưng mục đích của phản biện xã hội phải nhằm phục vụ đông đảo nhân dân, đưa được ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào chính sách của đảng cầm quyền và nhà nước. Tuy nhiên, phản biện phải gắn liền với giám sát. Giám sát thì phải nhằm vào người có chức, có quyền. Mà có chức, có quyền thì hầu hết là đảng viên. Vậy giám sát là giám sát sự lãnh đạo của Đảng qua từng bộ máy, từng con người, nhất là những chức vụ quan trọng. Kết quả là phản biện tới đường lối, chủ trương của Đảng. Vạch ra hạn chế là làm đảng cầm quyền mạnh hơn.
- PV:Nhưng trong nội bộ Đảng đã “phê bình và tự phê bình”. Liệu có cần làm thêm phản biện từ xã hội?
- Nhà sử học Dương Trung Quốc:Trong những giai đoạn thử thách của cách mạng, phê và tự phê đã trở thành sức mạnh của Đảng. Nhưng chỉ tự phê trong nội bộ không đủ. Ngày nay, đứng trước sự khác biệt giữa đồng bào trong và ngoài nước, giữa các giai tầng xã hội mà không có phản biện thì chính sách của Đảng cũng chỉ nằm trên giấy. Vậy phê và tự phê phải được phát động ra ngoài xã hội. Mỗi người dân đều có quyền ý kiến nhưng thông qua tổ chức chính trị, xã hội của mình như Mặt trận Tổ quốc thì tiếng nói sẽ mạnh hơn.
- PV:Phản biện tức là sẽ có tiếng nói nằm ngoài chính thống. Với đặc thù một đảng lãnh đạo, liệu lời nói “nghịch nhĩ” có được chấp nhận?
- Nhà sử học Dương Trung Quốc:Cần quay lại nguyên lý triết học ta hay nói tới mà ít khi áp dụng: Phê phán, đấu tranh giữa các mặt đối lập là động lực phát triển. Đảng cầm quyền chỉ có một nhưng Mặt trận Tổ quốc phải được hiểu là một tổ chức đa nguyên, tập hợp những nhóm người khác nhau, các nhóm lợi ích khác nhau. Các nhóm đó tìm ở Mặt trận Tổ quốc điểm đồng thuận hướng tới lợi ích chung, giải quyết mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống. Đã đứng ra gánh vác trọng trách cầm quyền thì đương nhiên Đảng phải chấp nhận thử thách của một xã hội phức tạp đó. Còn chỉ nhìn một chiều sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới thì khó tránh khỏi va vấp. Phải tin vào nhân dân. Sợ ý kiến trái chiều chỉ chứng tỏ mình yếu kém mà thôi.
Nguồn: Pháp luật TP. Hồ Chí Minh7/7/2006