Nhà khoa học ở đâu?
Thứ nhất, vào trận bão lụt năm 1999, chính ông Khải cùng một số cộng sự đã trực tiếp pha chế nước sạch (theo công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho người dân vùng bão lũ dùng với giá thành chỉ 40 đồng/lít nước và chỉ trong 3 ngày đã pha chế được 9 triệu lít nước sạch. Nhưng ông Khải lo lắng: Trong và sau cơn bão số 7 vừa rồi - cùng đợt lũ quét tang thương tại một số tỉnh vùng núi phía Bắc, không biết đã có tổ chức, nhà khoa học nào giúp dân có nước sạch uống chưa?
Thứ hai, theo ông Khải, chống lũ lụt mà chỉ chăm chăm vào chuyện đắp đê là phiến diện, mà phải chuẩn bị cả nước uống, chữa chạy dịch bệnh, lúa giống, thuốc trừ sâu cho nông dân mới là trọn vẹn và cần kíp. Nhưng cũng thử hỏi chúng ta đã làm tốt việc này chưa? Câu trả lời cũng vẫn là... chưa!
Thứ ba, hiện cả nước đang dấy lên phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt bằng tiền, quần áo, chăn màn, giấy bút... Điều ấy rất quý, nhưng ở những vùng quê bị ngập mặn, lúa bị chết thì cái mà người nông dân cần nhất là lúa giống, khoai giống, ngô giống..., chứ không phải vài ba trăm ngàn bạc. Vậy thì nhà khoa học có đáp ứng được sự khẩn cầu cấp bách này không? Câu trả lời chắc cũng... không!
Thứ tư, thảm hoạ từ lũ quét quá lớn, lớn hơn cả bão lụt, nhưng nói lũ quét không dự báo được - theo ông Khải - cần phải xem lại. Những dãy phố, cụm dân cư chạy dài hàng cây số, lưng dựa vào đồi trọc, mặt hướng ra sông suối, khi lũ quét, thảm hoạ xảy ra là khó tránh. Vậy đã có nhà khoa học nào tham mưu cho chính quyền địa phương về chuyện này chưa, tổ chức di dân khỏi những khu vực nguy hiểm này chưa? Câu trả lời chắc cũng là... chưa!
Một đoạn phố sau cơn lũ ở Văn Chấn, Yên Bái |
Khoa học đều bắt nguồn từ cuộc sống. Đến lượt mình, cuộc sống cũng chính là mục đích, là động lực, là nơi kiểm định khoa học và những kết quả khoa học một cách xác đáng nhất. Đặc biệt, khi cuộc sống xảy ra những thiệt hại mất mát, vượt quá khả năng chống chọi của người dân thì lại càng cần nhà khoa học. Câu hỏi "nhà khoa học ở đâu" trước những bất hạnh của cuộc sống như một khát vọng, một mệnh lệnh, một yêu cầu thôi thúc lương tâm những nhà khoa học chân chính và tâm huyết.
Nguồn: Lao Động 5/10/2005