Nhà báo, nhà khoa học phải song hành trong truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ
Bàn về vấn đề truyền thông với công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, thực tiễn đã và đang ngày càng chứng minh báo chí, truyền thông có vai trò to lớn trong công tác này.
Nhưng, trong thực tế, không phải ở đâu và lúc nào vấn đề này cũng được nhận thức một cách đầy đủ, và không phải lúc nào các cơ quan truyền thông cũng có điều kiện tham gia phổ biến kiến thức khoa học công nghệ.
Mặt khác, ngay với chính bản thân nhà báo, không phải lúc nào họ cũng có đủ nhận thức, kỹ năng để vừa tham gia một cách có hiệu quả vào hoạt động nghiệp vụ này, vừa bảo đảm hiệu quả cho công tác truyền thông phổ biến kiến thức về KHCN…
Hội thảo tổng kết công tác PBKT 2022 do LHHVN tổ chức 17/12 vừa qua
Thực tế cũng đã khẳng định, các cơ quan truyền thông có vai trò tiên phong trong công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ. Chính vì vậy, vấn đề xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan báo chí với các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ… cùng tham gia phối hợp giải quyết, cần được đặc biệt quan tâm, thảo luận, rồi thể chế hóa sớm. Đây là vấn đề quan trọng bởi thực tế cho thấy nhiều thành tựu khoa học công nghệ được truyền thông phát hiện, phản ánh nhưng lại không thể theo đuổi đến cùng, khiến lòng tin của người dân suy giảm.
Từ thực tế trên, các cơ quan quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ… phải thường xuyên gặp gỡ với các cơ quan truyền thông để trao đổi, đánh giá hiệu quả đích thực của công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ.
Truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ với cộng đồng tuy chỉ là một trong các nội dung của hoạt động thông tin KHCN nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt liên quan đến việc phát triểnKHCN, từ đó góp phần thúc đẩy thị trường công nghệ.
Truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ có vai trò giới thiệu những thành tựu nổi bật của khoa học trong nước và thế giới, điển hình là những ứng dụng KHCN góp phần tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội.
Bên cạnh, việc tuyên truyền về khoa học công nghệ, truyền thông còn có trách nhiệm trong việc động viên tinh thần, đặc biệt là trách nhiệm của nhà khoa học với đất nước, dân tộc.
Ở nước ta, trong khi hoạt động truyền thông nói chung đã được chú trọng và phát triển mạnh thì truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ trong cả nước nhìn chung chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Số lượng bài báo, chương trình truyền hình, phát thanh về KHCN chưa nhiều, các chuyên mục truyền thông cho KHCN chưa phong phú.
Hoạt động này ở nước ta trong những năm qua chưa ngang tầm với yêu cầu tăng cường quản lý và hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực KHCN.Công tác phổ biến kiến thức khoa học công nghệ chưa đồng bộ, rộng khắp, chưa có trọng tâm, trọng điểm, còn thiếu cơ chế, kế hoạch phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về KHCN, các danh nghiệp, tổ chức KHCN và các cơ quan thông tin đại chúng. Đó chính một trong những hạn chế làm cho truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế- xã hội.
Một khó khăn là thông tin KHCN không dồi dào cộng với tính phức tạp của nó càng khiến thông tin KHCN không hấp dẫn như những thông tin khác trong đời sống xã hội.
Trong khi đó, hầu hết các thông tin này lại được biên soạn ở dạng thức các báo cáo khoa học nên phần lớn công chúng khó tiếp nhận. Như vậy, việc tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học công nghệ là một lĩnh vực không dễ, thậm chí khô khan bởi thông tin cần đảm bảo tính đầy đủ, chuyên sâu và thận trọng.
Nguyên Phó Chủ tịch LHHVN Nghiêm Vũ Khải và Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy trao Giải cho tác giả đoạt giải Báo chí tuyên truyền hiệu quả sản phẩm KHCN do Bộ KH &CN tổ chức
Một trong những giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ trong cả nước hiện nay là sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà khoa học có tinh thần báo chí và các nhà báo có tinh thần khoa học cũng cần được phát huy để chuyển hóa các thông tin KHCN vốn đã ít, khó viết, khó hiểu, thiếu tính hấp dẫn đến với công chúng.
Muốn làm tốt công tác truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, người làm truyền thông cần phải có sự hiểu biết nhất định đối với những kiến thức theo từng lĩnh vực của KHCN. Nhà báo viết thông tin khoa học cần kiểm tra tính chính xác và tính cân bằng của bản tin, tránh gây ra những sai sót không đáng có. Công tác truyền thông phổ biến kiến thức khoa học công nghệ thấm vào xã hội một cách tự nhiên, tạo ra sự thích thú, phấn khích và hình ảnh gần gũi của khoa học đến với người dân…/.