Nguyễn Thúc Kiều (1850-1885) - người thầy học của Phan Bội Châu
Tiên Sinh tên là Kiều rất thâm thúy về Hán học, đã đỗ cử nhân và được bổ chức Biên tu, sau bỏ quan về nhà dạy học. Tiên Sinh rất yêu tôi, nhiều lúc Người đi mượn sách quý của các nhà đại gia về cho tôi đọc, nhờ thế tôi được hiểu biết thêm nhiều(trang 26). Theo giáo sư Chương Thâu, thì cụ Phan Bội Châu đã từng ra khỏi làng đến xin thụ giáo 4 vị thầy. Đó là các cụ: Đinh Văn Uyển, Nguyễn Thúc Kiều, Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Thức Tự. Khi được đọc những tư liệu trên, người viết bài này có suy nghĩ vì sao trong “niên biểu” cụ Phan chỉ nhắc đến một mình cụ cử Kiều? Phải chăng vị thầy học này đã để lại cho anh San nhiều kỷ niệm từ buổi thiếu thời đến tuổi vị thành niên của anh? Hay cụ Kiều đã gieo vào tâm hồn anh San những tư tưởng và hành động của một nhà Nho chân chính theo phương châm: “quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”; và đã hết lòng yêu mến dạy bảo anh cái “đạo làm người”; cũng có thể vị thầy học này có một phương pháp giảng dạy biết cách “truyền cảm hứng” cho học trò, nên đã làm cho Phan Bội Châu nhớ lâu chăng! Mối băn khoăn của tôi kéo dài hơn chục năm trời từ thời học đại học cho đến lúc ra đi dạy, rồi về công tác ở Bộ Giáo dục...
May sao, vào khoảng những năm thập niên 60 của thế kỷ trước, nhân chuyến đi công tác ở Nghệ An, tôi đã gặp một cụ già tên là Nguyễn Vinh Thuật, cụ kể rằng: có lần đi lên chùa Cao trên đỉnh núi Đại Huệ, cụ thấy một tấm bia đá dựng chếch gần ngôi mộ cụ Kiều, nghe nói đó là bài văn bia cụ giải San làm “khóc” thầy học. Từ thông tin ngắn ngủi đó, người viết bài này có ý định hỏi đường tìm đến nơi có tấm bia giá trị này. Nhưng vì thiếu chuẩn bị, vả lại bấy giờ còn chiến tranh, phải đi sơ tán, bận công tác... nên không thực hiện được. Mãi đến vài chục năm sau, khi đã về hưu, tôi mới có điều kiện đi về cái làng Xuân Liễu dưới chân núi Đại Huệ hùng vĩ, để sưu tầm “cổ vật”. Ngày rộng tháng dài, sức khỏe còn khá, từ cố đô Huế, tôi hăng hái lên đường đi tìm “bài văn bia lịch sử”. Thời hiện đại, bút bi sẵn, giấy cũng không khan hiếm như hồi còn chiến tranh... Tôi mang theo khá đầy đủ những gì cần thiết, kể cả than nhọ nồi, giấy bản để dập đồ chữ trên bia... Đến nơi, tôi trèo lên núi theo hướng đồng bào chỉ, được hơn nửa chừng núi, từ xa đã thấy vòm nhà bia; leo hết dốc, tôi bước vội đến ngay tấm bia. Ôi! rõ ràng ở cuối bài văn bia có 7 chữ Hán:“Môn sinh Phan Bội Châu bái thư”. Tôi vô cùng vui mừng và cảm động. Vì sau một hồi leo dốc mệt, tôi ngồi cạnh bia; thở, nghỉ sức, rồi nhìn xa xa và quang cảnh quanh vùng thật là vắng lặng. Chỗ tôi ngồi, người địa phương gọi là rú Thung Đô, một ngọn núi thấp trong dãy Đại Huệ sơn. Phóng tầm mắt nhìn phía dưới xa, qua làn sương mỏng ban mai còn lưu luyến chưa chịu tan, thấy một hồ nước rộng mênh mông, bà con ở đây gọi là Bàu Nón. Người dân trong làng đã lên núi khai khẩn thành những đám rẫy (một kiểu trang trại nhỏ) trồng các loại cây ăn quả và lấy củ. Bỗng tôi nghe văng vẳng đâu đây có tiếng nước chảy róc rách, tự dưng tôi chợt nhớ đến hai câu thơ vịnh núi Đại Huệ của cụ Phan:
“Đá đã mấy thu đầu bạc toát,
Suối bao nhiêu tuổi mặt xanh ngời!”
Một nhà thơ kiêm họa sĩ đã cảm xúc:
“Đại Huệ bốn mùa đầy hoa trái
Suối Mai, khe Trúc nước trong xanh”...
(Doãn Tuân)
Nghỉ ngơi, ngắm cảnh một lúc, tôi bắt tay vào mục đích chính của chuyến đi điền dã. Dập và chép xong bài văn bia hai mặt, thì cảm thấy đói. Nghỉ giải lao. Nạp “năng lượng” vào dạ dày với bánh chưng và nước nguội đun sôi mang theo. Bấy giờ tôi mới bước đến mộ thắp hương vong linh cụ cử Kiều; phía trên đầu có tấm mộ chí bằng đá khắc chữ Hán:“Hoàng Nguyễn tặng, Thái Thường tự khanh, gia nghị đại phu Nguyễn hầu hiệu Anh Lâm chi mộ”; bên trái có dòng chữ Hán nhỏ ghi:“Nam, Thượng thư Nguyễn Thúc Dinh cung Kỷ”. Đọc xong bia và mộ chí tôi khẳng định đây chính là mộ cụ Kiều, thầy học Phan Bội Châu - Bia được dựng trong mái nhà vòm, chếch về phía trái, bia cao khoảng 110cm, rộng 65cm (kể cả lòng bia và trán bia, diềm bia) dày 8cm, cách chân núi khoảng trên 100m, độ dốc khá lớn...
Trời đã về chiều. Tôi “hạ sơn”, hỏi tìm đường đến nhà một cụ giáo viên hưu trí tên là Long, xin ngủ trọ qua đêm. Không ngờ ông giáo Long cũng biết tôi. Qua chuyện trò, ông biết mục đích chuyến đi của tôi, nên đã cho tôi hay thêm rằng ở đình làng còn có 3 tấm bia nữa. Tôi ngỏ ý muốn đi xem. Sáng hôm sau ông Long dẫn tôi đi đến đình làng. Ba tấm bia đều có tiêu đề: 1.“Tiền triều khoa bi”(tên những người đỗ thời Lê Trịnh). 2.“Kim triều khoa bi”(tên những người đỗ thời Nguyễn). 3.“Văn võ quan bi”(tên các quan văn, quan võ người trong làng). Xem sơ qua, tôi thầm nghĩ mình đã đến một vùng địa linh nhân kiệt, và tự hứa sẽ có dịp khác đến nghiên cứu về nội dung 3 tấm bia này. Ăn cơm trưa với gia đình cụ giáo Long xong, tôi chào cả nhà, đi bộ hơn ba cây số, ra đường cái liên huyện, đón xe về thành phố Vinh, tối lên tàu hỏa vào Huế...
Cái vốn học hai năm chữ Hán của tôi nay chỉ còn lại “vài thìa”. Vì vậy sau khi chép lại sạch sẽ hơn 700 chữ Hán của bài văn bia, tôi mang theo cả bản dập, đi Hà Nội. Người đầu tiên tôi tìm đến là giáo sư Vương Lộc, cùng quê, công tác tại Viện Ngôn ngữ. Anh Lộc đọc xong, sửa lại những chữ thiếu nét, rồi dịch nghĩa cho tôi nghe qua. Càng nghe tôi càng thấm, càng hiểu lý do vì sao Phan Bội Châu chỉ nhắc đến tên cụ cử Kiều trong “niên biểu”. Anh Lộc bảo sẽ nhờ bạn anh là Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn dịch hộ... Tôi trở về Huế, chờ đợi kết quả... Mấy tháng sau, tôi nhận được bản dịch của Giáo sư Cẩn, do anh Vương Lộc gửi bằng thư bảo đảm vào, kể cả phần chú thích. Mừng quá, tôi đọc một mạch từ đầu đến cuối. Bản dịch rất tốt, khó có ai dịch hay hơn. Năm sau, có người khuyên tôi nên gửi đăng báo. Cuối năm 1996, tôi cho “công bố” toàn bài văn bia của cụ Phan Bội Châu tưởng nhớ thầy học là cụ cử Kiều, trên tạp chí Hán - Nôm, số tháng 12-1996 (cả phần phiên âm và dịch).
Thông qua văn bản dịch này, người đọc cảm thấy đúng là hai thầy trò đã có một mối thâm tình sâu sắc, thời quá khứ hai người đã xích lại gần nhau về tâm hồn, tư tưởng và đã trở thành tri âm tri kỷ, trò biết rất cặn kẽ tính nết, học lực gia thế và lý lịch xuất thân của thầy, thầy yêu mến trò hết mức, trò kính trọng, ngưỡng mộ thầy, như bậc “anh hiền”, “cao khiết” “Thánh thanh”... Theo bài văn bia thì cụ Phan viết bài này “sau ngày rằm tháng Mười Một năm ất Sửu” (1925). Tôi tra lịch thế kỷ XX thì thấy thời gian từ ngày 31-12-1925 đến ngày 13-1-1926 dương lịch. Như vậy là cụ Phan viết bài văn bia này sau khi bị thực dân Pháp bắt đem về Huế quản thúc. Nhưng viết trong trường hợp nào? Phải chăng cụ đã viết sau hai lần gặp lại người con trai duy nhất của thầy học mà trong văn bia cụ gọi là “thế huynh Dinh”, bấy giờ đang nhậm chức Thị lang Bộ Lại! Có thể do hồi tưởng bao kỷ niệm cảm động lúc ông Dinh còn bé, nay trưởng thành đi làm quan, nhưng ông không hề sợ liên lụy quan hệ với người tù “chính trị đại nghịch”, đã đường hoàng đến thăm cụ Phan, ngay khi cụ vừa mới đưa về Huế làm người tù giam lỏng! Rồi từ ông Dinh, cụ nghĩ đến người thầy học cũ đầy tâm huyết dạy dỗ, yêu thương, quý mến mình... hồi còn niên thiếu cho đến tuổi vị thành niên chăng! Một bài văn bia khá dài, mà Phan tiên sinh đã dành gần 2/3 để nói về người thầy với một tấm lòng ngưỡng mộ, tôn kính... xin chép đoạn văn (dịch) này trong bài văn bia để bạn đọc cùng suy ngẫm về truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc Việt Nam ta.
... “Trong khoảngHùng Sơn, Lam thủy có khí thịnh bàng bạc chung đúc nên người, thỉnh thoảng lại có bậc anh hiền tuấn tú xuất hiện. Tiên sinh sinh ra là người đỉnh ngộ, tính ham đọc sách. ít khi cười nói. Được lệnh tiên công truyền dạy lối từ chương cử nghiệp, Tiên sinh hạ bút là thành văn; sau khi lệnh tiên công qua đời, Tiên sinh bèn thụ nghiệp ở trường văn cụ Nam Sơn(1) nổi tiếng một thời. Khoa thi ân khoa năm Mậu Dần đời Tự Đức, lúc trúng Hương giải, Tiên sinh tuổi mới ngoài hai mươi; các bậc nổi tiếng thuộc thế hệ đàn anh đã đánh giá tài năng của Tiên sinh: Nếu là người theo thời tục chỉ lo săn lùng danh lợi (săn danh lùng lợi) thì khó gì mà không đạt được quan cao chức trọng (áo xanh áo tía). Nhưng Tiên sinh vốn tính điềm đạm, sẵn có phong thái của Đào Uyên Minh(2), Thiệu Khang Tiết(3) gặp thời buổi đương khó khăn, sơn hà đổi sắc, bậc rồng phượng chuộng đạo thì nên ẩn tàng, che giấu sở thích. Cuối đời Tự Đức, quân Tây dương thuận dòng sông nước, xâm phạm Kinh thành; Tiên sinh bèn bỏ quan, rời khỏi đế đô, lui về lo việc tu dưỡng cuối đời. Tiên sinh đóng cửa, chỉ lo dạy học trò và để tâm vào sự nghiệp trước tác (danh sơn sự nghiệp) ngâm nga ca vịnh (ngâm dư phú hạ) thả lòng theo cảnh núi non sông nước (sơn thủy gian); nếu có ai đem việc thế tục đến hỏi thì Tiên sinh chỉ trầm mặc không đáp. Ôi! Tiên sinh chính là người mà thời xưa thường gọi là bậc dật sĩ đó chăng? Châu tôi lúc trẻ được hầu Tiên sinh, gắn bó với Tiên sinh, học tập được rất nhiều ở phẩm hạnh Tiên sinh. Vài ngày trước khi Tiên sinh qua đời, Châu tôi được hầu bệnh bên cạnh, lúc bấy giờ thế huynh là anh Dinh tuổi còn bé, Tiên sinh đã đem câu tự điếu (tự vãn) đọc cho Châu tôi nghe: “Trần thế trăm năm còn thế đất/ Du tình sáu tháng phụ tình non” (Nguyên văn: Bách niên trần diện do càn thổ/ bán tải du tình phụ hảo sơn)nay đọc lại, thấy phong cách thanh cao trong di ngôn của Tiên sinh tưởng còn như phảng phất bên tai vậy! Sau khi Tiên sinh mất, hơn mười năm.Châu tôi phiêu bạt hải hồ, chưa một lần nào về thăm lại được chốn thảo lư cũ, mộng hồn hư kết, chí hướng sự nghiệp chưa thành, thật không biết lấy gì để vui lòng Tiên sinh ở dưới suối vàng. Năm nay Châu tôi từ hải ngoại trở về, gặp lúc thế huynh là anh Dinh đang trùng tu ngôi mộ của Tiên sinh, vậy xin gạt lệ kính cẩn ghi lại vài câu, thành bài minh. Minh rằng:
Chỉ phác mới quý, chỉ lan thơm xa(4)
Đời không Bá Di(5) thánh thanh đâu ra?
Hùng Sơn, Lam Thủy, chung đúc tinh hoa
Vẹn toàn cao khiết, chính Tiên sinh ta
Sau ngày rằm tháng Mười Một năm ất Sửu (1925)
Học trò là Phan Bội Châu - Bái thư”.
(hết trích)
Ở phần đầu, 1/3 bài văn bia cụ Phan nói về xuất thân, gia cảnh, tuổi tác, ngày sinh, ngày mất... và vấn đề truy tặng (khen thưởng) cụ Kiều đã từng làm quan (hoặc có con làm quan) của triều Nguyễn, thì thấy rằng mặc dầu bài văn bia được viết vào năm ất Sửu, nhưng vẫn chưa được khắc vào đá ngay, mà phải sau khi ông “thế huynh” Dinh đã về hưu, bài văn đã được cụ Phan bổ sung một tước hiệu truy tặng của triều Bảo Đại năm thứ 8 (1933) cho cụ Kiều hàm: “ Gia nghị đại phu Thái Thường tự Khanh”.Với căn cứ này, chúng tôi dự đoán bài văn bia đã được khắc vào đá và dựng lên cạnh mộ cụ Kiều trong các năm từ 1934 đến 1940.
*
* *
Theo Giáo sư Vương Lộc cho biết, GS Nguyễn Tài Cẩn là học trò cũ của GS Hào hồi ở Huế, nên khi đưa bài văn bia đến, thì GS Cẩn dịch ngay. GS Cẩn cho rằng bài văn bia rất hay, tuyệt bút, khó dịch cho thoát lột tả hết ý trong nguyên bản; vì vậy có chỗ GS Cẩn phải để trong ngoặc đơn, nhằm giúp cho những ai biết chữ Hán thưởng thức văn tài của cụ Phan. Ông Lộc còn cho biết Giáo sư Nguyễn Thúc Hào (cháu đích tôn cụ Kiều) rất cảm động và vô cùng biết ơn GS Cẩn, GS Lộc...
Viết đến đây, tôi cảm thấy có một điều lạ, rất lạ là cụ Phan không chỉ nhắc tên cụ Kiều trong “niên biểu”, mà hình như có một “chất xúc tác” nào đó đã khiến cụ Phan phải cầm bút, mặc dù cụ không lạ gì câu nói của dân gian “khôn văn ai, dại văn bia”. Một áng văn bia viết trong khi bị quản thúc ở Bộ Hình, lúc cụ gần 60 tuổi, còn thầy học thì đã qua đời cách đó gần nửa thế kỷ. Hoàn cảnh cụ Phan lúc bấy giờ quá ư bức xúc, thế mà cụ đã có một hành động tức thời, ngồi viết lên những tình cảm sâu nặng đối với thầy học đã về bên kia thế giới trong cõi vĩnh hằng. Đến nỗi, một nhà giáo kiêm nhà văn Nguyễn Thế Quang ở thành phố Vinh, khi được tiếp xúc bài văn bia, đã vào cố đô Huế tìm lại dấu tích Bộ Hình, thăm mộ và nhà lưu niệm cụ Phan ở dốc Bến Ngự, ngủ tại Kinh thành mấy đêm để nghe gió, mưa và tiếng chuông chùa, sau về lại nhà, hình dung, tưởng tượng, hư cấu, thành một truyện ngắn dự thi của báo Văn nghệ có tiêu đề là:“Ngọn đèn thao thức”.
Ông cha ta có câu:
“Trăm năm bia đá cũng mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”.Vẫn biết bia đá sẽ mòn bởi lớp bụi thời gian, nhưng đây là một áng văn của nhà chí sĩ, nhà yêu nước Phan Bội Châu viết, vì vậy nên chăng chính quyền địa phương cần xếp hạng di tích để có sự bảo quản, gìn giữ... cho các thế hệ đời sau thưởng thức một thể loại văn học hay, của “vị thiên sứ” thời lịch sử cận đại Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Chương Thâu,“Phan Bội Châu, con người và sự nghiệp cứu nước”. - NXB Nghệ Tĩnh 1982.
-“Phan Bội Châu niên biểu”- NXB Văn - Sử - Địa - Hà Nội - 1957.
- Nguyễn Thế Quang, “ Ngọn đèn thao thức”Báo Văn nghệ số 51 (20-12-2003).
- Tạp chí Hán - Nôm - Số tháng 12 năm 1996.
Chú thích:
(1)Nam Sơn:ở đây có thể là chỉ cụ Thám hoa Nguyễn Đức Đạt (1823 - 1877), Hiệu: Nam Sơn, người làng Hoành Sơn, huyện Nam Đàn; từng đi sứ Trung Quốc, làm quan đến chức Tuần phủ tỉnh Hưng Yên, xin từ chức về quê dạy học.
(2)Đào Uyên Minh:Tức Đào Tiềm, người đời Tấn, làm quan 80 ngày thì bỏ về, làm bài “Quy khứ lai từ” nổi tiếng để tỏ ý chí của mình.
(3)Thiệu Khang Tiết:Tức Thiệu Ung (1011 - 1077) nhà triết học thời Bắc Tống, ở ẩn, nhiều lần được vời ra làm quan nhưng từ chối.
(4)“Phác”, “chỉ”: “phác”là đá có ngọc;“chỉ”là loại ngọc chưa được mài, giũa.
(5)Bá Di:Con cả vua nước Cô Trúc, đời Thương. Sau khi cha mất, Bá Di cùng với em là Thúc Tề nhường lẫn ngôi vua cho nhau. Cả 2 cùng bỏ đi. Khi nhà Chu đánh được nhà Thương, cả 2 người không thèm ăn thóc nhà Chu, trốn vào ẩn ở núi hái rau vi ăn, tự nuôi sống. Mạnh Tử khen Bá Di là “Thánh chi thanh” (bậc Thánh thanh cao).