Nguyễn Chế Nghĩa và hai ngôi đền thờ ông
Có điều hơi lạ và khó hiểu: một người từng là Phò mã đời Trần Anh Tông, lại là một vị tướng tài giỏi, văn võ song toàn như Nguyễn Chế Nghĩa mà không một bộ sử nào - kể cả chính sử và tư sử - của nước ta chép lấy vài dòng về ông. Từ triều Nguyễn, thế kỷ XIX trở lại đây, để nghiên cứu về tiểu sử và hành trạng của Nguyễn Chế Nghĩa, các tác giả đều phải dựa chủ yếu vào bản Hội Xuyên xã thần sự tích(từ đây gọi là Thần tích Hội Xuyên), hiện lưu giữ tại Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Bản Thần tích Hội Xuyênlà thần tích của ngôi đền thờ An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, từng hiện diện trước cách mạng tháng Tám 1945 tại xã Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Chúng tôi có thể khẳng định như trên, bởi vì bản Thần tích này được Thư viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp (EFEO) tại Hà Nội cho sưu tầm vào những thập niên đầu thế kỷ XX. Hiện nay, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam còn lưu giữ được những bản thần tích của các xã trong huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương nói trên. Các xã thần tíchlà thần tích của 11 xã thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương do EFEO tại Hà Nội yêu cầu sao chép (1).
Bản Thần tích Hội Xuyênđược lưu giữ tại Thư viện Nghiên cứu Hán Nôm là thần tích được vị Quản giám Bách thần, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn theo chỉ thị của bộ Lễ vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đời vua Lê Anh Tông (1557-1573). Vào đầu thế kỷ XVIII, được Nguyễn Hiền sao lục vào năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời vua Lê Ý Tông (1735-1740). Có thể khẳng định, với tình trạng tư liệu hiện nay, đây là văn bản thư tịch sớm nhất mà chúng ta có thể có được để nghiên cứu về tiểu sử, hành trạng của Nguyễn Chế Nghĩa.
Thần tích Hội Xuyêncho ta biết mảnh đất và vị thần được thờ tại Hội Xuyên như sau: “Hải Dương tỉnh, Hồng Châu (Kim cải Ninh Giang phủ), Gia Phúc huyện (Kim cải vị Gia Lộc), Hội Xuyên xã, sơn Hội, Xuyên niêm, chiếm Nam phương chi chính khí vi Đông thổ chi danh khu, lai mạch liệt bình, quần sơn củng phục, vạn thuỷ lai hội, hình như bạch tượng quyển hổ. Bản xã tam thôn vu thử lập miếu an tam vị Đại vương, Vương tính Nguyễn, tự Chế Nghĩa, bản xã nhân…” (nghĩa là: Xã Hội Xuyên, huyện Gia Phúc – nay đổi là huyện Gia Lộc, Hồng Châu - nay đổi là phủ Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, núi sông hội tụ, lại ở vùng chính khí của nước Nam, thực là khu vực danh tiếng của Xứ Đông, mạch đất giăng bày, quần sơn chầu về, muôn sông hội tụ, có hình thế như voi trắng hút nước hồ. Ba thôn của xã đã lập miếu ở đất này để thờ 3 vị Đại vương. Vương họ Nguyễn, tên Chế Nghĩa, người xã Hội Xuyên”) (2). Với đoạn văn trên, chúng ta thấy quan Quản giám Bách thần Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính đã cố ý “thích nghĩa” tên xã Hội Xuyên là “ Sơn Hội, Xuyên niêm…” (quần sơn chầu về, muôn sông hội tụ).
Từ văn bản Thần tích Hội Xuyêntrên, nhiều tác giả đời sau đã căn cứ vào đấy để ghi chép về nhân vật Nguyễn Chế Nghĩa.
Các sử thần của triều Nguyễn, cuối thế kỷ XIX, trong bộ địa lý học - lịch sử nổi tiếng: Đại Nam nhất thống chí, khi chép về chợ Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, có viết như sau: “… Có thuyết nói chợ này do Nguyễn Chế Nghĩa, người xã ấy là Phò mã Đô uý triều Trần lập ra, lại để 3 mẫu 5 sào ruộng lập chùa quán(TG - nhấn mạnh), sau khi Nghĩa chết, dân Hội Xuyên và Phương Trạm (tức Phương Điếm - TG) cùng thờ” (3). Mấy dòng chép trên đây là do các sử thần triều Nguyễn căn cứ vào đoạn văn ở Thần tích Hội Xuyênnhư sau: “Bản xã tam thôn viết: Đức Phong, viết: Mỹ Long, viết: Đại Liêu, cựu binh tại Mỹ Long thôn, tam mẫu ngũ sào. Kỳ trung hựu kiến vi phụng sự từ, tục viết: Đình Thó…” (nghĩa là: Ba thôn trong xã [Hội Xuyên] là: Đức Phong, Mỹ Long, Đại Liêu, trên dinh cũ của Vương ở thôn Mỹ Long, với diện tích gồm 3 mẫu 5 sào, lại xây dựng đền thờ [Vương], tục gọi là Đình Thó…)
Theo các cố lão, thì cách đây trên 60 năm, tại Hội Xuyên vẫn tồn tại 2 ngôi đền thờ An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa. Điều này trùng hợp với những gì được ghi chép trong bản Thần tích Hội Xuyên. Ngôi đền thờ ở thôn Mỹ Long được xây trên mảnh đất 3 mẫu 5 sào vốn là dinh cũ của Nguyễn Chế Nghĩa đã được chúng tôi nhắc đến ở trên. Còn ngôi đền ở thôn Đức Phong, được Hoàng tử Sùng Phúc - con trai Nguyễn Chế Nghĩa và Công chúa Nguyệt Hoa - xây dựng cùng năm với việc xây dựng hồ Nghiêm Quang. Thần tích Hội Xuyênchép rõ: “Nãi ư Đức Phong dinh sở sáng lập châu cung bảo điện cực kỳ luân hoán; hương nhân cạnh dĩ tư tắc trợ phúc quả, danh viết Nguyễn Quang Tự, hựu kiến miếu ư giá tự hữu biên dữ hậu phòng tương liên…” (nghĩa là: Thế rồi [hoàng tử] xây dựng chùa ở dinh Đức Phong, cung vàng điện ngọc cực kỳ diễm lễ; người trong làng tranh nhau đem của riêng để làm phúc, đặt tên là chùa Nghiêm Quang. Sau đó [hoàng tử] lại cho xây miếu [[thờ An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa - TG thêm vào] ở bên phải của chùa liền với hậu phòng…).
Cụ Nguyễn Văn Bách, năm nay 81 tuổi - là nhà thư pháp chữ Hán có tiếng ở thủ đô, người từng tham gia dịch thơ Đường, thơ Cao Bá Quát… hiện ở số nhà 51 Tràng Tiền, Hà Nội, quê gốc tại xã Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương cho chúng tôi biết vào khoảng các năm 1937-1938, vẫn thường sang chơi chùa Nghiêm Quang và miếu thờ Nguyễn Chế Nghĩa, còn được gọi là Đền Bung (Bung là tên Nôm của thôn Đức Phong), có hình chuôi vồ (hoặc chữ Đinh): hậu cung 1 gian thờ Nguyễn Chế Nghĩa, tiền tế 5 gian có thờ bài vị Đức Khổng Tử. Đền Bung được xây khá lớn, cột lim to, một người ôm chưa xuể. Hàng năm, Văn hội huyện Gia Lộc thường về tế Đức Khổng Tử tại đền.
Đền Cuối (tên Nôm của thôn Mỹ Long), như trên, theo ghi chép của Thần tích Hội Xuyên, còn có tục danh là Đình Thó. Thực ra, trong các làng quê ở miền Bắc nước ta, việc “Đình từ hợp nhất” (Đình và Đền là một) là chuyện thường xảy ra. Ngay ở phường Kim Liên, quận Đống Đa, Thành phố Hà Nội, ngôi đền thờ Cao sơn Đại Vương - một trong Thăng Long tứ trấn - trấn giữ phía Nam kinh thành, cũng được người dân ở đây gọi là: “ Đình Kim Liên”. Theo tôi, nếu có tục danh là Đình Thó, thì không phải vì thế Đền Cuối ở thôn Mỹ Long, thị trấn Gia Lộc sẽ kém giá trị hơn. Đối với các nhà nghiên cứu sử học, trong làng xã Việt Nam , nếu so sánh về mặt chức năng thì Đình giữ vai trò quan trọng hơn Đền. Giáo sư Hà Văn Tấn, Viện trưởng Viện Khảo cổ học từng nhận định: “Có thể coi đình là một toà thị chính, một nhà thờ, và một nhà văn hoá cộng lại của làng xã Việt Nam. Ngôi đình là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam, là một yếu tố hữu hình của văn hoá làng Việt Nam ” (4).
Tôi đã về khảo sát kỹ ngôi Đền Cuối ở thôn Mỹ Long, thì thấy kiến trúc của nó là phong cách kiến trúc của đền hơn là phong cách kiến trúc của đình. Tuy nhiên, gọi tục danh là Đình Thó, là bởi hai lý do: thứ nhất thôn Mỹ Long (và cả xã Hội Xuyên) thờ Nguyễn Chế Nghĩa làm thần thành Hoàng, mà thần Thành Hoàng thường được thờ ở đình làng; thứ hai, nơi đây trong các dịp lễ hội, diễn ra vào hai ngày 27 và 28 tháng 9 âm lịch; thường tổ chức “đánh thó”. Bên cạnh đình, xưa có Ao Cuối để nuôi cá, tới ngày lễ, dân làng đánh bắt các con cá chép to nhất để cúng thần Thành Hoàng. Người dân ở đây, kỵ húy của An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, đọc chệch ra là “ Ngỡi”, còn tên Nguyệt Hoa công chúa cũng được đọc chệch ra là “ Huế”.
Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 đến nay, người dân Hội Xuyên với tấm lòng ngưỡng mộ vị thần thành hoàng Nguyễn Chế Nghĩa, đồng tâm đoàn kết, góp công sức, tiền của đã xây lại hai ngôi đền: một ở thôn Mỹ Long, một ở thôn Đức Đại (tức Đức Phong là Đại Liêu sát nhập). Cả hai ngôi đền nói trên đều đẹp đẽ, tôn nghiêm, và có nhiều hoành phi, câu đối do các bậc khoa bảng địa phương cung tiến. Tôi đặc biệt chú ý tới đôi câu đối dưới đây của cụ Nguyễn Văn Trang đỗ Hoàng giáp khoa Nhã sĩ niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865) người thôn Mỹ Long (cả hai ngôi đền ở thôn Mỹ Long và thôn Đức Đại đều có đôi câu đối này):
Phò mã đổng nhung uy tại Lê quan, công tại quốc
Tiên phong Khống Bắc, hiển ư Cối địa, đức ư dân.
(Lạc khoản ghi: Nguyễn triều Hoàng giáp Nguyễn Văn Trang cung đề).
(Tạm dịch:
Đã là Phò mã lại được kiêm chức Đổng nhung, uy danh trong trận Ải Lê Hoa, công lao còn thấy trong quốc sử.
Vừa là Tiên phong lại là tướng quân Khống Bắc, hiển linh ở đất xã Cối Xuyên, đức độ bao trùm khắp dân thôn).
(Hoàng giáp dưới triều Nguyễn là Nguyễn Văn Trang cung kính đề).
Thế mới biết: Các cụ xưa với tấm lòng khoáng đạt, và lấy sự hoà mục trong hương thôn làm trọng, chẳng bao giờ phân biệt đền Mỹ Long, hay đền Đức Phong (Đức Đại), đền nào là chính, đền nào là phụ!
Đền Mỹ Long đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp bằng Công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá vào năm 1989, với danh xưng: “ Đền Cuối và khu lăng mộ Nguyễn Chế Nghĩa”. Theo tôi đó là một danh xưng chính đáng, vì lẽ đơn giản: Cuối là tên Nôm của thôn Mỹ Long!
Vì thế, trong tương lai gần, nếu Bộ Văn hoá - Thông tin có cấp bằng Công nhận Di tích Lịch sử - Văn hoá cho Đền thờ Nguyễn Chế Nghĩa ở thôn Đức Phong, thì cũng theo tiền lệ, nên ghi là: “Đền Bung thờ An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa”. Còn như ai đó, cứ muốn ghi là “Đền Hội Xuyên…” thì theo thiển ý của tôi, như vậy sao gọi là chính danh được?
_______________________
(1) Cùng với việc sao chép thần tích, EFEO còn cho dập hàng nghìn văn bia trên đá, trên gỗ v.v… cũng vào khoảng vài thập niên đầu thế kỷ XX. Thác bản văn bia này, hiện được lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Hà Nội.
(2) Ba vị đại vương là: An Nghĩa Đại vương Nguyễn Chế Nghĩa, phu nhân của thần là Nguyệt Hoa công chúa, và Hoàng tử Sùng Phúc.
(3) Đại Nam nhất thống chí. NXB KHXH, H. 1971, tập 3, tr. 394.
(4) Hà Văn Tập - Nguyễn Văn Kự. Đình Việt Nam . NXB TP Hồ Chí Minh, 1988, tr. 1.
Nguồn: Xưa và Nay, số 248, 11/2005, tr 31 – 33