Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 29/10/2007 15:11 (GMT+7)

Nguồn tin ơi!

Một điều thường xảy ra là tin tức của nhiều tờ báo (nhất là các tin vắn) rất hiếm khi có nguồn. Một tờ báo có thể dẫn những chi tiết rất quan trọng như “Tập đoàn Sankei của Nhật Bản phối hợp với Vụ Mỹ thuật Nhiếp ảnh xúc tiến chuẩn bị triển lãm...”, ”Đề án xây dựng đời sống văn hóa-xã hội ở nông thôn đang được Bộ Văn hóa-Thông tin xây dựng...” hay “Có nhiều khả năng từ mùa bóng tới các đội bóng sẽ...” mà chẳng hề cho độc giả biết những thông tin này được phóng viên lấy ở đâu ra để họ có tin tưởng vào độ xác thực của chúng. 
 
Cũng có một cách dẫn nguồn rất chung chung như “Theo Bộ Thương mại...,” “Theo Kho bạc Nhà nước...,” “Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết...,” “Các báo Hồng Công ngày 2/8 đưa tin...,” v,v... Đưa nguồn kiểu này thì có cũng như không bởi làm gì có người thực, nếu người đọc muốn tìm kiếm trách nhiệm của người nói thì đúng là như bước vào nhà trống. Cái nhà thì đương nhiên lặng câm.
 
Đối với các bài phóng sự, việc trích dẫn các phát biểu được thực hiện theo cách cảm nhận chủ quan của phóng viên chứ không phải theo những nguyên tắc rõ ràng. Việc này dẫn đến tình trạng lộn xộn khi nêu dẫn chứng và có lúc không tạo được sự tin cậy ở người đọc. “Không biết có đúng là ông A phát biểu như vậy không, hay là bị phóng viên ‘nhét” vào mồm” - kiểu suy nghĩ này rõ ràng có tồn tại.
 
Bất kể khi nào được yêu cầu phải nêu lên những yếu tố cơ bản của một tin thì khá đông các phóng viên, biên tập viên lại niệm cái câu thần chú “5 W, 1 H và tam giác ngược” chứ không mấy ai dẫn ra yếu tố nguồn tin. Và đương nhiên là rất hiếm khi thấy nảy ra một cuộc tranh luận về cách dẫn nguồn, nên đặt vào vị trí nào cũng như những quy tắc, quy định của việc này.
 
Các tờ báo cố gắng đưa tin trung thực để tạo được sự tin cậy của độc giả, và để tạo sự tin cậy đó thì không gì quan trọng bằng áp dụng những quy định nghiêm ngặt về trích dẫn nguồn tin. Trừ một số trường hợp ngoại lệ, tất cả các tin bài đều phải được dẫn nguồn một cách rõ ràng và công khai ngay từ đầu. Tuy nhiên, cần luôn nhớ rằng dù nguồn tin có “chất lượng” đến đâu - chẳng hạn là các quan chức rất cao cấp hoặc những người nắm rõ về sự kiện - thì người viết tin vẫn phải chịu trách nhiệm về tính trung thực và sự tin cậy của bài viết đó.
 
Đăng tải hay phát sóng một tin tức có nghĩa là cơ quan báo chí khẳng định tin tức đó đúng sự thật. Việc xác định nguồn tin giúp người đọc đánh giá sự tin cậy của tin tức đồng thời giúp bảo vệ uy tín của cơ quan báo chí khi xảy ra tranh cãi.
 
Các loại nguồn tin
 
Nguồn tin xác định
 
Nguồn tin phải được xác định càng chính xác càng tốt. Đó có thể là một cá nhân, với đầy đủ họ tên và chức danh, một tổ chức, một công ty hoặc một cơ quan báo chí. Một người phát ngôn cũng cần được xác định bằng tên cụ thể nếu có thể.
 
Tất cả những người được dẫn lời trong một bản tin – dù đó là người phát ngôn chính thức, nhân chứng, hay bất kỳ ai, đều phải được xác định bằng tên, kèm theo tuổi, chức danh và bất kỳ thông tin mô tả hữu ích nào khác:
 
Ví dụ: “Vùng đất của chúng tôi mang tiếng là nằm dưới chân đập hồ chứa nước Phú Ninh nhưng lại thiếu nước để sản xuất, người dân muốn sống phải lên rừng đốn củi”, cụ Lê Chiến, 81 tuổi, ở làng Long Sơn, kể trong nỗi ngậm ngùi. (Sống ngay hồ nước mà khát nước!, Tuổi Trẻ Online, 13/8/2005) 
 
Có trường hợp phóng viên ngại nêu danh nguồn tin hoặc thậm chí không nghĩ đến chuyện hỏi xem có thể nêu danh tính hay không, dù cho đó là một người phát ngôn chính thức hay một người dân bình thường chẳng ngại ngần gì mà không nêu tên. Có những lúc cần phải năn nỉ đối tượng để họ cho phép nêu danh, vì có những người mà ngay khi bắt đầu cuộc phỏng vấn đã thẳng thừng tuyên bố là họ không muốn dẫn tên trên mặt báo, nhưng sau đó lại thay đổi ý định khi được thuyết phục một chút.
 
Tuy nhiên, nên nhớ rằng chỉ nêu tên thôi thì chưa đủ mà phải có cả họ lẫn tên đệm cùng một số chi tiết mô tả.
 
Nguồn tin không xác định
 
Nguồn tin không xác định là nguồn tin yếu nhất, và nó có nghĩa là tờ báo phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm về thông tin được nêu ra. Việc không xác định được nguồn tin còn để ngỏ khả năng thông tin sai lệch.
 
Ngay cả khi không thể nêu tên người cung cấp thông tin thì nên xác định đặc điểm của họ càng nhiều càng tốt, chẳng hạn một nguồn thân cận với cuộc điều tra, gia đình, ban lãnh đạo đảng, v,v...
 
Nếu sử dụng cách viết “một quan chức cấp cao đề nghị giấu tên” thì rõ ràng có sức mạnh hơn là “một nguồn tin có thẩm quyền” hoặc “một nguồn tin chính thức”. Trong những trường hợp như vậy, cần phải giải thích rõ rằng người được dẫn lời không muốn bị nêu danh vì lý do nào đó. Trong một số trường hợp đặc biệt, có thể nói rằng tờ báo không nêu danh người này vì lý do an ninh.
 
Ngoài ra, cần nêu lên ít nhất một chi tiết để củng cố cho tính tin cậy của nguồn tin. “Một quan chức đã tham dự cuộc đàm phán của EU” thì rõ ràng tốt hơn là “một nguồn tin trong EU”; “một cảnh sát có mặt tại hiện trường” đương nhiên phải hơn “một nguồn tin cảnh sát”. Cũng với lý do đó, hãy dẫn lời các quan chức ngoại giao thay cho các nguồn tin ngoại giao, một quan chức hay một bộ trưởng hơn là một nguồn tin chính thức, một thẩm phán hơn là một nguồn tin tòa án.
 
Khi một nhà ngoại giao không muốn được nêu là nhà ngoại giao, hoặc một quan chức muốn giấu tên thì phóng viên cần phải tự hỏi bản thân mình xem thông tin đó có đáng giá tới mức làm như vậy không, hay là nên tìm đến một nguồn tin khác.
 
Trong trường hợp xấu nhất thì cũng phải xác định được nguồn tin xuất phát từ đâu - chẳng hạn nguồn tin cảnh sát, nguồn tin tòa án chứ không được dùng những từ mơ hồ như “nguồn thạo tin”, “nguồn tin cậy” hoặc “giới nghiên cứu”, “các nhà quan sát”. Không có một vài cái tên cụ thể như trong ví dụ dưới đây thì người đọc sẽ ngay lập tức nghi ngờ thông tin được đưa ra, họ có thể tự hỏi: “Liệu có đúng là phóng viên đã gặp những người này và biết được thông tin đó, hay là phóng viên... tự đưa ra?”
 
Ví dụ:
 Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, lượng tôm xuất khẩu trong những ngày đầu tháng 8 đã tăng 20-30% so với tháng trước, đặc biệt là lượng tôm xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản.
Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết lượng hàng tồn kho tại Mỹ không còn nhiều nên nhu cầu nhập khẩu tăng cao, trong khi loại tôm cỡ lớn đang là thế mạnh của Việt Nam. Các khách hàng Nhật cũng bắt đầu tăng lượng tôm nhập khẩu. (Xuất khẩu tôm sú sang Mỹ, Nhật Bản tăng mạnh, TTXVN, 10/8/2005)
 
Có những trường hợp, để nói một cách đơn giản và gọn thì có thể gọi chung trong đoạn văn đầu tiên là “các nhà phân tích” nhưng từng người cần phải được dẫn riêng trong bài một cách cụ thể với những câu phát biểu trực tiếp để thấy rõ rằng đây là ý kiến của nhà phân tích chứ không phải là quan điểm của người viết. Đương nhiên khi đã dẫn “các nhà phân tích” hoặc “các nguồn tin tòa án” thì trong bài phải có ý kiến của vài người chứ không thể chỉ 1 nguồn tin.”
 
Các nguồn tin gián tiếp
 
Thông thường, các nguồn tin gián tiếp tức là các cơ quan báo chí (nhật báo, truyền hình, phát thanh, các hãng thông tấn hoặc các website)
 
Không bao giờ nên đưa tin kiểu như: “Các báo Tây Ban Nha số ra hôm thứ Sáu cho biết có 50 chuyến bay đã bị hủy tại sân bay Madrid hôm thứ Năm.” Trong trường hợp đó, hãy gọi điện cho cơ quan quản lý sân bay để xác nhận thông tin này và tự viết bài riêng.
 
Lưu ý để đừng bị rơi vào cái bẫy đăng lại tin từ nguồn thứ hai trong khi chúng ta lại có thông báo thực sự ở trong bài.
 
Ví dụ:
Theo một quan chức trong chính phủ Mỹ, Tổng thống Clinton  đã tái bổ nhiệm Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) Alan Greenspan.
Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã tuyên bố bổ nhiệm lại ông Greenspan vào chức Chủ tịch Fed vì ông là một chuyên gia.... 
 
Luôn luôn phải có xác nhận chính thức của một nguồn tin trực tiếp trước khi đăng tải thông tin, trừ trường hợp quá cấp bách VÀ nguồn cung cấp thông tin đó rất đáng tin cậy. Trong trường hợp phải đăng các thông tin mà các cơ quan báo chí khác đã đăng tải thì phải xác định rõ nguồn.
 
Ví dụ: Hãng truyền hình CNN đưa tin chiếc máy bay này đã bị nổ giữa không trung.
 
Tuy nhiên, cách hiệu quả hơn là phải kiểm chứng từ một nguồn tin độc lập, và ngay cả khi không nhận được thông tin xác nhận thì vẫn có thể đưa vào tin.
 
Ví dụ: Hãng truyền hình CNN đưa tin chiếc máy bay này đã bị nổ giữa không trung nhưng chưa có cơ quan nào xác nhận việc này./.


Nguồn: vietnamjournalism.com 31/08/2005

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.