Nguồn gốc các loài (Charles Darwin) - tác phẩm làm thay đổi thế giới quan
Cuốn sách này là kết quả của những quan sát của Darwin trong chuyến đi gần 5 năm, từ 1831 đến 1836, trên con tàu biển Beagle vòng quanh thế giới, cùng với những suy tư và nghiên cứu của ông trong hai mươi năm sau đó, trong đó ông đặt vấn đề có tính quyết định về biến đổi luận hay sự tiến hóa. Sách của ông đã được xuất bản nhiều lần, sửa đổi, liên tục cập nhật và kế tiếp nhau cho đến khi ông mất.
Darwin đã đi đến quan niệm rằng các loài không phải là những thực thể bất biến từ các sáng tạo siêu hình, mà biến đổi dần từ loài này sang loài khác, và như vậy toàn bộ giới sinh vật đã tiến hóa. Cơ sở của nó là có sự đấu tranh sinh tồn (struggle for life) giữa các cá thể ở từng loài, loại bỏ nhiều cá thể trong đó và dẫn tới sự sống sót của dạng thích nghi nhất (survival of the fittest). Sự chọn lọc này bắt nguồn từ các đặc điểm có thuận lợi hay không của các cá thể khác nhau. Đó là sự chọn lọc diễn ra tự động trong tự nhiên, hay chọn lọc tự nhiên (natural selection). Qua tích lũy, các biến đổi được chọn lọc tự nhiên giữ lại, dần dần biến đổi loài, và từ đó, giới sinh vật dần dần có dạng như hiện nay.
“Nguồn gốc các loài” (1859) đã có một tiếng vang lớn hay khơi ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, không những ở nước Anh – tổ quốc của Darwin, mà cả ở nhiều nước khác trên thế giới, do việc áp dụng nó một cách tự nhiên vào nguồn gốc loài người. Thuyết tiến hóa của Darwin đã được đại bộ phận giới sinh học công nhận, về cả nguyên lý và các sự kiện, dù ngày càng được bổ sung và phát triển cho đến nay. Nhưng số người chống đối nó cũng không ít, không chỉ khi Darwin còn sống, mà còn kéo dài cho tới bây giờ.
Cuộc “chiến tranh” trong gần 150 năm, kể từ khi cuốn sách đầu tiên ra mắt, xem ra vẫn không dịu đi. “Nguồn gốc các loài” đã đối lập những người bảo vệ thuyết tiến hóa của những người nhận thức, trong các vẻ đẹp của tự nhiên và tính đa dạng của sinh vật, bàn tay của một đấng Sáng tạo lớn, thiết kế Vũ trụ. Nếu như các nhà tạo luận ở Mỹ trong những năm 1920 từng dựa vào Kinh thánh, thì hiện nay mọi tham khảo tôn giáo đều được giảm bớt một cách khéo léo, và có những giáo sư đại học uyên bác ở đây đã theo thuyết “thiết kế thông minh” (intelligent design, hay ID). Giới khởi xướng “thiết kế thông minh” cho rằng có một trí tuệ cao siêu mới có thể giải thích tính đa dạng kỳ lạ của sinh vật. Ở Mỹ, những người này rất tích cực và có tổ chức, muốn áp đặt tư tưởng của họ vào các giáo trình sinh học như nội dung đáng tin xen kẽ với thuyết tiến hóa. Được phái hữu bảo thủ nắm quyền ủng hộ, họ thâm nhập vào hội đồng các trường học, xuất bản sách và tổ chức các hội nghị. Dù có tự bào chữa, nhưng họ vẫn là các nhà sáng tạo luận được Nhà Thờ Tin lành ở Mỹ bênh vực.
Cho dù thuyết tiến hóa ban đầu của Darwin vẫn còn có những hạn chế dưới ánh sáng của các hiểu biết hiện nay, nhưng nó vẫn có một ưu thế cơ bản trước các đối thủ là được đặt lại vấn đề và rất phát triển hiện nay. Quan niệm chọn lọc tự nhiên của Darwin đã thâm nhập vào nhiều lĩnh vực sinh học và y học, như chọn lọc tự nhiên với sự phát triển não của Gerald Edelman, chọn lọc tự nhiên và bệnh ung thư, thuyết tiến hóa hiện đại và hậu hiện đại… Dù thuyết tiến hóa đã thay đổi, nhưng Darwin vẫn được coi là một trong những người đổi mới vĩ đại, giúp chúng ta biết nhìn nhận thế giới bằng một con mắt khác, vì ông đã khắc sâu sự kiện tiến hóa vào tâm trí nhân loại.
Nhà xuất bản tri thức đã rất nhạy bén cho dịch lại cuốn “Nguồn gốc các loài” từ nguyên bản đầu tiên năm 1895, nhân kỷ niện 200 năm ngày sinh của Darwin (1809 – 2009) và 150 năm (1859 – 2009) ra đời cuốn sách này. Đây là một tài liệu tham khảo rất tốt cho bạn đọc quan tâm đến thuyết của Darwin và đối chiếu nó với các thuyết tiến hóa khác đang được phát triển hiện nay.