Người Việt Nam trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu Bắc kinh – Trung Quốc
Ở Trung Quốc, miếu thờ Khổng Tử đầu tiên là Khổng Miếu ở huyện Khúc Phụ (tỉnh Sơn Đông), xây dựng năm 478 (tr.CN), sau khi ông mất một năm. Tên gọi của ngôi miếu có thay đổi qua thời gian: Từ đời Hán đến đời Tuỳ gọi là Miếu hoặc Khổng Miếu; đời Đường gọi là Khổng Thánh Miếu, Văn Tuyên Vương Miếu; đời Tống gọi là Tuyên Thánh Miếu, Phụ Tử Miếu; đời Nguyên gọi là Tiên Thánh Miếu... đến thời hiện đại thì có nơi gọi là Văn Miếu hoặc Khổng Miếu. Khổng Miếu ở huyện Khúc Phụ là 1 trong 3 quần thể kiến trúc cổ nổi tiếng nhất Trung Quốc (cùng với Cố Cung ở thủ đô Bắc Kinh và Sơn Trang tị thử, một khu nghỉ mát ở huyện Thừa Đức, tỉnh Hà Bắc).
Quy mô tổng thể Văn Miếu Hà Nội về cơ bản giống với Khổng Miếu ở huyện Khúc Phụ bên Trung Quốc. Khổng Miếu ở Khúc Phụ có Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, Đại Thành Môn, Đại Thành Điện; không có khu dựng bia Tiến Sĩ... còn Văn Miếu Hà Nội, ngoài các công trình đó, còn có thêm nhiều cửa (môn), gác (các), điện, đặc biệt là khu dựng bia Tiến sĩ... mang nét dáng kiến trúc Việt Nam thì ngoài việc thờ Khổng Tử còn thờ các danh nho Việt Nam.
Ở Trung Quốc, chỉ có Khổng Miếu Bắc Kinh (dựng năm 1302, đời nhà Nguyên), mới có khu dựng bia Tiến sĩ. Xét về quy mô, Khổng Miếu ở thủ đô Bắc Kinh nhỏ hơn Khổng Miếu ở huyện Khúc Phụ. Khổng Miếu ở Bắc Kinh cũng chỉ lớn hơn Văn Miếu Hà Nội đôi chút. Khổng Miếu Bắc Kinh có Tiên Sư Môn (Linh Tinh Môn), Đại Thành Môn, Đại Thành Điện. Tiên Sư Môn là cửa đầu tiên, nơi thờ tiên sư đạo Nho là Khổng Tử. Công trình này còn được gọi là Linh Tinh Môn vì đây là tên chòm sao chủ về việc giáo hoá và theo dân gian, Đức Thánh Khổng Tử chính là ngôi sao này giáng thế.
Khổng Miếu ở Bắc Kinh có giếng cổ (Cổ Tĩnh), nước trong lành, ngon ngọt, tương truyền các văn nhân đến đây, nếu được uống một chén nước giếng thì tâm trong trí sáng, thi tứ dạt dào, nguồn văn tuôn chảy. Lại có cây cổ là cây bách Xúc Gian, biết phân biệt kẻ ngay người gian. Chuyện dân gian đời nhà Minh kể: Có viên Tể tướng Nghiêm Trung là một gian thần, chuyên hãm hại người ngay; một lần hắn theo lệnh nhà vua đến đây để tế Thánh Khổng Tử, khi hắn đến cửa Đại Thành bỗng gió to nổi lên và một cành bách rơi xuống trúng đầu hắn, giết chết kẻ gian thần. Từ đó, cây bách được gọi là Xúc gian bách (Gạt bỏ kẻ gian).
Khổng Miếu Bắc Kinh có 198 bia Tiến sĩ, gọi là “Tiến sĩ đề danh bia” (Văn Miếu Việt Nam cũng gọi như thế). Bia đầu tiên lập năm 1313, bia cuối cùng lập năm 1904, lưu danh 51.624 tiến sĩ các đời Nguyên, Minh, Thanh, trong đó có 2 Tiến sĩ người Việt.
Tấm bia đá khắc danh sách Tiến sĩ đỗ khoa Giáp Tuất đời Cảnh Thái thứ 5 (1452) gồm trên 200 người, trong đó có 2 vị đỗ tam giáp Tiến sĩ; người đứng thứ 52 là Lê Dung, thứ 80 là Nguyễn Cần. Bia ghi rõ: “Lê Dung – Giao Chỉ - Thanh Uy – Nho Sĩ” và “Nguyễn Cần – Giao Chỉ - Đa Dực nhân” (Lê Dung quê ở Thanh Uy, Giao Chỉ, đỗ trúng thức Nho sĩ (như trúng thức Nho sinh) và Nguyễn Cần quê ở Đa Dực, Giao Chỉ). Thanh Uy là đất thuộc huyện Thanh Oai (nay thuộc TP Hà Nội), còn Đa Dực thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Tấm bia này đã bị vỡ, tuy vẫn nằm trong khuôn viên điện Đại Thành nhưng đặt ở ngoài cửa bên trái, trên lối vào của khuôn viên.
Rất khó tìm hiểu lí do, hoàn cảnh hai người Việt Nam nói trên đã sang Trung Quốc và dự thi Tiến sĩ như thế nào. Rất có thể là họ đã theo gia đình sang định cư ở Trung Quốc đã lâu và dự thi Hội, thi Đình cùng các sĩ tử Trung Quốc với tư cách người đã nhập quốc tịch Trung Quốc. Nhân đây, xin nói thêm: Ở Việt Nam khoảng thời gian này, triều đình nhà Lê đã ổn định, việc thi cử mở lại từ năm 1429, do đó khó có thể cho rằng hai người này vì bất mãn chế độ trong nước mà phải đi thi ở nước ngoài.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, Lê Dung được bổ dụng làm quan, làm đến chức cao nhất là Thị lang bộ Công, đời vua Minh Thành Hoá; còn Nguyễn Cần thì không có tài liệu nào cho biết ông được bổ dụng làm chức vụ gì ở Trung Quốc.
Các sách sử Việt Nam khi viết về khoa cử có nhắc đến trường hợp Triệu Thái, quê ở huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc), đỗ Tiến sĩ khoa Minh Kinh năm 1429, đời vua Lê Thái Tổ (1385-1433), có sang Trung Quốc đời Vĩnh Lạc (1405-1424) và dự thi, đỗ Tiến sĩ. Tuy nhiên, trên tất cả các bia ở Khổng Miếu Bắc Kinh không có tên vị này, như vậy sách Việt Nam ghi theo giai thoại, lâu dần không kiểm định, cứ truyền đời này sang đời khác. Đến nay thì có thể khẳng định điều đó là không đúng vì trong 51.624 Tiến sĩ có tên trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu Bắc Kinh, có 1 người tên là Triệu Thái nhưng quê ở huyện Cảm Dương, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc), đỗ Tiến sĩ năm Thành Hoá thứ 11 (1475). Như vậy, dưới thời phong kiến, chỉ có hai người Việt Nam từng thi đỗ Tiến sĩ ở Trung Quốc, được khắc tên trên bia đề danh Tiến sĩ ở Khổng Miếu Bắc Kinh.
Minh Hải - Thế giới trong ta, số 394/2012, tr.20