Người Việt Nam công bố nhân bản vô tính trước Wilmut vừa đi xa
Ít ai biết rằng chính tờ Nature - tờ báo danh tiếng đã công bố (năm 1997-1998) công trình nhân bản vô tính tạo ra cừu Dolly của Ian Wilmut- đã đăng công trình nhân bản vô tính cá chạch của ông (cộng tác với nhà khoa học Nga Nikitina) trong số báo ra ngày16/8/1979. Công trình được công bố trước Wilmut 17- 18 năm này có ý nghĩa đột phá trong lĩnh vực nhân bản vô tính (cloning) nên trước đó đã được báo Công nghiệp Xã hội chủ nghĩa (Nga) số ra ngày 21/12/1978 dành hẳn 1 trang để giới thiệu về nhà khoa học Việt Nam trẻ tuổi này. Ít ai biết rằng để có được khám phá quan trọng đó ông đã trải qua 1500 lần thí nghiệm lặp đi lặp lại với những kim vi thao tác tự chế tạo.
Ông đã đi trước Wilmut rất lâu nhưng là thực hiện trên cá nên không nổi tiếng như thực hiện trên cừu (động vật có vú). Dù sao đó cũng là một vinh dự rất to lớn cho giới khoa học Việt Nam . Về nước tham gia giảng dạy tại Khoa Sinh trường Đại học Tổng hợp (nay là ĐH Khoa học tự nhiên, thuộc ĐHQG Hà Nội) ông đã không ngừng xây dựng đội ngũ nghiên cứu, trang bị lại phòng thí nghiệm và đặc biệt quan tâm đến việc trợ giúp các nhóm học sinh đi thi quốc tế về Sinh học. Những tấm huân chương của các cháu học sinh có mồ hôi, công sức quý giá của thầy Hùng.
Tôi cộng tác với ông trong việc thẩm định sách giáo khoa Sinh học bậc phổ thông nhưng cũng rất băn khoăn như ông vì không có quyền đóng góp về chương trình Sinh học.Trong bất kỳ công việc nào ông cũng nhiệt tình, sôi nổi nhưng với thái độ rất nhã nhặn, hiền từ. Gần đây ông dấn thân vào sự nghiệp nghiên cứu tế bào gốc phục vụ y tế và lôi cuốn các nhà khoa học nhiều trường, nhiều viện cùng tham gia. Nhà nước đã bắt đầu quan tâm và đầu tư khá thỏa đáng cho nhóm nghiên cứu của ông. Những thành công bước đầu của ông đã được báo Khoa học & Đời sốnglựa chọn là một trong số 10 sự kiện khoa học nổi bật trong nước năm 2005.
Ông đã công bố 26 bài báo khoa học và tham gia biên soạn 10 cuốn giáo trình và sách khoa học . Ngoài lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc ông còn tham gia vào nhiều đề tài có giá trị phục vụ ngay cho sản xuất. Chẳng hạn ông đã nghiên cứu cắt bỏ tuyến androgen ở tôm càng non nước ngọt để đảo giới tính tôm đực thành loại tôm cái giả. Hy vọng từ kết quả nghiên cứu này sẽ có thể tạo ra quần thể toàn là tôm càng đực (trọng lượng khi trưởng thành cao hơn tôm càng cái tới 30%)…
Biết bao thành tựu mà những đồng nghiệp và học trò của ông đang cần tới sự tư vấn thông minh và sáng suốt của ông. Các chương trình nghiên cứu về tế bào gốc đang ở giai đoạn tăng tốc thì ông lại vội vã đi xa. Vẫn biết sinh tử là quy luật của muôn đời nhưng ông ra đi quá đột ngột để lại cho tất cả chúng tôi biết bao xót thương và tiếc nuối. Cầu mong hương hồn ông thanh thản nơi vĩnh hằng.
Sau buổi lên lớp với đội tuyển Olympic Sinh học quốc tế, trưa 20/6, GS.TS Nguyễn Mộng Hùng đã ra đi đột ngột, thọ 67 tuổi. GS.TS Nguyễn Mộng Hùng công tác tại Bộ môn Tế bào, Mô phôi và Lý sinh, Khoa Sinh học, chuyên ngành Tế bào mô phôi. Năm 2005, ông và các cộng sự tuyên bố đã tách và nhân nuôi tế bào gốc phôi chuột và sử dụng các tế bào gốc này để cứu sống chuột chiếu xạ liều gây chết. Thành công này mở ra triển vọng trong việc chữa trị nhiều căn bệnh ở người bằng tế bào gốc tại Việt Nam . Hướng khoa học hoặc đề tài khoa học chủ yếu đã nghiên cứu của GS Hùng tập trung vào các nội dung: Ảnh hưởng của điều kiện khí hậu nóng ẩm lên sinh lý sinh sản chuột; sản xuất chế phẩm có hoạt tính sinh học: Huyết thanh ngựa chửa; tạo dòng vô tính ở cá xương; mẫu sinh ở cá; điều khiển giới tính động vật và công nghệ tế bào gốc động vật. Ông từng nhận các huy chương vì sự nghiệp Thuỷ sản, Giáo dục, Khoa học Công nghệ và các bằng khen của Bộ GD-ĐT với vai trò huấn luyện và dẫn đoàn học sinh Việt Nam đi thi Olympic quốc tế sinh học. |