Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 14/05/2008 00:11 (GMT+7)

Người Pú Y đầu tiên viết từ điển

Người Pú Y sống tập trung ở Hà Giang và Lào Cai (dưới cái tên Tu Dí). Tại Hà Giang, người Pú Y cư trú trên địa bàn 4 thôn thuộc xã Quyết Tiến (huyện Quản Bạ) và một số xã thuộc huyện Đồng Văn.

Lên nương làm... từ điển

Nhà ông Khoan nằm chon von trên sườn đồi. Khi chúng tôi tìm tới, ông đang xách dao quắm lên nương, một tay cầm theo tờ giấy nháp. Thỉnh thoảng, ông đứng lại, cặm cụi ghi chép những chữ loằng ngoằng vào tờ nháp. Hỏi ra mới biết, ông đang nhặt nhạnh, bổ sung thêm chữ Pú Y mới cho cuốn từ điển của mình. Hễ nhìn thấy vật dụng, cây, con hay sự vật nào, ông Khoan lại nghĩ tới cách phát âm, gọi tên cổ của chúng và ghi vào giấy. ông tự nhận: “Làm từ điển đã biến tôi thành người... lẩn thẩn”. ông say mê đến mức, lên nương quên cả dắt bò, quên mang dao quắm; có khi mất cả buổi không tra được hạt ngô nào. Nhưng, cuốn từ điển của ông thì được “gieo” thêm từ mới.

Ông Khoan ngồi tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đất xiêu xiêu. Lặng đi một hồi, ông tâm sự: “Tiếng Pú Y gốc, giờ không còn nhiều người dùng nữa rồi. Chỉ còn quanh quẩn mấy bạn già ngồi bên bát rượu ngô nói tiếng dân tộc mình. Thế hệ con, cháu chuyển sang nói tiếng Kinh, Nùng, Dao. Mỗi lần người già muốn nói chuyện với bọn trẻ, nói tiếng Pú Y chúng không hiểu. Bọn trẻ quên hết chữ Pú Y mình rồi”.

Theo các nhà nghiên cứu, do đời sống cộng cư với các dân tộc khác mà chủ yếu là người Nùng, Dao; đồng thời quan hệ hôn nhân mở rộng, người Pú Y có thể kết hôn với người Kinh, Nùng, Mông và hoà nhập với những tộc người này; do tác động của điều kiện sống và một phần do nhu cầu không cần thiết nói tiếng nói dân tộc của lớp trẻ, khiến tiếng nói của người Pú Y mất dần.

Ông Khoan cứ canh cánh nỗi lo: “Người già mất hết rồi, bọn trẻ còn nhớ gì tới ông cha, tổ tiên? Đến cả tiếng nói, ngôn ngữ cũng theo người già về bên kia núi. Mình được Đảng, Nhà nước cho ăn học, biết được cái chữ, mình phải làm cái gì đó”. Trong cộng đồng dân tộc Pú Y, ông Khoan là một trong những người được học cao nhất. Năm 1955, ông theo học tại Trường Sư phạm Miền núi Trung ương. Sau khi ra trường, ông được điều về dạy học ở các huyện Bắc Mê, Đồng Văn, Quản Bạ (Hà Giang). ông còn tham gia công tác lãnh đạo ở huyện Quản Bạ với cương vị Phó chủ tịch UBND huyện. Thời gian làm công tác quản lý, lại có vốn hiểu biết giá trị văn hóa của người Pú Y, ông thấm thía và đau lòng trước nguy cơ mai một những nét văn hoá của dân tộc mình.

Cuốn từ điển photocopy

Một trang trong cuốn Từ điển Việt - Pú Y Tháng 8/2004, ông Khoan bắt tay vào sưu tập, xây dựng cuốn từ điển. Có thêm sự động viên, khuyến khích của lớp người già, ông cần mẫn dịch và biên soạn tiếng Pú Y sang tiếng Việt. Công việc đó thật không dễ dàng đối với người đã bước sang tuổi 73, không có chuyên môn trong vấn đề ngôn ngữ. Nhưng qua gần 4 năm cặm cụi tích góp vốn từ, ông cũng dựng được cuốn “Từ điển Việt - Pú Y” dày dặn.

Cuốn từ điển có 1.701 từ với 68 trang, được sắp xếp rất khoa học theo vần Alphabet. Do không có kinh phí, toàn bộ từ điển được làm rất giản dị trong quyển vở học sinh, nét viết run run và được tô vẽ cẩn thận. Chúng tôi khá ngạc nhiên khi hỏi ông về việc cho in cuốn từ điển này. Ông nói: “Mình có nghĩ tới in đâu. Sức còn tới đâu, viết chừng ấy, nhờ bạn bè bổ sung thêm. Sau sẽ phô tô ra nhiều bản, phát cho mỗi gia đình một cuốn để con cháu đỡ quên tiếng nói dân tộc. Mục đích chỉ có vậy thôi à”.

Ông Nguyễn Văn Thìn, Bí thư Đảng uỷ xã Quyết Tiến cho biết: “Tôi cho rằng, việc tập hợp, sưu tầm ngôn ngữ dân tộc Pú Y thành một hệ thống, tạm gọi là từ điển, có thể coi như một sáng kiến giúp đồng bào lưu giữ những giá trị văn hoá dân tộc. Người Pú Y vốn không có chữ viết riêng, việc tập hợp dựa trên cơ sở ghi chép lại cách phát âm, đối chiếu với tiếng Việt, vẫn chưa được các chuyên gia thừa nhận”. Giá trị khoa học của cuốn sách chắc chắn cần sự thẩm định của các chuyên gia ngôn ngữ học. Nhưng điều không thể bàn cãi chính là ý thức bảo tồn văn hoá dân tộc của ông Khoan. Trong khi các nhà nghiên cứu đang đau đầu với bài toán bảo tồn và phát triển văn hóa cộng đồng thì chính người dân trong cộng đồng dân tộc Pu Y, với tính tự giác dân tộc đã tìm tòi và từng bước lưu giữ những đặc trưng văn hóa cho thế hệ con cháu bằng phương cách giản đơn, gần gũi với cuộc sống.

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn (25/01/08)
Một trang trong cuốn Từ điển Việt - Pú Y

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.

Tin mới

Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.
Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương
Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025-2030, Cuộc thi sáng tác biểu trưng (logo) Đảng uỷ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương và biểu trưng (logo) Đại hội đại biểu Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 – 2030 được chính thức khởi động từ ngày 18/7/2025.