Người phụ nữ "không biết nghỉ ngơi"
Đối với TS Khuất Thu Hồng, ngồi yên một chỗ nghĩa là … bó tay, là dừng lại, là thụt lùi, là điều mà chị không thể nào chấp nhận, không thể nào làm được. Lúc nào chị Hồng cũng phải loay hoay nghĩ ra một điều gì mới, làm một việc gì đó, chứ không chịu yên chỗ. Chị bảo “Tôi bị gọi là người “không biết nghỉ ngơi””. Cũng vì cái tính “loay hoay” ấy, mà chị đã cùng với một số bạn bè đồng nghiệp quyết tâm từ bỏ việc “làm mà không làm” ở một cơ quan nghiên cứu hàng đầu của nhà nước để thành lập một tổ chức phi chính phủ, tự tìm kiếm các nguồn tài trợ để thực hiện các chương trình nghiên cứu về các vấn đề xã hội cấp thiết của đất nước.
ISDS ra đời từ đó. Chị Hồng cho biết, mới đầu gia đình và bạn bè cũng rất lo lắng cho chị và khuyên chị không nên rời bỏ một công việc ổn định để tìm kiếm sự phiêu lưu, nhất là khi chị còn có một gánh nặng gia đình với hai đứa con đang đi học.
“Tuy nhiên, chị nói, “tôi là người may mắn. May mắn vì được bạn bè đồng nghiệp đồng lòng hợp sức. May mắn vì được các đối tác tin tưởng nên ngay từ những ngày đầu chúng tôi đã có được một số vốn dự án nghiên cứu tầm cỡ mà từ đó Viện không ngừng phát triển.”. Tôi trộm nghĩ, có lẽ sự may mắn đó phải chăng cũng đến từ tính “loay hoay” của chị vì những quả sung đâu có rụng mãi cho một người chỉ biết chờ đợi.
Sinh năm 1960, tuổi “chuột vàng”, “Canh Tý là chúa vất vả, nhưng vất vả cũng là do mình cứ tham công tiếc việc quá, chứ nếu biết ngồi yên một chỗ thì chắc cũng không đến nỗi” - chị Hồng cười và nói về cái tuổi của mình - tuổi của một người phụ nữ nhỏ bé mà can trường và bản lĩnh. Xuất thân từ chuyên ngành tâm lý học (tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Lômônôxôp năm 1984), nhưng chị lại “lấn sân” sang nghiên cứu xã hội học và vẫn còn tiếc rẻ vì “không còn trẻ để học thêm một số ngành nữa”. Chị quả quyết lắc đầu khi tôi hỏi liệu chị có tiếc cái biên chế nhà nước gần hai mươi năm hay có nhiều băn khoăn khi rời bỏ vị trí chuyên gia về giới của UNDP, nơi có điều kiện để có thu nhập ổn định hay không. Chị nói, dù công việc hiện tại có khó khăn vất vả hơn nhiều nhưng chị rất hạnh phúc vì đang được làm những điều mình “thích”. Đó chính là những vấn đề xã hội mà chị và đồng nghiệp thực sự tâm huyết. Cái “thích” nữa là các chị có thể chủ động xác định đề tài nghiên cứu và chủ động thiết kế nghiên cứu. Chị Hồng nói “Khoa học là sáng tạo. Người làm khoa học nào cũng mơ ước mình được chủ động nghiên cứu những vấn đề mình nung nấu. Chúng tôi đang thực hiện được những ước mơ của mình”.
Khi thấy tôi có ý cho rằng dường như số phận luôn mỉm cười với chị, Khuất Thu Hồng cười - “Không phải lúc nào cuộc sống cũng dễ dàng với mình đâu”. Những ngày đầu tiên cả nhóm sáng lập viên chạy long tóc gáy để hoàn tất các thủ tục thành lập. Rồi cả bọn phải vét cạn cả túi để lấy tiền thuê văn phòng, mua máy tính, trang thiết bị và góp vốn pháp định theo đúng quy định của Bộ Khoa học & Công nghệ. Tiếp theo đó là những ngày vất vả triền miên. Chỉ làm nghiên cứu thôi cũng đủ căng thẳng lắm rồi nhưng “bà” Giám đốc (Sau này đơn vị của chị mới đổi tên thành Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - BBT) còn phải lo sao cho mười mấy cán bộ của mình yên tâm công tác, rồi lo đối ngoại, đối nội và trăm thứ bà rằn khác của một tập thể mà phần đông là những đồng nghiệp trẻ. Đêm đêm nằm nghĩ đến số tiền để trả lương hàng tháng cho cán bộ, tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước và bao nhiêu khoản phát sinh khác chị Hồng đã từng “sợ đến mức mất ngủ luôn”. Sáu tháng đầu chị và ba sáng lập viên khác đã không nhận lương, đành phải cắt giảm chi tiêu gia đình.
“Nhưng may sao”, (lại may), chị Hồng hãnh diện khi nói về cơ quan của mình, “là tất cả cán bộ trong Viện đều say mê nghiên cứu và hết lòng cho công việc. Vì vậy những nghiên cứu của chúng tôi thường được đánh giá cao. Từ đó tên tuổi của Viện cũng được nhiều người biết đến hơn và công việc lại càng nhiều hơn. Sau sáu tháng đầu, ai cũng có lương và sau mỗi sáu tháng chúng tôi lại có thể tăng lương cho cán bộ của mình”. Khi tôi hỏi đùa “Chắc lương cao lắm chị nhỉ?”, chị Hồng cười “Không cao đâu, chưa xứng đáng với công sức mọi người bỏ ra đâu. Nhưng cũng đủ để nghiên cứu khoa học”.
“Các chị nghiên cứu những vấn đề gì mà luôn ở trên từng cây số vậy?” - “Chúng tôi toàn là những người tò mò. Chúng tôi làm nhiều thứ lắm. Bạn biết đấy, cái tên của Viện cũng nói lên phần nào công việc của chúng tôi, những gì liên quan đến xã hội là chúng tôi quan tâm”. Trọng tâm của Viện là các vấn đề nghèo đói, bình đẳng giới, phụ nữ, sức khoẻ, kể cả sức khoẻ tình dục, ma tuý và HIV/AIDS. Đồng thời, Viện cũng tham gia tích cực vào các nghiên cứu về phát triển đô thị, môi trường và các hoạt động giáo dục truyền thông. Viện đã xây dựng được một trung tâm tư liệu về “Giới, Tính dục và Sức khoẻ Tình dục” với trên 3000 đầu sách và tài liệu, sẵn sàng phục vụ cho tất cả những người quan tâm. Với mạng thư điện tử Jvnet, Viện cung cấp thông tin về HIV/AIDS cho 1000 người hoạt động trong lĩnh vực phòng chống AIDS ở Việt Nam. Trong hai năm 2004-2005, nhiều khán giả xem truyền hình đã nghe chị Hồng nói về tầm quan trọng của việc xoá bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS đối với chương trình quốc gia phòng chống đại dịch AIDS hoặc là các vấn đề giáo dục sức khoẻ tình dục cho thanh thiếu niên, đó là một trong những hoạt động mà ISDS phối hợp thực hiện với Ban Tư tưởng Văn hoá Trung ương. Viện đã không những có kết quả nghiên cứu chuyên sâu mà còn có nhiều sáng kiến can thiệp, tuyên truyền như in sách, in lịch, triển lãm tranh, ảnh của những người đang sống chung với HIV, tổ chức các hội thảo nghiên cứu và tuyên truyền trên các phương tiên truyền thông đại chúng làm giảm đi cách nhìn tiêu cực của xã hội đối với người có HIV. Kết quả nghiên cứu cũng như các sáng kiến tuyên truyền này đến nay vẫn được nhiều tổ chức nghiên cứu trong, ngoài nước đến trao đổi, học tập. Vì những đóng góp xã hội, chị Hồng đã trở thành Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam .
Nhìn chị trong dáng vẻ của một bà mẹ chuẩn bị chào đón đứa trẻ sắp ra đời, đi lại khệ nệ nhưng vẫn tất bật sắp xếp các chuyến bay cho đoàn cán bộ của Viện vào Cần Thơ thực hiện nghiên cứu đúng tiến độ, vừa tiếp chuyện tôi, lo nghe điện thoại và … xem giờ để còn về chăm lo cho gia đình, tôi hình dung ra được những khó khăn của một phụ nữa vừa làm khoa học vừa làm quản lý lại vừa phải thực hiện vai trò người vợ, người mẹ. Tôi hỏi “Mong muốn lớn nhất của chị là gì?” chị Hồng sôi nổi hẳn lên “Mình mơ ước xây dựng được một cơ quan chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp phải được thể hiện trong mọi việc, từ hoạt động nghiên cứu, đào tạo cho đến các giao dịch với đối tác. Mọi cán bộ đều phải có tác phong làm việc chuyên nghiệp. Nhưng để có được điều đó không dễ chút nào. Các trường đại học và môi trường xã hội của Việt Nam không chuẩn bị cho chúng ta kiến thức và kỹ năng về tính chuyên nghiệp. Chúng mình đang phải học”. Theo chị Hồng, tính chuyên nghiệp được thể hiện cao nhất trong các kết quả nghiên cứu của Viện, vì thế những đòi hỏi đặt ra cho mọi cán bộ nghiên cứu thường là rất khắt khe. Mỗi người, ở vị trí công việc của mình, dù là nghiên cứu viên chính hay trợ lý nghiên cứu đều phải hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Quả thật, khi nhìn các ấn phẩm khoa học của Viện tôi tin rằng mong ước của chị Hồng đã và đang trở thành hiện thực.
“Bận rộn như thế thì chị thu xếp cuộc sống gia đình như thế nào?” - “Vẫn phải sống chứ. Mình có chồng, có hai đứa con và sắp sửa có đứa thứ ba. Nhưng rất may là mọi người trong gia đình mình, kể cả bố mẹ và anh chị em hai bên đều thông cảm và hết lòng giúp đỡ mình nên cũng đỡ lắm”. “Thế không có khó khăn nào ư?”. “Tất nhiên là có chứ. Vì hai vợ chồng (chồng chị, TSLê Bạch Dương là một sáng lập viên của Viện) cùng làm một nơi, cùng làm một việc, đôi khi mình không biết liệu có ranh giới giữa công việc và gia đình không. Trong khi nấu cơm hoặc đang trên đường đi thăm hỏi ông bà ngoại lại bàn với nhau về công việc. Nhiều thứ Bảy, Chủ nhật cả hai vùi đầu vào công việc thay vì nghỉ ngơi dọn dẹp nhà cửa như dự định. Nhưng vẫn vui”.
“Nếu chị thích nghỉ ngơi, nếu không “loay hoay”, hẳn chúng tôi chẳng có được ngày hôm nay”. Khẳng định lại điều đó, gương mặt TS Khuất Thu Hồng ánh lên niềm tự hào. Chị đã quyết tâm theo đuổi ước mơ của mình là xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp trong nghiên cứu khoa học xã hội. ISDS đang làm cho ước mơ của chị trở thành hiện thực. Giờ đây, chị và đồng nghiệp còn có tham vọng để xã hội cùng chia sẻ và thực hiện mơ ước về tính chuyên nghiệp trong mọi lĩnh vực. Theo chị, chỉ khi nào mỗi một cá nhân chúng ta ý thức được sự chuyên nghiệp trong công việc của bản thân mình, cả xã hội mới có sự chuyên nghiệp toàn diện và khi đó chúng ta mới có sự phát triển bền vững.
Nguồn: Tia sáng, số 5, 3/2006, tr 24 - 26