‘Người làm khoa học có dư thừa kiến thức để có được mức sống cao nếu họ muốn’
PV: - Là người được xem là có tiếng nói khá mạnh trong việc kiến nghị nhà nước phải thay đổi chế độ đãi ngộ cho người làm khoa học, mà cụ thể là lương. Có lẽ giáo sư nói điều đó không phải cho mình?
GS Hoàng Tụy: - Lương chỉ là điều kiện cần, bởi nếu không giải quyết thì không làm được việc gì khác. Không phải trả lương cao là phát huy được hết tiềm năng của người làm khoa học. Người làm khoa học chỉ làm tốt khi họ thực sự đam mê. Nhưng bên cạnh đó, họ cần được thảnh thơi, không phải lo chuyện cơm áo gạo tiền.
- Nhưng thưa ông, thực tế có người làm khoa học nào nghèo đâu, họ vẫn sống sung túc đấy chứ?
- Tất nhiên, nhưng để có được mức thu nhập như vậy, họ phải dành nhiều thời gian hơn cho việc kiếm tiền. Họ có được số tiền đó không phải bằng cách làm khoa học. Hiện nay, mức sống của các nhà khoa học thực tế cũng phải từ 6 đến 8 triệu đồng mỗi tháng. Không phải hiện nay, các nhà khoa học không đủ sống, có điều, để có được mức thu nhập thực tế đó, họ phải dành phần lớn thời gian để làm việc khác. Cho lương những người làm khoa học thấp thì buộc họ phải làm thêm, kiểu đãi ngộ đó không bao giờ là thượng sách. Bởi những người làm khoa học có dư thừa trí tuệ, kiến thức để có được mức sống cao nếu họ muốn. Chế độ đãi ngộ của chúng ta mà cụ thể là cách cho lương phải hướng tới mục tiêu là làm sao cho họ dùng nguồn trì thức đó đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Nếu không trả cho họ một mức lương để sống được đàng hoàng thì người ta vẫn sống được đàng hoàng bởi người ta có đủ cách. Chính sách trả lương như hiện nay là một hạ sách không có lợi cho ai cả.
- Theo ông mức lương như thế nào thì được cho là tạm đủ để đảm bảo cuộc sống cho người làm khoa học?
- Nếu so mức lương với các nước phát triển như Nhật, Pháp…thì chúng ta không thể đáp ứng được, nhưng phải đảm bảo cho họ có mức sống trên mức sống trung bình của xã hội. Mức trung bình này phải từ 7 đến 8 triệu/tháng/người đối với nhà khoa học ở trình độ giáo sư. Nhưng xin nhấn mạnh: đó chỉ là điều kiện cần.
- Vậy điều kiện đủ là gì?
- Đó là điều kiện và môi trường làm việc. Gầy đây, nhiều địa phương đưa ra chính sách “trải thảm đỏ” nhằm “Chiêu hiền đãi sĩ” hay Bộ KH&CN cũng đã từng đưa ra chính sách để thu hút nguồn lực khoa học từ nước ngoài bằng cách trả cho họ một số tiền thật cao. Song tất cả sự đãi ngộ bằng tiền đó trên thực tế đã thất bại bởi không đáp ứng được cái người làm khoa học cần. Điều kiện làm việc ở đây là thiết bị, phương tiện làm việc, chỗ làm việc. Môi trường làm việc là môi trường mà người ta phải cảm thấy được tự do nghiên cứu, thấy cái gì đúng là làm, không phải làm vì một lý do gì ép buộc: theo cái này, không theo cái kia. Môi trường phải khuyến khích người ta hợp tác với đồng nghiệp trong nước và nước ngoài.
- Có phải chính từ sự sai lầm trong chính sách đãi ngộ mà đã dẫn đến hiện tượng chảy máu chất xám, thưa ông?
-Đúng là như vậy, thế nên tôi mới nói cách trả lương như hiện nay là hạ sách. Những sinh viên giỏi được cử đi học nước ngoài, điều này là rất tốt nhưng khi họ thành đạt rồi thì điều kiện trong nước không đủ sức hấp dẫn họ. Số ở lại các trường nghiên cứu thì chỉ là cách trú chân một thời gian để tìm con đường đi khác. Vì lẽ đó mà hàng chục năm nay, hầu hết các viện nghiên cứu rất khó tìm người giỏi mà như vậy thì làm sao phát triển được. Cũng có một thực tế khá tế nhị là đi nghiên cứu ở nước ngoài, ngoài việc trau dồi, học hỏi kiến thức thì đó cũng là điều kiện tốt để cải thiện kinh tế.
- Theo như ông nói thì khó có thể hy vọng vào một nền khoa học phát triển, bức tranh về nền khoa học của Việt Nam khá ảm đạm?
-Quá ảm đạm chứ khá đã tốt. Điều này đã được báo động trong rất nhiều năm. Nhưng bức xúc nhất là cái ảm đạm đó không phải do mình nghèo, mình kém mà chỉ là do cách quản lý không đúng. Điều đó chứng tỏ chúng ta thực sự chưa có quyết tâm làm khoa học, chưa thực sự coi khoa học là quốc sách hàng đầu.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 87 (1805), ngày 31/10/2005.