Người ghi lại những thước phim cuối đời của Bác Hồ
Theo ông Nguyễn Thanh Xuân (Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) trong cuộc đời binh nghiệp, ông có hai cơ duyên, một là đến với nhiếp ảnh và hai là được quay phim về Bác Hồ. Năm 1952, Nguyễn Thanh Xuân còn là anh pháo binh được điều về công binh và đến năm 1960 mới có duyên về với điện ảnh Quân đội. Những năm đầu, ông Xuân làm người giúp việc cho các đồng nghiệp quen tay nghề. Không được đào tạo về điện ảnh nhưng bản tính siêng năng, ham học hỏi, gần 10 năm sau, Nguyễn Thanh Xuân trở thành người quay phim già dặn tay nghề.
Ngày 28/8/1969, Tổng cục Điện ảnh Quân đội thành lập một tổ công tác gồm ông Xuân cùng ba người khác là Trần Anh Trà (quay phim), Nguyễn Hữu Vân (chủ nhiệm) và Nguyễn Hoàng Hòe (lái xe), song làm phim gì thì mọi người nhìn nhau không biết. Tối hôm đó, bốn người ngủ chung một phòng, không ai được phép ra ngoài, 12h đêm có người đón các anh thức dậy đi vào Phủ Chủ tịch.
Vào Phủ Chủ tịch nhưng ông Xuân cùng các đồng nghiệp của mình cũng không biết vào để làm gì, chỉ nghe nói Bác Hồ đau, song bệnh tình thế nào thì không ai biết. Đồng chí Vũ Kỳ trở thành kênh thông tin chính thức liên lạc về sức khỏe của Bác với đoàn làm phim. Hà Nội ngày 29/8/1969 rợp bóng cờ hoa. Nhân dân Thủ đô chuẩn bị đón mừng Ngày thành lập nước. Trong Phủ Chủ tịch, dù cuộc sống chỉ còn trong gang tấc, song Bác vẫn trao đổi với đồng chí Vũ Kỳ và Lê Văn Lương về lễ kỷ niệm. Bác dặn đồng chí Phạm Văn Đồng tổ chức lễ kỷ niệm cho thật vui, thật tốt. Bác muốn ra gặp đồng bào 5-10 phút. Sáng hôm ấy (29/8), Bác muốn biết về tình hình miền Nam . Đồng chí Võ Nguyên Giáp đã báo cáo những chiến thắng ở miền Nam với Bác. Nghe Anh Văn nói, mắt Bác sáng lên vui mừng.
Theo bác Nguyễn Thanh Xuân kể, những phút ở bên Bác Hồ mới thấy hết được sự lạc quan và tấm lòng của Bác. Có hôm đến bữa cơm, đồng chí Võ Nguyên Giáp lấy một thìa cơm khuyên Bác cố gắng ăn, Bác cười đùa: “Chú Văn sao vậy, Bác ăn hai thìa chứ”, Bác không muốn mọi người lo lắng vì mình. Sáng 1/9, Bác mệt nặng hơn. Đến 16h, hai nhà làm phim Quân đội là Nguyễn Thanh Xuân và Trần Anh Trà được phép vào hẳn trong phòng bệnh ghi hình ảnh Bác.
Ông Xuân tâm sự: “Tôi hiểu rằng, những thước phim tư liệu này sẽ rất quan trọng. Bấm một giây, mỗi cảnh phim lúc này, anh em cảm thấy điều gì đó hết sức thiêng liêng. Lúc đó tôi sử dụng 2 máy, một máy Hòa Bình của Trung Quốc, một máy Convát của Nga, quay máy này hết phim chuyển qua máy khác. Để tránh tiếng động của máy quay phim, anh em phải dùng ống kính dài, trên máy trùm vải lại. Quay xong hộp phim nào gọi điện đưa về xưởng phim tráng”.
Sáng 2/9/1969, Bộ Chính trị đang họp bàn công tác thì đồng chí Vũ Kỳ vào thông báo Bác mất. Cả phòng họp lắng lại, đồng chí Lê Duẩn tuyên bố ngừng họp và chạy đến bên Bác khóc nức nở, lúc đó là 9h47" ngày 2/9/1969. Các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng khóc, ôm hôn vĩnh biệt Người. “Tôi (Nguyễn Thanh Xuân - PV) đưa máy lên mà nước mắt cứ giàn giụa ra trước kính ngắm máy quay. Giây phút ấy, tôi để ống kính góc rộng và cứ thế đưa lên bấm máy, hàng vạn mét phim tư liệu được quay...”.
Đúng 10h ngày 2/9, chiếc xe cứu thương có cắm cờ chữ thập đỏ mang biển số FA-1460 đưa thi hài Bác đến nơi làm thuốc để gìn giữ lâu dài thi thể của Người. Lúc này chỉ một mình Nguyễn Thanh Xuân được phép vào quay phim trong Ban tổ chức lễ viếng và chụp ảnh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước bên linh cữu Bác.
Theo ông Xuân, gần 10 ngày ông vào quay phim những ngày cuối cùng của Bác, Giám đốc xưởng phim lúc đó là ông Dương Minh Đẩu không biết ông Xuân đi đâu nên cho đồng nghiệp đi tìm khắp. “Tôi quay hàng vạn mét phim nhưng vẫn thấy lo lắng, sợ lúc đó mình xúc động nên bỏ qua nhiều chi tiết đáng quý, phải đến 20 năm sau khi xem lại những thước phim dựng trong bộ phim “Những giờ phút cuối đời Bác Hồ”, tôi mới thấy yên lòng”.
Nguồn: cand.com.vn 4/7/2006