Người cha đẻ của thuyết Big Bang
Ông sinh năm 1894 ở Charleroi . Ở trường Đại học của Dòng Tên Sacré Ceur, ông đã tỏ ra có năng khiếu về nhiều ngành khoa học: toán học, cơ giới phân tích học, vật lí học… Trong đại chiến thế giới thứ I, người sinh viên xuất sắc đó đã trở thành pháo thủ. “Hết chiến tranh tôi xuất ngũ với quân hàm hạ sĩ quan. Sao lại chỉ là hạ sĩ quan? - Ông tâm sự, có lẽ vì hạnh kiểm mình không tốt” Chắc là ông đã đồng nghĩa hạnh kiểm xấu với tính cứng đầu. Vì chàng thanh niên này không bao giờ chịu xa rời đức tin với các con số của mình.
Trở lại nhà trường ông đã có sẵn trong tay một luận án về toán học mà những người đã từng đọc qua và hiểu nó đều đánh giá là xuất sắc. Vào tu viện, ông được phép nghiên cứu học thuyết Tương đối và năm 1922 đã viết luận văn về thuyết vật lý học Einstein Tương đối hẹp và Tương đối rộng theo cách phân tích riêng của ông: Vật lý học Einstein. Năm đó mới 28 tuổi. Và một năm sau, ngày 22-9-1923, ông được thụ phong linh mục. Nhưng Lemaitre không chịu dừng lại ở đấy. Ông muốn tìm hiểu sự hình thành của vũ trụ và ông đã thực hiện cuộc hành trình nghiên cứu qua những trường đại học nổi tiếng từ Cambridge, đến Anh, đến Canada và trường đại học kỹ thuật Massachusset ( MIT) lừng danh của Mỹ.
Sau hai năm miệt mài nghiên cứu, ngày 8-7-1925, vị linh mục này trở về Bruxelles, trải qua hai năm tìm tòi nghiền ngẫm, trong đầu óc ông đã từng bước hình thành quan điểm về một vũ trụ đang trong quá trình giãn nở. Từ đó, ở cương vị giáo sư của trường Đại học Louvain ông đã hoàn thành thuyết vũ trụ luận của mình và công bố bản luận văn nòng cốt đó vào năm 1972. Dựa vào các công trình nghiên cứu của Einstein, ông đã khai sinh ra thuyết “Big Bang”. Cha đẻ của thuyết Tương đối, Einstein đã đọc bản luận án đó, mở đầu cho một mối quan hệ bạn bè bền vững giữa hai người gặp nhau trong một cuộc hội thảo khoa học năm 1972 ở Bỉ.
Lạc quan và không có gì là “ghê tởm” về mặt thần học.
Đối với Lemaitre, khái niệm về một sự khởi đầu của thế giới chẳng có gì là xung khắc với đức tin và theo ông chẳng có gì là ghê tởm về mặt thần học cả. Trong các lớp học cũng như trong các hội thảo khoa học, Lemaitre ra sức bảo vệ luận thuyết về một “nguyên tử” ban đầu đã bùng nổ đã thành ra vũ trụ, sau đại chiến thế giới II, đức ông Lemaitre trở thành một giáo phẩm thân cận của Toà Thánh vào năm 1960. Giáo hoàng Gioan XXIII cũng đã bổ nhiệm ông làm chủ tịch viện Hàn lâm Khoa học của giáo hội. Trở thành “đức ông khả kính”, Lemaitre đã có những đóng góp giá trị vào hội nghị các giám mục Vatican II, bậc nhất trong việc đổi mới quan niệm về mối quan hệ giữa khoa học và đức tin. Năm 1966, đúng hai ngày trước khi ông từ trần, một nhà khoa học đã đến thông báo với ông những phát minh mới về thiên văn học chứng minh thêm các luận thuyết và các công trình nghiên cứu của ông về “Big Bang”. Đó là một phần thưởng rất đẹp đối với một con người luôn luôn lạc quan và theo ông cái lạc quan đó đã chắp cánh cho trí thông minh của ông.
Nguồn Xưa và Nay, số 83, tháng 1-2001.