Nghiên cứu con người Việt Nam trước yêu cầu phát triển đất nước
I - Nghiên cứu con người - nhiệm vụ vừa quen thuộc vừa mới lạ
1 - Ở Việt Nam , trước kia, văn - sử - triết bất phân. Hơn một nghìn năm, kể từ khi Nho giáo du nhập, tri thức của văn hóa Nho giáo chủ yếu là tri thức về con người - chủ đề bao trùm là dạy và học làm người.
Như vậy, soi vào lịch sử nhận thức, thì nhiệm vụ nghiên cứu con người Việt Namdường như đã khá quen thuộc và có thể nói, đã ít nhiều có truyền thống đối với giới nghiên cứu Việt Nam (1). Tuy nhiên, đặt trong tương quan với những hiểu biết về các đối tượng khác, nhất là, đặt trong tương quan với những nhu cầu của sự phát triển đất nước, của sự phát triển bản thân con người trước thách thức của thế kỷ XXI, thì nhiệm vụ này thực ra là mới mẻ, cấp bách, và nói thật chính xác thì vấn đề con người trong xã hội hiện đại khác khá xa với vấn đề con người mà nhận thức truyền thống đã từng lý giải.
Đây là điều cần lưu ý khi tiến hành những nghiên cứu về con người, đặc biệt là nghiên cứu lý luận.
2 - Hồi đầu thế kỷ, với phong trào Duy Tân, Đông Du, con người Việt Nam lần đầu tiên được đem so sánh với người phương Tây và người Đông Á (2). Kể từ đó, cùng với sự tiếp thu và phát triển các khoa học chuyên ngành, tri thức về con người nói chung và về con người Việt Nam nói riêng đã được tích lũy ngày một phong phú hơn, nhưng tản mạn trong các khoa học chuyên ngành riêng rẽ như triết học và văn hóa học, sử học và khảo cổ học, y học và dân tộc học, xã hội học và tâm lý học, đạo đức học và nhân trắc học, v.v..
3 - Từ giữa những năm 80 (thế kỷ XX), những khó khăn khách quan do đất nước vừa trải qua thời kỳ chiến tranh kéo dài, do những bất cập của cơ chế hành chính - bao cấp và do vấp phải một số sai lầm chủ quan trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội... đã làm cho vấn đề con người, vai trò của nhân tố con người cần phải được nhận thức lại. Trước đó, việc quá nhấn mạnh quan điểm con người là sản phẩm của hoàn cảnh, quá nhấn mạnh lợi ích xã hội, lợi ích tập thể... đã làm cho chúng ta đôi khi vô tình không thấu hiểu được sức mạnh của nhân tố con người, không chú trọng đúng mức vai trò con người cá nhân, lãng quên lợi ích cá nhân - những động lực quan trọng của sự phát triển.
Đổi mới nói chung, đổi mới tư duy nói riêng, đã đáp ứng nhu cầu bức thiết đó.
4 - Kể từ khi đổi mới, con người, nhân tố con người được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Trong "Cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ" (1991), Đảng ta xác định rõ: "vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân" (3).
Trong "Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991-2000", tư tưởng coi con người là trung tâm của sự phát triển đã được Đảng ta chính thức ghi nhận. Văn kiện viết: "Mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con người, do con người. Chiến lược kinh tế - xã hội đặt con người vào vị trí trung tâm... Lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp" (4).
Những tư tưởng này có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy những chuyển biến kinh tế - xã hội những năm gần đây và sẽ còn là quan điểm có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển đất nước mai sau.
Bài học của các nước trong khu vực, nhất là đối với các nước có trình độ phát triển tương tự như Việt Nam, tài nguyên không giàu, song bứt phá lên được do biết phát huy nhân tố con người, do biết chú trọng khai thác nguồn lực con người... đã làm cho việc đổi mới tư duy về nhân tố con người ở Việt Nam có thêm căn cứ thực tiễn.
5 - Trong thế kỷ XX, nhất là từ nửa sau của thế kỷ, các khoa học về con người đã có bước tiến rất dài trong việc nghiên cứu con người. Nhìn lại sự phát triển của khoa học thế kỷ XX, tại Hội nghị quốc tế bàn về những vấn đề khoa học do UNESCO tổ chức tại Hung-ga-ri, tháng 6 -1999 (lúc giới khoa học chưa dám nghĩ đến việc hoàn thành giải mã bản đồ gen người, 2003, nhân bản vô tính người (?), 2003), cộng đồng thế giới đã ra Tuyên bố về những trách nhiệm mới của khoa học, trong đó có đánh giá rất cao những đóng góp của khoa học và công nghệ cho tiến bộ của con người. Theo Tuyên bố này, tri thức khoa học thế kỷ XX đã đem lại "những kết quả có lợi ở mức cao nhất" cho con người. Bệnh tật đã được khống chế ở mức đáng mừng. Sản xuất nông nghiệp đã cho phép số dân tăng đáng kể. Nguồn năng lượng cho đời sống tăng kỳ diệu. Phần lớn lao động nặng nhọc được giải phóng. Các thế hệ người ngày nay được hưởng "một phổ lớn" các sản phẩm công nghệ và công nghiệp so với cha anh họ. Tri thức về nguồn gốc vũ trụ, về nguồn gốc sự sống, về nguồn gốc con người và loài người... đã cho phép con người có những cách tiếp cận mới đối với các vấn đề của cuộc sống. Khoa học "đã tác động sâu sắc tới hành vi và triển vọng" của chính con người(5). Không thể phủ nhận, khoa học thế kỷ XX đã có những hiểu biết về con người sâu sắc hơn rất nhiều so với trước kia.
6 - Trong khi thế giới có những nhận thức khá sâu về con người trong nhiều vùng văn hóa khác nhau, thì tri thức về con người Việt Nam , có thể nói, vẫn còn khá đơn giản và có phần cảm tính trong nhiều ấn phẩm. Những kiến thức cơ bản về con người trong các khoa học y, sinh, tâm lý hoặc xã hội và nhân văn... trên thực tế, vẫn chưa đủ để xác định đặc trưng người Việt. Hơn thế nữa, hình ảnh về con người trong hầu hết các khoa học xã hội và nhân văn cũng như trong một số khoa học tự nhiên có nghiên cứu về con người, nhìn chung, đều bị cô lập hóa và chia cắt theo các khía cạnh quá chuyên biệt, đến nỗi rất khó hình dung bóng dáng của con người bằng xương bằng thịt trong các nghiên cứu chuyên ngành.
Khoa học về con người ở Việt Nam, trên thực tế, còn là một mảnh đất hoang, chưa được cày xới. Việc trả lời câu hỏi con người Việt Namlà gì và đặc trưng riêng biệt của con người Việt Nam ra sao rõ ràng vẫn chưa có câu trả lời. Những kết quả trong nghiên cứu người Việt (kể cả ở các nhà Việt Nam học nước ngoài) cũng còn rất khiêm tốn. Có lý do để nói chúng ta thực sự hiểu biết quá ít về người Việt Nam .
II - Con người, nhân tố con người - nguyên nhân của thất bại, bí quyết của thành công
1 - Bước vào thế kỷ XXI, khi đất nước từng bước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động mở cửa và hội nhập với khu vực và quốc tế, thì hàng loạt thách thức đã nảy sinh xung quanh việc xử lý vấn đề con người, phát huy vai trò nhân tố con người. Đối mặt với những vấn đề của xã hội hiện đại, hình như mọi vấn đề đặt ra trong hoạt động xã hội đều có cái gì đó thuộc về con người, nhân tố con người. Nói cách khác, hầu hết các vướng mắc trên đường phát triển, đều có nguyên nhân thuộc về con người - con người Việt Namsản phẩm tất nhiên và đặc thù của lịch sử Việt Nam .
Một số vướng mắc trong hoạt động kinh tế - xã hội hiện nay:
- Con người lao động, con người quản lý, con người Việt Nam công nghiệp: các nhà đầu tư nước ngoài than phiền lề lối làm việc của người Việt.
- Con người kinh tế: con người Việt Nam trong cơ chế thị trường, đặc biệt là thị trường nhà đất khoảng 10 năm qua.
- Con người và luật pháp ở Việt Nam : từ luật, văn bản dưới luật đến thực thi luật pháp.
- Con người khoa học ở Việt Nam : khả năng sáng tạo, ý chí sáng tạo và các vật cản hữu hình và vô hình.
- Con người Việt Nam trong định hướng giá trị: giá trị thực và giá trị ảo, thực dụng và thực tế.
2 - Về bí ẩn của con người Việt Nam, giáo sư Trần Văn Giàu viết: "Cần phải gắng mà nghiên cứu con người Việt Nam, cắt nghĩa nguyên nhân vì sao mà người Việt Nam lại thắng Pháp rồi lại tiếp tục thắng Mỹ. Khó lắm, đề tài này rất khó. Bởi vì, tôi cũng đồng ý với Mắc-na-ma-ra, Mỹ là cường quốc bậc nhất trên thế giới, là nước giàu nhất thế giới, khôn nhất thế giới. Đừng ngây thơ mà nói Mỹ dại; Mỹ không hề dại, ngược lại, rất khôn, khôn lắm. Khôn thế, giỏi thế mà lại dành những 20 năm tiến hành chiến tranh với Việt Nam ; rồi thua. Thua con người Việt Nam, thua văn hóa Việt Nam, thua cái "chất Việt Nam "... Vấn đề là ở chỗ, trên thế giới này hay gần hơn là các nước quanh ta, ai chỉ ra được, hay ai trả lời được câu hỏi: có dân tộc nào nhiều lần phải đương đầu nhất với một nước lân cận lớn mạnh hơn gấp 10 lần, 20 lần, 30 lần... và rốt cuộc đều đứng vững, không bị đồng hóa, giữ được bản sắc của mình và nếu phải tiến hành chiến tranh thì đều kết thúc bằng những chiến thắng oanh liệt? Hãy thử tìm một nước, một dân tộc, không phải một lần, mà hai lần trong lịch sử hiện đại đánh bại hai cường quốc mạnh nhất thế giới. Lần thứ nhất là chiến thắng Pháp, lần thứ hai là chiến thắng Mỹ" (6).
Một số học giả nước ngoài đã từng nói: Không chỉ trong chiến đấu, mà ngay trong lao động, sáng tạo, trong xây dựng kinh tế... con người Việt Nam cũng có nhiều phẩm chất đáng tin cậy.
3 - Điều thú vị là, nghiên cứu con người Việt Nam , lâu nay, luôn là vấn đề có sức cuốn hút đặc biệt đối với mọi tầng lớp xã hội: nhà khoa học - khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, nhà hoạt động chính trị - xã hội; người thành đạt và người chưa thành đạt, v.v.. tất cả đều cảm thấy cần phải nhận thức sâu hơn nữa về con người Việt Nam và chính con người mình.
III - Con người Việt Nam - những vấn đề cần giải đáp
1 - Có cơ sở để nói rằng, con người Việt Nam, một mặt, do được sinh ra từ lịch sử đặc thù của xã hội Việt Nam và được đặt trước những thách thức riêng biệt đối với sự phát triển của xã hội Việt Nam nên chắc chắn có những nét đặc thù so với người phương Tây, người Nga, người Trung Hoa hoặc Đông - Nam Á... Song mặt khác, người Việt, ngay từ ngàn xưa đã là sản phẩm của sự giao thoa giữa các nền văn hóa. Có thể nói, về mặt địa - chính trị, Việt Nam thuộc khu vực Đông - Nam Á, tức là có nhiều nét tương đồng với khu vực này. Nhưng về mặt văn hóa, do chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Khổng giáo nên Việt Nam lại thuộc về vùng văn hóa Đông Á (7). Đây là một đặc điểm khá tế nhị, có ý nghĩa quy định đáng kể đối với sự phát triển của con người và xã hội Việt Nam tương lai. Do vậy đặc điểm này rất đáng được lưu ý để nghiên cứu con người Việt Nam .
Con người Việt Nam : những vấn đề hiện đại:
Đặc trưng văn hóa - xã hội của người Việt: những điểm mạnh, những điểm hạn chế trước yêu cầu của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Đặc trưng người Việt trong các vùng, miền, địa phương.
Những tác động của văn minh và văn hóa hiện đại đến người Việt, quy định diện mạo của con người Việt Nam hiện nay. Cái ngoại sinh và cái nội sinh, cái cần gìn giữ, bảo tồn và cái cần vượt bỏ vì mục tiêu phát triển con người.
Sau gần 20 năm đổi mới, chất lượng sống cộng đồng được nâng cao. Sự nghiệp phát triển con người đã đạt được những thành tựu to lớn thể hiện rõ nhất là: chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam những năm gần đây.
2 - Định hướng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Xây dựng con người "có ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe và lao động giỏi; sống có văn hóa và tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính" (8), "xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, kế thừa truyền thống cách mạng của dân tộc, phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" (9).
3 - Những nét đặc thù, phổ biến; những nét tích cực, thế mạnh và những hạn chế của người Việt Nam ... trước đòi hỏi mới của xã hội hiện đại thể hiện qua các giá trị.
Những nét tích cực, thế mạnh: Yêu nước, cần cù hiếu học, đề cao giáo dục, tính cộng đồng, trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng cao. Tôn trọng quan hệ gia đình, huyết tộc. Thông minh. Tình nghĩa, vị tha. Thích nghi, nắm bắt cái mới nhanh nhạy, ghét cực đoan.
Về những điểm hạn chế: Không có những sáng tạo lớn. Thiếu tác phong công nghiệp.
Về khả năng của người Việt trước nhu cầu của sự phát triển: Khả năng tiếp thu khoa học - kỹ thuật hiện đại. Khả năng đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đứng trước những thách thức mới của sự phát triển, những thách thức đặt ra trong thời đại toàn cầu hóa, người Việt có đặc thù xã hội, đặc thù tâm lý, đặc thù văn hóa (và có thể có những nét đặc thù sinh học) riêng. Đó là "những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước" (10), như đã được Đảng ta khẳng định.
Đương nhiên, cái riêng, cái đặc thù ở đây không hiểu theo nghĩa tuyệt đối. "Riêng" không có nghĩa là không hề tồn tại ở các dân tộc khác, mà "riêng" chỉ với nghĩa là khác về vị trí trong bảng giá trịso với các dân tộc khác.
Với tinh thần ấy, việc nghiên cứu con người Việt Nam với những giá trị đặc thù của nó chắc chắn không phải chỉ là tìm kiếm một hành trang có ý nghĩa riêng cho sự phát triển của xã hội Việt Nam thế kỷ XXI, đó còn là một phần tài sản chung của văn hóa nhân loại.
* PGS, TS, Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội
(1) Xem: Vũ Khiêu: Nho giáo và phát triển ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1997
Trần Quốc Vượng: "Nho giáo và văn hóa Việt Nam", Văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc 2000, tr 501 - 515
(2) Xem: Đào Duy Anh: Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội Nhà văn, 2000
(3) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, 1991, tr 13
(4) Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb Sự thật, 1991, tr 8
(5) Xem: Tuyên bố của Hội nghị thế giới "khoa học cho thế kỷ XXI: Những trách nhiệm mới", Thông tin Khoa học xã hội, số 5-2000, tr 36 - 45
- John L. Petersen: Con đường đi đến năm 2015. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 21 - 22
- Đặng Chuẩn: "Con người là gì?", báo Quốc tế, Số 9 (15-10-2000)
- "Bản chất con người sẽ vẫn không thay đổi", báo Quốc tế, Số 9 (15-10-2000)
(6) Trần Văn Giàu: "Con người Việt Nam : một số vấn đề cần nghiên cứu", Tạp chí Nghiên cứu Con người, Số 2-2002
(7) Xem: Phan Huy Lê: "Việt Nam trong quan hệ với Đông Á và giá trị Đông Á qua tiến trình lịch sử", Nghiên cứu Con người, Số 3-2003
(8) Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr 15
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 114
(10) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, tr 56
Nguồn: tapchicongsan, số 90, 2005