Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 21/06/2012 20:57 (GMT+7)

Nghề báo: Những hiểm nguy và nghịch lý

Với hình ảnh thương tâm về một bé gái đang khóc sau một vụ đánh bom liều chết ở ngôi đền đông đúc tại Thủ đô Kabul (Afghanistan) ngày 6/12/2011 làm ít nhất 70 người thiệt mạng, phóng viên Massoud Hossaini của hãng thông tấn Pháp AFP đã giành giải thưởng Pulitzer năm 2012 cho thể loại ảnh tin nóng. Nhưng ít ai biết rằng, để ghi lại được khoảnh khắc ấy, phóng viên ảnh Hossaini chỉ đứng cách quả bom phát nổ có vài mét. Anh cho biết: “Khi ấy tôi chỉ cảm thấy quả bom phát nổ. Tôi ngã xuống. Khi khói đã bớt đi, tôi thấy mình đang ở trung tâm vòng tròn của những người đã chết. Tôi đang đứng chính xác nơi kẻ tấn công tự sát đã cho bom nổ tung”.

Nghề nguy hiểm

Có thể nói, nghề báo là một trong những nghề vinh quang, nhưng cũng đầy nguy hiểm. Một nghiên cứu gần đây do Tổ chức CareerCast của Mỹ tiến hành đã xếp nghề báo nằm trong số 25 công việc nguy hiểm nhất thế giới. Thực tế, theo Ủy ban Bảo vệ các nhà báo quốc tế (CPJ), trong 20 năm qua đã có gần 1.000 nhà báo trên thế giới bị giết hại, trong đó phần nhiều là các phóng viên chiến trường. Cụ thể, từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Iraq do Mỹ khởi xướng năm 2003 đến 2007, đã có hơn 250 nhà báo khắp nơi trên thế giới thiệt mạng tại đất nước này.

Tuy nhiên, ngay cả ở những quốc gia không hề có chiến tranh, thì tính mạng của nhà báo cũng không được bảo đảm. Theo thống kê của Hội Nhà báo CHLB Nga thì từ năm 1993-2009 đã có hơn 250 nhà báo Nga bị sát hại khi đang tác nghiệp, mà phần lớn trong số họ bị giết theo “đơn đặt hàng”. Chủ tịch Hội Nhà báo CHLB Nga V.Bogdanova cho biết, con số các nhà báo bị giết hại trên thực tế còn nhiều hơn thế và chỉ khoảng 20% số vụ ám sát nhà báo được phanh phui. Chẳng hạn như đối với vụ ám sát nhà báo Nga nổi tiếng Vlad Listev ngày 1/3/1995, việc điều tra được đích thân Tổng thống chỉ đạo, song đến tận hôm nay, thủ phạm vẫn ngoài vòng pháp luật.

Để đưa sự thật, nhất là những sự thật tiêu cực được bao che bởi quyền lực, ra ánh sáng công luận, rõ ràng nhà báo cần phải có tính chính trực, lòng can đảm và đức hy sinh. Trên thế giới này, hầu hết nhà báo đều chọn giải pháp không khoan nhượng trước cái xấu, cái ác. Đó là những Seymour Herch khi công bố hồ sơ lính Mỹ tàn sát thường dân vô tội ở Mỹ Lai trên The New Yorker (1969); là Handrick Smith khi cho đăng tải Hồ sơ mật của Lầu Năm Góc về cuộc chiến tranh ở Việt Nam trên The New York Times (1971); là Carl Berstein và Bob Woodward khi phanh phui vụ Watergate trên tờ Washington Post (1972)…

Do phần lớn các vụ việc "gai góc" xảy ra đều vì lý do chính trị, chiến tranh, tham nhũng, nhân quyền hay tội phạm, nên không ít trường hợp nhà báo bị trả thù, thậm chí bị thủ tiêu trong lúc tìm cách đưa tội ác ra ánh sáng. Trước việc nhà báo Nhật Bản Hiroyuki Muramoto của hãng Reuters (Anh) tử nạn trong cuộc đối đầu giữa phe Áo Đỏ và quân đội Thái Lan hồi tháng 4/2010, Tổng Biên tập Reuters David Schiesinger đã một lần nữa khẳng định: “Nghề báo là một nghề cực kỳ nguy hiểm bởi người làm nghề này phải dấn thân vào trung tâm sự kiện để nỗ lực đưa tin cho cả thế giới”. Quả thực, chỉ từ đầu năm đến nay, theo số liệu của Viện Quốc tế An toàn Tin tức (INSI) - cơ quan quốc tế bảo vệ các nhà báo trên thế giới, đã có ít nhất 42 nhà báo tại 22 nước thiệt mạng. Mới đây nhất, hai nhà báo người Mỹ và Pháp đã tử nạn khi đang tác nghiệp tại TP. Homs ở Syria...

Ngoài ra, so với các ngành lao động trí óc khác, tính chân thực và thời sự đã tạo cho ngành báo chí một áp lực cực lớn, tiết tấu công việc nhanh. Để bảo đảm giá trị của báo chí, các phóng viên thường phải đảm nhận một khối công việc rất lớn. Theo một cuộc khảo sát các phóng viên ở Mỹ gần đây cho thấy, 68,15% phóng viên không ngủ đủ 8 tiếng một ngày, 60,15% số người không được nghỉ các ngày lễ. Họ ngập chìm trong các cuộc phỏng vấn, viết bài..., khiến cho sức khỏe, tinh lực và tâm lý suy kiệt. Và khi người làm báo luôn phải đối mặt với áp lực lớn, điều này rất dễ dẫn đến những hội chứng thần kinh như stress, trầm cảm, tâm thần phân liệt… Theo CRI English, khi kiểm tra sức khỏe hơn 1.180 nhà báo, các bác sĩ Trung Quốc nhận thấy chỉ 28 người (chiếm 2,4%) khỏe mạnh, một nửa số người được kiểm tra có thị lực kém và cũng gần bằng con số này có các bệnh mãn tính như đau dạ dày, stress hay huyết áp cao…

Áp lực, sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng là thế, song thật nghịch lý khi nghề báo không được đánh giá cao ở một số nước, kể cả những nước truyền thông phát triển như Mỹ. Theo bảng xếp hạng 200 công việc tốt nhất năm 2012 do tổ chức CareerCast ở Mỹ thực hiện, nghề phóng viên viết xếp vị trí 196/200, thậm chí nông dân ở Mỹ còn được xếp cao hơn phóng viên 15 bậc (hạng 179)… Sử dụng số liệu từ Cục Thống kê Lao động, Hiệp hội Nghiên cứu Thương mại và nhiều cơ quan khác của Mỹ, CareerCast xếp hạng theo 5 tiêu chí: yêu cầu thể chất, môi trường làm việc, thu nhập, độ căng thẳng trong công việc và triển vọng tuyển dụng. Có lẽ theo những tiêu chí trên, nghề báo tuy là một trong những nghề vinh quang, nhưng do tính chất nguy hiểm, nên nó vẫn bị coi là "nghề hạng chót" ở Mỹ.

Chỉ tôn vinh thì chưa đủ

Phía sau những bức ảnh, những tờ báo mà độc giả khắp thế giới cầm trên tay, đôi khi có cả máu và nước mắt của các nhà báo. Song, cho dù con số nhà báo bị giết hại đang tăng lên, thì ở đâu có chiến sự, có tham nhũng hay tội phạm, ở đó vẫn có các nhà báo. Họ luôn có mặt sớm nhất để đưa tin. Bất chấp mọi hiểm nguy phải đối mặt, nhiều nhà báo vẫn can đảm xông pha vào những nơi nguy hiểm để theo đuổi sự nghiệp được mệnh danh là "chim báo bão thời đại" của mình.

Để ghi nhận công sức của các nhà báo, các quốc gia trên thế giới đều có những ngày kỷ niệm cũng như trao tặng các giải thưởng báo chí riêng để vinh danh các nhà báo, trong đó có những giải báo chí danh giá thế giới như giải thưởng Pulitzer, giải thưởng Guillermo Cano… Tuy nhiên, chỉ tôn vinh thôi chưa đủ. Cho đến nay, nhiều nước vẫn chưa có các biện pháp hiệu quả để bảo vệ các nhà báo. Số vụ các nhà báo bị giết hại vẫn không được xét xử đầy đủ và số tội phạm bị trừng phạt chỉ đếm trên đầu ngón tay. Điều này khiến số vụ bạo lực nhằm vào các nhà báo có xu hướng gia tăng. Ông Rodney Pinder, Giám đốc INSI kêu gọi: "Mỗi trường hợp nhà báo bị sát hại đều cho chúng ta thấy nhu cầu bức thiết phải hành động không chỉ đối với các nước có liên quan mà còn trên phạm vi toàn cầu".

Trước thực trạng trên, tại kỳ họp năm 2012 diễn ra ở Paris (Pháp), Chương trình quốc tế phát triển truyền thông (IPDC) - diễn đàn chính trong hệ thống LHQ, đã nhấn mạnh trách nhiệm của các nước thực hiện các nghĩa vụ theo Luật Quốc tế về bảo vệ các nhà báo và trừng phạt thích đáng các tội phạm cản trở, giết hại các nhà báo trong hoạt động nghiệp vụ.

Chính Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng cảnh báo rằng có vô số phóng viên “đang đối mặt với đe dọa, quấy rối và kiểm duyệt trong tay chính quyền, các tập đoàn và những cá nhân quyền lực tìm cách bảo vệ quyền lực của mình hoặc che giấu những hành vi sai phạm”. Vì vậy, ông nhấn mạnh cần đưa vấn đề an toàn và an ninh của các nhà báo như là một đề mục trong báo cáo về bảo vệ dân thường trong tình huống xung đột, khẳng định vai trò quan trọng của các nhà báo trong việc tôn vinh các nguyên tắc khách quan và nhân đạo thông qua các hoạt động nghiệp vụ của họ./.


Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.