Nghề báo: luôn tỉnh táo
Dương Trung Quốc: Tôi cho rằng câu định nghĩa trên chưa thật chính xác. Nhà báo không chỉ viết báo mà còn nhiều nghiệp vụ khác, ví như phóng viên ảnh, truyền hình, v.v.. và đặc biệt làm báo còn rất cần năng lực trong việc tổ chức, vận hành, kinh doanh báo chí. Đương nhiên viết báo là năng lực tiêu biểu nhất.
Với khái niệm “Nhà báo là người chấm ngòi bút vào nỗi đau của nhân loại” ông có bình luận gì?
Dương Trung Quốc: Câu nói thì hay nhưng có phần phiến diện vì đâu chỉ có “nỗi đau nhân loại” nhà báo mới “chấm bút”. Đối với chúng tôi những người làm sử, khi lật chồng báo cũ tìm thấy ở tờ báo rất gần với một bộ sử biên niên thì cảm nhận rằng tờ báo nó chính là hơi thở của cuộc sống, nhịp đập của cuộc sống. Nó là cả nỗi đau, niềm vui và sự hy vọng…
Ông là nhà sử học, vậy viết báo có phải là nghề tay trái?
Dương Trung Quốc: Tôi quan niệm người viết báo (nhất là thể loại thông tin và chính luận) chính là người chép sử đương đại. Ở các nước phương Tây họ quan niệm như vậy cho nên những nhà báo kỳ cựu theo đuổi lâu dài một đề tài nào đó trở thành những chuyên gia được đánh giá như một sử gia. Tôi ví dụ như các nhà báo nổi tiếng của Pháp như P. Dvillers, Jean de Lacouture. Ch.Fourniau; của Mỹ như Bernard, Fall (làm báo và chết trên chiến trường Việt Nam ), Stanley Karnow (người viết “Thiên lịch sử truyền hình”)… đều được đánh giá như những sử gia có uy tín và tác phẩm của họ là những cuốn sử thực sự có giá trị… Tôi được đào tạo từ khoa Sử Đại học Tổng hợp ra trường năm 1968 về làm việc tại Viện Sử học cho đến lúc về hưu 7/2007, viết bài đăng báo thì rất sớm nhưng trực tiếp làm báo (để được cấp thẻ nhà báo) từ khi làm Tổng biên tập Tạp chí “Xưa & Nay” (1994) và tham gia viết bài cho nhiều tờ báo, nhiều chương trình truyền hình… Khó nói đâu là tay trái, đâu là tay phải. Số lượng bài báo viết của tôi lớn hơn so với viết sử, nhưng tôi chuyên tâm về lịch sử nhiều hơn trong các hoạt động của mình trong đó có cả báo chí.
Trong những năm tháng làm báo ông tâm đắc với điều gì nhất?
Dương Trung Quốc: Viết được những bài báo hay được đồng nghiệp và người đọc chia sẻ. Thước đo là sự tác động vào xã hội. Việc này tự mình khó đánh giá, nhưng cảm nhận thì rất rõ ràng.
Nghề báo thu hút ông ở điểm nào?
Dương Trung Quốc: Luôn phải tỉnh táo, động não và xông xáo trong các mối quan hệ và thấy được những hiệu quả điều mình viết…
Là một người viết báo thể loại lịch sử, ông có những kỷ niệm đặc biệt khác với một nhà báo thông thường?
Dương Trung Quốc: Nhiều, nhất là những lần phỏng vấn hay viết về một số nhân vật. Làm sáng tỏ sự thât là điều thích thú nhất đối với người viết báo về thể loại lịch sử như tôi. Tôi có may mắn là không chỉ tham gia báo viết mà cả truyền hình. Đó là một lợi thế không phải đồng nghiệp nào cũng có.
Một phác họa tương đối của ông về chân dung “nhà báo Dương Trung Quốc”?
Dương Trung Quốc: Một người làm công tác sử học biết viết báo và một nhà báo biết sử. Đó cũng là lợi thế của tôi khi hành cả hai nghề.
Thưa ông, có ý kiến cho rằng “nhà báo” là một nghề cao quý nhưng mà… nghèo?
Dương Trung Quốc: Trước tiên phải hiểu thế nào là giàu hay nghèo. Về tiền bạc (thu nhập) nếu là báo chân chính thì cũng eo hẹp thật. Nhưng khi đã có “thương hiệu” thì không đến nỗi. Những tờ báo có “thương hiệu mạnh” thì thu nhập cao là lẽ đương nhiên. Tôi phải nói đến hai chữ “chân chính” là vì làm báo không chân chính có thể sẽ siêu lợi nhuận, tất nhiên cũng dễ “thân bại danh liệt”. Nhưng nhìn từ một phía khác thì người làm báo rất giàu nhờ tri thức và những quan hệ tích lụy được trong cuộc sống nghề nghiệp…
Mấy năm gần đây, báo chí đã có những tác động tích cực đến đời sống. Có những vấn đề tồn đọng của kinh tế, xã hội, nạn “cơm tù” trên đường quốc lộ, nạn mãi lộ của cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy, nạn tiêu cực phí ở hải quan các cửa khẩu… bớt nhức nhối và không phiền nhiễu nhân dân khi có “cánh nhà báo” vào cuộc. Ông nghĩ sao về điều đó?
Dương Trung Quốc: Đó là những niềm tự hào chính đáng và cũng là những phần thưởng quý giá cho những người làm báo. Nhưng cũng đừng quên những hiện tượng tiêu cực trong báo giới. Điều đó đòi hỏi ta phải cảnh giác và hiểu rằng trong thời kỳ “nhiều cơ hội và thách thức” để làm một nhà báo chân chính không dễ chút nào.
Ông có thể cho biết đánh giá của mình về môi trường làm báo tại Việt Nam ?
Dương Trung Quốc: Luật đã quy định rõ nhưng thực thi pháp luật phải từ cả hai phía: các công dân làm báo và những người đại diện pháp luật đều phải nghiêm túc như nhau. Tôi nghĩ mỗi người làm báo trong đó có bạn và tôi đều hiểu chúng ta đang hành nghề trong một môi trường như thế nào, những thuận lợi và những khó khăn. Vấn đề là chúng ta phải tự phấn đấu, ngoài năng lực làm ra những bài báo hay thì cần đến sự khôn ngoan và phải tuân thủ pháp luật đối đa. Tôi nói “tối đa” để khỏi bị rơi vào tình huống “tình ngay lý gian” thường gặp trong cuộc sống.
Ông đã từng khuyên các nhà báo rằng” “Hằng ngày, chúng ta thông báo giá vàng, giá USD, nhiệt độ thời tiết… có nên thêm thông số về thứ hạng nước ta trong nền kinh tế thế giới, số tiền chúng ta đang vay nợ nước ngoài”. Điều này có ý nghĩa như thế nào thưa ông?
Dương Trung Quốc: Tâm lý (hay chiêu thức?) của người làm báo là dễ dùng những ngôn từ cực đoan để gây xúc động cho người đọc mà trong nghề hay gọi là “bốc”. Báo chí có tác động định hướng dư luận xã hội nên đòi hỏi sự thận trọng, cần một cách nhìn biện chứng trước những vấn đề cuộc sống. Tôi không dám “khuyên các nhà báo” mà chỉ muốn nhắc đến một nhu cầu nhận thức của xã hội. Nói đúng ra thì “lời khuyên” trên là của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói trong một lần gặp gỡ giới sử học. Đại tướng cũng là một sử gia thực sự và là một nhà báo kỳ cựu.
Theo thống kê cuối năm 2007, Việt Nam đã có hơn 800 ấn phẩm báo chí. Theo ông, con số đó phản ánh điều gì?
Dương Trung Quốc: Đó là sự cởi mở mà công cuộc đổi mới mang lại. Nhu cầu của cuộc sống. Một thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng. Đội ngũ người làm báo ngày càng đông đảo. Sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ đòi hỏi chất lượng ngày một cao. Nhưng về số lượng so với một quốc gia ngót trăm triệu dân thì vẫn chưa thấm vào đâu, so với các nước thì cũng chưa đáng kể… Còn so với lịch sử thì ta biết rằng “tự do báo chí” được nêu trong Hiến pháp đầu tiên (1946) và pháp luật khi đó kế thừa những thành tựu báo chí của nhân loại cho phép tự do báo chí nghĩa là không cần xin phép mà chỉ cần đăng ký với nhà đương cục. Nhưng chịu sự kiểm duyệt và chịu sự giám sát chặt chẽ của pháp luật. Đến nay ta vẫn chưa có báo tư nhân. Đó là điều cần suy nghĩ để phấn đấu trong tiến trình Đổi mới, Dân chủ hóa và Hội nhập hiện nay.