Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản
Nền đạo đức tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bảnbao gồm hai phần .Phần đầu, nhan đề “Vấn đề”, bắt đầu bằng một bản tường trình những kết quả của một nghiên cứu dựa vào kinh nghiệm do một học trò của Weber chủ trì, M. Offenbache, người đã chỉ ra sự xuất hiện nhiều người theo đạo Tin lành trong tầng lớp kinh doanh và kỹ nghệ của vùng Baden. Với nhan đề “ Quan niệm về đạo đức nghề nghiệp trong đạo Tin lành khổ hạnh”, phần hai trở lại phân tích những mối quan hệ được thiết lập trước đó, bằng cách hướng về những hình thức của đạo Tin lành có thể làm nổi bật tốt hơn nét độc đáo về ngữ cảnh của ý niệm Beruf. Sau khi quan sát sự cấp tiến của chủ nghĩa khổ hạnh ấy trong phong trào Kiên tín (Pietist), giáo phái Methodist, phong tràoBaptist, Weber chuyên tâm tìm kiếm “những mối liên quan tồn tại giữa những tư tưởng tôn giáo cơ bản của đạo Tin lành khổ hạnh với những câu châm ngôn dùng cho sinh hoạt kinh tế thường ngày”, bằng cách dựa trên những trước tác của Richard Baxter. Việc lên án sự hám lợi, sự hưởng thụ gắn bó với sự chiếm hữu, sự tiêu thụ, phúc lành thần thánh cho những nguyện vọng về lợi lộc, sự khuyến khích điều lương thiện và ca tụng lao động “không ngừng nghỉ, liên tục, có hệ thống trong một nghề nghiệp thế tục” mà những văn bản ấy biểu lộ, là chừng ấy những yếu tố khuyến khích “ vốn liếng được hình thànhnhờ tiết kiệm do sự khổ hạnh bó buộc ”. Những yếu tố ấy đã thực sự bước vào một nền đạo đức Thanh giáo ở cội nguồn tinh thần chủ nghĩa tư bản.
Nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bảncòn có giá trị đặc biệt về phương pháp luận. Trái với các nỗ lực lý giải sự ra đời của chủ nghĩa tư bản từ một nguyên nhân độc nhất (monocausal), M. Weber đề nghị nhiều cách tiếp cận khác nhau về một hiện tượng lịch sử cá biệt là chủ nghĩa tư bản hiện đại nhưng có ý nghĩa phổ quát của tiến trình “duy lý hóa” của phương Tây. Luận điểm về mối quan hệ giữa nền đạo đức Tin lành và tinh thần chủ nghĩa tư bản của Weber đã mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi về các cơ sở và các cách tiếp cận có tính phương pháp luận trong các ngành khoa học xã hội. Lúc đầu, công trình này được hiểu một cách đơn giản như là đối lập lại với quan niệm duy vật lịch sử. Nhưng, chính Weber đã phản đối cách hiểu phiến diện này (qua một loạt bài “Phản-phê bình” của ông) vì theo ông, vấn đề không phải là thay thế cách lý giải “đơn nguyên nhân” này bằng một cách lý giải “đơn nguyên nhân” khác mà phải nỗ lực lý giải và tiếp cận các hiện tượng phức tạp của xã hội và lịch sử (chẳng hạn: chủ nghĩa tư bản hiện đại) bằng nhiều cách khác nhau và bổ sung cho nhau. Công trình này của ông, do đó, đã góp phần quyết định trong việc thay đổi và phong phú hóa các phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội ngày nay.
* Không chỉ làđại diện tiêu biểu cho xã hội học Đức thế kỷ XX , Max Weber còn được biết đến như là một nhà triết học, nhàluật học, nhà kinh tế học và nhà sử học với những kiến thức và lý giải uyên thâm. Theo Raymond Aron, khối lượng công trình đồ sộ của Weber có thể được xếp làm bốn loại chính sau đây: (a) các công trình phương pháp luận trong khoa học xã hội và triết học, (b) các công trình sử học, (c) các công trình xã hội học về tôn giáo, và (d) công trình quan trọng nhất của Weber là quyển Wirtschaft und Gesellschaft( Kinh tế và xã hội) (1922). Vốn được coi là một trong những nhà sáng lập của bộ môn xã hội học, Weber đã để lại những dấu ấn đặc trưng về mặt tư duy phương pháp luận xã hội học. Cũng giống như Georg Simmel (1858-1918), một nhà triết học và xã hội học Đức và cũng là bạn của ông, Max Weber còn được coi là một nhà tư tưởng về tính hiện đại( Modernität) – tính hiện đại xét như là hệ quả của quá trình lý tính hóa(Rationalisierung) toàn bộ đời sống xã hội trong quá trình chuyển từ các xã hội cổ truyền sang các xã hội tư bản chủ nghĩa hiện đại ở châu Âu. |