Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 21/10/2022 20:36 (GMT+7)

Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường

Ngày 21/10, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo Nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường cho các hội thành viên thuộc hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, GS, TS Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, hiện nay, Vusta có 63 liên hiệp hội địa phương, 86 hội chuyên ngành cùng hơn 400 tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc với khoảng nửa triệu thành viên.

tm-img-alt

Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam Lê Thanh Tùng phát biểu tại hội thảo

Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, các hội thành viên của Vusta có các vai trò cơ bản như vận động các thành viên của mình thực hiện các quy định pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong bảo vệ môi trường; xây dựng chủ trương, chính sách, kế hoạch và các quy định về bảo vệ môi trường. Tham gia hoạt động tư vấn, phản biện xã hội, giám sát, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường…

Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam Lê Thanh Tùng cho biết, trong giai đoạn 2018 – 2021, Liên hiệp các Hội Khoa học va Kỹ thuật Việt Nam đã phối hợp và hỗ trợ 120 lượt hội thành viên với tổng kinh phí hơn 7,3 tỷ đồng thực hiện các hoạt động phổ biến kiến thức tại đơn vị. Tính đến nay, hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam đã tổ chức trên 40.000 hội thảo, tọa đàm, tập huấn cho 13 triệu lượt người ở khắp các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền, đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Cũng theo ông Tùng, hàng năm, thực hiện vai trò đầu mối, định hướng và hỗ trợ thúc đẩy hoạt động phổ biến kiến thức, nâng cao vai trò và sức đóng góp của các hội thành viên trong toàn hệ thống, lãnh đạo VUSTA đã ban hành văn bản hướng dẫn tới các hội thành viên. Trên cơ sở đó, VUSTA thành lập các hội đồng chuyên gia tư vấn về nội dung và hình thức triển khai công tác phổ biến kiến thức cho các hội thành viên.

Bà Phạm Thị My, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và Môi trường chỉ ra các điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, đó là: Cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính. Đã định chế nội dung sức khỏe môi trường; bổ sung nhiều giải pháp bảo vệ các thành phần môi trường, đặc biệt là môi trường không khí, nước. Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…

Dù vậy, theo TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, thực tế đội ngũ cán bộ ở nhiều địa phương, trong đó có Liên hiệp Hội Việt Nam chưa được tiếp cận kịp thời thông tin, quan điểm của Đảng và quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thiếu kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng vận động quần chúng. Công tác phản biện xã hội, kiểm tra, giám sát bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế.

Thực tiễn cho thấy, cán bộ muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao, điều quan trọng là phải có nhận thức đầy đủ và có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến kiến thức cho đội ngũ cán bộ thuộc các hội thành viên trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam là rất cần thiết và cấp thiết.

tm-img-alt

Quang cảnh buổi hội thảo

Theo đó, Liên hiệp Hội Việt Nam cần tăng cường các lớp bồi dưỡng, đào tạo giảng viên cho các hội thành viên. Cùng với đó, cần thường xuyên tổ chức các hội thảo chuyên đề với các hội thành viên; xây dựng đề tài phản biện và giám định xã hội về phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường; tổ chức các diễn đàn thường niên về bảo vệ môi trường…

Xem Thêm

Phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính
Ngày 22/3 tại An Giang, Trung tâm Chứng nhận chất lượng và phát triển doanh nghiệp (thuộc Vusta) đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, Liên hiệp hội An Giang đã tổ chức hội thảo “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức lập báo cáo kiểm kê phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - năm 2024”.
Lạm bàn về Tạp chí khoa học hiện nay!
Theo công bố của Bộ Thông tin & Truyền thông, hiện nay cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, 127 báo, 673 tạp chí (trong đó có hơn 300 tạp chí khoa học); 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.
Lãnh đạo Liên hiệp Hội Việt Nam, Cục Xuất bản và Vụ Báo chí - XB (Ban Tuyên giáo Trung ương) làm việc với NXB Tri thức
Ngày 26/2/2024, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch LHHVN đã chủ trì buổi làm việc với Nhà xuất bản Tri thức. Cùng tham dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh, Tổng thư ký Nguyễn Quyết Chiến, các đồng chí lãnh đạo các phòng ban và toàn thể cán bộ, người lao động của Nhà xuất bản Tri thức.

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.