Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 24/11/2009 16:13 (GMT+7)

Mỹ Tho đại phố

Lưu dân người Việt vào vùng đất mới khai hoang

Trong các thế kỷ XVI, XVII, cuộc sống của người dân lao động ở Đàng Ngoài ngày càng khốn đốn, cực khổ. Sở dĩ như vậy là do chiến tranh giữa các tập đoàn phong kiến (chiến tranh giữa nhà Mạc và nhà Lê - Trịnh kéo dài từ năm 1539 - 1600; chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo dài từ năm 1627 - 1672); sự bóc lột thái quá của bọn quan lại và địa chủ phong kiến; thiên tai, mất mùa, đói kém, dịch bệnh xảy ra liên tục… Trước tình hình đó, ngoài việc đứng lên khởi nghĩa, nhân dân lao động chỉ còn một con đường thoát là đi dần vào phương Nam để tìm kiếm cho mình một cuộc sống dễ chịu và khấm khá hơn. Trong luận án Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, Tiến sĩ Litana cho biết số làng tại đồng bằng sông Hồng Thanh Hoá, Nghệ An bị biến mất khá nhiều, mà nguyên do chính là dân chúng thiên về phương Nam (1).

Trước tiên, lưu dân người Việt Nam di cư vào Tiền Giang theo dạng di dân tự do, dưới hình thức đi lẻ tẻ, hoặc cả gia đình, hoặc người khoẻ mạnh đi trước rồi đón gia đình đến sau, hoặc một số người hay một số gia đình kết lại thành nhóm cùng đi với nhau. Tiếp theo là những đợt di dân lớn hơn do áp lực của những biến động trong xã hội với những tổ chức di dân quy mô lớn. Nó dẫn đến những sự đổi thay to lớn của thiên nhiên, của cảnh quan địa lý và hình thành những vùng cư trú ổn định. Sự di dân này là kết quả của việc các vị chúa Nguyễn đứng ra tổ chức và bảo trợ những đoàn di cư vào Nam , trong đó có Mỹ Tho. Sách Gia định thông chícủa Trịnh Hoài Đức cho biết: “Các chúa Nguyễn chiêu mộ dân từ châu Bố Chánh trở vô nam đến ở khắp nơi” (2).

Bên cạnh đó, quá trình di dân cũng được diễn ra khi chúa Nguyễn ban hành chính sách cho phép những người “có vật lực” chiêu mộ dânnghèo vào Nam khẩn hoang. Sách Lịch triều hiến chương loại chícủa Phan Huy Chú cho biết: “Hiếu Minh Vương (chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725). TG) chiêu mộnhững người có tiền có của ở Quảng Nam, Điện Bàn, Quảng Nghĩa, Quy Nhơn tụ tập dân chúng di cư vào đây” (3). Năm 1623, chúa Nguyễn cho mở trường thuế Quản Thảo ở vùng Sài Gòn - Bến Nghé để thực hiệnviệc thu thuế đối với người Việt đến đây làm ăn sinh sống (4). Hai trường thuế Tam Lạch và Bả Canh ở Mỹ Tho, có lẽ được thành lập trong khoảng thời gian này. Như vậy, khoảng từ đầu thế kỷ XVII, MỹTho đã được lưu dân người Việt đến khai hoang lập thôn ấp và tiến hành các hoạt động sản xuất.

Phần lớn lưu dân người Việt vào vùng đất mới có gốc gác ở Trung và Nam Trung bộ, nhất là các địa phương Thuận Hoá, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn. Ngoài ra, cũng có một số ít từ đồng bằng Bắc bộ, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đa phần lưu dân người Việt đi tiên phong vào Nam là nông dân nghèo khổ. Lực lượng này đóng vai trò quyết định trong công cuộc khẩn hoang lập ấp ở Mỹ Tho trong hai thế kỷ XVII và XVIII.

Di dân người Hoa đến Mỹ Tho và lập ra “Mỹ Tho đại phố”

Tháng 2 năm Kỷ Mùi (1679), do chống đối nhà Thanh (Trung Quốc), các viên tướng nhà Minh ở Quảng Đông là Tổng binh trấn thủ Long Môn Dương Ngạn Địch có phó tướng Huỳnh Tấn phù tá và Tổng binh ba châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên (tự Thắng Tài) có phó tướng Trần An Bình giúp sức mang 3.000 binh sĩ cùng thân nhân và 50 chiến thuyền đổ bộ vào cửa biển Tư Hiền (Đà Nẵng) của nước ta xin tị nạn chính trị. Chúa Nguyễn Phúc Tần, tức chúa Hiền (1648 - 1687) rất khó xử, bởi vì cho phép nhóm di thần nhà Minh này ở lại Phú Xuân - Huế thì sẽ gặp rắc rối ngoại giao với nhà Thanh; vả lại, sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, biết chừng đâu, với mgấy ngàn binh lính, họ làm chính biến quân sự thì vô cùng nguy hiểm; còn nếu không dung nạp thì mang tiếng là không cưu mang người đang gặp hoạn nạn; hơn nữa, các vị chúa Nguyễn cũng đã từng có quan hệ ngoại giao với nhà Minh.

Trước tình hình đó, sau khi cùng với triều thần bàn bạc, cân nhắc lợi - hại, thiệt - hơn, chúa Nguyễn Phúc Tần cho “đặt yến tiệc đãi họ, an ủi, khen ngợi, cho các tướng lãnh y chức cũ, phong thêm quan tước mới, khiến vào ở đất Đông Phố để mở mang đất ấy” (5). Qua sự việc này, Phạm Phú Lữ cho rằng: “Họ Dương và họ Trần đã nhận quan tước và nhiệm vụ của chúa Nguyễn vào đất Đồng Nai - Gia Định… Họ đã trở thành thần dân của chúa Nguyễn” (6).

Lúc bấy giờ, vùng đất mới phương Nam là nơi có sức hấp dẫn lớn đối với di dân người Hoa. Đối với nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên chỉ huy, chúa Nguyễn cho họ “tiến vào cửa biển Cần Giờ rồi lên định cư ở Bàn Lấn, xứ Đồng Nai” và lập ra Nông Nại đại phố (7). Còn nhóm của Dương Ngạn Địch thì “tiến vào cửa Lôi Lạp (Xoài Rạp, TG), theo cửa Đại, cửa Tiểu đến định cư ở Mỹ Tho” (8). Về nhóm thứ hai này, sách Gia Định thành thông chíchép cụ thể hơn: “Tháng 2 năm Kỷ Mùi, đời vua Thái Tôn năm thứ 32 (tức năm Khang Hy thứ 18 nhà Đại Thanh. TG), tướng Long Môn là bọn Dương Ngạn Địch từ nước Tàu (đời Đại Minh) chạy sang quy phụ, vua (tức chúa Nguyễn Phúc Tần. TG) sai xá sai Văn Trinh và tướng thần Lại Văn Chiêu… vào tháng 5 dẫn cả binh biền Long Môn và ghe thuyền đến đóng dinh trại ở địa phương Mỹ Tho” (9). Tuy nhiên, trong luận án Tiến sĩ Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Tsai Maw Kuey cho rằng, nhóm của Dương Ngạn Địch được chia ra làm hai toán: toán do Tổng binh Dương Ngạn Địch chỉ huy đến định cư ở Phiến trấn (Gia Định); toán do Phó tướng Huỳnh Tấn đứng đầu đến lập nghiệp ở Mỹ Tho.

Đây là một biện pháp rất khôn khéo của chúa Nguyễn nhằm giải quyết các vấn đề “khó xử” như đã nêu trên; đồng thời, còn sử dụng được lực lượng người Hoa này trong việc đẩy mạnh tốc độ khai hoang và phát triển kinh tế ở vùng đất mới phương Nam, tạo thêm nguồn thu tài chính cho chính quyền do hoạt động nội - ngoại thương mang lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định và phát triển xứ Đàng Trong.

Tại đây, nhóm người Hoa này chủ yếu làm nghề buôn bán và lập ra Mỹ Tho đại phố, tức chợ phố lớn Mỹ Tho, ở thôn Mỹ Chánh. Lúc bấy giờ, ngoài thôn Mỹ Chánh, người Việt còn thành lập ở khu vực này các thôn khác, như Bình Tạo, Điều Hoà, Phú Hội, Đạo Ngạn, An Hoà, Mỹ Hoá… Đến cuối thập niên 50 đầu thập niên 60 của thế kỷ XVII, chúa Nguyễn cho phép người Hoa được thành lập làng Minh Hương. Theo Phan An, “đây là cộng đồng những người Trung Hoa nhập cư tương đối ổn định và đã hội nhập vào cộng đồng Việt nam được chính quyền phong kiến Đàng Trong xem là thần dân của mình. Làng Minh Hương về cơ bản cũng giống nhưu những làng khác ở Việt Nam, là một tổ chức hành chánh cơ sở của phong kiến Việt Nam ” (10). Tuy nhiên, do ở địa bàn Mỹ Tho, làng xã của người Việt đã được thành lập từ trước, nên làng Minh Hương của người Hoa ở tại đây phải “ở nhờ trên đất thôn Mỹ Chánh” (11).

Mỹ Tho đại phố nằm dọc theo nhánh bên trái của rạch Mỹ Tho; bắt đầu từ bến Tắm Ngựa ở chỗ giao nhau giữa rạch Mỹ Tho với sông Tiền (nay thuộc phường 2, TP. Mỹ Tho), chạy dài theo đường Nguyễn Huỳnh Đức khoảng 4 km (nay thuộc phường 2, phường 8, TP. Mỹ Tho), cho đến cầu Vỹ, Gò Cát (nay thuộc xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho). Do được thành lập ở ngã ba sông, nên ngôi chợ này có khả năng quy tụ ghe thuyền, vật lực từ các địa phương khác; và từ đó lan toả khắp nơi, thông thương với các trung tâm thương mại lớn ở trong nước, kể cả với nước ngoài. Trên cơ sở những thành tựu của sản xuất nông nghiệp và đời sống của cư dân đã đi vào nề nếp, khối cộng đồng dân tộc Việt/ đa số/ nông nghiệp và Hoa/ thiểu số/ thương nghiệp đã chung sức đồng lòng, ra sức phát triển Mỹ Tho, để nơi đây trở thành một trong hai trung tâm thương mại lớn nhất được thành lập đầu tiên ở Nam bộ.

Từ chợ phố lớn Mỹ Tho, thuyền buôn ngược dòng sông Tiền theo hướng tây lên Cai Lậy, Cái Bè, và xa hơn nữa là Cao Miên; hoặc xuôi dòng sông Tiền về phía đông đến Chợ Gạo, Gò Công, rồi ra cửa Tiểu, sau đó đến chợ Sài Gòn hay Phú Xuân - Huế; hoặc theo kênh Bảo Định qua sông Vàm Cỏ Tây, Bến Lức đến chợ Sài Gòn. Không chỉ thế, chợ phố lớn Mỹ Tho còn là thương cảng có quan hệ buôn bán với nước ngoài. Hoạt động chính yếu, nhộn nhịp, sầm xuất của Mỹ Tho đại phố là nội thương và ngoại thương. Chính vì vậy, Trịnh Hoài Đức chép về sự phồn thịnh của chợ phố lớn Mỹ Tho như sau: “Phía nam trị sở là chợ phố lớn Mỹ Tho, nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng, ghe thuyền ở các ngả sông biển đến đậu đông đúc, làm một đại đô hội, rất phồn hoa, huyên náo” (12) và “phàm thuyền buôn các nơi qua lại phải đậu nghỉ ở sông Mỹ Tho, hóng mát, xem trăng, đợi con nước lên, thuận dòng lên tây hay xuống đông” (13).

Như vậy, phố chợ/ thương mại là yếu tố đầu tiên để hình thành nên Mỹ Tho. Sau đó, đến năm 1781, do vị thế “đắc địa”, nhất là do sự sung túc, sầm uất của Mỹ Tho đại phố, chúa Nguyễn cho dời trụ sở của dinh Trấn Định từ giồng Kiến Định (nay thuộc thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành) về thôn Mỹ Chánh - chợ Mỹ Tho. Tiếp theo, đến năm 1792, thành Mỹ Tho được dựng lên. Thành này do Trần Văn Học vẽ thiết thế theo kiểu thành Vauban của phương Tây. Trịnh Hoài Đức mô tả thành Mỹ Tho trong Gia Định thành thông chínhư sau: “Thành có dạng hình vuông, chu vi 998 tầm, có mở hai cửa phía tả và phía hữu, hào rộng 8 tầm, sâu 1 tầm, dưới cầu có cửa cống nhỏ để lưu thông với sông lớn (sông Tiền TG), ngoài hào có đắp luỹ đất, có cạnh góc lồi ra hũng vô như hình hoa mai, chân luỹ mặt tiền 30 tầm thì đến sông lớn. Trong thành có những kho gạo, kho thuốc đạn, trại quân và súng lớn, tích trữ đầy đủ, nghiêm chỉnh”.

Tính đến năm 1781, trải qua hơn 100 năm hoạt động nhộn nhịp, Mỹ Tho đại phố đã có sự phát triển mạnh mẽ, vừa là trung tâm kinh tế - thương mại, vừa là trung tâm chính trị - hành chính nổi bật của dinh Trấn Định nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Chú thích

1. Litana,Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII, bản dịch của Nguyễn Nghị, Nxb Trẻ, TP. HCM, 1999, tr 41, 123.

2.Trịnh Hoài Đức,Gia Định thành thông chí (tập thượng), bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá, Sài Gòn 1972, tr 22, 16, 62, 63.

3. Phan Huy Chú,Lịch triều hiến chương loại chí , bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1960 – 1961, tr 126.

4. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình (chủ biên),Địa chí văn hoá thành phố Hồ Chí Minh, Tập 1; Lịch sử Nxb TP. HCM, 1987, tr 157, 239.

5. 7. 8. Quốc sử quán triều Nguyễn,Đại Nam nhất thống chí , T. 5, Nxb Thuận Hoá 1997, tr 184.

6. Phạm Phú Lữ,Trần Thượng Xuyên với quá trình khai khẩn, phát triển và bảo vệ thành quả khẩn hoang vùng Đồng Nai - Gia Định, sách Nam bộ: Đất và Người , T. 5, Nxb Trẻ, 2007, tr 75.

10. Phan An,Người Hoa ở Nam Trung bộ và Nambộ thế kỷ XVII - XIX, sách Nam bộ:Đất và Người , tập 6, Nxb Tổng hợp TP. HCM, 2008, tr 400, 401.

9. 12. Trịnh Hoài Đức,Gia Định thành thông chí , Tập hạ, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn, 1972, tr 119

11. Trương Ngọc Tường,Một số địa danh ở Tiền Giang , sáchTiền Giang bước vào thế kỷ XXI, Nxb Văn nghệ, Tp. HCM, tr 44.

13. Trịnh Hoài Đức,Gia Định thành thông chí, (tập trung), Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn, 1972, tr 56.

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.

Tin mới

Công đoàn VUSTA tổ chức hội nghị triển khai công tác, phổ biến những điểm mới Luật Công đoàn (sửa đổi)
Ngày 9/5, Công đoàn Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (Công đoàn VUSTA) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động nửa đầu nhiệm kỳ (2023 -2028), triển khai công tác công đoàn đồng thời phổ biến những điểm mới của Luật Công đoàn (sửa đổi) tới công đoàn viên.
Quảng Ngãi: Sắp phát hành sách về sự phát triển của ngành Thủy sản
Sáng ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường và Hội Nghề cá tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn, phản biện và giám định xã hội: Bản thảo cuốn sách “Thủy sản Quảng Ngãi hình thành và phát triển”.
Đắk Lắk: Góp ý dự thảo Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai
Ngày 9/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức hội nghị hội đồng Tư vấn phản biện và góp ý dự thảo Nghị định phân định quyền tại Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính đất đai.
Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.