Một vài dạng nhịp trong tục ngữ Nghệ Tĩnh
1. Cách hiểu về nhịp điệu
Khi ngâm thơ, đọc thơ có những chỗ ngừng ngắt khác nhau gọi là nhịp thơ, hay còn được gọi là ngắt dòng, ngắt nhịp, ngừng nhịp, ngừng dòng. Chỗ ngừng luôn luôn và bao giờ cũng là âm tiết đứng cuối dòng thơ, gọi là ngừng dòng, dẫu cho có hiện tượng “vắt dòng”. Xin dẫn ra bài thơ “ Chín chiều” của Nguyễn Ngọc Hưng để minh chứng cho điều vừa nêu.
Mẹ ơi con đã về rồi //
Mà sao không thấy mẹ ngồi bên hiên //
Như ngày xưa //
mỗi chiều nghiêng //
Trông vời lối ngõ dịu hiền đợi con //
Sau vườn rụng tím hoa xoan //
Ngoài sân cỏ dại ngổn ngang lan dày //
Con về thăm mẹ… //
chiều nay //
Mắt không dính ớt mà cay quá chừng //
Như con chim non xa rừng //
Như con nai lạc //
như vầng trăng côi //
Con tìm mẹ - mẹ xa trôi //
Như mây //
như gió qua đồi… ngẩn ngơ //
Ngôi nhà thơm tuổi ấu thơ //
Ngày xưa xanh nắng //
bây giờ xanh rêu //
Ruột đau, đau cả chín chiều //
Muốn làm con cóc mà kêu thấu trời //…
Âm tiết đứng cuối dòng thơ luôn là tiếng chuông báo hết dòng. Bên cạnh hiện tượng ngắt dòng, trong mỗi dòng thơ còn có sự ngừng ngắt nhẹ bên trong, tạm coi đây là hiện tượng ngừng nhịp.
Trong mỗi thể thơ, sự ngừng nhịp là rất khác nhau. Ví dụ như thể thơ lục bát là hoàn toàn khác với thể thơ tự do và Đường luật về nhịp. Có hai loại nhịp: nhịp chẵn và nhịp lẻ. Nhịp chẵn là loại nhịp được tạo nên bởi số lượng âm tiết là số chẵn thứ 2, 4, 6..., là nhịp điệu tự nhiên trong giao tiếp của con người, vốn có trong tâm thức như từ láy đôi, chơi chữ... Nhịp lẻ là sự phá vỡ cái đều đặn, cân đối, bình lặng để tạo ra một sự hoà phối mới. Nghĩa là người ta đã căn cứ vào số lượng âm tiết để gọi tên cho từng loại nhịp.
Nếu chấp nhận tục ngữ chỉ là một câu thì sự ngừng nhịp chỉ diễn ra trong một câu tục ngữ. Do vậy, nhịptrong tục ngữ chỉ là sự ngắt nhịpchứ không có ngắt dòng, ngừng dòng. Nguyễn Thái Hoà đã cho rằng nhịp của tục ngữ là nhịp của phát ngôn (lời), tuy đã được mã hoá theo kiến trúc sóng đôi nhưng rất phong phú. Ông cho rằng có hai cách ngắt nhịp: Thứ nhất, là ngắt ở chỗ ngừng giữa các phát ngôn, kiểu như dưa La, cà Láng, nem Bảng, tương Bần, nước mắm Vạn Vân, cá rô Đầm Sét;Thứ hai, là ngắt ở chỗ ngừng ngăn cách các thành phần phát ngôn, như tấc đất, tấc vàng; ông ăn chả, bà ăn nem(tr.185).
Hơn thế, mối quan hệ giữa vần và nhịp gắn chặt với nhau. Đặc biệt, với tục ngữ có vần liền, ranh giới cặp vần là ranh giới giữa hai nhịp: đầu gà / má lợn, rau chọn lá / cá chọn vảy…
Phần dưới, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu các dạng nhịp cơ bản của tục ngữ Nghệ Tĩnh được xét theo từ bé đến lớn, bắt đầu từ tục ngữ 4 âm tiết.
2. Một vài dạng nhịp trong tục ngữ Nghệ Tĩnh
2.1. Nhịp trong tục ngữ 4 âm tiết
Đây vốn là tục ngữ được cấu tạo với con số chẵn và với sự lưỡng phân, phân bố “tròn trĩnh” giữa hai vế đã kéo theo một điều gắn với tâm thức người Việt. Vấn đề này đã trở thành một nét bản sắc văn hoá của người sử dụng ngôn ngữ đơn lập, không biến hình. Rõ ràng, nhịp 2/2 đã chiếm lĩnh hàng đầu trong loại tục ngữ này. Sau đây, chúng tôi xin dẫn ra một số tư liệu trong phương ngữ Nghệ Tĩnh: lường lưng / xáo đấu, mên thưa / gió lọt, áo cụt / quần quàng, áo mặc / lưa giẻ, bào trơn / đóng bén, đo khun / đắn dai, đôi mách / đối lai, kẻ ngái / người gân, khố chạc / khố mây, cau non / trù lộc, xán rá / đá niêu, sây trái / rậm cành, sông sâu / nác nậy, cau Lường / hù Tiếu.
Do vậy, nhịp 2/2 trong phương ngữ Nghệ Tĩnh vẫn không cưỡng lại được xu thế của tục ngữ người Việt. Đành rằng, cũng tồn tại một vài hiện tượng: 1/1/2 (cưỡi / bá / ngành dâu), 1/1/1/1 (áo / mặc / lưa / giẻ).
2.2. Nhịp trong tục ngữ 5 âm tiết
Đây là loại tục ngữ có con số lẻ, chiếm tỷ lệ không nhiều. Có tất cả 22 tục ngữ: lưa / hai tròng / con mắt, ga mô / ấp / ổ nớ, gà / vừa thì / nhảy ổ, cá / đã nằm / trong oi, chim / say sưa / vì ổ, thấy / mè tré / trấy nhiều, tình tui / với / ngãi o, trâu đâu / tìm / chạc mũi, áo mấn / vấn / cột cầu, ghin tre / che / một phía, ăn mày / này / xôi gấc, ăn / mòn đọi / lọi đũa, ban thưởng / hơn / mương rào, cói chó / ngó / cá tràu, đói / đối lói / mà nhởi, đói / ngửi khói / cũng sèm, mần ả / ngả / mặt lên, mía ngọt / nót / cả cụm, nhất ì / nhì / mần thinh, chó nhà / cắm / người nhà, nói / trơn bọt / lọt lá.
2.3. Nhịp trong tục ngữ 6 âm tiết
Thường thì tục ngữ 5 âm tiết là một thông báo, một vế do bởi kiến thức vốn có tạo dựng nên. Và tục ngữ 6 âm tiết, qua tư liệu của chúng tôi, có số lượng quá lớn. Loại tục ngữ này thường có hai thông báo, cấu trúc song hành liên quan và chỉ đạo trực tiếp đến nhịp. Qua khảo sát của chúng tôi ở tục ngữ 6 âm tiết trong Kho tàng ca dao người Việtcó dạng ngắt là: 2/2/2, 2/4 hoặc 3/3, 2/1/3. Ngoài dạng ngắt phổ biến 2/2/2 như thường thấy, tục ngữ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh không có dạng 2/4 hoặc 2/1/3. Các dạng nhịp phổ biến 2/2/2, 1/2/1/2, 3/3.
Đói cơm / còn hơn / no rau, hết / chuyện khun / đùn / chuyện dại, chuột chù / ăn trù / đỏ mui, ăn / cơm tấm / ngấm / về sau, ăn mày / không tày / giữ bị, ăn / nót lống / nói / đâm buông, ăn / thì có / mó / thì không, ăn / ra trần / mần / vô áo, ăn / với chòm / ở / với xóm, bảy mươi / chớ cười / bảy mốt, bún / Phương Giai / mai / Thắng Lợi, cà cưởng / nuôi / o tiếu, cá / sông Giăng / măng / chợ Cồn, trai / Đông Thái / gái / Yên Hồ, trai / Cát Ngạn / gái / Đô Lương, cái số / mần khổ / cái thân, cầu / Rú Hống / mống / Tả Ao, cấy / phải trông / trồng / phải chăm, cha / bằng dái / con / bằng khái, chè / rú Mạ / cá / đồng Sâu, chim gà / cá lệch / cảnh cau, chõng / chợ Giát / nát / chợ Lòi, chó / le lại / ngài / vãi vưng, chợ cày / chân dép / chân giày, chợ đại / ngài dại / cũng đi, chú / khi ni / mi / khi khác, chưa / mở mắt / đã / ngoắt mỏ, con mắt / to hơn / lỗ mồm, con nít / lỗ đít / có tinh, cơm / gạo mốc / trốc / cá rô, củi / Kẻ Sàng / vàng / Đông Tháp, du / chợ Sò / bò / chợ Si, đất / làng Trù / du / Dao Tác, đầu / gối Lèn / chân / đạp Câu, đi / hơn đứng / chựng / hơn bò, đỉa / Nậy Na / ma / Xôi Ải, đỉa / Trẫm Trà / ma / rú Đất, địt / khỏi khu / tru / khỏi ràn, đói / ăn phúng / túng / mần càn, đói / hư việc / điếc / hư thân, đói / sinh cùng / túng / sinh hoảng, ếch / tháng ba / ga / tháng tám, gái / Tràng Lưu / sưu / làng Mật, gan / kẻ Sọt / rọt / kẻ Sừng, gan thỏ / đòi mó / dái ngựa, kẻ Treo / mổ mèo / lấy cá, kẻ Vọt / mổ rọt / thiên hạ, khéo / vá vai / tài / vá nách, kẻ Vùn / dáy khun / hàng xứ, lạc / Đồng Chợ / vợ / Kim Thuỳ, lành / mần gáo / bể / mần môi, lạt / tre mỡ / nợ / kẻ khó, lọc lừa / vơ bừa / rụng răng, mạ úa / cấy lúa / chóng xanh, mất / một trự / giữ / một quan.
2.4. Nhịp trong tục ngữ 7 âm tiết
Cũng phải nhận thấy rằng, xét về số lượng âm tiết, loại tục ngữ này có số lượng lẻ, cũng giống như 3, 5, 9… hoặc nhiều hơn. Nhịp được ngắt chủ yếu theo các dạng sau: 3/2/2, 3/1/3, 3/1/1/2, 2/2/1/2, 1/2/2/2, 2/3/2, 1/2/1/1/2, 2/1/2/2, 1/3/3, 1/2/1/3, 1/2/2/1/1. Xin dẫn ra các ví dụ:
Ả em du / nói tru / thành bò, anh trưa chợ / gặp / ả lỡ đò, bác / một trự/ mự / cũng một đồng, cam tròn / thị vẹo / khế cù queo, chè / chợ Lù / cá mu / chợ Huyện, chớp Cửa Lò / rệt bò / mà chạy, đầu xương sống / đến mống / lộ khu, được Cao Xá / thiên hạ / há mồm, giàu có số / đừng cố / mần chi, hắn dại / có ông vại / hắn khun, lả đỏ rưng / còn bưng / cơm đến, mống Tả Ao / trở trào / nỏ kịp, một người nhà / bằng ba / người mượn, nác / lợn nậy / hơn cấy / lợn con, nết na / đập mụ gia / trào rọt, nghe đều con / lon xon / mắng người, nhà có nghẹc / véc / có lỗ tai, quen / sợ dạ / lạ / sợ áo quần…
2.5. Nhịp trong tục ngữ 8 âm tiết
Khi đề cập đến dạng nhịp trong tục ngữ 8 âm tiết là có phần gắn với các loại tục ngữ 4 âm tiết, 6 âm tiết… Vì rằng bản thân chúng có những nét tương đồng và lý do riêng, đặc biệt là đang nói đến với ngôn ngữ đơn lập như tiếng Việt. Chúng tôi đã thống kê được 93 đơn vị tục ngữ 8 âm tiết. Xin dẫn ra các ví dụ:
Mồm tu hú / ăn lở rú / lở ri, lắm kẻ / túm đít / nhiều người / bày xương, mây kéo rú Xước / mưa ba bốn ngày, mềm gan / mềm rọt / cơm ôi / mắm trường, ăn một đọi cơm / đơm một đọi máu, bò đà trao chạc / bạc chồng trao tay, buôn trầu / gậy nắng / buôn đàng / gặp mưa, đói khó / đất ni / hơn giàu / đất khác, ít ăn / thì nhọc / ít học / thì hèn, kẻ / đánh giáo mác / người / trau lái chài, chợ / hồ sen cạn / coi / bèo mần hơn, xấu chuôm / cá nỏ vô đìa / cho mô, xỏ chân / lỗ mũi / đái niêu / canh bù, to đầu / xấu mặt / dài râu / nặng cằm, anh em / ghét nhau / ốm đau / tìm đến, áo rách / khéo vá / hơn / lành vống may, bớt đen lắm ló / bớt đỏ lắm tiền.
2.6. Nhịp trong tục ngữ 9 âm tiết
Tất cả có 10 tục ngữ 9 âm tiết, có các dạng nhịp: 4/3/2, 3/3/3, 3/4/2, 4/5, 2/2/3/2, 1/3/1/4.
Ác tắm thì dợ / tráo trợ tắm thì mưa, chi cũng hay / lưa tí hột cay / cũng nghiện, chưa dơ roi / đã chạy / chưa hò / đứng ngay, đém trọ lọ đuôi / không ai nuôi cũng nậy, đói nghèo / sinh hư / no đủ / sinh tử tế, được mùa / tháng năm / nhìn / trăng rằm tháng tám, lấy chồng trửa làng / bằng / vàng treo trước ngõ, miệng gàu dai / tai lá mít / đít lồng bàn, mồm lá đài / tai lá mít / đít tam sơn, sợ đọi cơm đầy / không sợ thầy / to tiếng.
2.7. Nhịp trong tục ngữ 10 âm tiết
Nhịp chủ yếu của tục ngữ 10 âm tiết là: 3/2/3/2, 2/3/2/3, 4/2/4, 2/2/2/4, 1/4/1/4, 2/2/2/2/2.
Trống có đánh / mới kêu / đèn có khêu / mới rạng, ăn không khéo / không no / nằm không co / không ấm, bệnh hèn / tỡm thuốc chữa / người dại / có thầy bày, buôn cau / ăn cau sâu / buôn trầu / ăn trầu chậy, canh tập tàng / thì ngon / con tập tàng / thì khun, chồn đèn / bao lăm thịt / con nít / bao lăm hơi, chui rú / tội người cao / lội rào / tội người thấp, có bị cháy nhà / không cho / kẻ già đến chữa, cú kêu / cú mắc vạ / ma ăn / ai dám nhìn, da đen / nỏ mối mọt / da trắng / rọt thâm kim, đàng trơn / đi cho chóng / cháo nóng / húp lộn queng, đi queng / đi quắt / nỏ bằng / nác giắt chợ Hạ, đói / trục cúi hay bò / no / con mắt buồn ngủ.
2.8. Nhịp thơ tục ngữ 11 âm tiết
Có tất cả 7 tục ngữ 11 âm tiết được ngắt dưới dạng: 4/4/3, 2/3/3/3, 1/2/2/1/2/3, 2/3/3/3, 4/4/3.
Ăn cơm độn ngô / mà / nói chuyện thủ đô Hà Nội, bưởi Phúc Trạch / cam bù Hương Sơn / hồng vuông Thạch Hà, con / nỏ chê / cha mẹ khó / chó / nỏ chê / chủ nghèo, mèo / đập bể / nồi rang / chó / chạy lại / mang lấy đòn, nuôi cò / cò mổ mắt / chơi với chó / chó liếm mặt, rú Đọ đội mũ / rú Vọng ấp mái / thì trời mưa.
2.9. Nhịp trong tục ngữ 12 âm tiết
Có tất cả 27 đơn vị thuộc loại tục ngữ này. Dạng ngắt nhịp cụ thể: 2/4/2/4, 3/3/3/3, 4/2/4/2, 4/4/4, 2/2/2/2/2/2.
Lang đuôi thì bán / ló trán đi cày / bạc mày đánh thịt, lăm xăm / quần chằm áo vá / thong thả / quần bả áo sồi, máy mắt tay mặt / tắc quái / máy mắt tay trái / được ăn, nhà mặt đồng / chồng giáo viên / con hưởng ưu tiên miền núi, mần rể / chớ nấu thịt tru / mần du / chớ rang cơm nguội, mía / có sâu / thì / mới ngọt / nhà / có mọt / thì / mới yên, nhà giàu / trồng rau / ra ló / nhà khó / trồng ló / ra rau, sởi lởi / trời gởi của cho / quanh co / trời gò của lại.
2.10. Nhịp trong tục ngữ 13 âm tiết
Tồn tại 4 tục ngữ mười ba âm tiết và các dạng nhịp: 3/4/6, 3/4/3/4, 3/3/4/3.
Giàu thì ghét / đói rét thì khinh / thông minh thì không, muốn dùng kẻ thì ưa / cá đồng nấu khế / người thì ưa / cá bể nấu dưa, nhà sạch thì mát / bát sạch thì ngon / khun con thì khoẻ mẹ, đói trong bụng / không ai hay / áo rách cựa tay / người ta biết.
2.11. Nhịp trong tục ngữ 14 âm tiết
Đây là loại tục ngữ chiếm số lượng khá lớn. Điều này cũng dễ hiểu vì rằng loại tục ngữ này gắn liền với thể thơ lục bát. Dạng ngắt nhịp 2/2/2/2/2/2/2, 3/2/2/3/2/2, 2/5/2/5, 3/2/2/3/2/2, 2/5/2/5.
Có cây / mới có / dây leo / có cột / có kèo / mới có / đòn tay, con có khóc / mẹ mới cho bú / cháu đòi ngủ / bà mới phải ru, còn duyên / kén cá / chọn canh / hết duyên / ốc đực / cua kềnh / cũng vơ, cứt con người / thì thối / thì tanh / cứt con mình / nấu canh cũng ngọt, cau già / dao sắc / cũng non / mẹ già / ngọt miệng / thì con / sớm chồng, chết thì / ăn cơm / thịt gà / sống thời / xin đọi / nác cà / nỏ cho, cả đời / thì ăn / của chồng / mới được / một đồng / thì đi ăn riêng.
2.12. Nhịp trong tục ngữ 15 âm tiết
Có 5 tục ngữ thuộc kiểu loại này và dạng nhịp: 2/2/2/4/5, 2/2/2/2/2/3/2, 2/2/4/4/3, 3/3/3/3/3, 4/4/3/4.
Chim rừng / gà núi / chớ nuôi / trai có lông bụng / gái thâm mui / thì đừng, cơm tấm / ăn với / cá rô / sao em / phụ bạc / lấy dùi gồ / đập nhông, đen đông / chớp rạch / quái ráng hoa bầu / trong ba điều đó / có lành đâu, hay lam hay làm / đầu quang mặt sạch / chẳng hay làm / đầu rếch mặt dơ, khoai La Mạc / lạc Cao Điềm / tiền Hạnh Lâm / mâm Văn Chấn / mấn Cát Ngạt.
2.13. Nhịp trong tục ngữ 16 âm tiết
Mất tiền mua mâm / thì đâm cho thủng / mất tiền mua thúng / thì đựng cho mòn, mặt vuông trự điền / mà tiền nỏ có / con ngài méo mó / thì có trự tiền, khun sọi / đi rửa đọi / cho nạ dòng / hú ha hú hớ / vớ bông hoa nhài, ác ngồi ngọn cơn / ác lo thân ác / bèo nằm mặt nác / bèo lo thân bèo, ai không ăn gai đầu mùa / là dại / ai không ăn mít trái mùa / là ngu, được mùa Hồ Nón / thì ló mười bảy / mất mùa Hồ Nón / thì ló bảy mươi.Như vậy, có tất cả 6 tục ngữ 16 âm tiết và nhịp được ngắt như trên.
2.14. Nhịp trong tục ngữ 18 âm tiết
Cơm ló lốc / trốc cá thèn / đèn dầu tây / mây chợ Dùng / mùng chợ Găng / măng chợ Cồn.
2.15. Nhịp trong tục ngữ 19 âm tiết
Dồng Môn dệt vải / Cổ Đạm vắt nồi / chợ Bộng vắt bình vôi / Xuân Liễu vắt nạm cáy hôi.
2.16. Nhịp trong tục ngữ 20 âm tiết
Rộc Mỹ Tú lắm cá / lèn Trung Phường lắm đá / đất chợ Bộng lắm nồi / đất Văn Tập lắm vôi, thiếu tháng giêng mất khoai / thiếu tháng hai mất đỗ / thiếu tháng tư mất tằm / thiếu tháng năm mất ló.
2.17. Nhịp trong tục ngữ 22 âm tiết
Siêng làng Trác / nhác làng Sau / lắm cau làng Nồi / bạo ngồi Đồng Cạn / lắm bạn làng Chùa / lắm vua Đồng Địch.
2.18. Nhịp trong tục ngữ 36 âm tiết
Lắm ló Xuân Viên / lắm tiền Hội Thống / lắm nống Do Nha / lắm cà Lộc Châu / lắm dâu Cẩm Mỹ / lắm bị kẻ Găng / lắm măng kẻ Cừa / lắm bừa Trung Sơn / lắm cơn Yên Xứ.
Chung quy lại, tục ngữ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh có đặc trưng khác biệt so với tục ngữ trong tiếng Việt văn hoá. Tục ngữ trong tiếng Việt văn hoá có từ 4 âm tiết và 14 âm tiết là dài nhất. Trong lúc đó, tục ngữ trong phương ngữ Nghệ Tĩnh có từ 4 âm tiết đến 36 âm tiết. Dạng ngắt nhịp cũng có những đặc trưng riêng. Sự ngừng ngắt của nhịp bao giờ cũng gắn liền với nội dung cụ thể từng loại tục ngữ. Hơn thế sự ngừng nhịp luôn gắn với sự hiệp vần và cấu trúc từng vế trong tục ngữ./.
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Nhã Bản (chủ biên), Từ điển thành ngữ, tục ngữ Nghệ Tĩnh, Nxb Nghệ An, 2005.
2. Nguyễn Phan Cảnh, Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hoá thông tin, 2001.
3. Mai Ngọc Chừ, Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1991.
4. Hoàng Văn Hành, Tục ngữ trong cách nhìn của ngữ nghĩa học, Ngôn ngữ, 4/1980.
5. Nguyễn Thái Hoà, Tục ngữ Việt Nam cấu trúc và thi pháp, Nxb Khoa học xã hội, 1997.