Một số vấn đề cần lưu ý trong nuôi hươu sao ở Quảng Ngãi
Trong thời gian gần đây, một số địa phương đã du nhập giống từ các vùng nuôi truyền thống để phát triển nghề nuôi hươu sao và đã có nhiều mô hình đạt kết quả tốt, mở ra hướng sản xuất mới được đông đảo nông dân quan tâm.
Trong chăn nuôi, hươu sao vẫn còn giữ một số bản năng hoang dã, hơn nữa với nông dân ở Quảng Ngãi đây là đối tượng vật nuôi mới. Vì thế, để chăn nuôi đạt hiệu quả cao người nuôi cần lưu ý một số vấn đề sau:
1. Chọn giống
Giống là khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công của chăn nuôi hươu. Những con giống tốt không những ít bệnh tật, dễ tiếp cận chăm sóc mà còn cho năng suất cao. Việc chọn mua giống ngoài dựa vào bản thân của con vật (ngoại hình, tầm vóc, năng suất) cần phải biết rõ lý lịch của chúng. Nguyên tắc chung là chọn những con giống tốt và được sinh ra từ bố mẹ tốt. Đặc biệt, với con đực nên hết sức chú ý đến chỉ tiêu về tầm vóc và năng suất nhung. Ngoài ra, còn phải xem xét đến sự tương đồng về địa lý của vùng nhập giống và thời điểm con giống được sinh ra.
Với những địa phương mới phát triển nghề nuôi hươu sao thì nguồn giống chủ yếu được mua từ các nông hộ ở vùng nuôi hươu truyền thống (Hà Tĩnh, Nghệ An). Song, hươu nuôi trong các nông hộ chưa được ghi chép nên có nhiều trở ngại khi xác định lý lịch của hươu.
Chính vì thế, khi mua giống hươu thì người mua cần phải nắm rõ các tiêu chí chọn giống, đồng thời phải có sự giúp đỡ của những người biết chuyên môn và đáng tin cậy ở tại địa phương cung ứng giống.
2. Xây dựng chuồng trại
Hươu có thể nuôi nhốt hoàn toàn hoặc nuôi bán chăn thả. Song, với phương thức nuôi nào thì xây dựng chuồng trại cũng cần chú ý các vấn đề sau:
Chuồng hươu làm ở nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát và yên tĩnh. Không nên làm chuồng quá gần đường giao thông hoặc những nơi gây tiếng ồn.
Với chuồng kiên cố, nền lót gạch hoặc xi măng tráng nhám, tuyệt đối không làm nền láng vì hươu dễ bị trượt ngã.
Trong dãy chuồng nuôi, nhất thiết phải có ô nhốt đặc biệt để làm nơi cố định cho hươu khi thực hiện các tác nghiệp cần thiết (chăm sóc hươu đẻ, tiêm thuốc hay cắt nhung).
Chuồng trại phải đảm bảo chắc chắn, không nên sơ hở để hươu có cơ hội thoát ra ngoài.
Với chăn nuôi theo quy mô nhỏ nên xây dựng kiểu chuồng có sân chơi. Khu vực sân chơi nên trồng các loại cây che bóng mát.
3. Sử dụng thức ăn
Hươu là động vật nhai lại nên thức ăn chính là các loại cỏ, lá tươi. Bên cạnh đó, hươu còn sử dụng được phụ phẩm nông nghiệp, các loại củ quả, thức ăn tinh.
Thức ăn xanh cho hươu phải được đáp ứng đầy đủ và đa dạng về chủng loại. Thức ăn tinh chỉ bổ sung ở giai đoạn cần thiết chứ không nên lạm dụng quá nhiều.
Các hộ nuôi hươu nên trồng thêm các loại cỏ cao sản (cỏ voi, VA06, cỏ sả…) để chủ động nguồn thức ăn xanh cho hươu, nhất là vào những tháng mà nguồn lá tự nhiên bị giảm nhiều.
Cỏ, lá xanh cho hươu ăn phải đảm bảo sạch sẽ, khô ráo. Nếu bị ướt hoặc lẫn bùn, đất dễ gây bệnh đường ruột; còn nếu lẫn các vật sắc, nhọn sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa.
Hươu ăn mỗi lần một ít và thường ăn nhiều vào ban đêm (khoảng 60% khẩu phần), vì thế nên siêng cho ăn để hươu vừa ăn ngon miệng, vừa ăn no và tránh lãng phí thức ăn.
Thức ăn thô xanh thường không đáp ứng đủ nhu cầu chất khoáng cho hươu, vì thế cần bổ sung chất khoáng cho hươu nuôi, nhất là muối ăn.
4. Nuôi dưỡng hươu cái
Hươu cái từ 8-12 tháng tuổi đã thành thục về tính, tuy nhiên không nên vội phối quá sớm mà nên cho phối giống lần đầu lúc hươu được từ 18-20 tháng tuổi.
Từ tháng có chửa thứ 6 trở đi, cần tăng cường các loại thức ăn giàu dinh dưỡng cho hươu. Nếu khẩu phần ăn không đảm bảo thì hươu con sinh ra có trọng lượng nhỏ và tỉ lệ chết cao.
Trong giai đoạn gần đẻ, cần đề phòng các nguyên nhân có thể gây sẩy thai cho hươu như tiếng động làm hươu hoảng hốt, thức ăn kém phẩm chất, cho ăn thất thường…
Phần nhiều hươu cái đẻ vào lúc chiều tối, vì thế cần theo dõi biểu hiện và kịp thời can thiệp trong những trường hợp cần thiết.
Hươu con sinh ra phải được bú nhiều sữa đầu. Trong trường hợp hươu con yếu, không tự đứng bú được hay hươu mẹ bị tắt sữa thì cần phải xử lý đúng cách. Khi cần thì dùng sữa ngoài cho hươu con bú và dùng các loại sữa có chứa dinh dưỡng cao, dễ tiêu.
Đối với tập tính nhút nhát hươu của nuôi hươu thì có thể cải thiện đáng kể nếu người chăn nuôi chịu khó tập luyện. Và khâu huấn luyện, gần gũi nên bắt đầu ngay từ lúc hươu còn nhỏ.
5. Nuôi dưỡng hươu đực
Nên cho hươu đực phối giống khi đạt 24 tháng tuổi, cho hươu đực nhảy có mức độ (mỗi con đực phụ trách 4-5 hươu cái).
Khi hươu đực con được 5 tháng tuổi cần tách nuôi riêng, không nhốt cùng với hươu đực lớn trong đàn vì chúng sẽ bị đánh.
Trong giai đoạn phối giống, cần cho hươu ăn thêm các loại thức ăn giàu đạm và bổ sung khoáng, vitamin.
Để nâng cao chất lượng cũng như trọng lượng nhung, ngay từ trước khi ra nhung 1-2 tháng và suốt thời gian thúc nhung cần phải cho hươu ăn nhiều lá cây và cỏ hỗn hợp, nhất là các loại cây có mủ và cung cấp thêm thức ăn tinh hỗn hợp.
Thông thường, lượng nhung khai thác sẽ tăng dần theo tuổi của hươu (thu lứa đầu khi hươu đạt 3 năm tuổi cho đến lúc hươu 10 năm tuổi). Hộ chăn nuôi nên mạnh dạn loại thải đối với những hươu đực cho nhung ít.
6. Phòng bệnh
Hươu sao là loài động vật hoang dã, ít bệnh và rất dễ nuôi. Song, vẫn có một số bệnh xảy ra làm cho hươu sinh trưởng, phát triển kém, giảm sản lượng nhung và thậm chí có thể gây chết. Vì thế, cần đề phòng cẩn thận đối với một số bệnh bằng các biện pháp sau:
- Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi
- Cho ăn uống đầy đủ; chuồng nuôi thoáng mùa hè, ấm mùa đông
- Định kỳ tẩy nội ngoại ký sinh trùng cho đàn hươu
- Khi thấy những thay đổi bất thường (chú ý sự thay đổi của phân, tiếng kêu, dáng điệu của hươu …) phải báo với người có kinh nghiệm để được hướng dẫn.
7. Mô hình nuôi hiệu quả
Tại các vùng nuôi hươu truyền thống, các nông hộ thường nuôi cả hươu đực và cái để vừa khai thác nhung, vừa bán con giống. Với điều kiện Quảng Ngãi, trước mắt nên bố trí đàn hươu nuôi với số lượng đực nhiều hơn để khai thác nhung bởi lẽ nuôi hươu đực không những kỹ thuật nuôi đơn giản mà còn cho sản phẩm có giá trị cao và dễ tiêu thụ.
Có thể phát triển chăn nuôi hươu theo hướng quy mô nhỏ hộ gia đình hoặc chăn nuôi trang trại. Với mô hình nuôi hươu quy mô nhỏ (2-4 con/hộ), việc chăn nuôi hươu chủ yếu là tận dụng công lao động nhàn rỗi và nguồn thức ăn sẵn có, có thể mang lại cho nông hộ nguồn thu nhập đáng kể.
Chăn nuôi hươu sao là mô hình mới ở Quảng Ngãi, ngoài mục đích kinh doanh còn góp phần bảo tồn loài động vật hoang dã. Thiết nghĩ, cần xem xét để phát triển nhân rộng trong thời gian tới, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, tăng thu nhập cho người dân.