Một số nghi lễ trong đám cưới ở Trung Quốc
Lễ mời trà
Trà là thứ đồ uống phổ biến và mời trà là biểu hiện của sự tôn trọng. Sử dụng trà là rất thực tế vì không phải là ai cũng uống được rượu. hạt sen và hai quả chà là đỏ được pha trong trà vì hai lý do. Thứ nhất là các từ “sen” ( lián) và “năm” ( nián) gần như đồng âm; “hạt” ( hạch-hé) là biểu tượng của con cái; “Chà là” và “sớm” là những từ đồng âm. Thứ hai là người Trung Quốc cổ đại tin rằng bỏ những thứ này vào trong trà sẽ giúp cho cặp vợ chồng mới cưới sớm có con và sẽ có mỗi năm một đứa, điều đảm bảo rằng cha mẹ họ sẽ có nhiều cháu. Thêm vào đó, vị ngọt của thứ trà đặc biệt này là một điều ước cho mối quan hệ ngọt ngào của cô dâu với gia đình mới của mình. Trong ngày cưới, cô dâu dùng hai tay bưng tách trà mời bố mẹ mình tại nhà trước khi chú rể đến. Cô làm điều này để tỏ lòng kính trọng và biết ơn công nuôi dưỡng của bố mẹ. Trà mời lúc này không cần phải có hạt sen và chà là. Cô dâu cũng không cần đến sự giúp đỡ của một người phụ nữ may mắn. Cô tự rót trà và mời không cần đến chủ rể. Theo truyền thống, sau lễ cưới, cặp vợ chồng dùng hai tay nâng tách trà để mời những người cao tuổi trong gia đình chủ rể, gọi tên chính thức của họ một cách trịnh trọng. Theo quy định chung, phụ nữ ở bên tay trái và đàn ông ở bên tay phải. Những người được mời trà thì ngồi ghế trên trong khi cô dâu và chú rể quỳ trước mặt họ. Ví dụ, khi cặp vợ chồng mời trà bố mẹ chú rể, cô dâu sẽ quỳ ở trước mặt bố mẹ chồng trong khi chú rể quỳ trước mặt mẹ mình. cặp vợ chồng mời theo trình tự từ bố mẹ chú rể đến những người cao tuổi trong gia đình như ông bà nội, ông bà ngoại, rồi mới đến những người trẻ hơn như các bác, các chú, các cô cho tới anh chị. Đổi lại, cặp vợ chồng mới cưới nhận được những phong bao đỏ đựng tiền hoặc đồ trang sức. Những chiếc phong bao này được đặt trên khay trà. Người giúp việc, thường là những phụ nữ may mắn có đời sống hôn nhân hạnh phúc hay giàu có được thày bói hoặc bố mẹ cô dâu chon lựa cũng nhận được phong bao đựng tiền từ những người được mời trà.
Lễ lắp giường cưới
Một phần việc của chủ rể trong sự chuẩn bị là lắp giường cưới cho cô dâu. Một người đàn bà hoặc đàn ông may mắn có nhiều con được chọn để lắp chiếc giường mới mua. Lễ lắp giường chỉ gồm có việc xê dịch chiếc giường một chút. Việc lắp đặt thực sự được bạn bè hoặc người giúp việc thực hiện. Sau khi giường được lắp xong, trẻ con được mời lên giường như là một biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở. Càng nhiều trẻ con thì càng tốt. Cũng vì lý do này, chiếc giường được rắc những quả chà là đỏ, cam, hạt sen, lạc và nhiều thứ hoa quả khác. Một phần của cuộc vui là xem những đứa trẻ tranh nhau nhặt những thứ hoa quả đó.
Lễ “vấn tóc”
Vào rạng sáng ngày cưới (hay vào đêm trước ngày cưới), cô dâu tắm trong nước thơm nấu bằng vỏ bưởi để tẩy rửa những điều xấu; mặt khác là để làm cho da dẻ mềm mại. Cô mặc quần áo lót mới và ngồi trước những cây nến có hình rồng phượng màu đỏ được thắp sáng. Một “người đàn bà may mắn” sẽ giúp cô chuẩn bị. Bà ta vừa nói những lời mang điềm lành vừa vấn mái tóc cô dâu theo kiểu tóc của một phụ nữ có chồng. Sau khi vấn tóc xong, cô dâu được “người đàn bà may mắn” hay người chị dâu lớn nhất của mình cõng tới gian nhà chính. Ở đó cô được mặc quần áo cưới và xỏ chân vào đôi giày đỏ được đặt giữa một cái sàng. Gương mặt cô dâu được che bởi một tấm khăn trùm đầu bằng lụa đỏ hay là một tấm rèm làm bằng những chuỗi hạt để rủ xuống từ chiếc vương miện hình phượng mà cô đội trên đầu. Sau khi chuẩn bị xong, cô dâu lạy cha mẹ mình và bài vị của tổ tiên rồi ngồi đợi đám rước dâu từ nhà chú rể.
Lễ rước dâu
Tiếng cồng và tiếng trống rộn rã báo hiệu đám rước dâu bắt đầu xuất phát từ nhà chú rể. Chú rể dẫn đầu đám rước với một đứa bé con đi bên cạnh tượng trưng cho đứa con trai trong tương lai của mình. Theo sau là chiếc kiệu của cô dâu được trang trí đèn lồng, dải băng, cùng các nhạc sĩ và một đội múa lân. Khi tới nhà cô dâu, nhà trai được các bạn của cô chào đón. Những người này không muốn “mất” cô cho tới khi họ được thỏa mãn bằng những chiếc phong bì đỏ đựng tiền từ người đại diện của nhà trai. Đây là dịp cho việc mặc cả mang tính tích cực trước khi hai nhà đi đến một thỏa thuận. Trong một vài trường hợp, chú rể sẽ ăn cơm với gia đình cô dâu và được nhận một đôi đũa cùng hai chén uống rượu nhỏ bọc trong giấy đỏ, biểu tượng của việc anh ta nhận được niềm vui của gia đình thông qua con gái họ. Ở một số vùng, chàng rể sẽ được mời uống trà long nhãn, hai quả trứng luộc trong nước xirô và một bát miến. Trong trường hợp khác, chú rể ăn một bát súp với trứng chần và phải làm vỡ lòng đỏ trứng, được cho là biểu tượng cho việc phá vỡ mối quan hệ của cô dâu với gia đình của cô ta.
Hành trình của cô dâu đến nhà chú rể
“Người đàn bà may mắn” hay người được gia đình cô dâu thuê để chăm sóc cho cô cõng cô dâu đến kiệu. Một người khác cầm ô che cho cô dâu trong khi người thứ ba ném gạo lên chiếc kiệu. Một cái sàng, để sàng lọc hết những điều xấu, và một chiếc gương kim loại phản chiếu ánh sáng được treo ở sau chiếc kiệu của cô dâu để bảo vệ cô khỏi những ảnh hưởng xấu. Cô dâu cũng có thể đính những chiếc gương đặc biệt vào quần áo và sẽ không tháo bỏ chúng cho tới khi cô ngồi an toàn trên chiếc giường cưới của mình. Pháo được đốt lên để xua đuổi tà ma khi cô dâu bắt đầu lên đường về nhà chồng trên chiếc kiệu hoa. Sự di chuyển từ nhà gái đến nhà trai là biểu tượng của việc bàn giao cô dâu từ gia đình cô đến gia đình nhà chồng. Một sự quan tâm đặc biệt được thực hiện để đảm bảo rằng không một ảnh hưởng không vui nào có thể tác động đến cuộc hôn nhân. Các phụ nữ tham dự đám cưới và sẽ đưa cô dâu về nhà chồng được tuyển chọn kỹ lưỡng, cụ thể là tuổi của họ phải hợp với tuổi của cô dâu chú rể. Bản thân chiếc kiệu cũng được che rèm cẩn thận để ngăn không cho cô dâu nhìn thấy những dấu hiệu xui xẻo, ví dụ như một chiếc cửa sổ, một cái giếng hay một con mèo. Những người đi theo rắc thóc hoặc đậu phía trước cô dâu, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Pháo lại được đốt một lần nữa tại nhà chú rể ngay trước khi cô dâu tới. Một chiếc chiếu đỏ được đặt trước kiệu cô dâu để cô đặt chân khi từ trên kiệu bước xuống. Cả gia đình chú rể có mặt để đón cô. Cô dâu phải bước qua một chiếc yên ngựa hay một lò than đang cháy trước khi bước vào ngưỡng cửa bởi vì từ “yên ngựa” có âm gần với từ “thanh bình” và lửa xua đuổi hết những điều xấu. Một người sẽ lập tức cho một ít gạo vào sàng ở phía trên hoặc ngay gần cô dâu. Trong trường hợp cô dâu không đeo chiếc gương may mắn thì lúc này người ta sẽ lấy một chiếc gương để phản chiếu ánh sáng lên người cô. Ở một số vùng, một chiếc đấu đong thóc và một chuỗi tiền đồng được bày ra như là những biểu tượng của sự phát tài. Chỉ sau khi nghi lễ thành hôn đó được thực hiện thì chú rể mới có thể nâng chiếc khăn trùm đầu để nhìn mặt cô dâu.
Nguồn: Xưa và Nay, số 251&252, tháng 1-2006