Một số giải pháp phát triển chăn nuôi trâu
Giai đoạn 2001-2005 do chưa có chính sách phát triển chăn nuôi phù hợp, nhờ có máy cày nhu cầu về trâu cày giảm nên số lượng trâu trong phạm vi cả nước tăng rất chậm, tốc độ tăng bình quân 1%/năm, năm 2001 đàn trâu cả nước có 2,08 triệu con, năm 2005 có 2,92 triệu con. Đàn trâu của nước ta tập trung chủ yếu ở miền Bắc chiếm 87,91%, tập trung ở các vùng: Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc; miền Nam chỉ có 12,09%. Các tỉnh có số lượng đàn trâu nhiều nhất trên cả nước: Nghệ An, Thanh Hoá, Lạng Sơn, Sơn La…
Năm 2001 sản lượng thịt trâu đạt 51,38 nghìn tấn, năm 2005 đạt 59,8 nghìn tấn, tốc độ tăng trung bình đạt 4% năm. Tuy nhiên, tỷ lệ thịt trâu so với các loại thịt khác là rất thấp 2,4-3% trong tổng sản lượng thịt. Bình quân thịt trâu/người/năm ở nước ta trong giai đoạn 2001-2005 từ 0,65kg đến 0,72kg/người/năm (tương đương 0,3kg thịt xẻ/người/năm). Hiện nay, thịt trâu chất lượng cao đã được tiêu thụ ở các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đã được xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Một số vùng trong nước đã có thói quen tiêu thụ thịt trâu từ lâu, theo kết quả điều tra của Viện Chăn nuôi năm 1996, ở thị trường Hà Nội thịt trâu chiếm 52,4% trong tổng số thịt trâu, bò và 96,6% ở Thái Nguyên. Hàng năm, hàng vạn con trâu to được đưa từ vùng núi về miền xuôi để bán thịt hoặc xuất khẩu. Như vậy, nhu cầu thịt trâu và thị trường tiêu thụ thịt trâu trong tương lai còn rất lớn.
Bên cạnh đó, trâu còn là nguồn cung cấp sức kéo quan trọng đối với nông nghiệp và nông thôn, trâu cày kéo ở tất cả mọi địa hình: ruộng nước, bậc thang và kéo gỗ trong rừng, dưới suối. Một nước nông nghiệp trồng lúa nước như Việt Nam vai trò của con trâu vô cùng quan trọng đối với việc cày bừa, làm đất ở ruộng sâu cũng như việc làm đất ở các ruộng bậc thang của các tỉnh miền núi phía Bắc. Bởi chưa có loại máy móc cơ giới nào có thể thay thế được con trâu.
Ngoài sức kéo thì phân bón hữu cơ từ chăn nuôi trâu có ý nghĩa rất lớn đối với các loại cây trồng. Mỗi con trâu bình quân cho 3,5-4,0 tấn phân hữu cơ. Do đó hàng năm đàn trâu nước ta cung cấp 9-10 triệu tấn phân bón hữu cơ cho trồng trọt.
Mặt khác, trâu là nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho ngành da giày. Sừng và móng trâu chế tạo thành lược, cúc áo, nhạc cụ, hàng mỹ nghệ cao cấp và đồ trang sức đắt tiền. Lông trâu dùng làm bàn chải, bút lông…
Chăn nuôi trâu hiện nay chủ yếu theo phương thức truyền thống, quảng canh, tận dụng nuôi trâu để lấy sức kéo và phân bón. Một số nơi chăn nuôi trang trại với quy mô trên 10 trâu sinh sản như: An Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Nghệ An, Thanh Hoá, Bình Phước.
Chăn nuôi trâu trong những năm qua chưa phát triển do một số nguyên nhân sau:
- Thiếu trâu đực giống cho các vùng đồng bằng.
- Thiếu các cơ sở trâu giống.
- Khâu nhận giống trâu chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống đàn trâu giống quốc gia và các vùng giống trâu cũng như hệ thống cung cấp và luân chuyển trâu đực giống vẫn bị xem nhẹ. Đàn trâu hiện nay không được chọn lọc. Thực tế cho thấy đàn trâu đang bị chọn lọc ngược, vì ở nhiều vùng trâu đực to bị bán đi giết thịt, trâu đực nhỏ được giữ lại cho cày kéo là chính, đồng thời sử dụng làm giống.
- Công tác nghiên cứu về con trâu ở Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức.
- Trong thời gian dài chúng ta có nhiều chính sách phát triển các ngành chăn nuôi khác nhưng cho đến nay vẫn chưa có chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu; đặc biệt là chính sách quốc gia về phát triển chăn nuôi trâu ở những vùng có điều kiện sinh thái phù hợp.
- Chưa có quy hoạch cụ thể cho việc trồng cỏ nên trâu thường thiếu thức ăn vào vụ Đông Xuân.
- Người chăn nuôi còn thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng cỏ cũng như các kỹ thuật chế biến các phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc nhai lại. Nhu cầu dùng sức kéo của trâu trong sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng giảm mà giá trâu hơi lại thấp, người chăn nuôi trâu thiệt thòi nên số lượng đàn trâu không tăng.
- Do chăn thả tự do, môi trường chăn nuôi không đảm bảo, không có sự cách ly giữa các đàn gia súc nên dễ lây lan dịch bệnh (bệnh lở mồm long móng, nhiệt thán…) và dịch bệnh không được kiểm soát chặt chẽ nên đã ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi trâu trên cả nước nói chung và của các tỉnh miền núi nói riêng.
Để chăn nuôi trâu phát triển cần thực hiện một số giải pháp như:
1. Công tác giống
+ Chọn lọc, cải tạo nâng cao chất lượng, số lượng đàn trâu nội:
- Bình tuyển chọn đực giống trong nước, đặc biệt trâu đực giống tốt ở các vùng chăn nuôi trâu.
- Chọn những con đực có khối lượng từ 450kg trở lên, ngoại hình đẹp, cân đối, khoẻ mạnh, tánh hăng cao, xếp cấp tổng hợp phải đạt từ cấp 1 trở lên.
- Phấn đấu đưa tỷ lệ đực giống tốt chiếm 10% tổng đàn.
- Bình tuyển trâu cái: chọn trâu cái có khối lượng từ 300kg trở lên, ngoại hình đẹp, cân đối, khoẻ mạnh, bầu vú phát triển đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật, xếp cấp tổng hợp phải đạt từ cấp 2 trở lên. Tăng tỷ lệ đẻ: 8-10% đàn cái sinh sản nhằm tạo đàn cái nền phục vụ cho các vùng giống trâu…
+ Xây dựng các vùng giống trâu để cung cấp những con giống tốt cho cả nước.
+ Thực hiện đảo đực giữa các vùng chăn nuôi trâu để tránh hiện tượng cận huyết.
+ Đầu tư kinh phí nhập tinh hoặc nhập trâu đực giống để cải tạo đàn trâu nội và làm tươi máu.
2. Phương thức chăn nuôi
- Xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng trang trại thâm canh nhỏ và vừa tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
- Khuyến khích các hộ gia đình, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi trâu thâm canh kết hợp với trồng cỏ và chế biến thức ăn thô xanh.
3. Thức ăn
+ Sử dụng có hiệu quả các nguồn thức ăn sẵn có của địa phương, đồng thời chuyển đổi một số diện tích đất để trồng cỏ thâm canh nuôi trâu.
+ Quy hoạch lại diện tích trồng cỏ nuôi trâu, mạnh dạn chuyển đổi đất canh tác sang trồng cỏ, trồng thức ăn phục vụ chăn nuôi, xem trồng cỏ như là nghề nhà nông và cỏ là hàng hoá.
4. Thị trường
- Khuyến khích mở và duy trì chợ trâu truyền thống tạo điều kiện cho mua bán trâu giống và trâu thịt.
- Xây dựng chiến lược về thị trường dựa trên tiềm năng phát triển và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thịt trâu trong nước và khu vực.
- Chủ động tổ chức sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hoá có số lượng lớn, ổn định đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Hiện tại cũng như trong tương lai, con trâu vẫn tồn tại, phát triển và chiếm vị trí quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là đối với nông dân miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ.