Một số cách phơi và bảo quản thóc
Phơi nhanh
Khi trời nắng to nên dàn thóc ra thành luống, mỗi luống cao 10 – 12cm, cách nửa tiếng lại đảo thành luống mới theo các hướng khác nhau. Theo cách này thì chỉ cần phơi liên tục (từ 8 – 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều) trong 2 – 3 ngày là có thể xay xát được.
Tuy nhiên, phương pháp phơi nhanh khiến tỷ lệ gạo gãy cao, gạo nát do nước trong hạt gạo không đủ thời gian khuếch tán ra bên ngoài.
Phơi chậm
Khi phơi, thóc được tãi thành luống như cách trên nhưng ngày đầu tiên chỉ phơi nắng khoảng 2 giờ, ngày thứ hai phơi 3 giờ, ngày thứ ba phơi 4 giờ. Cứ 15 phút lại cào đảo các luống 1 lần theo các hướng khác nhau. Các ngày sau đó thóc được phơi 5 – 6 giờ/ngày đến khi đạt độ ẩm thích hợp cho việc xay xát và bảo quản.
Với cách phơi chậm như trên thì chỉ 5 ngày là thóc khô đạt yêu cầu.
Cách bảo quản
Mục đích bảo quản là giữ cho hạt thóc không bị ẩm ướt, không bị lên men, nấm mốc, hạn chế côn trùng, chuột tấn công. Dụng cụ bảo quản thích hợp là chum, vại, bồ, hòm, thùng phuy, cót,... có nắp đậy kín. Cách này thường được các gia đình áp dụng với số lượng nhỏ. Thóc sau khi phơi khô đến độ thuỷ phần an toàn (12 – 13%), quạt sạch để loại bỏ tạp chất, sâu mọt và chuyển vào các dụng cụ bảo quản đã được làm sạch, khô ráo để cất dùng dần. Nếu đậy kín, để nơi khô ráo, thoáng mát có thể bảo quản được một vài năm mà chất lượng gạo vẫn đảm bảo, tỷ lệ hao hụt không đáng kể.
Bà con cần chú ý kiểm tra thóc thường xuyên để tránh mối, mọt, chuột xâm nhập gây hại, làm giảm chất lượng gạo.