Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 15/09/2011 18:23 (GMT+7)

Một số bài học rút ra từ chương trình “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống” trên đài truyền hình Nghệ An

I. Nội dung chương trình SHTT&CS

Chương trình SHTT&CS có các chuyên mục chính:

1. Bản tin

Bản tin trong chương trình SHTT&CS chủ yếu là những phóng sự ngắn, có thời lượng trung bình 5 phút. Chương trình đã sản xuất 40 bản tin với hai tên gọi: Bản tin thương hiệu và Bản tin sáng tạo với nội dung tương ứng.

- Bản tin thương hiệu:Có 6 bản tin với nội dung phản ánh những thông tin và hoạt động chung về thực thi Luật SHTT hoặc hoạt động của các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Sở KH&CN, Công an…; 26 bản tin về hoạt động SHTT của các doanh nghiệp, làng nghề, qua đó giới thiệu một số doanh nghiệp và sản phẩm có uy tín của Nghệ An.

- Bản tin sáng tạo: Có 1 bản tin về thực thi quyền tác giả ở Nghệ An; 5 bản tin về các công trình đạt giải thưởng sáng tạo KH&CN Nghệ An; 2 bản tin về một số giống cây trồng mới.

Có thể nói các bản tin được sản xuất đã bám sát thực tiễn về thực thi Luật SHTT trên địa bàn Nghệ An, đồng thời cũng phát hiện, nêu lên những yếu kém và bất cập trong việc thực thi Luật SHTT, gợi mở một số ý kiến mới.

2. Phóng sự chuyên đề

Dự án đã xây dựng 4 phóng sự chuyên đề về SHTT với thời lượng 10-12 phút/phóng sự, nội dung tập trung khai thác những vấn đề về xây dựng, bảo hộ và phát triển thương hiệu của các sản phẩm và doanh nghiệp. Qua đó, phân tích sâu những kinh nghiệm, bí quyết của doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển thương hiệu, về đấu tranh chống những hành vi xâm phạm nhãn hiệu, bảo vệ uy tín, lợi ích của doanh nghiệp; đồng thời phản ánh những khó khăn, những vấn đề đang đặt ra của doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan nhà nước.

3. Ý kiến chuyên gia

Với hình thức người dẫn chương trình đặt câu hỏi, chuyên gia trả lời, 38 tiết mục “Ý kiến chuyên gia”đã tập trung vào một số vấn đề quan trọng về phổ biến kiến thức SHTT và thực thi Luật SHTT. Trong đó, ngoài những cây hỏi chung về Luật SHTT, chuyên mục đã có khơi gợi để chuyên gia phân tích sâu thêm những vấn đề thường gặp phải trong thực tiễn ở Nghệ An.

4. Tọa đàm truyền hình

Dự án đã tổ chức hai cuộc tọa đàm truyền hình là “Doanh nghiệp Nghệ An với SHTT”“Quản lý nhà nước về SHTT ở Nghệ An”. Nhìn chung hai cuộc tọa đàm đã được tổ chức nghiêm túc, có nội dung khá sâu sắc. Các khách mời đều là những nhà chuyên môn, nhà quản lý nắm vững pháp luật, có kinh nghiệm trong quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp được mời cũng là những nhà doanh nghiệp khá dày dạn trên thương trường, có kinh nghiệm và đã trải nghiệm qua thực tiễn về thực thi quyền SHTT.

5. Tiểu phẩm tình huống

Ngoài việc khai thác, lựa chọn và sử dụng một số tiểu phẩm tình huống của chương trình “Chắp cánh thương hiệu”trên Đài TH Việt Nam, dự án đã xây dựng 12 tiểu phẩm tình huống. Dù đây chỉ là những tiểu phẩm tình huống ngắn (3-4 phút) nhưng đã xây dựng như những tác phẩm hoàn chỉnh, có tính hài hước. Trong đó có câu chuyện dựa theo các tình huống có thật, phản ánh những hành vi vi phạm hoặc không vi phạm luật SHTT, sau đó đan cài các câu hỏi để khán giả tham gia trả lời các tình huống đó là vi phạm hay không vi phạm pháp luật.

6. Về tổ chức tương tác với khán giả

Chương tình đã tổ chức tương tác với khán giả qua nhắn tin giải đáp các tình huống của 41 chương trình. Theo con số thống kê, toàn bộ chương trình đã có trên 4.000 lượt khán giả tham gia. Ban tổ chức đã tổ chức trao giải và gặp gỡ khán giả trúng thưởng ba lần, với 40 giải nhất, 80 giải khuyến khích. Có thể nói, chương trình tạo nên một số lượng khán giả khá ổn định, trong đó có tỷ lệ cao là thanh thiếu niên, học sinh và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, với tư cách một chương trình truyền thông về Luật SHTT trên đài truyền hình, việc thực hiện dự án vẫn có một số vấn đề chưa tốt, cần phải tiếp tục điều chỉnh, nâng cao, như: chất lượng các bản tin chưa thật phong phú, chưa khai thác được nhiều vấn đề về SHTT; một số chương trình chưa thật hấp dẫn, giữa các chuyên mục chưa thật gắn bó, hỗ trợ cho nhau; số lượng khán giả tham gia tương tác chưa nhiều, thành phẩn cũng chỉ bó hẹp trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

II. Một số kết luận và bài học kinh nghiệm

Qua quá trình tổ chức thực hiện dự án “Xây dựng và phát sóng chương trình “Sở hữu trí tuệ và cuộc sống” trên Đài truyền hình Nghệ An”,với những kết quả đạt được và những tồn tại hạn chế, có thể rút ra một số kết luận và bài học kinh nghiệm sau đây:

1. Truyền thông về Luật SHTT cần xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Mục đích của truyền thông về SHTT là hướng đến người hưởng lợi, trong đó có hai đối tượng quan trọng nhất là doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, muốn thu hút sự quan tâm của hai đối tượng này thì chương trình truyền thông phải xuất phát từ chính nhu cầu của họ. Qua nghiên cứu thực tế, có thể thấy rằng doanh nghiệp Nghệ An có nhu cầu về kiến thức, kỹ năng đăng ký bảo hộ và quản lý tài sản SHTT của họ như nhãn hiệu, kiểu dáng, quyền tác giả, đồng thời cũng có nhu cầu quảng bá sản phẩm doanh nghiệp mình nhằm hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh. Còn người tiêu dùng, họ có nhu cầu mua được hàng chính hãng, có chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Chính vì vậy, khi lựa chọn nội dung truyền thông, các tác giả đã cố gắng tập trung vào những vấn đề trọng tâm của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Từ những nội dung đó dần dần những phạm trù, khái niệm mới về SHTT, nhưng nội dung của chương trình vẫn gần gũi, thiết thực của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Mặt khác, chương trình không chỉ phản ánh, mà bằng sức mạnh của truyền thông đã tạo áp lực dư luận xã hội, phê phán các hành vi sai trái, nhất là tệ nạn sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, kinh doanh không lành mạnh. Nhờ có thông tin mà người tiêu dùng cũng được bảo vệ và biết cách tự bảo vệ mình.

2. Nội dung truyền thông về Luật SHTT cần đảm bảo gắn chặt giữa lý luận (khoa học về SHTT và luật pháp về SHTT) với thực tiễn và kinh nghiệm thực thi Luật SHTT ở Nghệ An

SHTT là một khái niệm tuy không mới, gắn bó thiết thân với doanh nghiệp và người dân, nhưng về nhận thức lý luận thì chưa thật sự thông dụng với nhiều người. Từ phổ thông đến đại học, ngoại trừ một vài trường chuyên ngành, tất cả các trường đều không đào tạo về vấn đề này. Chính vì vậy, truyền thông về SHTT không phải là đào tạo lại, là nói thêm cho rõ, mà gần như phải bắt đầu từ những khái niệm cơ bản, những thuật ngữ, những quy tắc cụ thể. Ngôn ngữ truyền thông cũng không như ngôn ngữ sư phạm mà phải có tính đại chúng cao, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, lại có thể gây ấn tượng, tác động đến nhiều người, gây hiệu ứng xã hội. Chính vì vậy, ngoài việc lựa chọn nội dung thích hợp, thì cũng phải tìm ra phương pháp và ngôn ngữ truyền thông thích hợp. Một vấn đề quan trọng có thể rút ra ở đây là phải kết hợp giữa phân tích lý luận (khoa học và pháp luật về SHTT) với lấy thực tiễn để minh họa. Người xem sẽ khó có thể hiểu và phân biệt được khái niệm nhãn hiệu và nhãn hàng hóa, nếu không đưa ra một cái chai nước khoáng ra để minh họa. Tương tự những khái niệm khó như sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý, nếu không có dẫn chứng thực tế sinh động, hiệu quả truyền thông sẽ không cao. Quan điểm nhất thể hóa giữa lý luận và thực tiễn đã chi phối toàn bộ chương trình từ kịch bản tổng thể, kịch bản chi tiết mỗi số phát sóng, hay đơn giản là trong một tiết mục nhỏ “Ý kiến chuyên gia”. Bao giờ cũng có sự lồng ghép, đan cài giữa phần nói về lý luận và phần phản ánh thực tiễn. Những nội dung gây được hiệu quả truyền thông cao là những “Phóng sự chuyên đề” và “Ý kiến chuyên gia”trong đó dùng lý luận để phân tích, mổ xẻ thực tiễn của doanh nghiệp, sản phẩm. Đôi khi nhờ vậy mà phát hiện ra những vấn đề mà người trong cuộc cũng chưa nghĩ tới. Hiệu quả sẽ là cao hơn nếu chúng ta biết xuất phát từ những vấn đề thiết thân của doanh nghiệp và sản phẩm của Nghệ An để đặt vấn đề và giải quyết. Khi đó khán giả sẽ thấy SHTT không chỉ quan trọng với các sản phẩm nổi tiếng, với các nền kinh tế lớn, mà càng quan trọng hơn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với các làng nghề và các sản phẩm nói chung.

3. Cần “mềm hóa” các hình thức về nghệ thuật tuyên truyền về Luật SHTT

Như trên đã nói, truyền thông không phải là dạy học với những quy chuẩn sư phạm nghiêm ngặt. Nhưng, trong khuôn khổ khắt khe của thời lượng, của lịch trình phát sóng, phải lựa chọn được hình thức, nghệ thuật phù hợp với nội dung cần truyền thông, mà cụ thể trong trường hợp này là về SHTT. Từ suy nghĩ đó, trong quá trình thực hiện chương trình đã luôn tìm cách “mềm” hóa, sinh động hóa hình thức và nghệ thuật tuyên truyền. Nhờ đó, những vấn đề rất khó về khoa học, về pháp luật đã được kéo lại gần hơn với cuộc sống và diễn đạt theo ngôn ngữ đại chúng. Những sự kiện, con người và việc làm bình thường được phân tích, bình luận để làm sáng tỏ những khái niệm, những nguyên tắc mang tính chất học thuật. Nhờ vậy mà những vấn đề khó trở nên dễ hiểu hơn, vấn đề khô khan trở nên sinh động hấp dẫn hơn. Đặc biệt, việc tuyên truyền về Luật SHTT dưới hình thức các tiểu phẩm tình huống là một cố gắng lớn để chuyển tải các nội dung nghiêm túc, khó hiểu, khó nhớ đến với khán giả một cách nhẹ nhàng, dí dỏm, dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Các tiểu phẩm đã khai thác các mô típ chuyện dân gian, các thủ pháp hài hước dân gian và hiện đại để mang đến những tiếng cười dí dỏm, mà không kém sâu sắc cho khán giả. Qua tiếng cười và sau tiếng cười là những thông điệp cần chuyển tải về khoa học và pháp luật. Tuy nhiên một điều không kém phần quan trọng được rút ra đó là cần phải tiết chế sự hài hước trong một giới hạn nhất định, vừa phải, nếu không sẽ gây phản cảm hoặc thậm chí phản tác dụng truyền thông.

4. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chuyên gia về SHTT với các phóng viên, biên tập viên truyền hình

Kịch bản dù có chi tiết đến đâu thì cũng không thể chỉ dẫn đến mức chi tiết cho người ghi hình hay biên tập, viết lời bình. Chính vì vậy, suốt quá trình sản xuất chương trình, từ bản tin đến các chuyên mục khác, trong các khâu của quá trình này cần phải có sự phối hợp, cộng tác giữa các chuyên gia về SHTT và người làm phim. Ý đồ của chuyên gia phải được chuyển đến người làm phim một cách chính xác, đầy đủ. Trên cơ sở đó người làm phim sẽ tìm cách thể hiện nó bằng ngôn ngữ truyền hình, mà trong đó quan trọng nhất là hình ảnh. Cũng ghi hình một bao gạo, một chai tương, nhưng nếu muốn nó mang được thông điệp về SHTT thì không thể không đặc tả nhãn hiệu, nhãn hàng hóa, kiểu dáng bao gì. Tương tự nội dung phỏng vấn các nhân vật nếu không có kiến thức về SHTT thì cũng không biết cách khai thác sâu về lĩnh vực này được. Điều này không chỉ đòi hỏi người làm truyền hình phải có hiểu biết ít nhiều về SHTT, mà ngược lại nhà chuyên môn cũng phải biết được những đặc trưng cơ bản của ngôn ngữ truyền hình. Có như vậy sự phối hợp mới chặt chẽ, ăn ý đem lại hiệu quả cao.

5. Cần huy động được sự tham gia của doanh nghiệp với tư cách vừa là người hưởng lợi vừa là chủ thể của chương trình truyền thông

Chương trình SHTT&CS nhằm hướng đến doanh nghiệp là chủ yếu, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa doanh nghiệp chỉ là đối tượng chịu sự phản ánh và hưởng lợi một cách thụ động. Doanh nghiệp cần và nên là một chủ thể trong hoạt động truyền thông này. Kinh nghiệm cho thấy, nếu doanh nghiệp không nhiệt tình cộng tác và hỗ trợ thì chương trình không thể thành công. Vì vậy, trong quá trình xây dựng chương trình có liên quan đến doanh nghiệp, nhóm sản xuất chương trình cần trao đổi kỹ với chủ doanh nghiệp về mục đích, nội dung, cách thức thực hiện, ý định với doanh nghiệp. Qua trao đổi, một mặt để doanh nghiệp hiểu về chương trình, mặt khác cũng giúp người làm chương trình tìm hiểu thêm về doanh nghiệp. Đề cương hay kịch bản nội dung truyền thông về doanh nghiệp cũng cần có sự trao đổi, tranh thủ ý kiến của chủ doanh nghiệp. Một mặt, tôn trọng ý kiến của chủ doanh nghiệp, cố gắng khai thác nội dung về SHTT để quảng bá cho sản phẩm hoặc hình ảnh của doanh nghiệp, mặt khác, khéo léo đan cài ý kiến của doanh nghiệp để thực hiện yêu cầu truyền thông về SHTT. Ngay cả về kinh phí, khi truyền thông đương nhiên doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi, do vậy cũng phải yêu cầu doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí nhất định. Kinh nghiệm cho thấy, khi đóng góp kinh phí, bản thân doanh nghiệp cũng quan tâm, có trách nhiệm với sản phẩm truyền thông được tạo ra.

Từ những thành công và chưa thành công của chương trình truyền thông SHTT&CS trên Đài TH Nghệ An, có thể thấy rằng: việc tiếp tục truyền thông một cách định kỳ, đều đặn, lâu dài về SHTT trên Đài TH Nghệ An là rất cần thiết. Có như vậy mới tạo được dấu ấn trong trí nhớ khán giả. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chúng ta không thể kéo dài dự án truyền thông SHTT&CS trên Đài TH Nghệ An hết năm này sang năm khác. Trong lúc đó, hàng tháng trên Đài TH Nghệ An vẫn có chuyên mục chuyên đề truyền hình KH&CN, chủ yếu về các tiến bộ KH&CN được ứng dụng trên địa bàn. Chính vì vậy, xin đề xuất lồng ghép hai nội dung về KH&CN và SHTT thành một chương trình trên Đài TH Nghệ An là: “Tạp chí truyền hình KH&CN Nghệ An”. Nội dung của chương trình bao gồm những chuyên mục chính như: Bản tin; Phóng sự chuyên đề; Ý kiến chuyên gia; Tiểu phẩm tình huống. Đây cũng là cách hợp lý nhất để tiếp tục phát huy hiệu quả của chương trình SHTT&CS./.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.