Một nông dân chế tạo thành công máy gieo hạt cà rốt
Là người dân trong vùng, cũng như bao gia đình khác, gia đình ông Nguyễn An Hiên, thôn An Phú, xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng cũng trồng cà rốt. Khác với nhiều hộ, gia đình ông coi việc gieo trồng cà rốt là nghề đem lại nguồn thu nhập chính. Do vậy, gia đình ông đã thuê thêm ruộng đất để sản xuất với quy mô lớn, mỗi vụ khoảng 6 mẫu trồng cà rốt. Với diện tích canh tác như trên, năm nào vợ chồng ông cũng phải vất vả chạy ngược, chạy xuôi để thuê thêm người làm.
Qua nhiều năm trồng cà rốt trên đồng ruộng, thấu hiểu nỗi vất vả của công việc này, ông Hiên đã có ý tưởng phải tự chế ra một công cụ để hỗ trợ cho việc gieo trồng cà rốt của mình. Từ ý tưởng ban đầu, sẵn tính quyết đoán, chịu khó và sáng tạo, ông đã say sưa nghiên cứu, lựa chọn mô hình và nguyên lý hoạt động của chiếc máy dựa trên khảo sát, đo đạc và ghi chép kỹ các thông số như: độ rộng, độ cao mặt luống, khoảng cách các luống, mật độ gieo hạt để tính toán thiết kế chiếc máy sao cho phù hợp với thực tế gieo trồng cà rốt trên đồng ruộng.
Sau nhiều ngày lao động vất vả để nghiên cứu, ông đã tự đi mua vật tư về chế tạo và tự tay lắp ráp chiếc máy theo mô hình. Tuy vậy không đơn giản, vì trong quá trình thực hiện lắp ráp chiếc máy này, ông đã phải mất rất nhiều thời gian, công sức cho việc chỉnh sửa, cắt gọt, tháo ra, lắp vào... Và "có công mài sắt, có ngày nên kim", sau gần một tháng liên tục chỉnh sửa, khắc phục, cuối cùng ông đã hoàn thiện, cho ra đời chiếc máy gieo hạt cà rốt đầu tiên vào tháng 6 năm 2008..
Phấn khích với thành quả nghiên cứu của mình, ngay trong vụ sản xuất cà rốt năm 2008 ông Hiên đã chính thức đưa chiếc máy vào kiểm chứng trên đồng ruộng. Điều đáng mừng là chỉ sau một vài sự điều chỉnh nhỏ, chiếc máy gieo hạt của ông đã tỏ ra rất hữu dụng, có thể thay thế được việc gieo hạt bằng tay mất nhiều thời gian, công sức mà các hộ dân ở đây vẫn thực hiện. Việc áp dụng chiếc máy gieo hạt cà rốt không chỉ giúp gia đình ông nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất từ việc thuê lao động mà quan trọng hơn là giúp cho công việc sản xuất của ông có thể chủ động hơn. Về tính năng, tác dụng của máy theo ông Hiên cho biết, chiếc máy này không chỉ phục vụ rất tốt cho việc gieo hạt cà rốt mà còn có thể phục vụ gieo những loại hạt khác có kích cỡ tương tự như hạt cà rốt. Năng suất của mỗi máy có thể đạt được 2 mẫu/ngày. Như vậy so với việc gieo hạt cà rốt bằng tay, chiếc máy của ông có thể thay thế cho khoảng 15 lao động thủ công làm việc cả ngày.
Tiếng lành đồn xa, sau khi trực tiếp tai nghe, mắt thấy, nhiều bà con trong xã đã đề nghị ông làm giúp họ mỗi gia đình một chiếc. Thấu hiểu sự vất vả và nỗi lo của bà con, ông Hiên không ngần ngại làm thêm 20 chiếc nữa để vừa bán vừa hỗ trợ cho bà con áp dụng vào vụ sản xuất năm 2009. Đối với những bà con có nhu cầu về máy nhưng ông không có điều kiện trực tiếp sản xuất, ông không ngần ngại chuyển giao kỹ thuật sản xuất hoặc cho mọi người đến quan sát, nghiên cứu để về tự chế. Trao đổi với chúng tôi ông tâm sự rất chân tình: "Mình làm ra chiếc máy này cốt để giải phóng một phần sức lao động, khắc phục tình trạng thiếu nhân công mỗi khi tới vụ. Do đó, mình không có ý tưởng đăng ký bảo hộ hay giữ lại giải pháp này để thương mại hoá sản phẩm mà muốn chia sẻ giải pháp này để giúp bà con nông dân cùng ứng dụng trong sản xuất".
Hiện nay, trên địa bàn xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, loại máy này đã được bà con nông dân tự chế tạo và sử dụng phổ biến trong việc gieo hạt cà rốt. Như vậy, từ ý tưởng và lao động sáng tạo của ông Hiên mà nhiều người dân trong vùng cũng đỡ vất vả hơn, trẻ em của các gia đình đã ít phải tham gia vào hoạt động gieo hạt cà rốt như các vụ sản xuất trước kia.
Mặc dù giải pháp kỹ thuật máy gieo hạt cà rốt do ông Nguyễn An Hiên sáng tạo ra đã được chủ ý bộc lộ từ năm 2009 và không còn đáp ứng tiêu chuẩn về tính mới để bảo hộ sáng chế hay giải pháp hữu ích, nhưng việc tạo ra chiếc máy gieo hạt cà rốt là một sáng tạo có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao năng suất và giải phóng sức lao động cho người nông dân. Với mục đích động viên, khuyến khích và tôn vinh cho người sáng tạo, đồng thời phổ biến kỹ thuật này cho nhiều hộ nông dân, Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đang tạo điều kiện và khuyến khích ông làm thủ tục để đưa giải pháp kỹ thuật tham gia Giải thưởng Khoa học công nghệ Côn Sơn và Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VII.