Mối liên hệ giữa túi Khót, Mo Mường và nền văn minh thời dựng nước
Đã gọi là nghề thì phải có công cụ, có thể chia công cụ hành nghề của thầy Mo thành hai loại: Loại thứ nhất là công cụ không thể cầm, sờ được, thầy Mo phải nhớ trong đầu. Đó là các bài cúng, các bài Mo. Đây là công cụ phi vật thể. Loại thứ hai là đồ vật được cầm, khoác lên người khi hành lễ, hay khi cần dùng trong hành nghề. Túi Khót của thầy Mo - Clượng là một trong nhiều công cụ vật thể. Đó là những túi vải đựng những vật được cho là linh thiêng, dùng làm vật hộ thân, là công cụ trấn trị ma quỷ trong khi hành nghề.
Gạt bỏ đi những yếu tố huyền hoặc, dị đoan, qua Sử thi Đẻ Đất - Đẻ Nước, ta có thể thấy túi Khót của các thầy Mo Mường như tín hiệu văn hoá có những mối liên hệ với nền văn minh cổ xưa của người Mường.
Túi Khót
Khótnguyên bản cổ trong tiếng Mường được hiểu là những viên đá lạ, đá quý hiếm có linh hồn và có tính thiêng.
Túi Khót của thầy Mo - Clượng không hẳn là túi chỉ đựng riêng khót, mà là tập hợp của nhiều loại đồ vật khác nhau. Túi Khót càng nhiều thứ lạ thì oai thiêng của thầy Mo càng được dân gian tôn sùng. Người Mường gọi túi Khót là túi đồ quý, đồ thiêng, đồ thẳn(rắn).
Qua sưu tầm quan sát thấy túi Khót của thầy Mo - Clượng có nhiều thứ, nếu phân loại thuần tuý theo vật liệu, có thể thấy cơ bản được làm từ: kim loại (cụ thể là đồng), đá, xương, sừng động vâậ và các loại quả thực vật dị dạng. Cách phân loại này không đem lại nhiều hiểu biết về bản chất và giá trị sử dụng của các đồ vật.
Nếu phân loại theo hình dạng đồ vật, tác dụng sử dụng thì phức tạp hơn nhưng chính xác hơn, qua đó giúp hiểu được bản chất của đồ vật và hiểu được giá trị sử dụng cũng như các tín hiệu văn hoá giờ đã thành thuộc tính của các đồ vật đó, bao gồm các công cụ của người tiền sử, xương và sừng, răng… của các loại động vật.
Cơ bản túi Khót có các thứ như sau:
Đồ làm bằng kim khí.
Đồ bằng đá, loại đá được chế tác và đá thô chưa được chế tác.
Đồ bằng răng, xương, móng vuốt động vật.
Đồ bằng quả thực vật.
Một số loại quặng.
Đồ bằng củ.
Trong đó đồ bằng kim khí, bằng đá chế tác chiếm vị trí quan trọng trong túi Khót. Nếu tính tỉ lệ, nó chiếm trên dưới 50% số lượng các đồ có trong túi Khót của các thầy Mo. Đây là hai đối tượng của bài viết này.
Đồ làm bằng kim khí
Đồ kim khó có trong túi Khót của các thầy Mo chủ yếu được làm bằng đồng, đó là các cổ vật thời văn hoá Đông Sơn. Chúng được người Mường gọi chung là các Đoònghoặc Chầm khét(Lưỡi tầm sét)… sau đó căn cứ vào hình dạng của từng loại đặt tên cho nó.
Đoòngtrong tiếng Mường là từ đa nghĩa, trong đó chỉ loại vũ khí thô sơ bằng thân cây tre, vầu vót nhọn dùng để săn bắn, đó là cây lao.
Chầm khét - Lưỡi tầm sét là tên gọi xuất phát từ hiện tượng khi sét đánh xuống làm xới tung mặt đất, tại đó người ta thường nhặt được những lưỡi rìu bằng đồng thời Đông Sơn hoặc các vật bằng kim loại. Dân gian giải thích rằng đó là lưỡi rìu ông Thiên Lôi giáng xuống và bỏ lại đó. Những đồ kim loại tìm được tại nơi sét đánh rất được các thầy Mo – Clương ưa chuộng cho là đồ rất thiêng dùng trong túi Khót. Cụ thể như sau:
Đoòng hài– Đòng hài: Lưỡi rìu mũi hài, công cụ thời Đông Sơn.
Đoòng khìu– Đòng rìu: Lưỡi rìu có hinh dạng gần giống như rìu ngày nay.
Đoòng ruồi– Đòng ruồi: Đầu mũi tên đồng có ngạnh.
Đoòng lả đa– Đòng lá đa: Lưỡi rìu hình lá đa, búp đa.
Và rất nhiều loại khác nữa…
Bình thường một túi Khót của mỗi thầy Mo ít nhất cũng phải có 2 – 3 chiếc Đoòng,như túi Khót của Clượng Bùi Văn Minh ở xóm Mận, xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình có tới hơn 20 chiếc Đoòngđủ các loại.
Thầy Mo dùng những chiếc Đoòng này tượng trưng cho uy lực của Thiên Lôi được sử dụng để trấn áp, đánh ma quỷ.
Đồ chế tác từ đá
Đồ bằng đá trong túi Khót của thầy Mo cơ bản có hai loại chính, đó là các công cụ và đồ trang sức của người tiền sử được chế tác bằng đá, loại nữa là các hòn đá quý tự nhiên được nhặt gom từ trong thiên nhiên.
Công cụ bằng đá chủ yếu là các loại rìu đá của thời đá mới kéo dài đến sơ kỳ thời Đông Sơn có trong các túi Khót của thầy Mo - Clượng được gọi chung là Kẹo lẹt ma ươi- Kẹo lẹt là tiếng Mường cổ, hiện nay rất ít dùng trong đời sống, nghĩa của nó hiện mỗi thầy Mo nói một kiểu, xin dịch là Đồ của ma ươi.
Rìu đá ở đây cơ bản chỉ có hai loại: rìu đá có vai và loại rìu đá không có vai. Bình thường mỗi túi Khót của thầy Mo có ít nhất 3 – 4 chiếc rìu. Túi Khót của thầy Mo Bùi Văn Chuẩn, thường gọi theo người Mường là Bố Bằng ở xóm Vín Thượng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình, có 16 chiếc rìu đá trong đó có: 13 chiếc rìu có vai, 3 chiếc không có vai, cái nhỏ nhất chỉ bằng 3 đầu ngón tay, cái to nhất bằng bàn tay người, tất cả đều có dấu hiệu rất rõ ràng của việc chế tác và sử dụng. Túi Khót của Clượng Bùi Văn Minh ở xóm Mận, xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình có tới 30 chiếc rìu đá, chiếc nhỏ chỉ bằng 2 đầu ngón tay khép, chiếc to bằng cả bàn chân.
Đồ trang sức được chế tác từ đá là các vòng đeo tai, đeo tay, chủ yếu là bằng đá hoa cương và đá thạch anh, loại trong suốt cũng có, loại mờ đục cũng có. Người Mường gọi chung đó là những cái Lẹil - hiện vẫn chưa rõ nghĩa của danh từ này. Các thầy Mo cũng chỉ biết nó dùng để trấn trị ma Sáng Trăng, một loại ma đưụơc cho là rất độc ác, chuyên đi hại các sản phụ trong khi sinh nở.
Ngoài ra các túi Khót của thầy Mo còn có nhiều thứ như: quả dọi của người xưa; các đồ vật bằng đá như đá mài, dùi đá đập vỏ cây hay các vật cứng…
Nguồn gốc của các đồ
Ngày nay dưới ánh sáng của khoa học, người ta đã biết rõ các thứ đồ kể trên có trong túi Khót của các thầy Mo Mường là các công cụ của người xưa, phổ biến là thời kỳ văn hoá Đông Sơn đầu kỷ nguyên dựng nước của người Việt cổ. Các đồ vật là mối liên hệ đầy bí ẩn giữa nghề Mo và lịch sử đã qua.
Bao đời các thầy Mo, dân gian Mường không biết nguồn gốc của các Đoòng, các Kẹo Lẹt, Lẹil có từ đâu, song có một nguyên tắc luôn được các thầy Mo tuân thủ, đó là các đồ vật kể trên phải là đồ nhặt được ngoài thiên nhiên mới dùng được trong túi Khót. Nếu là đồ tự chế tác, tự làm sẽ không có giá trị.
Không phải thứ nào cũng là đồ thầy Mo tự mình nhặt được, chủ yếu là do người dân đi vào rừng, đi làm đồng, vô tình cày, cuốc, xới đất lên nhặt được các Đoòng, các Kẹo Lẹt. Do tin rằng đây là những vật thiêng, nếu để trong nhà dễ gây ra đau ốm, nên họ thường mang cho các thầy Mo, vì cho rằng các vị này có pháp thuật, có thể trấn, yểm sai khiến được chúng. Đây là nguồn chủ yếu bổ sung các đồ kể trên trong túi Khót của các thầy Mo.
Việc sử dụng túi Khót
Bình thường túi Khót là vật nằm yên, vô tri, dạng tiềm năng, khi cần sử dụng các thầy Mo, Clượng phải khấn bài cúng Zẩyl Khót(đánh thức Khót) và niệm chú sai khiến Khót. Việc sử dụng các bài đánh thức Khót xuất phát từ quan niệm coi chúng là vật thiêng, có linh hồn, có quyền năng vô hình, khi được đánh thức các thầy Mo sẽ sai khiến Khót trong công vịêc trấn trị ma quỷ của mình. Cùng với túi Khót, các bài khấn Zẩyl Khótvà niệm chú sai khiến Khót là bảo bối gia truyền của các thầy Mo - Clượng, được giữ bí mật gần như tuyệt đối, kể cả con cháu, người thân nếu không được truyền dạy cũng không thể biết được, còn người ngoài thì càng không biết.
Do không có chữ viết, các sự kiện lịch sử của tộc người này thời xa xưa chủ yếu được lưu giữ bằng con đường truyền miệng. Lâu dần chúng bị phai mờ đi hay bị biến thể, chỉ còn chút hồi quan hay những mảnh vỡ được phản ánh rời rạc qua các truyền thuyết, sử thi do các nghệ nhân, các thầy Mo kể, hát trong tang lễ.
Qua việc sử dụng các công cụ kể trên của thầy Mo, có thể thấy rõ thái độ tôn sùng, tâm linh hoá các công cụ, vũ khí của người xưa thành vũ khí tâm linh được các thầy Mo dùng hộ thân, diệt trừ ma quỷ (2).
Mo sử thi của người Mường
![]() |
Trong 12 đêm, Mo tang lễ có gần trăm roóng(chương). Mo được kể cho con cháu và hồn người chết nghe, trong đó đặc biệt có các roóngMo Đẻ Đất - Đẻ Nước, được các nhà nghiên cứu đánh giá rất cao, coi đó như sử thi ghi nhớ lại lịch sử dân tộc Mường từ thuở hồng hoang đẻ ra con người, tìm ra lửa, ra khỏi cảnh ăn hang, ở hốc, ra định cư nơi thung bằng, lũng hẹp, khai khẩn đất đai, lập Quêl,lập Mường,lập Làng,hình thành nên xã hội có giai cấp phát triển cho tới ngày nay.
Các sự kiện, vấn đề mà Mo sử thi Đẻ Đất - Đẻ Nướcphản ánh là rất nhiều, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau. Có một chuỗi chi tiết mô tả khá chân xác lịch sử xa xưa của người Mường, xin vắn tắt như sau: Thuở hồng hoang có đôi Chim Ây – Cái Ứa trú trong Khụ làil woàng– Mái đá màu vàng có Hang Hanh – Hang Hao đẻ ra được bọc trứng. Sau bao ngày ấp, bọc trứng đẻ ra muôn loài vật, đẻ ra ba anh em Đá Cần, Đá Cài, Nàng út Dạ Kịt, đẻ ra:
Nhắc nhẻ tiếng Đáo (Người Kinh)
Nháo nhác tiếng Ngô, tiếng Lào
Nhao nhao tiếng người Mường…
Nói chung là đẻ ra con người thuộc nhiều tộc khác nhau. Sau đó do cuộc sống nhiễu nhương, người Mường đã vào hang mời Đá Cài ra khỏi hang để làm Lang, đi đến giữa đường bị ma đánh chết, sau đó dân Mường lại vào hang mời người em là Đá Cần ra làm Lang cai trị đất Mường:
Đá Cần chọn ngày tốt, tháng lành
Ra làm Cun kẻ sang
Làm Lang kẻ đường…
Cuộc sống khi đó thật khó khăn, hoang dã, làm gì đã có nhà cửa, lâu đài, đền gác:
Ra bưa rìu, bãi rạng
Ra ở dưới bóng cây to, bụi cây cối
Đêm ngủ còn phải đắp lá chuối
phải ở trong bụi, trong rừng
chưa có chốn ăn, chốn ở
Phải ở lẫn lộn
Ăn ở lẫn lộn với đàn hươu, nai trong rừng…
Tiếng là làm Lang, Đá Cần vẫn phải đi phát nương, phát rừng, trồng trọt tự làm lấy mà ăn. Từ khi ra khỏi hang, Lang Đá Cần cho lập Quêl Bủng,lập Mường, lập Làngở những nơi thung bằng, lũng hẹp, cạnh các con sông, suối, khai khẩn đất đai trồng lúa nương, lúa nước, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, làm nhà sàn… định cư lâu dài. Các con cháu của Lang Đá Cài, nổi hơn cả là ông vua Kẻ Chợ là Dịt Dàng đã vượt đồi, trèo non, lội suối cùng binh mường vượt qua bao hiểm nguy đi chặt cây Chu thân đồng bông lau lá thiếc.
Có thể thấy Mo sử thi đã phản ánh khá rõ, rất thực lịch sử người Mường từ hai góc độ sau đây:
Con người ban đầu ở trong hang, dưới các mái đá, sau đó chuyển dần ra định cư lập Quêl,lập Mường,lập Làngở những nơi thung bằng, lũng hẹp.
Lịch sử con người từ xã hội nguyên thuỷ, quần cư phân rã thành từng gia đình và bắt đầu phân chia giai cấp, có người cai trị, đó là tầng lớp Lang - Đạo và người bị trị là đại đa số nhân dân lao động.
Như vậy ba anh em Đá Cài, Đá Cần và Nàng út Dạ Kịt ơ trong Hang Hanh – Hang Hao là gia đình đầu tiên được biết đến của người Mường.
Mối liên hệ giữa túi Khót, Mo Mường và nền văn minh
Trong địa vực người Mường sinh sống cách đây nhiều nghìn năm đã xuất hiện nền văn hoá của thời kỳ đồ đá cũ kéo dài đến tận thời kỳ đá mới được các nhà khoa học đặt tên là văn hoá Hoà Bình. Hơn ở đâu hết, trong địa vực cư trú của người Mường ở tỉnh Hoà Bình đã phát hiện hơn 70 di chỉ văn hoá Hoà Bình tại các mái đá, hang động được người tiền sử chọn làm nơi sinh sống. Có nhiều di chỉ nổi tiếng như mái đá làng Vành, di chỉ hang xóm Trại… Con người cổ xưa đã từng ở trong hang đá, đây là điều có thực và được Mo Đẻ Đất - Đẻ Nướcphản ánh chân xác.
Việc tìm ra kim loại đồng được Mo sử thi hình tượng hoá rất sinh động qua roóng Mo Cổn Chu – Kéo Lội mô tả công cuộc hành quân của binh mường thời ông vua Dịt Dàng đi chinh phục chặt cây chu Thân đồng bông thau lá thiếcmang về đất Đồng Kỳ Đam Quan kẻ chợ… Về thực chất đó là quá trình tìm ra kim loại đồng của nghề luyện kim đúc đồng phát triển rực rỡ trong thời kỳ văn hoá Đông Sơn của người Việt cổ mà người Mường ngày nay là một bộ phận. Di vật của công cuộc này còn được bảo lưu trong túi Khót ủa các thầy Mo - Clượng, đó chính là các Đoòngnhư đã kể trên.
Quay trở lại với túi Khót của các thầy Mo - Clượng, việc sử dụng túi Khót và các công cụ được dùng làm Khót có thể thấy khá rõ mối liên hệ giữa văn hoá Mường và nền văn minh thời văn hoá Đông Sơn.
Như vậy đã rõ, Mo sử thi là một thể loại văn học dân gian truyền miệng tự thân mang chức năng phản ánh đời sống con người thời tiền sử kéo dài đến thời sơ sử, các sự kiện diễn ra trong quá khứ đã được hình tượng hoá, được các thầy Mo - Clượng lưu giữ truyền đời như bảo bối gia truyền, thành những tiếng nói thiêng chỉ để kể, để diễn xuất trong tang lễ cổ truyền. Trong túi Khót của các thầy Mo có các công cụ lao động, vũ khí của thời tiền sử, thời sơ sử, làm công cụ linh thiêng để trấn trị ma quỷ. Mối liên hệ này càng minh chứng rõ ràng hơn về mặt văn hoá, người Mường chính là hậu duệ của người Việt cổ còn bảo lưu rất đậm nét dòng văn hoá Đông Sơn cho đến tận ngày nay.
Chú thích:
1. Mo - Clượng là hai chức danh thường có trong một người làm nghề Mo, thông thường Mo đi làm lễ cho người chết (tang lễ). Clượng đi làm lễ trừ tà cho người sống và cả người chết. Túi Khót là túi đựng công cụ hành nghề của cả hai chức năng kể trên. Trong bài viết này, tác giả có lúc ghép Mo - Clượng, hoặc chỉ đơn giản gọi là thầy Mo cũng không sai bản chất sự việc.
2. Quan niệm này cũng tồn tại ở người Việt (Kinh), trước đây khi tìm được công cụ đá mới chôn vùi dưới đất (chủ yếu là rìu đá), người Việt cũng gọi đấy là “lưỡi tầm sét” và tin rằng của ông thiên lôi sau khi ra tay đã để vương vãi lại.
Tài liệu tham khảo:
- Trương Sĩ Hùng, Bùi Thiện - Vốn cổ Văn hoá Việt Nam,Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội 1995.
- Địa chí Hoà Bình, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2005.
- Nguyễn Văn Huyên – Đồ Đồng cổ Đông Sơn.
- Nguyễn Khắc Sử - Các văn hoá Sơn vi, Hoà Bình, Bắc Sơn.Giáo trình đào tạo sau đại học, Hà Nội, 1998.